Hotline 24/7
08983-08983

TTƯT.BS.CK2 Nguyễn Thế Hồ: Làm thế nào để tránh lây đau mắt đỏ?

Thầy thuốc ưu tú - BS.CK2 Nguyễn Thế Hồ Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Trưng Vương TPHCM đưa ra lời khuyên, nên đeo kính có màu, nghỉ ngơi ở nhà... để tránh lây lan bệnh đau mắt đỏ cho những người xung quanh.

Thầy thuốc ưu tú - BS.CK2 Nguyễn Thế Hồ Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Trưng Vương TPHCM

Bệnh viêm kết mạc hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ là bệnh rất thường gặp. Xin BS cho biết bệnh này có nguyên nhân từ đâu ạ?

Bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc do vi khuẩn hoặc virus gây ra, thường nhất là do siêu vi trùng nhiễm từ người này sang người khác.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là gì ạ? Tùy theo từng nguyên nhân gây bệnh thì những dấu hiệu này có khác nhau không? Ngoài viêm kết mạc thì còn những bệnh nào khiến mắt chúng ta đỏ lên hay không ạ?

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh đau mắt đỏ đúng như tên gọi của nó. Đầu tiên là mắt sẽ đỏ, sau đó người bệnh cảm thấy xót, chảy nước mắt, chảy dịch... Triệu chứng thường thấy nhất là bị ghèn ở 2 mắt sau khi ngủ dậy.

Đa số các trường hợp đau mắt đỏ không gây giảm thị lực, ngoại trừ bị viêm. Đau mắt đỏ đa phần do virus Adeno, nhưng bên cạnh đó cũng có một số loại virus khác gây ra tình trạng này. Nó có thể tạo ra những triệu chứng nặng hơn như xuất huyết tạo ra các màng giả đóng trong kết mạc.

Trường hợp do virus khác cũng gây ra tình trạng đau mắt đỏ nhưng sơ nhập hơn như sủi kết mạc... Đau mắt đỏ cần phải phân biệt với một số bệnh lý khác như viêm giác mạc, ngoài triệu chứng đỏ mắt thì nó còn gây mờ mắt và bệnh cườm nước.

Đau mắt đỏ có biểu hiện rất rầm rộ, nếu chủ quan và điều trị sai cách sẽ gây ra hậu quả đáng tiếc.

Xin BS cho biết bệnh đau mắt đỏ được điều trị như thế nào?

Bệnh đau mắt đỏ có thể tự hết trong vòng 7-10 ngày. Khi điều trị có 2 mục đích. Một là uống thuốc để giảm các triệu chứng của bệnh. Hai là phòng ngừa những bệnh gây ra do vi trùng khác. Khi bị đau mắt đỏ do virus Adeno rất dễ bị các vi trùng sống cộng sinh hoặc tấn công từ bên ngoài vào gây nhiễm trùng, do đó những loại thuốc dùng trong quá trình điều trị cũng giúp phòng ngừa tình trạng này.



Khi có triệu chứng như nhiều gỉ mắt, cảm giác mắt cộm rát, nóng và ngứa... thì nên đến khám bác sĩ chuyên khoa, không nên tự ý mua thuốc điều trị có thể dẫn đến hậu quả khó lường. BS Thế Hồ đang khám mắt cho người bệnh.

Theo BS thì mọi người có thể tự nhận biết mình bị đau mắt đỏ và mua thuốc nhỏ mắt không ạ? Thuốc trị đau mắt đỏ có cần BS kê toa không?

Đau mắt đỏ khá phổ biến nhưng đôi khi những triệu chứng của bệnh rất dễ gây hiểu lầm với những bệnh lý khác mà ngay cả bác sĩ chuyên khoa cũng phải rất cẩn thận khi chẩn đoán.

Việc chẩn đoán nhầm có thể dẫn tới hướng điều trị sai lệch. Đau mắt đỏ đôi lúc không chỉ làm tổn thương trên kết mạc mà còn làm tổn thương cả giác mạc, do đó nếu vẫn điều trị theo kết mạc thì sẽ gây ra những hậu quả khó lường.

Tốt nhất, khi có những triệu chứng đau mắt đỏ hãy nên đến khám bác sĩ chuyên khoa Mắt để có thể được chẩn đoán, hướng xử lý an toàn nhất. Tuyệt đối không tự điều trị theo các cách truyền miệng, hoặc trên mạng, không xông lá trầu, không xông các loại lá, không đắp hành củ, không nhỏ sữa mẹ... vào mắt.
Không tự mua thuốc điều trị khi không có chỉ định của bác sĩ vì có thể sẽ làm bệnh nặng hơn. Việc điều trị không đúng bệnh, không đúng thuốc dẫn tới những hậu quả khôn lường: Giảm thị lực, viêm loét giác mạc, thậm chí mù lòa.

Nhờ BS hướng dẫn cách để làm giảm tình trạng mắt sưng đau mà không dùng thuốc?

Sưng và đau là một trong những triệu chứng thường gặp ở đau mắt đỏ. Để giảm bớt các triệu chứng này chúng ta nên đeo kính khi đi ra đường để tránh bụi, rửa mắt hằng ngày bằng nước đun sôi để sạch, nên nghỉ ngơi khi mắc bệnh.

Trong thời gian điều trị đau mắt đỏ, nếu người bệnh có dùng kính áp tròng, nước mắt nhân tạo… thì cần lưu ý điều gì ạ?

Bị viêm kết mạc không nên đeo kính áp tròng. Khi gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào, bệnh nhân phải tháo kính áp tròng vì trước tiên chúng ta cần phải tập trung điều trị, bảo vệ đôi mắt.

Khi bị viêm kết mạc cũng không nên sử dụng nước mắt nhân tạo, thay vào đó là những loại thuốc khác.

Trong dân gian quan niệm là không nên nhìn vào mắt người bị đau mắt đỏ để tránh bị lây. Theo BS quan niệm này có đúng? Và làm cách nào để tránh bị lây bệnh này ạ?

Trước khi làm bác sĩ, tôi cùng từng nghĩ như vậy, nhưng đây là quan điểm không đúng. Bệnh đau mắt đỏ lây qua dịch được tiết ra mắt của bệnh nhân có trong nước mắt, ghèn, khi chúng ta tiếp xúc với bệnh nhân sau đó sơ ý đưa lên mắt của mình.

Ngoài ra, bệnh còn lây qua tuyến nước bọt nhưng tỉ lệ rất ít. Cẩn thận nhất vẫn là dịch của mắt. Trong trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân thì nên lưu ý rửa tay thật sạch.

Đeo kính màu, nghỉ ngơi ở nhà... là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất phòng tránh lây lan đau mắt đỏ cho người khác. Ảnh minh họa: Nguồn Internet


Bản thân người bị đau mắt đỏ cần làm gì để tránh lây cho những người xung quanh, thưa BS? Bị bệnh này có cần nghỉ làm hoặc nghỉ học không ạ? Và có phải mắt hết đỏ là hết lây không?

Như tôi đã nói ở trên, va chạm với nhau là một trong những trường hợp dễ bị lây bệnh nhất. Vì vậy, khi bị đau mắt đỏ nên nghỉ ngơi, để tránh trường hợp lây lan cho người khác. Khi ra ngoài, cần đeo kính màu để phòng trường hợp dịch tiết ở mắt văng ra ngoài không khí.

Bên cạnh đó, những vật dụng sinh hoạt của bệnh nhân nên được giặt sạch và nên giặt riêng khăn tắm, khăn lau mặt...

Khi mắt hết đỏ sẽ có 2 trường hợp xảy ra. Một là bệnh nhân dùng thuốc điều trị làm giảm các triệu chứng như đỏ mắt... Thứ 2, đây là biểu hiện qua những thời kỳ của bệnh. Đau mắt đỏ sẽ mất khoảng 24 tiếng để ủ bệnh và kéo dài sau 7-10 ngày, trong thời gian từ ngày 7 trở đi, một số triệu chứng dần mất đi như mắt hết đỏ... nhưng thực chất bệnh vẫn còn đó. Vì vậy, bệnh nhân cần lưu ý.

Một số người than phiền bị đau mắt đỏ/viêm kết mạc tái đi tái lại hoài là do đâu? Họ nên làm gì để khỏi bệnh?

Khi bị đau mắt đỏ tái phát trong 1 tháng hoặc trong một khoảng thời gian ngắn thì chắc chắn do một loại virus khác gây triệu chứng đau mắt đỏ như viêm kết mạc dị ứng hoặc mắt hột... Bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa Mắt để chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời.

Xin trân trọng cảm ơn TTƯT.BS CK2 Nguyễn Thế Hồ - Trưởng khoa mắt, Bệnh viện Trưng Vương TPHCM đã dành thời gian tư vấn cho bạn đọc AloBacsi về căn bệnh dễ lây lan - đau mắt đỏ. Hẹn gặp lại bác sĩ trong chương trình tư vấn lần sau!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X