Hotline 24/7
08983-08983

Ung thư vòm họng có lây không?

Bệnh ung thư vòm họng không phải bệnh truyền nhiễm và KHÔNG lây trực tiếp từ người sang người.

Tuy nhiên việc quan hệ tình dục bằng đường miệng có thể truyền virus HPV (chỉ xuất hiện trên bộ phận sinh dục nam và nữ), loại vi rut gây bệnh ung thư vòm họng.

Như vậy có thể nói rằng, bệnh ung thư vòm họng không có con đường nào lây truyền trực tiếp mà chỉ có thể gián tiếp thông qua sự lẫy nhiễm của virus HPV.

Ung thư vòm họng là bệnh khá phổ biến ở Việt Nam, tìm hiểu 9 thông tin cần biết về bệnh ung thư vòm họng:

1. Ung thư vòm họng là gì?

Vòm họng là phần cao nhất của họng. Ung thư vòm họng (K vòm) là những ung thư xuất phát từ biểu mô vùng vòm họng.

2. Vì sao bị mắc ung thư vòm?

Nguyên nhân chính xác gây ung thư vòm chưa được sáng tỏ.

Các nguy cơ khác gây bệnh cũng chưa có bằng chứng rõ ràng nhưng hay gặp trên người châu Á, tiền sử uống nhiều rượu, hút thuốc. Chế độ ăn nhiều cá muối và thức ăn lên men (dưa, các loại củ) được xem là những yếu tố có nguy cơ gây bệnh.

3. Ung thư vòm họng hay xảy ra với người Việt Nam như thế nào?

Ung thư vòm họng thường gặp nhất trong các ung thư đầu cổ và là một trong 10 ung thư phổ biến tại Việt Nam. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp ở nam giới, tuổi từ 40 - 60.

4. Phòng tránh ung thư vòm họng bằng cách nào?

Bệnh ung thư vòm họng ở người không có yếu tố nguy cơ rõ ràng, do đó chưa có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu.

Một số yếu tố về chế độ ăn uống và thói quen dùng rượu, thuốc lá có liên quan với nguy cơ gây bệnh. Vì vậy nên thay đổi chế độ ăn, hạn chế rượu, thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ này.

5. Cách phát hiện sớm ung thư vòm họng

Mặc dù rất khó khăn, tuy nhiên, có thể dựa vào các triệu chứng bất thường về Tai Mũi Họng. Điều trị thông thường không khỏi. Điều quan trọng là cảnh giác, nghĩ đến bệnh để đi khám đúng chuyên khoa (Tai Mũi Họng hoặc Ung Bướu).

6. Làm thế nào để biết chắc bị mắc bệnh ung thư vòm họng?

Bệnh có thể gây ra một hoặc nhiều triệu chứng. Bạn nên đi khám nếu có thấy một/nhiều triệu chứng sau:

- Cảm thấy có khối bất thường vùng cổ hay họng;

- Đau họng;

- Khó thở hoặc nói;

- Chảy máu cam;

- Ngạt tắc mũi;

- Khó nghe;

- Đau hoặc ù tai;

- Đau nửa đầu.

Các bác sĩ sẽ kiểm tra Tai Mũi Họng. Khi phát hiện có u vòm sẽ lấy sinh thiết làm chẩn đoán xác định.

7. Người mắc ung thư vòm họng được điều trị như thế nào?

Xạ trị là phương thức điều trị chủ yếu cho bệnh khi ở giai đoạn tại chỗ tại vùng. Khi toàn trạng chung của người bệnh tốt và trong các cơ sở y tế có nhiều kinh nghiệm, người bệnh có thể được cân nhắc xạ trị phối hợp với hóa trị. Hóa trị kết hợp có thể làm tăng hiệu quả của điều trị chính nhưng làm kéo dài thời gian điều trị, tăng chi phí và chịu thêm những ảnh hưởng không mong muốn của điều trị.

Khi bệnh đã có di căn xa, điều trị chủ yếu là làm giảm triệu chứng và nâng cao chất lượng sống.

8. Người mắc ung thư vòm nên ăn uống như thế nào?

Không có khuyến cáo chế độ ăn dành riêng cho người bệnh. Nên ăn lỏng, chế độ ăn đầy đủ, cân đối và vệ sinh miệng, họng tốt hằng ngày.

9. Sau điều trị, người bị ung thư vòm nên vận động và làm việc như thế nào?

Sau điều trị, người bệnh vẫn cần tự chăm sóc và hoạt động thể lực hợp lý để có được tình trạng sức khỏe chung tốt. Ngoài ra, nên vệ sinh miệng, họng; tập há miệng và xoa bóp vùng cổ hằng ngày để phòng, giảm các ảnh hưởng ngoại ý muộn do xạ trị. Không có một chỉ định riêng về vận động và làm việc cho người bệnh ung thư vòm họng.

10. Những người mắc ung thư vòm ở Việt Nam đã được cứu sống hoặc kéo dài cuộc sống như thế nào?

Theo dữ liệu của từ điển bách khoa điện tử (Wikipedia) tỉ lệ về sống thêm 5 năm của những người được chẩn đoán tại Mỹ hiện nay như sau:

- Giai đoạn I: 98%;

- Giai đoạn II: 95%;

- Giai đoạn III: 86%;

- Giai đoạn IV: 73%.

Một số nghiên cứu trong những năm gần đây cho thấy, kết quả điều trị ung thư vòm tại Việt Nam đã được cải thiện một cách đáng kể, tuy nhiên, còn thấp hơn của nước ngoài.

Trên đây là các thông tin bạn cần biết về ung thư vòm họng. Trả lời câu hỏi Ung thư vòm họng có lây không thì bạn hoàn toàn yên tâm là KHÔNG, nhưng hãy giữ thói quen sinh hoạt lành mạnh nhé

Theo Dự án Phòng chống bệnh ung thư
Chương trình Mục tiêu Quốc gia về y tế
Bệnh viện K

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X