Chủ tịch hội Phụ sản TPHCM Xem thông tin
Là phận nữ nhi chân yếu tay mềm, từng tình nguyện rời bỏ cuộc sống “nữ tiểu thơ Sài thành” về Bến Tre sống trong khu tập thể thiếu thốn đủ bề, năm 2001, TS.BS Vũ Thị Nhung phải gánh vác trọng trách nặng nề khi kinh nghiệm vận hành cả một bệnh viện vẫn còn ít ỏi.
Tòa nhà 5 tầng mới xây của Bệnh viện Hùng Vương khi ấy đứng trước thực trạng “8 không”, thiếu sót từ mạng điện thoại, hệ thống thông gió cho tới máy phát điện dự phòng.
Cùng với việc mạnh mẽ lên tiếng về những sai sót này, tân giám đốc bền bỉ vận động sự hỗ trợ của các cấp lãnh đạo duyệt tăng kinh phí cho xây dựng và mua sắm thêm các trang thiết bị, khắc phục những thiếu sót, đưa bệnh viện vào vận hành.
Trước nghịch lý ghép đôi khoa Hiếm muộn cùng với khoa Kế hoạch hóa gia đình, TS.BS Vũ Thị Nhung quyết tâm tách rời và thành lập khoa Hiếm muộn tại Bệnh viện Hùng Vương trước nhu cầu chữa hiếm muộn ngày càng cấp bách.
Sự xuất hiện của IVF Hùng Vương đã thắp lên ngọn lửa hi vọng tưởng đã vụt tắt của nhiều cặp vợ chồng mong con. Trải qua 18 năm, khoa đã chào đón hơn 2.000 trẻ khỏe mạnh ra đời.
45 năm trong ngành Sản phụ khoa, số ca bệnh qua tay không thể nào đếm xuể nhưng ấn tượng nhất trong tâm trí nữ bác sĩ ngoài 70 tuổi là những trường hợp sản phụ nguy kịch, khả năng tử vong mười phần chắc chín nhưng đã vượt cạn thành công.
“Sản phụ đẩy vào phòng sinh đang khoẻ mạnh mà sau sinh thì mình báo chết thì ai mà chịu nổi? Vì vậy, bác sĩ Sản phụ khoa phải có tâm, có tầm, nếu không sẽ đưa ra những quyết định nguy hiểm đến tính mạng con người trong chớp mắt”. - PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung.