Hotline 24/7
08983-08983

Vắc xin Pfizer-BioNTech và Oxford-AstraZeneca có hiệu quả, nước Anh dự kiến mở cửa trường học trở lại vào ngày 8/3

Tại Anh, việc tiêm chủng vắc xin Pfizer/BioNtech và Oxford-AstraZeneca đang làm giảm tình trạng lây nhiễm COVID-19, cũng như giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong.

Theo nhật báo Anh Independent, việc tiêm chủng vắc xin Pfizer/BioNtech đang làm giảm tình trạng lây nhiễm COVID-19, cũng như tử vong ở người cao tuổi. Vắc xin này cũng giúp giảm tỷ lệ nhập viện.

Hôm 22/2, thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo kế hoạch nới lỏng phong tỏa cùng lúc hai nghiên cứu mới công bố cho thấy khả năng chống dịch hiệu quả thực sự của vắc xin Pfizer. Tại Anh, trường học sẽ mở cửa trở lại vào ngày 8/3/2021, và nhiều gia đình sẽ được phép gặp nhau ngoài trời vào cuối tháng 3 sắp tới.

Tin vắc xin Pfizer làm giảm nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng như giảm số ca nhập viện và tử vong là một tin vui đối với người dân các nước phát triển.

Cơ quan Y tế cộng đồng Anh (PHE) cho biết kết quả từ nghiên cứu có tên Siren nhằm đánh giá miễn dịch và tái nhiễm virus SARS-CoV-2 chú trọng vào sự lây nhiễm COVID-19 ở 40.000 nhân viên NHS được xét nghiệm hai tuần một lần. Nghiên cứu chỉ ra vắc xin Pfizer có khả năng chống cả COVID-19 có triệu chứng lẫn không triệu chứng. Số ca nhiễm đã giảm 72% chỉ trong 21 ngày sau khi tiêm mũi đầu tiên. Tính hiệu quả tăng lên 86% sau mũi thứ hai.

Dữ liệu xét nghiệm COVID từ một nghiên cứu khác cũng cho thấy khả năng chống bệnh có triệu chứng ở người hơn 80 tuổi được tiêm một liều vắc xin đạt 57%, bốn tuần sau mũi tiêm đầu tiên.

Liều thứ hai của vắc xin tăng khả năng bảo vệ người hơn 80 tuổi lên 85%. Theo PHE, số ca nhập viện và tử vong vì COVID-19 có thể giảm đến 75%.

Phân tích trên cho thấy vắc xin đã chống biến thể virus SARS-CoV-2 một cách hiệu quả.

Cũng trong ngày 22/2, một nghiên cứu tại Scotland cho biết hiệu quả của vắc xin Pfizer-BioNTECH đạt 85% trong việc giảm nguy cơ nhập viện và vắc xin Oxford-AstraZeneca đạt 94%.

Trong một cuộc họp báo, Tiến sĩ Susan Hopkins, một thành viên của PHE, nói: “Vắc xin giúp chúng ta hạ thấp tỉ lệ mắc bệnh không triệu chứng và có triệu chứng. Đây là lần đầu tiên hoạt động của vắc xin Pfizer-BioNTech được nghiên cứu một cách có hệ thống.”

Bà cũng cho biết thêm: “Giảm nguy cơ mắc bệnh có triệu chứng và không triệu chứng là cách tốt nhất ngăn tình trạng lây nhiễm. Khi chúng ta giảm được số người bệnh có triệu chứng cũng đồng nghĩa với giảm số bệnh nhân không triệu chứng.”

Nghiên cứu thứ hai so sánh các bệnh nhân được tiêm ngừa với các bệnh nhân khác dựa theo độ tuổi, giới tính, địa điểm và họ có ở viện dưỡng lão hay không từ ngày 8/12/2020 đến ngày 12/2/2021.

Cơ quan Y tế Cộng đồng Anh cho biết họ đang thực hiện nghiên cứu tương tự đối với vắc xin Oxford-AstraZeneca. Vắc xin này bắt đầu được sử dụng vào tháng 1/2021.

Matt Hancock - Bộ trưởng Y tế Anh, cho biết: “Bản báo cáo quan trọng trên khẳng định rằng vắc xin có tác dụng trong việc chống virus SARS-CoV-2. Đây là tin tốt đối với chúng ta khi vắc xin Pfizer có thể kháng lại virus này.

Các vắc xin cứu được nhiều mạng người và việc phân phối thuốc chủng ngừa nhanh chóng hết sức quan trọng. Số lượng người được tiêm ngừa càng cao thì diễn biến càng tốt. Bằng chứng mới đã chứng minh rằng vắc xin sẽ bảo vệ bản thân chúng ta và những người xung quanh.”

Trọng Dy (dịch)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X