Hotline 24/7
08983-08983

Ung thư hạ họng: Nguyên nhân, điều trị và di chứng?

"Khi xuất hiện một số triệu chứng nghi ngờ ung thư hạ họng, bệnh nhân cần đi khám bác sĩ ngay. Bởi nếu ung thư đã phát triển thì việc điều trị sẽ khó khăn và tiên lượng thường rất kém." - BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ.

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Vùng hạ họng có những cơ quan nào? Nếu bị ung thư thì đó là ung thư gì?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Vùng hạ họng thuộc vùng giải phẫu ở trong khoang miệng. Khoang miệng gồm có vùng lưỡi di động, vùng lợi hàm trên, lợi hàm dưới, vòm họng cái cứng, niêm mạc má trong, niêm mạc má ngoài, môi trên, môi dưới,…

Nếu đi rộng hơn chúng ta sẽ có loại ung thư như ung thư vòm, ung thư xoang. Đi xuống dưới xíu thì có vùng hạ họng thanh quản, trong đó có ung thư thanh quản là loại ung thư thường gặp nhất, bao gồm ung thư thanh môn, thượng thanh môn và hạ thanh môn.

Đi vào chi tiết hơn của vùng hạ họng có ung thư xoang lê, ung thư phần sau sụn nhẫn.

Đặc biệt, với vị trí giải phẫu như vậy nhiều khi chúng ta cũng dễ bỏ quên bởi có nhiều triệu chứng lâm sàng của bệnh lý lành tính hay ác tính cũng thường xảy ra và giống như các bệnh lý ung thư, do đó cần hết sức cảnh giác khi có một số triệu chứng bất thường.

2. Có phải ung thư hạ họng ít gặp hơn ung thư vòm họng?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Đúng vậy. Đối với ung thư vòm họng là ung thư đứng hàng thứ 7, thứ 8; còn ung hư hạ họng đứng hàng thứ 16 cho tới thứ 19 trong bảng xếp loại, phân hạng ung thư của thế giới.

Một số ung thư như ung thư vòm, ung thư thanh quản thường có tiên lượng tốt hơn và phác đồ điều trị tương đối đơn giản, bởi đã được khoa học kỹ thuật nghiên cứu nhiều nên việc điều trị sẽ dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, với ung thư hạ họng là vùng cực kỳ ít gặp, chính vì vậy nó rất khó về cả tiên lượng lẫn thời gian sống còn. Đặc biệt các phương pháp điều trị cũng phức tạp. Vì thường khi bệnh nhân phát hiện mắc bệnh đã có sự xâm lấn lên thanh quản, hạ thanh môn. Do đó, chỉ định điều trị sẽ mang tính “cứu vớt”, nghĩa là phải sử dụng phương pháp điều trị mang tính chất nặng nề, có thể hóa trị kết hợp xạ trị hoặc xạ trị đơn thuần.

Tóm lại, tiên lượng nói chung với ung thư hạ họng là kém hơn rất nhiều so với ung thư thanh quản, ung thư vòm họng.

BS.CK2 Nguyễn Ngọc AnhBS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh - Nguyên Trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Nhân dân 115, hiện là Trưởng đơn vị Ung bướu Bệnh viện Gia An 115

3. Loại ung thư hạ họng thường gặp nhất và cách điều trị?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Những ung thư hạ họng thường gặp nhất đó là ung thư vùng xoang lê hoặc ung thư phía sau sụn nhẫn, hay ung thư thành họng.

Nếu bệnh nhân xuất hiện một số biểu hiện triệu chứng lâm sàng vùng họng như khó nuốt, nhai khó, nuốt vướng, nuốt đau,…cần đi khám bác sĩ Tai mũi họng ngay để bác sĩ có cơ sở chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh nhờ các biện pháp nội soi tai mũi họng.

Từ đó, bác sĩ Tai mũi họng có thể gửi tới trung tâm ung thư, và chúng tôi sẽ có nhiều phương tiện, mô thức để có thể kết hợp điều trị, làm sao mang lại hiệu quả tốt nhất cho bệnh nhân.

4. Y học đã có bước tiến gì để điều trị căn bệnh này?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Hiện, khoa học kỹ thuật đã tiến bộ rất vượt bậc trong điều trị ung thư. Như chúng ta đã biết, năm 2018 với sự ra đời của giải Nobel y học do 2 nhà khoa học nổi tiếng là James Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản) đã tìm ra biện pháp miễn dịch học trong điều trị bệnh lý ung thư.

Từ đây mở ra chương mới đối với bệnh nhân không may bị ung thư ở giai đoạn toàn phát, đã thất bại với tất cả các biện pháp điều trị từ hóa trị, xạ trị, cho tới liệu pháp nhắm trúng đích, từ nay đã có sự lựa chọn điều trị thêm đó là bằng biện pháp miễn dịch học.

Vấn đề phẫu thuật ung thư vùng hạ họng mang tính “tàn phá” và ảnh hưởng thẩm mỹ do nằm ở vùng động mạch cổ. Do đó, phẫu thuật phải tùy theo những tổn thương của u, của hạch cổ và có những chỉ định phù hợp.

Tóm lại, phẫu thuật không phải cách chọn lựa duy nhất đối với ung thư vùng hạ họng, mà chỉ được lựa chọn ở giai đoạn sớm mà thôi.

Ví dụ, đối với ung thư thanh quản có thể phẫu thuật cắt toàn phần thanh quản cộng 1 phần thành họng, hoặc cắt 1 phần thành họng thanh quản khi khối u còn nhỏ hoặc cắt bán phần thanh quản và hạ họng khi tổn thương còn khú trú ở 1 bên của thanh quản hay hạ họng.

Hiện tại TPHCM cũng như cả nước có một loạt máy xạ trị mới với kỹ thuật xạ trị điều biến liều (IMRT), kỹ thuật SBRT,… đã đem lại hiệu quả lớn trong điều trị ung thư hạ họng.

Đối với ung thư hạ họng, mô thức điều trị chính vẫn là xạ trị, khi bệnh nhân tới giai đoạn trễ và vẫn còn khu trú.

Tuy nhiên, với các kỹ thuật xạ trị 3D khi xưa sẽ để lại nhiều di chứng như lở miệng, viêm loét niêm mạc miệng làm bệnh nhân rất khó chịu, khổ sở khi ăn uống. Ngoài ra, còn gây phù nề thanh quản khiến bệnh nhân khó thở.

Vì vậy khi cần xạ trị, đôi khi với những khối u lớn cần phải mở khí quản trước, thậm chí phải mở dạ dày trước khi bệnh nhân cần xạ trị. Vì trong quá trình xạ trị bệnh nhân có thể khó thở bất kỳ lúc nào và cần mở khí quản gấp, lúc đó sẽ trở nên khó khăn.

Bên cạnh đó, trong quá trình xạ trị do vấn đề dinh dưỡng của bệnh nhân kém, không hấp thụ được chất dinh dưỡng cũng gây nên tình trạng suy kiệt và dẫn đến việc bệnh nhân bỏ không đồng ý điều trị nữa.

Vì vậy, đối với phương tiện xạ trị 3D khi xưa đã lỗi thời và hiện tại bây giờ có 1 số trung tâm lớn tại TPHCM như bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện 115,… đã được trang bị một số trang thiết bị máy móc xạ trị hiện đại với xạ trị điều biến liều (IMRT) hỗ trợ rất nhiều cho bệnh nhân ung thư.

Đặc biệt, với sự ra đời của thuốc nhắm trúng đích kết hợp với hóa trị cũng đem lại hiệu quả rất lớn đối với bệnh nhân không may có triệu chứng di căn xa, nhất là di căn vi thể thì vấn đề hóa xạ trị kết hợp với hóa trị sau xạ trị cũng đem lại một tác dụng lớn cho bệnh nhân ung thư hạ họng.

Về vấn đề tiên lượng, quan trọng nhất là phát hiện bệnh sớm, bởi khi phát hiện bệnh trễ sẽ vừa tốn tiền điều trị mà chất lượng cuộc sống cũng kém đi, thời gian sống còn sẽ ngắn.

Do đó, một lần nữa tôi mong quý bạn đọc không nên coi thường những triệu chứng tưởng như thoáng qua, mà bỏ qua giai đoạn sớm của bệnh lý ung thư sẽ đem lại 1 bất lợi cho cơ thể.

5. Điều trị ung thư hạ họng có để lại di chứng?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Đối với ung thư vùng hạ họng, ung thư xoang lê hay ung thư sau sụn dẫn, ung thư thành họng, một số trường hợp phát hiện sớm có thể phẫu thuật được.

Tuy nhiên, phẫu thuật ở những vùng này sẽ mang tính “tàn phá” và ảnh hưởng thẩm mỹ rất nhiều. Do đó, nếu bệnh nhân đến giai đoạn sớm thì việc điều trị bằng phẫu thuật sẽ mang tính triệt căn và có tiên lượng tốt hơn.

Nhưng hầu như bệnh nhân đến bệnh viện đều ở giai đoạn 3, thậm chí có giai đoạn 4, tức là di căn xa hoặc di căn nhiều hạch cổ của các vùng và các lớp khác nhau. Vì vậy, điều trị chắc chắn khó khăn và tiên lượng cũng kém.

Ví dụ, ở giai đoạn 1 của ung thư thanh quản và ung thư vòm họng, thì tỷ lệ và tiên lượng bệnh nhân có thể trên 90% sống trên 5 năm. Tuy nhiên, cũng ở giai đoạn sớm vậy nhưng với ung thư hạ họng thì bệnh nhân chỉ có 60% sống trên 5 năm.

Chính vì vậy, rõ ràng đó là tiên lượng rất xấu đối với ung thư hạ họng.

6. Yếu tố nguy cơ gây ung thư hạ họng và cách phòng ngừa?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Mỗi loại ung thư sẽ có yếu tố nguy cơ nhất định. Ví dụ ung thư vùng hạ họng đa phần chiếm đến 90% ở nam giới, 10% ở nữ giới do nam giới hay hút thuốc lá, uống rượu bia, hít thở khí độc như amiăng, chất niken, crom, mangan,… là yếu tố chính gây ra ung thư vùng hạ họng, thanh quản.

Tuy nhiên, trong thực tế lâm sàng cũng có 1 số trường hợp có yếu tố nguy cơ cao như viêm mãn tính, thoái hóa niêm mạc vùng hạ họng cũng ung thư vùng hạ họng.

Hoặc có dị sản biểu mô của vùng hạ họng dạng lan tỏa cũng là yếu tố gây ung thư.

Vì vậy, cần phải có một xác định về giải phẫu bệnh học mới có thể chẩn đoán đó là ung thư hay không.

7. Ai nên tầm soát ung thư hạ họng?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Khi có các triệu chứng ở vùng họng, vùng hô hấp trên như rối loạn nuốt, đau khi nuốt, hạch cổ, khan tiếng,… là những triệu chứng khởi đầu của bệnh lý có thể lành tính hoặc ác tính, chúng ta cần phải tới bác sĩ Tai mũi họng.

Ngoài những bệnh lý ác tính chúng ta cũng không nên bỏ qua bệnh lý lành tính thường gặp như loạn cảm vùng họng sau 1 viêm họng mãn tính, hay viêm họng hạt, viêm xoang, bệnh lý rối loạn nội tiết, thoái hóa cột sống cổ cũng gây nuốt vướng,…

Đó là những triệu chứng chúng ta cần phải có chẩn đoán phân biệt rõ ràng, đâu là ung thư, đâu là không ung thư để có chiến lược dài hạn điều trị làm sao mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X