Hotline 24/7
08983-08983

Ung thư cổ tử cung: Dấu hiệu nhận biết là gì, làm xét nghiệm nào để phát hiện sớm?

Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ung thư thường gặp ở các chị em phụ nữ, song khi có triệu chứng để nhận diện bệnh thì đã ở giai đoạn cuối. Vậy làm sao để phát hiện sớm, điều trị hiệu quả căn bệnh này?

1. Ung thư cổ tử cung là gì?

Trước tiêm xin được hỏi BS, ung thư cổ tử cung là gì? Bệnh lý ung thư cổ tử cung có nguy hiểm không?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Ung thư cổ tử cung là ung thư thường gặp nhất ở các chị em phụ nữ. Các bệnh lý ở cổ tử cung tương đối nhiều, tuy nhiên đối với ung thư cổ tử cung mặc dù đã biết nguyên nhân nhưng tỷ lệ mắc trên thế giới và tại Việt Nam vẫn rất cao.

Ung thư cổ tử cung là bệnh lý do virus HPV gây biến đổi tế bào ở giai đoạn vi thể, sau đó xuất hiện các chồi, sùi ở cổ tử cung. Các chị em phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung có triệu chứng rõ ràng, ví dụ như đau bụng, ra huyết âm đạo (đặc biệt là sau khi giao hợp) thường đã ở giai đoạn trễ. Trường hợp ung thư nặng hơn nữa, có thể xâm lấn sang vùng chậu hoặc di căn, các triệu chứng có ảnh hưởng đến vấn đề đi tiêu - tiểu của chị em phụ nữ.

2. Nguyên nhân nào gây ung thư cổ tử cung?

Các nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung là gì, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Trên thế giới có rất nhiều bệnh ung thư, trong đó hiếm có loại ung thư nào có thể xác định được nguyên nhân gây bệnh như ung thư cổ tử cung. Trên 99% các trường hợp ung thư cổ tử cung là do virus HPV nguy cơ cao.

“Nguy cơ cao” có nghĩa là nguy cơ cao gây ung thư, bởi vì virus HPV có nhiều type khác nhau. Về mặt khoa học, ở giai đoạn đầu khi phát hiện type HPV sẽ đặt tên theo đánh số, có thể là 16, 18, 35, 56… Hiện, tổng cộng có khoảng 100 type HPV, nhưng trong đó chỉ một số type HPV có thể gây nguy cơ ung thư cổ tử cung. Trong đó, nhiều nhất là HPV 16 và HPV 18 - 2 type có thể gây đến 70% trường hợp ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, còn khoảng 12 type nguy cơ cao khác cũng có khả năng gây ung thư cổ tử cung nhưng không cao bằng type 16 và 18.

Hiện, các chị em phụ nữ khi đi khám phụ khoa có thể kiểm tra tình trạng nhiễm type HPV gây ung thư cổ tử cung.

3. Các yếu tố nào làm gia tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung?

Bên cạnh Human Papillomavirus (HPV), một số yếu tố nguy cơ khác có thể tăng khả năng mắc bệnh ung thư cổ tử cung! Xin bác sĩ chia sẻ rõ hơn về các yếu tố nguy cơ này?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Đa số các trường hợp ung thư cổ tử cung là do HPV gây ra. Tuy nhiên, về mặt khoa học đã có những báo cáo trường hợp bé gái chưa quan hệ tình dục, không nhiễm HPV nhưng vẫn bị ung thư cổ tử cung. Vì vậy, vẫn có một tỷ lệ nhỏ ung thư cổ tử cung là do nguyên nhân khác, chẳng hạn như yếu tố di truyền về gen.

Song, nguyên nhân lớn nhất vẫn là HPV, do đó hiện nay các phương tiện chẩn đoán và sàng lọc tập trung chủ yếu vào nguyên nhân gây bệnh là HPV.

4. Ai có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung?

Vậy những ai sẽ có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Những trường hợp phụ nữ trong độ tuổi quan hệ tình dục sẽ có nguy cơ lây nhiễm virus HPV nguy cơ cao. Tuy nhiên, những người có nhiều bạn tình, quan hệ với nhiều người thì nguy cơ lây nhiễm virus HPV cao hơn so với những người quan hệ một vợ - một chồng.

Bao cao su không phải là phương tiện giúp chúng ta bảo vệ hoàn toàn trước virus HPV. Đã có những báo cáo cho thấy dù sử dụng bao cao su vẫn có nguy cơ nhiễm HPV. Tuy nhiên, khi dùng bao cao su giúp giảm nhiều vấn đề, tốt cho người phụ nữ, đó là giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh qua đường tình dục, giảm viêm nhiễm, giúp bác sĩ dễ dàng theo dõi các bệnh lý ở cổ tử cung hơn.

5. Ung thư cổ tử cung tiến triển qua những giai đoạn nào?

Các giai đoạn của bệnh ung thư cổ tử cung như thế nào ạ?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Tương tự như các loại ung thư khác, ung thư cổ tử cung cũng cần có quá trình phát triển.

Đầu tiên là tiền ung thư, đây là giai đoạn đã có sự biến đổi ở tế bào cổ tử cung. Nếu để lâu, không điều trị sẽ tiến triển thành ung thư.

Khi đã xác định là ung thư cổ tử cung sẽ phân loại thành nhiều mức độ khác nhau. Ở giai đoạn đầu, ung thư có thể chỉ là nốt nhỏ ở cổ tử cung và có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Nhưng khi ung thư lan tràn rộng hơn, ví dụ khối chồi, sùi ở cổ tử cung lan tràn ra vùng chậu, có thể xâm lấn vào bàng quang, trực tràng, nặng hơn ở giai đoạn nặng thì ung thư có thể di căn xa, thường ở giai đoạn càng trễ thì khả năng điều trị càng thấp.

6. Đâu là những dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung?

Các chị em phụ nữ có thể nhận diện ung thư cổ tử cung qua những dấu hiệu nào? Xét nghiệm nào giúp phát hiện ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Có nhiều dấu hiệu để các chị em nhận biết ung thư cổ tử cung, đó là:

- Ra huyết âm đạo bất thường (ra huyết rỉ rả kéo dài, dễ nhầm lẫn với rong kinh)

- Ra huyết khi giao hợp

- Nhiễm trùng khối chồi, sùi gây ra mùi hôi khó chịu

Tuy nhiên, nếu các triệu chứng này xuất hiện thông thường là ung thư đã ở giai đoạn nặng. May mắn ung thư cổ tử cung có thể phát hiện ở giai đoạn rất sớm bằng xét nghiệm sàng lọc (nghĩa là lọc nguy cơ mắc bệnh từ lúc bệnh chưa tiến triển thực sự thành ung thư cổ tử cung).

Hiện, chúng ta có hai loại xét nghiệm:

- Xét nghiệm tế bào học, bác sĩ sẽ sử dụng chổi quét lên và lấy những tế bào của bề mặt cổ tử cung. Đây là xét nghiệm sàng lọc, bởi đôi khi nhìn bằng mắt thường có thể thấy cổ tử cung rất đẹp, tròn, đều, không có sùi nhưng khi lấy những tế bào ở trên cổ tử cung thì phát hiện ra bất thường, tế bào đã biến đổi vi thể.

- Xét nghiệm kiểm tra tình trạng nhiễm HPV. Bộ đôi xét nghiệm này có giá trị cao trong việc chẩn đoán sớm và sàng lọc ung thư cổ tử cung, mang ý nghĩa phát hiện căn bệnh này ở giai đoạn chớm nở, có thể điều trị hoàn toàn.

7. Quá 26 tuổi, đã quan hệ tình dục, có nên tiêm ngừa HPV?

Một trong những câu hỏi mà bạn đọc AloBacsi thường xuyên hỏi: lỡ quan hệ tình dục hoặc quá tuổi thì có thể tiêm vắc xin ngừa HPV được không?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Theo quy định hiện tại của Bộ Y tế, vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung sẽ được tiêm cho bé gái và chị em phụ nữ từ 9 - 26 tuổi. Về góc độ bằng chứng khoa học, các nhà nghiên cứu cho rằng đây là độ tuổi phù hợp nhất để tiêm vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung.

Hiện nay, đã có nhiều bằng chứng khoa học mới bắt đầu được áp dụng ở một số quốc gia trên thế giới đó là nới rộng thời gian chích ngừa ung thư cổ tử cung lên đến 45 tuổi. Ở Việt Nam hiện đang chờ Bộ Y tế cập nhật vấn đề này.

Ngoài ra, theo hướng dẫn hiện hành, các chị em phụ nữ trên 26 tuổi, nếu muốn tiêm ngừa ung thư cổ tử cung thì cần được tư vấn kỹ, kiểm tra đã bị ung thư cổ tử cung hay chưa và được tư vấn lợi ích - nguy cơ của việc tiêm ngừa.

8. Phòng ngừa ung thư cổ tử cung, cách nào hiệu quả?

Phòng ngừa ung thư cổ tử cung như thế nào, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Như đã nói ở trên, ung thư cổ tử cung đã phát hiện được nguyên nhân gây bệnh là HPV. Vì vậy, việc phòng ngừa tốt nhất vẫn là tiêm vắc xin. Khuyến cáo của Bộ Y tế, các bé gái và chị em phụ nữ từ 9-26 tuổi nên tiêm ngừa ung thư cổ tử cung nếu có điều kiện. Chúng ta biết rằng, 9-26 là độ tuổi khuyến cáo để tiêm ngừa, song nếu được tiêm trước 14 tuổi thì hiệu quả bảo vệ sẽ cao hơn.

Ngoài việc tầm soát ung thư cổ tử cung, nếu có điều kiện thì nên tiếp cận việc tiêm vắc xin để phòng ngừa tốt hơn cho các bé gái từ 9-26 tuổi.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X