Hotline 24/7
08983-08983

U vú có nguy cơ chuyển thành ung thư vú?

Nhiều người phát hiện khối u ở vú hoặc được chẩn đoán u vú thường có tâm lý lo sợ tình trạng này sẽ diễn tiến thành ung thư vú thực sự trong tương lai. Vậy u vú có nguy cơ chuyển thành ung thư vú? Các chị em nên đi khám vú vào ngày nào trong chu kỳ kinh nguyệt? Các thắc mắc này đã được ThS.BS Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa Ung bướu - Bệnh viện Thành phố Thủ Đức giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Những nguyên nhân nào gây u vú?

Đầu tiên xin nhờ BS chia sẻ rõ hơn, u vú là gì, gồm những bệnh lý nào? Đâu là những nguyên nhân khiến các chị em xuất hiện khối u ở vú ạ?

Trong dân gian, u vú là cụm từ diễn đạt cho tình trạng phát hiện bất thường ở vú, có thể là cảm giác khối u, khối gồ hoặc lợn cợn trong vú. Ở phụ nữ trẻ tuổi, tình trạng thường gặp nhất là bướu sợi tuyến vú (dạng vú lành tính). Một số khối u khác hiếm gặp hơn như bướu nhú, bướu dịch thể.

Ngoài ra, một số tình huống khác có thể gặp phải đó là thay đổi sợi bọc (hay còn gọi là xơ nang tuyến vú), nghĩa là mô vú có những bọc nhỏ chứa nước cũng như tình trạng xơ xung quanh. Bên cạnh đó, những tình trạng khác cũng có thể gặp phải nhưng không hẳn là khối u, chẳng hạn như ổ áp xe nhiễm trùng.

Do vậy, u vú là tình trạng bao gồm nhiều bệnh lý khác nhau, từ khối u thực sự đến giả khối u (chẳng hạn như ổ áp xe). Tình trạng này do nhiều nguyên nhân. Ví dụ, tình trạng thay đổi sợi bọc tuyến vú thường liên quan đến thay đổi nội tiết tố trong cơ thể. Khối áp xe thường do nhiễm trùng. Bướu sợi tuyến vú hiện nay người ta chưa hiểu rõ, có thể do một rối loạn nào đó trong quá trình tăng sinh mô sợi. Tuy theo từng nguyên nhân, bản chất của sang thương sẽ có những cách xử lý khác nhau.

2. U vú có phải là ung thư?

U vú có phải là ung thư không thưa BS? Và có khi nào u vú sẽ diễn tiến thành ung thư vú thực sự? Nếu có, trường hợp nào có nguy cơ cao khối u phát triển thành ung thư vú về sau?

Không phải trường hợp nào có u vú cũng là ung thư. 70-80% trường hợp u vú là lành tính. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp sang thương (tổn thương) liên quan đến nguy cơ ung thư vú sau này. Chẳng hạn như tăng sản - tình trạng tế bào tuyến vú phát triển quá mức so với tế bào bình thường.

Tình trạng tăng sản kèm theo những bất thường trong nhân hoặc trong tế bào người ta gọi là tăng sản không điển hình. Những trường hợp này có thể liên quan đến tăng nguy cơ mắc ung thư vú từ 2-10 lần so với người không có tình trạng này.

Trong từng trường hợp cụ thể, khi các chị em thăm khám chuyên khoa, bác sĩ sẽ có hướng dẫn, tư vấn xử lý phù hợp nhất.

3. Người có nguy cơ bị ung thư vú, nên theo dõi định kỳ thế nào?

Với những trường hợp u vú nằm trong nhóm nguy cơ chuyển thành ung thư vú, người bệnh cần theo dõi sức khỏe của mình như thế nào? Khám định kỳ bao lâu một lần, thưa BS?

Với những người tăng nguy cơ (ví dụ như người có sang thương tăng sản không điển hình; gia đình có người thân mắc ung thư vú - mẹ ruột, chị em gái ruột, con gái; người có kinh nguyệt sớm; người mãn kinh trễ) cũng không có chế độ theo dõi quá đặc biệt, mà chỉ cần tự kiểm tra vú mỗi tháng, khám định kỳ 3-6 tháng (bao gồm siêu âm, chụp nhũ ảnh hay MRI tùy theo chỉ định của bác sĩ).

Nói chung, các chị em phụ nữ nên bình tĩnh, nên duy trì thói quen sinh hoạt, làm việc bình thường, đồng thời tuân thủ theo lịch khám định kỳ của bác sĩ chuyên khoa. Hơn nữa, “tăng nguy cơ” không có nghĩa là “chắc chắn bị ung thư”. Do vậy, cũng không nên quá lo lắng và ám ảnh.

4. U vú lành tính nên điều trị và theo dõi ra sao?

Vậy còn với những trường hợp u vú lành tính, thường sẽ được điều trị và theo dõi ra sao, thưa BS? Có phải trường hợp nào bị u vú cũng cần phải sinh thiết?

Tùy theo từng loại u vú lành tính sẽ có hướng xử trí khác nhau. Chẳng hạn, đối với bướu sợi tuyến nhỏ điển hình trên thăm khám, siêu âm thì chỉ cần theo dõi định kỳ. Nếu là khối áp xe thì xử lý khối áp xe.

Chúng ta chỉ xét nghiệm (đâm kim xét nghiệm, hay sinh thiết) khi thấy khối u bất thường về mặt diễn tiến như u lớn nhanh hoặc bất thường trên phương tiện chẩn đoán (siêu âm, nhũ ảnh, MRI), hoặc khám lâm sàng có hạch. Tùy trường hợp bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể.

5. Sờ thấy khối u ở vú, đi khám cần làm xét nghiệm nào?

Một số chị em sờ thấy u di động (u chạy qua chạy lại). Nhờ BS hướng dẫn cho các chị em, cần làm gì khi sờ thấy khối u ở vú? Khi đi khám, thông thường sẽ được làm những xét nghiệm, kỹ thuật nào để chẩn đoán, thưa BS?

Khi các chị em cảm nhận được khối u trong vú thì nên đi khám. Tùy tình trạng của mỗi cá nhân bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể. Chẳng hạn, nếu trường hợp điển hình của một nang vú, chỉ cần siêu âm là đủ, không cần làm thêm các xét nghiệm khác. Hoặc nếu khám, chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, nhũ ảnh) thấy điển hình của bướu sợi tuyến thì trường hợp như vậy là đủ; ngược lại nếu thấy bất thường thì có thể làm thêm xét nghiệm khối u.

Xét nghiệm khối u này còn tùy trường hợp, có thể đâm kim nhỏ để lấy tế bào để xét nghiệm; hoặc dùng một cây kim lớn hơn để lấy được nhiều mô từ khối u hơn; hoặc một số trường hợp khối u gây đau, chèn ép, khó chịu, tùy theo đánh giá của bác sĩ có thể phẫu thuật, hút toàn bộ khối u để xét nghiệm. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh lại, không phải trường hợp nào cũng cần xét nghiệm, mà tùy tình trạng của mỗi cá nhân, bác sĩ sẽ có đánh giá và chỉ định phù hợp.

6. Nên đi khám vú vào thời điểm nào là tốt nhất?

Nên đi khám, kiểm tra vú tại thời điểm nào? Có cần tránh những ngày trong chu kỳ kinh nguyệt không, thưa BS?

Đối với các chị em chưa mãn kinh nên đi khám, kiểm tra vú sau khi sạch kinh nguyệt 4-5 ngày. Bởi vì thông thường, khi gần đến ngày kinh nguyệt, hầu hết các chị em đều cảm thấy vú căng lên, hơi đau, như vậy rất dễ bị nhầm lẫn. Hơn nữa, khi siêu âm, thủ thuật thì có thể sẽ đau hơn.

Do đó, 4-5 ngày sau chu kỳ kinh nguyệt được xem là khoảng thời gian đi khám vú tốt nhất, vì mô vú thường sẽ mềm nhất, dễ phát hiện nếu có tổn thương và cũng ít đau hơn nếu phải làm thủ thuật.

7. U vú có ảnh hưởng quá trình mang thai, cho con bú?

Các chị em có u vú liệu có ảnh hưởng đến quá trình mang thai và cho con bú?

Thường, các khối u vú không ảnh hưởng đến khả năng mang thai. Đồng thời u vú cũng ít tác động đến khả năng cho con bú, tuy nhiên cũng tùy trường hợp, chẳng hạn như u sợi tuyến lớn có thể chèn ép làm bị giảm tiết sữa; hoặc u nhú có thể gây tiết dịch ở đầu vú cũng có thể ảnh hưởng khả năng cho con bú.

8. U vú có ảnh hưởng đến quá trình thực hiện hỗ trợ sinh sản?

Với những chị em bị u vú, quá trình thực hiện hỗ trợ sinh sản (thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm) có ảnh hưởng hay thúc đẩy u vú phát triển nhanh hơn? Liệu có cách nào để hạn chế nguy cơ này khi thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản, thưa BS?

Nhìn chung, vấn đề người ta sợ nhất là các biện pháp hỗ trợ sinh sản có thể có khả năng tăng nguy cơ ung thư hay không? Nhiều nghiên cứu khác nhau cho thấy, các biện pháp hỗ trợ sinh sản hiện nay đang áp dụng gần như không có ảnh hưởng, nếu có thì cũng không đáng kể đối với khả năng tăng nguy cơ ung thư. Người phụ nữ thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nên đi khám định kỳ bình thường và không cần quá lo lắng.

9. Bác sĩ hướng dẫn những nguyên tắc cần nhớ khi tự khám vú tại nhà

Nhờ BS hướng dẫn kiểm tra vú dành cho phụ nữ khỏe mạnh bình thường và chị em có nguy cơ mắc ung thư vú chưa có biểu hiện triệu chứng?

Nếu chúng ta khám và thấy được khối u thì thường đó không còn là giai đoạn sớm nữa. Phát hiện ung thư vú tốt nhất hiện nay là qua tầm soát, nhưng chương trình này tại nước ta chưa ứng dụng rộng rãi.

Về việc tự thăm khám, nguyên tắc chung là khám cố định một ngày trong chu kỳ kinh, tốt nhất là sau 4-5 ngày sau khi dứt chu kỳ kinh nguyệt (thời điểm mô vú mềm nhất). Nguyên tắc thứ hai là để bàn tay phẳng, không nắm-bóp lại, nhất là với người trẻ khi nào nắm, bóp cũng sẽ có cảm giác lợn cợn.

Các chị em có thể đứng trước gương để kiểm tra đầu vú (có bị thay đổi, thụt-kéo không). Thói quen khám sẽ tùy theo từng cá nhân, có thể khám theo từng phần tư của vú; khám từ trong ra ngoài (hoặc từ ngoài vào trong); khám theo chiều kim đồng hồ (hoặc ngược chiều kim đồng hồ) đều được, miễn là bàn tay có thể áp vào hết các phần của vú. Dùng tay phải để khám vú trái và ngược lại sẽ dễ hơn.

Ngoài ra, khi khám có thể dùng tay bóp nhẹ đầu vú để kiểm tra (xem có dịch hoặc nước chảy ra không) và sờ nách, cổ (để phát hiện hạch).

Làm thế nào để giữ cho tuyến vú khỏe mạnh, thưa BS?

Bầu vú là niềm kiêu hãnh của người phụ nữ. Để cơ quan này khỏe mạnh, các chị em nên duy trì chế độ tập luyện thể dục thể thao, dinh dưỡng cân bằng, nghỉ ngơi - làm việc phù hợp với sức khỏe. Khi cơ thể khỏe thì các cơ quan trong cơ thể cũng sẽ khỏe và bầu vú cũng không ngoại lệ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X