Hotline 24/7
08983-08983

Ung thư phổi tế bào nhỏ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị?

Ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC) phát triển rất nhanh, nhưng lại thường không được chẩn đoán sớm cho đến khi nó tiến triển nặng, vì vậy tỷ lệ sống thêm sẽ thấp. Tuy nhiên, nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu, cơ hội khỏi bệnh cũng tăng cao.

I. Ung thư phổi tế bào nhỏ là gì?

Ung thư phổi có 2 loại là ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC) và ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC). Trong đó, SCLC được gọi là ung thư tế bào yến mạch, ung thư biểu mô tế bào yến mạch và ung thư biểu mô tế bào nhỏ không biệt hóa.

SCLC ít phổ biến hơn NSCLC (SCLC chỉ chiếm 15 - 20%) của tất cả các bệnh ung thư phổi. Tuy nhiên, với SCLC, các tế bào ung thư có xu hướng phát triển nhanh chóng và di căn dễ dàng hơn đến các bộ phận khác của cơ thể.

Do đó, khi được chẩn đoán mắc bệnh thường ung thư đã di căn khắp cơ thể nên khiến khả năng điều trị thành công sẽ ít hơn. Ngược lại, nếu SCLC được phát hiện sớm, nó có thể được điều trị hiệu quả trước khi ung thư tiến triển.

Ung thư phổi tế bào nhỏUng thư phổi tế bào nhỏ chiếm tỷ lệ ít nhưng lây lan rất nhanh

II. Nguyên nhân gây ung thư phổi tế bào nhỏ

Nguyên nhân gây ra ung thư phổi tế bào nhỏ chưa được chứng minh rõ ràng. Tuy nhiên, từ những thay đổi bất thường ở giai đoạn tiền ung thư có thể dẫn đến ung thư phổi, vì nó làm ảnh hưởng đến DNA của các tế bào bên trong phổi, khiến các tế bào phổi phát triển nhanh hơn.

Hoặc sự thay đổi các mạch máu nuôi tế bào ung thư sẽ cho phép chúng phát triển thành khối u. Theo thời gian, các tế bào ung thư có thể tách khỏi khối u nguyên phát và di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.

III. Triệu chứng của ung thư phổi tế bào nhỏ

Ung thư phổi tế bào nhỏ thường không gây ra triệu chứng. Tuy nhiên, một khi các triệu chứng xuất hiện, ung thư đã xâm lấn các bộ phận khác của cơ thể. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng sẽ tăng lên khi ung thư phát triển và lây lan.

Cụ thể, các triệu chứng bao gồm:

  • Ho dai dẳng hoặc khàn giọng
  • Ho ra máu
  • Hụt hơi
  • Thở khò khè
  • Khó thở
  • Đau ngực
  • Chán ăn
  • Sụt cân
  • Mệt mỏi

Hãy đi thăm khám bác sĩ ngay lập tức nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số trên. Nó có thể không phải là SCLC, nhưng tốt nhất bạn vẫn nên đi khám để phát hiện sớm và điều trị.

triệu chứng Ung thư phổi tế bào nhỏ Ung thư phổi tế bào nhỏ gây ho, hụt hơi và khó thở

IV. Đối tượng dễ mắc bệnh ung thư phổi tế bào nhỏ

Gần như tất cả những người được chẩn đoán mắc SCLC đều là người hút thuốc. Nguy cơ phát triển SCLC tương ứng với số lượng thuốc lá bạn hút mỗi ngày và số năm bạn hút. Điều này có nghĩa là những người hút thuốc lâu năm có nguy cơ cao với SCLC.

Hút xì gà và tẩu cũng rất nguy hiểm, khiến bạn có nguy cơ bị ung thư phổi tương tự như thuốc lá.

Bạn cũng có thể tăng nguy cơ ung thư phổi nếu thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc, hay còn gọi là hút thuốc lá thụ động.

Tiếp xúc với một số chất trong môi trường của bạn cũng có thể khiến bạn có nguy cơ bị ung thư phổi, bao gồm:

  • Radon
  • Amiăng
  • Uranium và các quặng kim loại phóng xạ khác
  • Hóa chất, chẳng hạn như asen, silica và các sản phẩm than
  • Khí thải diesel và ô nhiễm không khí
  • Nước uống bị nhiễm asen

V. Phương pháp chẩn đoán ung thư phổi tế bào nhỏ

Các triệu chứng của SCLC thường không xuất hiện cho đến khi ung thư đã tiến triển sang giai đoạn nặng hơn. Tuy nhiên, SCLC đôi khi được phát hiện sớm trong quá trình xét nghiệm chẩn đoán một tình trạng bệnh lý khác.

SCLC có thể được phát hiện bằng một số xét nghiệm cụ thể như:

  • Xét nghiệm công thức máu: để đánh giá sức khỏe tổng thể
  • Chụp Xquang phổi: giúp tạo ra hình ảnh rõ ràng, chi tiết về phổi của bạn
  • Chụp CT: để tạo ra hình ảnh cắt ngang của phổi
  • MRI: sử dụng công nghệ từ trường để phát hiện và xác định các khối u
  • Nội soi phế quản: sử dụng một ống có gắn camera và ánh sáng để xem phổi và các cấu trúc khác của bạn
  • Cấy đờm: được sử dụng để phân tích chất lỏng do phổi của bạn tạo ra khi bạn ho
  • Sinh thiết kim phổi: để loại bỏ một mẫu mô phổi nhỏ đem đi phân tích

chẩn đoán ung thư phổi tế bào nhỏBạn có thể cần 1 hoặc kết hợp nhiều phương pháp để chẩn đoán ung thư phổi tế bào nhỏ

SCLC cũng có thể được phát hiện trong quá trình xét nghiệm tầm soát ung thư phổi. Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm nếu bạn có nguy cơ cao bị ung thư phổi:

  • Từ 55 đến 75 tuổi
  • Hút thuốc lá nhiều trên 30 năm
  • Hiện đang hút thuốc hoặc đã bỏ hút thuốc trong 15 năm qua

VI. Giai đoạn ung thư phổi tế bào nhỏ

Sau khi chẩn đoán SCLC được xác nhận, bác sĩ sẽ phân giai đoạn ung thư. Giai đoạn cho biết mức độ nghiêm trọng hoặc mức độ lan rộng của ung thư. Nó có thể giúp bác sĩ xác định các lựa chọn điều trị cho bạn.

1. Giai đoạn giới hạn

Trong giai đoạn giới hạn, ung thư chỉ giới hạn ở một bên ngực của bạn. Các hạch bạch huyết của bạn cũng có thể bị ảnh hưởng.

2. Giai đoạn mở rộng

Ở giai đoạn này, ung thư đã di căn sang bên kia ngực, ảnh hưởng đến phổi còn lại của bạn. Ung thư cũng đã xâm lấn vào các hạch bạch huyết v các bộ phận khác của cơ thể.

Nếu tế bào ung thư được tìm thấy trong dịch xung quanh phổi thì đó là dấu hiệu ở giai đoạn mở rộng.

VII. Điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ

Điều trị kịp thời là rất quan trọng để tăng khả năng hồi phục của bệnh nhân. Tuy nhiên, một khi ung thư đã trở nên nặng hơn và di căn tới các bộ phận khác của cơ thể, việc điều trị sẽ không còn hiệu quả.

Khi SCLC đến giai đoạn mở rộng, việc điều trị lúc này chỉ có mục đích nhằm làm giảm các triệu chứng chứ không phải để chữa khỏi bệnh.

điều trị ung thư phổi tế bào nhỏPhẫu thuật là một trong những lựa chọn điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ

1. Phẫu thuật

Phẫu thuật chỉ được thực hiện khi chỉ có một khối u và các tế bào ung thư chưa di căn đến các bộ phận khác của cơ thể. Bao gồm:

  • Phẫu thuật cắt bỏ phổi: cắt bỏ toàn bộ phổi
  • Phẫu thuật cắt bỏ thùy: loại bỏ toàn bộ một phần, hoặc một thùy của phổi

Các phẫu thuật này được thực hiện dưới dạng gây mê toàn thân, có nghĩa là bạn sẽ ngủ trong suốt quá trình.

Mặc dù phẫu thuật có thể hiệu quả trong việc điều trị SCLC, nhưng kết quả phần lớn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe tổng thể của bạn trước khi tiến hành thủ thuật. Phẫu thuật cũng mang lại một số rủi ro, chẳng hạn như chảy máu nhiều, nhiễm trùng và viêm phổi.

Nếu phẫu thuật thành công, thời gian hồi phục có thể mất vài tuần đến vài tháng.

2. Hóa trị

Hóa trị là một hình thức điều trị bằng thuốc nhằm tấn công các tế bào ung thư. Thuốc có thể được dùng bằng đường uống hoặc tiêm qua đường tĩnh mạch. Chúng đi qua máu để tiêu diệt các tế bào ung thư ở các cơ quan xa.

Mặc dù hóa trị đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc tiêu diệt tế bào ung thư, nhưng nó có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn như:

  • Tiêu chảy
  • Mệt mỏi
  • Buồn nôn, nôn
  • Rụng tóc
  • Chán ăn
  • Khô miệng
  • Lở miệng
  • Đau đầu

3. Xạ trị

Xạ trị sử dụng chùm bức xạ để tiêu diệt tế bào ung thư.

Xạ trị có thể được kết hợp với hóa trị để giảm đau và các triệu chứng khác. Mặc dù có một số tác dụng phụ liên quan đến xạ trị, nhưng hầu hết chúng sẽ biến mất trong vòng 2 tháng sau điều trị.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X