Hotline 24/7
08983-08983

Vắc xin ngừa COVID-19 có khiến chị em trễ kinh, thay đổi nội tiết?

Đây là câu hỏi của rất nhiều chị em phụ nữ gửi về cho AloBacsi trong thời gian qua. Để làm sáng tỏ thắc mắc này, BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên - Bệnh viện Từ Dũ đã có nhiều chia sẻ hữu ích trong bài viết dưới đây.

1. Trễ kinh sau khi tiêm ngừa COVID-19, nguyên nhân do đâu?

Gần đây, một số chị em phụ nữ sau khi chích ngừa COVID-19 thì bị trễ kinh, xin BS cho biết là tình trạng này có được ghi nhận trong những nghiên cứu về phản ứng phụ sau tiêm không, và nếu có thì tỷ lệ có khác nhau giữa các loại vắc xin không ạ?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Dịch COVID-19 khiến chúng ta đối diện với nhiều nỗi lo. Đầu tiên, chúng ta lo lắng làm sao được chích ngừa sớm để phòng bệnh. Sau khi chích ngừa lại lo lắng về các tác dụng phụ, tai biến, ảnh hưởng về sau.

Tất cả các vắc xin khi được đưa ra thị trường đều đã được nghiên cứu nghiêm ngặt. Cho đến hiện tại, các bằng chứng cho thấy vắc xin ngừa COVID-19 là một loại vắc xin an toàn.

Mỗi loại vắc xin sẽ có những tác dụng phụ khác nhau. Ví dụ sau khi tiêm có thể sốt, đau cơ, rối loạn tiêu hóa, hoặc biến chứng nặng hơn nhưng rất hiếm gặp như viêm cơ tim, sốc phản vệ. Trong số tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin được ghi nhận, nghiên cứu và công nhận thì không có rối loạn nội tiết. Hiện, rối loạn kinh nguyệt chưa được coi là một tác dụng phụ sau tiêm vắc xin COVID-19.

Với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, việc trễ kinh, rối loạn kinh nguyệt là vấn đề rất thường gặp và do rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, về mặt chuyên môn, tâm lý của người phụ nữ cũng có gây ra tình trạng này. Chẳng hạn, sự căng thẳng trước kỳ thi hoặc một sự kiện quan trọng nào đó cũng có thể khiến cho các chị em bị rối loạn kinh nguyệt. Do đó, đôi khi vấn đề rối loạn kinh nguyệt vô tình xuất hiện đúng thời điểm sau khi tiêm ngừa COVID-19.

Trên thế giới cũng có một vài nghiên cứu nhỏ lẻ, chẳng hạn như ở Trung Quốc, các nhà khoa học cũng ghi nhận triệu chứng rối loạn kinh nguyệt sau chích ngừa COVID-19. Nhưng vẫn chưa đủ bằng chứng lâm sàng để khẳng định tình trạng này là do vắc xin. Hơn nữa, triệu chứng rối loạn kinh nguyệt nếu có thì cũng chỉ thoáng qua và không gây hậu quả lâu dài.

Vì vậy, dù có tiêm ngừa hay không tiêm ngừa COVID-19, khi xuất hiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt cũng đều cần đi thăm khám để xác định, loại trừ nguyên nhân mang thai, hoặc nếu không có quan hệ tình dục thì vẫn có những rối loạn nội tiết khác cũng cần phải theo dõi, điều trị.

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên với kinh nghiệm hơn 10 năm công tác tại Bệnh viện Từ Dũ

2. Các nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt là gì?

Thông thường, nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt là gì, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Như đã nói ở trên, có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt. Đầu tiên, với một trường hợp ra huyết bất thường, khi đến khám bác sĩ sẽ phải loại trừ nguyên nhân mang thai. Bởi trong giai đoạn đầu tiên của thai kỳ người phụ nữ sẽ bị trễ kinh, có thể ra huyết bất thường.

Sau khi loại trừ việc mang thai sẽ đánh giá các nguyên nhân khác, từ thần kinh, đến buồng trứng, nội mạc tử cung. Ngoài ra, có những nguyên nhân gây ra huyết bất thường mà không liên quan đến nội mạc tử cung, điển hình như bệnh lý cổ tử cung, chấn thương cơ quan sinh dục…

Do đó, khi một người phụ nữ đến khám với triệu chứng ra huyết bất thường sẽ được các bác sĩ Sản phụ khoa thăm khám, đánh giá đầy đủ để tìm ra nguyên nhân, can thiệp nếu cần.

3. Dùng thuốc ngừa thai hằng ngày có giúp điều hòa kinh nguyệt?

Một số chị em mách nhau cách làm cho kinh nguyệt đều trở lại là dùng thuốc ngừa thai hằng ngày. Theo BS cách này có an toàn không ạ?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Khi kinh nguyệt không đều, điều đầu tiên là phải loại trừ việc mang thai. Bởi nếu đang có thai thì không được uống thuốc nội tiết. Đây là điểm quan trọng mà nếu không đi khám, không kiểm tra thì bạn sẽ không biết được.

Bên cạnh đó, rối loạn kinh nguyệt có rất nhiều nguyên nhân gây ra. Tình trạng ra huyết bất thường chưa chắc là do rối loạn nội tiết, mà có thể là do chảy máu từ vị trí khác trong cơ quan sinh dục, chẳng hạn như bệnh lý cổ tử cung. Nếu tự điều trị sẽ thực sự nguy hiểm.

Việc sử dụng thuốc nội tiết chỉ giúp điều kinh nguyệt. Hơn nữa, khi uống thuốc tránh thai không đúng như uống không theo chỉ định, quên thuốc… có thể gây ra tình trạng ra huyết bất thường nhiều hơn. Do đó, dưới góc nhìn của BS Sản Phụ khoa thì bạn nên sử dụng dưới hướng dẫn của bác sĩ.

Nếu bạn có nhu cầu dùng thuốc ngừa thai để ngăn ngừa việc có em bé ngoài ý muốn thì sau khi tư vấn lần đầu với bác sĩ, bạn có thể tiếp tục sử dụng. Nhưng nếu dùng thuốc để điều hòa kinh nguyệt, hoặc điều trị rối loạn nội tiết thì tốt nhất là nên đi khám để được sự chỉ định của bác sĩ sẽ tốt hơn.

4. Bị trễ kinh sau chích ngừa COVID-19, nên chờ đợi và theo dõi trong bao lâu?

Vậy với các chị em phụ nữ bị trễ kinh sau khi chích ngừa, họ cần theo dõi bao nhiêu tháng thì nên đi khám ạ?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Về vấn đề này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như độ tuổi. Với những bạn trẻ, trước đây chu kỳ kinh nguyệt dễ bị rối loạn, sau khi tiêm ngừa và gặp phải tình trạng trễ kinh một vài ngày thì không sao. Tuy nhiên nếu diễn ra trong thời gian dài kèm theo các triệu chứng như ra máu bất thường, đau bụng… thì nên đi khám.

Đặc biệt là ở những người phụ nữ lớn tuổi hơn, như trong giai đoạn mãn kinh, nếu có ra máu bất thường thì cần lưu ý loại trừ các bệnh lý ở nội mạc tử cung. Ví dụ như người có nguy cơ ung thư nội mạc tử cung thì bác sĩ sẽ cần làm xét nghiệm nạo sinh thiết buồng tử cung, hiểu nôm na là lấy mô lòng tử cung để kiểm tra xem có tế bào ác tình không. Thường, xét nghiệm này sẽ chỉ định cho người phụ nữ béo phì có rối loạn kinh nguyệt, hoặc người gần độ tuổi mãn kinh bị rối loạn kinh nguyệt kéo dài chưa tìm được nguyên nhân.

Vì vậy, khi có rối loạn kinh nguyệt, bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà nên đi khám để bác sĩ khám, kiểm tra tổng quát, bất kể có liên quan chích ngừa COVID-19 hay không.

Rối loạn kinh nguyệt chưa được coi là một tác dụng phụ sau tiêm vắc xin COVID-19 (Ảnh minh họa)

5. Những việc cần làm khi bị trễ kinh?

Trong thời gian các chị em bị trễ kinh chưa đi khám, nhờ BS đưa ra một số hướng dẫn về sinh hoạt, dinh dưỡng… hỗ trợ cho kinh nguyệt đều trở lại?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Bạn bị rối loạn kinh nguyệt và trong tình hình dịch COVID-19 diễn tiến phức tạp sẽ có 2 vấn đề như sau:

Thứ nhất, không thể đi khám ngay với bác sĩ. Điều đầu tiên cần làm là dùng que thử thai. Tình hình dịch bệnh phức tạp nhưng các nhà thuốc vẫn hoạt động, vì vậy trong tình huống khó khăn không đi khám ngay được, các chị em có thể tự mua và thử thai. Sau đó có thể liên lạc với bác sĩ thông qua các kênh khám từ xa hoặc những kênh tư vấn để được hướng dẫn cụ thể hơn về tình trạng của mình.

Nếu người trẻ bị trễ kinh sau khi tiêm vắc xin COVID-19, thử que không có thai và trước đó đã từng có tình trạng này mỗi khi đối diện với căng thẳng, hiện không thể đi khám do dịch bệnh thì có thể chờ đợi, theo dõi thêm một vài tuần. Sau đó, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì nên đi khám sớm nhất khi có thể.

Thứ hai, trong trường hợp, rối loạn kinh nguyệt gây ra kinh nhiều, kinh nguyệt kéo dài, có khả năng gây mất máu thì bạn nên đi khám ngay, bất kể trong dịch bệnh.

Ngoài việc rối loạn kinh nguyệt, chị em phụ nữ còn có điều lo lắng nữa là liệu vắc xin COVID-19 có ảnh hưởng đến các nội tiết tố khác không? Nếu hiện giờ chưa có biểu hiện, không rõ có ảnh hưởng về lâu dài không, nhờ BS giải đáp?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Dựa trên chứng cứ lâm sàng cho đến thời điểm này, vắc xin COVID-19 vẫn là vắc xin an toàn. Về rối loạn kinh nguyệt, nên đi khám ngay khi có điều kiện tiếp cận các cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám điều trị ngay.

6. Bị bệnh cường giáp, ngược giáp, tiêm vắc xin COVID-19 có ảnh hưởng điều trị?

Nếu đang mắc các bệnh về tuyến giáp (nhược giáp, cường giáp) thì tiêm ngừa vắc xin COVID-19 có ảnh hưởng gì đến quá trình điều trị không, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Không chỉ bệnh tuyến giáp, mà những bệnh nhân khác (bệnh lý ung thư tuyến vú, tử cung, các bệnh lý nội khoa nặng khác) đều có chung thắc mắc nên hay không nên tiêm ngừa vắc xin COVID-19.

Lời khuyên chung của các bác sĩ, vắc xin COVID-19 là vắc xin có lợi, giúp người bệnh vượt qua đại dịch này. Nếu đang bị cường giáp, ung thư vú, ung thư cổ tử cung, bệnh nội khoa… mắc kèm theo COVID-19 thì nguy cơ biến chứng sẽ xảy ra nhiều hơn. Vì vậy, những người có bệnh lý nền nên được tiêm ngừa COVID-19 sớm.

Hiện tại, không đủ bằng chứng cho thấy việc bị rối loạn nội tiết về phụ khoa có liên quan đến việc tiêm ngừa vắc xin COVID-19. Vì vậy, nếu bạn đang điều trị cường giáp, nhược giáp, ung thư phụ khoa… cứ mạnh dạn chích ngừa COVID-19. Đương nhiên, trước khi tiêm ngừa, bạn sẽ được tư vấn kỹ với bác sĩ khám sàng lọc để xem tình trạng sức khỏe của mình nên được chích lại địa phương, điểm tiêm hay đến bệnh viện.

Lời khuyên của bác sĩ dành cho các chị em phụ nữ nếu đang còn lo lắng, phân vân về việc tiêm ngừa vắc xin COVID-19?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Khi dịch bệnh COVID-19 vẫn còn phức tạp như hiện nay, lời khuyên của bác sĩ vẫn là các bạn nên tiêm ngừa khi có điều kiện. Đừng quá lo lắng về những tác dụng phụ khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Bởi vì tác dụng phụ cũng chỉ là “tác dụng phụ” thôi, tác dụng chính mới là quan trọng.

Hơn nữa, tác dụng phụ cũng ít xảy ra, chứ không phải ai cũng gặp và thường là thoáng qua, không gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Tỷ lệ gặp biến chứng rất thấp. Vì vậy, các bạn đừng quá lo lắng trong việc tiêm ngừa vắc xin COVID-19.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X