Hotline 24/7
08983-08983

TS.BS Trần Ngọc Ánh livestream tư vấn: Gìn giữ làn da con gái khi mang thai

TS.BS Trần Ngọc Ánh - Bệnh viện Da liễu TPHCM mang đến giải pháp tốt nhất cho các mẹ bầu để xóa mờ nỗi lo rạn da, giúp gìn giữ làn da con gái khi mang thai trong chương trình livestream sáng ngày 16/7/2019. Mời các chị em cùng đấng lang quân đón xem.




NỘI DUNG TƯ VẤN

Phần 1: TS.BS Trần Ngọc Ánh trò chuyện với MC Mỹ Thi

1. Thưa bác sĩ, có người sinh 3-4 người con nhưng không bị rạn da, trong khi có người mang thai lần thứ nhất đã bị rạn. Vậy chị em nào khi mang thai dễ bị rạn da? Những vết rạn bắt đầu xuất hiện từ khi nào, tháng thứ mấy của thai kỳ? Nguyên nhân do đâu?

TS.BS Trần Ngọc Ánh:

Làn da của chúng ta lúc nào cũng có độ mềm mại và độ đàn hồi, đó là do cấu trúc của làn da của chúng có những sợi collagen, elastin bên dưới da. Đây là bộ khung nâng đỡ làn da của chúng ta, tạo nên một làn da săn chắc.

Bình thường da co giãn hoặc chúng ta mập lên một tí cũng không sao nhưng khi da bị căng nhanh quá, những sợi liên kết đó sẽ bị căng và đứt ra, tạo thành vết rạn nứt.

Một số yếu tố liên quan đến rạn nứt đó là di truyền: cấu trúc da ảnh hưởng bởi cha mẹ. Thứ hai là tùy thuộc vào tình trạng chăm sóc làn da (được chăm sóc, giữ độ ẩm, sử dụng sản phẩm dưỡng da..) thì da sẽ đỡ bị rạn hơn.

Khi nào vết nứt xuất hiện? Khi em bé lớn nhanh. Thường trong 3 tháng đầu thai kỳ, em bé mới hình thành các cơ quan, chưa lớn, còn nhỏ, bắt đầu từ tháng thứ tư (tam cá nguyệt thứ nhì), em bé lớn rất nhanh, vết rạn bắt đầu xuất hiện.

Một số người sinh con 2, 4 lần, da vẫn săn chắc, không thấy vết rạn mà những người mới sanh con so, bắt đầu mang thai hoặc mới mang thai tháng thứ 2 đã thấy vết rạn thì như đã nói, các nguyên nhân đó là: thứ nhất do di truyền, thứ hai do em bé lớn nhanh quá.

2. Các vết rạn da thường xuất hiện ở đâu? Hình và màu sắc vết rạn trông như thế nào, thưa bác sĩ? Vết rạn da có thay đổi theo tuổi của thai kỳ, bởi một số chị em xuất hiện vết rạn từ đầu nhưng có người gần đến tam cá nguyệt thứ 2, thứ 3 mới bị?

TS.BS Trần Ngọc Ánh:


Vết rạn da xuất hiện ở những vùng da căng quá mức và nhanh, thường là bụng. Các chị em khi mang thai, da bụng căng và lớn nhanh quá mức. Ngoài vùng bụng, các vùng khác cũng phát triển và to nhanh lên như hông, đùi và ngực. Tất cả những vùng da căng nhanh đều xuất hiện những vết rạn. Da căng theo chiều nào thì vết rạn sẽ căng theo chiều đó.

Nếu căng theo bề ngang, những vết rạn sẽ thấy theo chiều dọc cơ thể, bắt đầu là những vết ngắn, dần dần sẽ theo chiều dài ra.

Ban đầu chỉ là những vết mảnh nhỏ, li ti, màu hơi hồng nhưng về sau màu chuyển sang đỏ và bề ngang của vết rạn to dần, có khi chuyển sang màu tím sậm.

Ban đầu, những vết rạn chỉ xuất hiện ít nhưng về sau sẽ nhiều hơn, dày đặc và theo chiều dọc vùng bụng, cơ thể. Những vùng da tay, nách cũng có thể rạn và vùng bụng, đùi và ngực dễ thấy nhất.

Tùy theo bạn có vùng nào trên cơ thể lớn nhanh, nở nhanh thì sẽ bị nhiều hơn. Có những mẹ tới những tháng cuối của thai kỳ mới bị rạn da vì khi đó sức nặng của em bé mới tỳ xuống vùng bụng dưới, vùng dưới rốn, xuất hiện vết rạn lớn hơn, nhiều hơn, to hơn và nứt rộng hơn, nhiều khi còn cảm thấy đau.

Thông thường, chị em khi mang thai sẽ xuất hiện vết rạn vào sau tháng thứ 3 của thai kỳ vì từ tháng thứ 4, em bé trong bụng sẽ bắt đầu phát triển về cân nặng. 3 tháng cuối của thai kỳ lớn nhanh nhất, nên những vết rạn sẽ xuất hiện nhiều nhất vào 3 tháng cuối của thai kỳ. Đối với chị em có làn da không được săn chắc và sẫm màu thì có thể xuất hiện sớm.

3. Hiện nay có giải pháp nào trị dứt điểm vết rạn da chưa thưa bác sĩ? Một số chị em tin rằng với kỹ thuật laser có thể đánh bay vết rạn da, thực hư điều này như thế nào ạ?

Bác sĩ có thể chia sẻ một số cách để cải thiện vết rạn da trong thời kỳ mang thai cho các chị em?


TS.BS Trần Ngọc Ánh:

Sau khi sanh xong, chúng ta mới điều trị rạn da, còn trước khi sanh thì chúng ta phòng ngừa.

Các chị em thường quan niệm laser là một “chiếc đũa thần kỳ” có thể điều trị mọi vấn đề về da. Tuy nhiên, khi nói về cấu trúc của làn da, nguyên nhân gây rạn da và bản chất của rạn da là sự đứt những sợi mô liên kết dưới da, mà đứt như vậy là tình trạng vĩnh viễn.

Trước đây, tình trạng đó không thể hồi phục, đứt rồi là đứt luôn. Tuy nhiên, hiện nay có những phương pháp mới điều trị được tình trạng rạn da.

Chúng ta phải bù đắp lại lượng collagen và elastin mất đi. Vậy bổ sung bằng nào? Chúng ta phải xâm lấn thì mới bổ sung được collagen ở những chỗ bị mất như phương pháp lột da (thay da sinh học, bổ sung tế bào gốc), lăn kim và laser. Laser cũng tạo nên những tổn thương ở những vùng bị rạn nứt, khi tạo tổn thương thì sẽ có một cơ chế là tăng sinh collagen để bù đắp lại vết thương đang hình thành.

Ngoài ra, còn có phương pháp cấy chỉ, tức là luồn chỉ vào các vết rạn nứt đó. Nhưng, tất cả các phương pháp này chỉ giúp hồi phục da bị rạn ở tình trạng nhẹ, đường nứt không lớn lắm, không nhiều lắm chứ không thể nào hoàn hảo 100%.

Vì không thể cải thiện hoàn toàn y như vòng eo con gái cho nên chúng ta nên ngừa, từ lúc mang thai cần có những biện pháp bảo vệ làn da và chăm sóc làn da để đừng bị nứt. Khi bị nứt rồi, phải chăm như thế nào để không bị nứt lớn quá, rộng quá, nhiều quá thì khó hồi phục sau khi sanh.

Trong khi mang thai, những tháng đầu nên dưỡng da, có thể dùng kem, gel, dầu giữ ẩm cho làn da. Khi làn da được giữ ẩm thì những sợi collagen có độ mềm mại và độ căng giãn tốt hơn, khó bị nứt, bị đứt hơn. Sau khi sanh rồi cũng nên sử dụng những sản phẩm làm mờ vết rạn và làm sáng da. Vì thường khi mang thai, ngoài tình trạng bị nứt, da chúng ta hay bị sậm màu, tối màu thì những loại kem làm sáng màu và làm mềm da phần nào sẽ bổ sung collagen, giúp làm mờ vết rạn. Nếu sử dụng đúng cách, từ vết rạn màu hồng, màu đỏ ban đầu sẽ mờ đi, tạo thành ánh bạc và nhìn không thấy nữa thì sẽ đỡ phần nào về mặt thẩm mỹ.

4. Tâm lý của nhiều phụ nữ khi mang bầu là rất đề phòng với tất cả các cách làm đẹp, trang điểm vì sợ gây hại cho thai nhi. Do đó, dù rất sợ bị rạn da khi mang thai nhưng họ vẫn không dám dùng bất kỳ sản phẩm nào.

Xin hỏi bác sĩ, với các chị em mang bầu thì có nên dùng sản phẩm làm đẹp? Cần lưu ý gì khi lựa chọn sản phẩm trị rạn da, tiêu chí nào để đánh giá an toàn hay không an toàn?


TS.BS Trần Ngọc Ánh:

Khi mang thai, người mẹ dành tất cả mọi yêu thương và chăm sóc cho con, có thể nói là hi sinh mình, hi sinh tất cả những nhu cầu làm đẹp của mình để dành cho con.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể lựa chọn những biện pháp làm đẹp an toàn không ảnh hưởng thai nhi, không thấm qua da, không vào máu, không tác động lên sự hình thành và phát triển của thai nhi.

Đặc biệt, đối với tình trạng rạn da, khi bị rồi thì rất khó hồi phục mà ảnh hưởng rất nhiều về tâm lý, kéo dài khá lâu sau khi sinh nên chúng ta dùng những sản phẩm có thể phòng ngừa, ưu tiên cho tiêu chí hiệu quả. Những hiệu quả đó phải được chứng minh về mặt khoa học, nghiên cứu về mặt an toàn, có thể làm mờ được vết rạn da, an toàn sau khi sinh, không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ, không ảnh hưởng đến sự hình thành của thai nhi.

Bên cạnh đó, phải có tiêu chí dễ dung nạp. Khi thoa lên mà cảm thấy khó chịu, nhờn và rít thì cũng không hay. Những sản phẩm khi dùng phải cảm thấy dễ chịu, không thấy nhờn, không bị bí bách. Đó là những tiêu chí đặt ra mà các bạn có thể lựa chọn những sản phẩm chăm sóc làm đẹp trong khi mang thai.

5. Thưa bác sĩ, việc dùng dùng kem chống rạn nên thực hiện ở tháng thứ mấy của thai kỳ? Và các chị em nên massage thế nào để không ảnh hưởng đến thai nhi?

TS.BS Trần Ngọc Ánh:

Bắt đầu từ tam cá nguyệt thứ hai, em bé sẽ bắt đầu lớn từ từ và rồi lớn nhanh nhanh dần, tức là tăng trọng lượng nhanh. Vì vậy, chúng ta nên massage và sử dụng những loại kem dưỡng làm mềm da để phòng ngừa nguy cơ gây rạn da sớm.

Nếu massage, chúng ta hãy massage nhẹ nhàng vì với một số bà mẹ có những nguy cơ sảy thai, dọa sảy thai, sinh non, là những nguy cơ dễ xảy ra khi có tác động về mặt cơ học đối với thai trong tử cung. Nhiều khi chúng ta muốn thấm nhanh, hiệu quả, chúng ta có những động tác hơi mạnh bạo một chút, đối với một số người thì không sao, nhưng một số người có nguy cơ thì nó dễ gây nên tình trạng tác động đến thai nhi, vì vậy phải massage đúng cách.

Chú ý, khi có những dấu hiệu máy, gò hoặc thấy bất thường thì không nên tiếp tục massage.

6. Sau khi sinh, vóc dáng trở lại thon gọn bình thường thì những vết rạn cũng tự động biến mất? Điều này có đúng không thưa bác sĩ? Có cách nào điều trị rạn da sau sinh?

TS.BS Trần Ngọc Ánh:

Một thời gian sau khi sinh xong, đa số các bà mẹ vì công việc hàng ngày, chăm con nên tất cả các vấn đề nội tiết đã thay đổi thì chị em cũng dần lấy lại được vóc dáng thon gọn trở lại.

Tuy nhiên những vết rạn da, những vùng da bị căng quá mức sẽ trở nên lỏng lẻo và không được săn chắc. Mặc dù vóc dáng có thon gọn nhưng những vết rạn da vẫn còn mờ, từ màu hồng, tím sậm chuyển sang màu bạc, hơi trắng, không thể mất đi, sờ lên cũng không còn được láng mịn nữa, có độ nhám, không cân bằng, không mềm mại.
 
Để cải thiện tình trạng đó, sau khi sinh và để hạn chế những tình trạng thiếu thẩm mỹ đó, chúng ta vẫn có thể tiếp tục sử dụng những sản phẩm làm đẹp nhưng cần an toàn và giữ được độ ẩm, có thêm những thành phần tái tạo, phục hồi và tăng sinh collagen để có thể lấy lại sự mềm mại, săn chắc và láng mượt cho làn da đã bị rạn.

7. Với kinh nghiệm chữa trị và chăm sóc làn da cho chị em, BS Ngọc Ánh có lời khuyên nào để phụ nữ chúng ta luôn giữ được làn da tươi trẻ, mượt mà thời con gái?

TS.BS Trần Ngọc Ánh:

Làm mẹ là thiên chức của người phụ nữ, chúng ta tập trung cho thai nhi, đồng thời có biện pháp dưỡng da, để vẫn giữ được làn da tươi trẻ sau khi sanh.

Trước hết cần chăm sóc, dưỡng da từ sớm, từ tháng đầu của thai kỳ để làn da không bị nứt, không bị căng, không bị rạn, dùng những loại kem dưỡng ẩm an toàn và có hiệu quả, thường xuyên duy trì. Bên cạnh đó, phải bảo vệ làn da của chúng ta: đi đâu cũng phải che chắn, tránh va chạm hoặc tác động xấu từ môi trường bên ngoài. Ngay cả chúng ta sử dụng các sản phẩm tắm rửa, hãy sử dụng những sản phẩm êm dịu, nhẹ nhàng và có độ ẩm.

Vấn đề dinh dưỡng cũng là vấn đề rất quan trọng. Dinh dưỡng đối với phụ nữ mang thai cần có chế độ riêng để tăng sức đề kháng, đầy đủ dưỡng chất cho cả mẹ và con, thì chúng ta cần bổ sung những chất như vậy. Cơ thể khỏe mạnh thì làn da mới khỏe mạnh. Chúng ta cần chăm sóc bên trong và bên ngoài.

Phần 2: TS.BS Trần Ngọc Ánh giải đáp thắc mắc của bạn đọc

1. Mai Trúc Hà - Đồng Nai

Thưa bác sĩ, bà ngoại và mẹ em đều bị rạn da khi sanh con. Hiện em đang mang thai tuần thứ 12, da bắt đầu xuất hiện những vết lằn trông như dây thừng, màu trắng.

Xin hỏi bác sĩ, đây có phải là vết rạn da không ạ? Tình trạng rạn da của em có phải do di truyền? Bây giờ vết rạn còn mờ vậy có cách nào để nó đừng tiến triển nữa không ạ? Em cảm ơn bác sĩ.

TS.BS Trần Ngọc Ánh:

Bạn thấy xuất hiện màu trắng trông như dây thừng trên da nhưng ở những vùng nào, nếu ở vùng bụng, hông, đùi, ngực thì đa phần đó là tình trạng rạn da vì đa phần cơ thể bắt đầu tăng trọng, da bắt đầu giãn ra khi em bé phát triển. Đặc biệt, những vết rạn đó xuất hiện vào những tuần thứ 12 tức là vào tam cá nguyệt thứ 2 của thai kỳ, lúc này em bé bắt đầu phát triển nhanh về trọng lượng nên những vết bạn thấy như vậy đó là dấu hiệu của rạn da.

Khi bắt đầu là những vết mảnh nhỏ, trắng, dần dần sẽ sậm màu hơn, lớn hơn, dài hơn và bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Như vậy, bạn đã có sớm có nguy cơ rạn da rồi nên bạn cần nhanh chóng có những biện pháp để hạn chế những tình trạng này bằng những sản phẩm dưỡng da, giữ ẩm cho làn da để tăng độ đàn hồi, độ co giãn và độ săn chắc, có thể thoa và massage nhẹ nhàng để làn da được mềm mịn, hạn chế tình trạng rạn da tiếp theo.

2. Nguyễn Thị Bích Liên - Q.12, TPHCM

Em nghe nói cân nặng khi mang thai sẽ làm tăng nguy cơ rạn da khi vào những tháng cuối thai kỳ. Ai cũng nói cần tăng cân hợp lý nhưng em không biết hợp lý ở đây là như thế nào ạ? Tăng bao nhiêu là đủ trong mỗi giai đoạn để tránh tình trạng rạn da? Em muốn duy trì tập thể dục để hạn chế cân nặng vào mẹ, vậy nên tập sao cho đúng cách? Nếu tập yoga, những động tác dãn chân tay có làm da rạn không thưa bác sĩ?

TS.BS Trần Ngọc Ánh:

Bạn thân mến,

Vào tam cá nguyệt thứ hai, thứ ba, em bé sẽ tăng trọng lượng và lớn nhanh. Lớn càng nhanh thì nguy cơ rạn da sẽ ngày càng nhiều và sẽ tăng cân. Tăng cân như thế nào là hợp lý? Theo như tính toán của các nhà khoa học, bà mẹ mang thai tăng cân hợp lý là trong suốt 9 tháng 10 ngày sẽ tăng từ 9-12kg. Trong 3 tháng đầu, mỗi tháng tăng 1kg. 3 tháng giữa, mỗi tháng tăng 1,5kg. 3 tháng cuối tăng 1,5kg. Tổng cộng khoảng 12kg.

Tuy nhiên, tình trạng tăng cân hợp lý cũng tùy thuộc vào thể trạng của bà mẹ, bà mẹ nhỏ con, bà mẹ lớn con thì nó sẽ có độ xê xích. Nhưng không nên vượt quá 12, 13kg, nếu vượt quá thì chúng ta nên điều chỉnh chế độ ăn, kiểm soát cân nặng.

Nếu bạn nói, tập thể dục để hạn chế sự tăng cân để làm cho làn da tránh bị rạn cân, bị rạn nứt thì không phải như vậy. Tức là, chúng ta ăn uống, tập thể dục hợp lý để có sự tăng cân hợp lý chứ không phải để hạn chế tình trạng tăng cân, kìm hãm mức độ tăng cân dưới mức tăng cân bình thường. Mỗi tháng tăng 1,5kg, nếu không ăn đủ như vậy thì không đủ sức khỏe cho bé và mẹ, gây nguy cơ bệnh lý cho con và mẹ cũng rất nguy hiểm.

Chúng ta có thể tập thể dục, thể thao để tăng cường sức khỏe, tăng cường miễn dịch của mẹ, cho con được khỏe. Những động tác tập yoga giãn tay, giãn chân không làm rạn da. Nhưng lưu ý, các động tác này phải bài bản và dành cho phụ nữ mang thai. Những bệnh viện phụ sản đều có những lớp học tập thể dục và tập yoga cho phụ nữ mang thai với những động tác thích hợp, mẹ khỏe, con khỏe mà không ảnh hưởng đến thai nhi.

Thân.

3. Nguyễn Thị Thùy Linh - Bình Dương

Bác sĩ ơi, em mang thai tháng thứ 6, vết rạn bắt đầu tăng dần, chuyển qua màu sậm. Thậm chí nó còn gây ngứa nữa, gãi nhiều thì rát da và cũng ảnh hưởng thai nhi. Bác sĩ tư vấn giúp em ngứa trên vết rạn da có phải do tình trạng rạn này gây ra không hay bệnh lý ở phụ nữ mang thai? Ngứa thế nào là bình thường, khi nào là bệnh lý? Em phải làm sao để hết ngứa trên vết rạn. Em cảm ơn bác sĩ đã giải đáp.

TS.BS Trần Ngọc Ánh:

Thùy Linh thân mến,

Tình trạng ngứa khi mang thai thì có rất nhiều mẹ mắc phải, bình thường không ngứa nhưng khi mang thai không những chỉ vùng bụng mà ngứa toàn thân, nhiều khi rất dữ dội.

Tình trạng này được giải thích là sự thay đổi miễn dịch trong lúc mang thai và em bé là một tác nhân gây dị ứng. Vì mang một vật thể là thì chính vật thể đó làm cho cơ thể ngứa, đặc biệt ở những vùng da bị tổn thương, những vùng da bị nứt, mỏng manh hơn, dẫn đến tình trạng ngứa càng dữ dội hơn.

Đây là một tình trạng sinh lý miễn dịch khi mang thai, do phản ứng với em bé, đây cũng là một bệnh lý khi quá mức cùng với những tác nhân bên ngoài, thời tiết, tác động của những hóa chất, một tỷ lệ nhỏ kem dưỡng da và thức ăn (hải sản, tôm cua…) là những tác nhân gây ngứa. Những thành phần trên gây ra tình trạng ngứa nhiều, đặc biệt ở vùng da rạn.

Ngứa có nhiều mức độ khác nhau, khi ngứa bình thường thì chỉ có cảm giác ngứa nhưng làn da không ảnh hưởng, có thể chỉ là phản ứng bình thường. Nhưng nếu khi ngứa, da xuất hiện hồng ban, mảng đỏ ở nhiều vùng trên cơ thể, nhiều hơn nữa khi xuất hiện những mụn nước li ti, sờ vào cảm giác nhám, đặc biệt trên vùng da rạn, đến mức cào gãi, rát da thì đó là tình trạng bệnh lý.

Da bắt đầu xuất hiện những vết đỏ, xuất hiện mụn nước, để giảm thiểu tình trạng này, các bà mẹ rất sợ uống thuốc nhưng không nên cào gãi mà hãy dùng những sản phẩm làm dịu nhẹ cho làn da. Trước hết cần tắm rửa, vệ sinh hàng ngày, dùng những sản phẩm không gây kích ứng, không chất bảo quản, không tạo mùi giống như những sản phẩm dành cho em bé.

Có những sản phẩm làm dịu cơn ngứa, giảm tình trạng đỏ, viêm, an toàn cho da, có thể thoa nhiều lần. Đó là những biện pháp có thể duy trì trong suốt thời gian mang thai, vì có thể tình trạng ngứa sẽ kéo dài đến khi sinh.

Thân mến.

4. Phan Thị Cẩm Vân - Hà Nội

Vừa rồi trên hai bắp đùi của em xuất hiện những vết lằn đỏ không gây ngứa và dị ứng. Đi khám BS chuẩn đoán là rạn da. Em thoa kem nhưng không bớt. Em nghe người ta bày là nghiền nát tỏi và bôi vào đùi sẽ bớt. Em làm theo nhưng khi bôi vào thì đùi rất rát. Thưa BS, vậy có bị sao không? Em có nên sử dụng tỏi nữa không? Em cám ơn BS!

TS.BS Trần Ngọc Ánh:

Cẩm Vân thân mến,

Bạn xuất hiện những vết lằn đỏ như vậy, nhưng không nói rõ là bạn có đang mang thai hay không. Vậy bạn có tăng cân không? Nếu tăng cân, đùi và hông sẽ lớn ra, xuất hiện vết rạn da hoặc bạn có thoa kem dưỡng da gì không? Vì một số kem dưỡng da, làm trắng da có những thành phần không tốt, đặc biệt là corticoid sẽ làm mỏng da, teo da và xuất hiện rạn mặc dù không tăng cân, không mang thai. Vì vậy, cần xem xét lại nguyên nhân xuất hiện các vết lằn đỏ.

Bạn đã bị rạn da rồi, xài kem không hết thì không biết bạn đã dùng những kem nào có phù hợp hay không, có đúng là kem làm mềm da, hạn chế căng da, tăng độ đàn hồi của da không. Bạn nên sử dụng những sản phẩm làm tăng độ đàn hồi của làn da thì mới ngăn chặn được tình trạng của những vết rạn da như vậy.

Tỏi bình thường khi ăn chúng ta đã thấy nóng rồi, khi giã nát cũng thấy nóng tay nên nếu thoa lên vết rạn thì nó gần như là một sản phẩm gây bong lột, không thể hạn chế được tình trạng rạn da. Phương pháp dùng tỏi ngăn rạn da thì ngay cả những phương pháp dân gian, truyền thống cũng chưa được chứng minh về hiệu quả. Các bạn không nên sử dụng những biện pháp không có mức độ tin cậy như vậy, nên tìm những phương pháp êm dịu cho làn da.

5. Thanh Nhàn - Kiên Giang

Thưa bác sĩ, em mang thai tháng thứ 2. Chị gái em khi mang thai bụng và đùi chằng chịt những vết rạn nên em lo lắm.

Em muốn bôi kem ngừa rạn da thì có được không? Giai đoạn thai kỳ thứ mấy chị em có thể xoa kem chống rạn? Nếu xoa trực tiếp lên bụng bầu có ảnh hưởng đến thai nhi? Những dấu hiệu mẹ bầu nên ngừng sử dụng và đến gặp bác sĩ? Em cảm ơn bác sĩ đã giải đáp.


TS.BS Trần Ngọc Ánh:

Chào bạn Thanh Nhàn,

Từ tháng thứ 2, bắt đầu xuất hiện những vết bạn nghĩ là rạn da, bạn có thể sử dụng những loại kem dưỡng ẩm và ngăn ngừa nguy cơ gây rạn da. Bạn có thể thoa và massage nhẹ nhàng để ngăn ngừa tình trạng rạn da phát triển.

Những sản phẩm dùng cho phụ nữ mang thai có thể thoa trực tiếp lên bụng bầu. Nếu khi thoa thấy xuất hiện những mụn nước, ngứa hoặc những chấm li ti sờ vào không láng mịn, đó là dấu hiệu không dung nạp, bạn nên ngừng sử dụng và gặp bác sĩ để điều trị tình trạng gây kích ứng, từ đó lựa chọn một sản phẩm khác có thể thích hợp hơn cho bạn.

Thân mến.

6. Đỗ Thanh Anh - anhdo89@gmail.com

Em được bà chị tặng cho sản phẩm Gynelast vì dạo trước khi mang thai chị ấy dùng ngừa rạn da rất tốt. Em đọc thành phần thì thấy có Haberlea rhodopensis và N- acetylcystein.

Em tìm hiểu thì không thấy thông tin gì mấy. Xin bác sĩ giải thích rõ về 2 thành phần này là gì? Công dụng của chúng ra sao? 2 thành phần này có an toàn cho thai nhi không ạ?


TS.BS Trần Ngọc Ánh:

Chào bạn Thanh An,

Đây là một sản phẩm được nghiên cứu trong nhiều năm, thử nghiệm lầm sàng trong một lượng lớn các phụ nữ mang thai và sau khi sinh để tránh tình trạng rạn da và làm mờ những vết rạn.

Haberlea rhodopensis chiết xuất từ một loại thực vật sống ở trên vùng núi Hungary, đây là thực vật quý hiếm xuất hiện từ rất lâu có nguy cơ tiệt chủng, sự đánh bắt tự nhiên đang được ngăn chặn để bảo tồn, loại thực vật này được gọi là cây của sự tái sinh vì khả năng sinh tồn mạnh mẽ và chịu được thời tiết khắc nghiệt, vẫn sinh tồn được. Loại thực vật này xuất hiện từ thời kỷ băng hà đến nay trải qua rất nhiều triệu năm cho thấy sự sống sót, tồn tại trong sự khắc nghiệt khô hạn là rất lớn. Trong thành phần của Haberlea rhodopensis có chứa collagen là một chất chống oxy hóa rất mạnh có khả năng tăng sinh collagen trong làn da của chúng ta và ức chế được tác động của tia cực tím gây oxy hóa làn da của chúng ta, tăng độ đàn hồi, độ mềm mại, làm cho làn da được láng mịn. Trong thành phần của Gynelast có loại thực vật này, giúp giảm nguy cơ rạn da và mềm mại da sau sinh, có đọ đàn hồi và làm mờ vết rạn.

N- acetylcystein được sử dụng nhiều trong mỹ phẩm, có tác dụng chống oxy hóa cao, tăng độ đàn hồi, tăng tính co giãn của những sợi cơ, sợi liên kết và sợi collagen làm giảm nguy cơ chấn thương khi chuyển dạ và những thủ thuật trong sinh nở. Khi sinh, sản phụ rặn và gồng nên vùng đáy chậu đè ép xuống vùng tầng sinh môn rất mạnh, dễ có nguy cơ rách và tổn thương. Khi sử dụng sản phẩm này sẽ giảm được nguy cơ rách tầng sinh môn nhưng các bác sĩ là người quyết định cắt tầng sinh môn như thế nào.

Sau khi sinh xong, tầng sinh môn sẽ có vết sẹo gây đau gây khó chịu trong sinh hoạt, việc vệ sinh hằng ngày hay giao hợp cũng ảnh hưởng rất nhiều nên giảm được nguy cơ tạo sẹo là rất tốt cho người mẹ về sau này.

Thân mến.

7. Đinh Thị Thu Hà - TPHCM

Em được biết một số loại kem thoa bụng có thể gây hại cho thai nhi nhưng không biết khi lựa chọn thì chị em cần lưu ý gì trên nhãn của sản phẩm? Thành phần nào thì nên tránh xa? Mong bác sĩ tư vấn giúp em.

TS.BS Trần Ngọc Ánh:

Chào bạn,

Thường những sản phẩm an toàn có ghi rõ ràng sản phẩm dùng được cho phụ nữ mang thai.

Những sản phẩm dưỡng da đáng chú ý có một thành phần là retinol, một chất làm trẻ hóa da, tái tạo làn da, xóa nếp nhăn nhưng thành phần này tuyệt đối không sử dụng trong lúc mang thai. Chúng ta nên chọn những sản phẩm mà trong phần chống chỉ định có sử dụng được cho phụ nữ mang thai hay không.

Thân.

8. Lê Hồng Linh - Đắk Lắk

Em mang thai tuần 36, sắp vượt cạn rồi bác sĩ ạ. Em nghe nói việc massage bằng những sản phẩm dạng kem bên ngoài tầng sinh môn có tác dụng giúp tăng đàn hồi cho vùng da tầng sinh môn và ngăn ngừa tổn thương tầng sinh môn trong quá trình chuyển dạ.

Vậy giờ em gần cuối thai kỳ thì massage liệu có kịp không? Massage sao cho đúng? Cần lưu ý để tránh nhiễm trùng cho cả mẹ và thai nhi?


TS.BS Trần Ngọc Ánh:

Bạn Lê Hồng Linh thân mến,

Việc masage bên ngoài tầng sinh môn bằng những sản phẩm làm mềm mịn da, tăng sự giãn cơ và những sợi đàn hồi mô liên kết. Sản phẩm Gynelast được chỉ định massage vùng tầng sinh môn vào những tháng cuối của thai kỳ để giúp hạn chế chấn thương tầng sinh môn, sản phẩm này được nghiên cứu có hiệu quả để giảm bớt nguy cơ gây rát, tổn thương trong lúc chuyến dạ của phụ nữ mang thai.

Khi sử dụng nên masage nhẹ nhàng, mỗi ngày 2-3 lần, chú ý những phụ nữ có tiền căn sảy thai hoặc những cơn gò nhiều hơn đói với thai kỳ bình thường, là những người dễ bị kích thích cũng có những chống chỉ định.

Bình thường sản phẩm này đã được chứng minh có hiệu quả, có thể sử dụng khi gần đến kỳ sinh nở, nếu không rơi vào những trường hợp chống chỉ định. Sản phẩm có thể giúp tầng sinh môn giãn nở tốt hơn trong thai kỳ và giảm chấn thương.

Thân mến.

9. Thúy An - Lâm Đồng

Em năm nay 29 tuổi, đang mang thai. Bác sĩ cho em hỏi cách phân biệt tình trạng giãn tĩnh mạch với rạn da ở chân với ạ? Em bị các lằn đỏ ở đùi rồi xuống cả bắp chân. Ban ngày nó ít đi hoặc không thấy, còn ban đêm thì nổi lên nhiều lắm ạ. Người em không mập, chỉ có chân to ạ.


TS.BS Trần Ngọc Ánh:

Thúy An thân mến,

Rạn da là đứt những sợi liên kết collagen ở trong làn da, khi đứt thì da sẽ bị lõm, sờ vào giống như vùng da bị hụt xuống, không bằng phẳng.

Giãn tĩnh mạch là sự phình ra của những tĩnh mạch nông ở ngoài da làm cho da lồi lên, thường xuất hiện ở vùng chi dưới chịu sự tác động của trọng lượng cơ thể, buổi sáng thấy ít mà buổi tối thấy nhiều, rõ hơn.

Rạn da có màu mờ hơn, màu đỏ hoặc tím sậm nhưng giãn tĩnh mạch sẽ là màu xanh, nổi lên bề mặt da, có thể dùng tay nhấn vào. Rạn da là những đường đứt rời, không dính với nhau, vết rạn to hay nhỏ nối với nhau còn đường tĩnh mạch có thể là hệ tĩnh mạch, nối với nhau thành mạng lưới tĩnh mạch. Nói chung bạn dùng mắt có thể phân biệt được rạn da và giãn tĩnh mạch.

Thân mến.

10. Võ Thị Yến Trâm - Hà Nội

Em hiện đang dùng gel massage ngừa rạn da Gynelast của Pháp. Em thấy da mềm mại hơn hẳn và đặc biệt không nhờn, rít. Tuy nhiên, theo hướng dẫn, phải thoa ngày 2-3 lần, nhưng em bận đi làm nên chỉ thoa mỗi ngày 1 lần. Xin hỏi, như vậy có hiệu quả không?

TS.BS Trần Ngọc Ánh:


Chào bạn Yến Trâm,

Thực ra công việc hàng ngày của chúng ta nhiều và bận rộn, chúng ta không thoa được 2-3 lần mà chỉ được 1 lần thì vẫn có hiệu quả, dù không được như mong đợi nhưng vẫn có hiệu quả. Bạn có thể thoa mỗi ngày một lần vẫn hơn là không dùng, có thể cải thiện những chấn thương, đặc biệt là chấn thương vùng sinh môn khi chuyển dạ.

Thân.

Hy vọng rằng, những thông tin được giải đáp cặn kẽ sẽ trở thành cẩm nang bổ ích của các chị em trong việc giữ da, giữ dáng và giữ lửa hôn nhân gia đình!


TS.BS Trần Ngọc Ánh là một trong những bác sĩ da liễu hàng đầu tại TPHCM.

Bà tốt nghiệp Bác sĩ Đa khoa tại trường ĐH Y Dược TPHCM năm 1987 và nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Da liễu tại ĐH Y Hà Nội năm 2010.

Từ năm 1991 đến nay, bà công tác tại ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch với cương vị là giảng viên và Phó trưởng bộ môn Da liễu và là bác sĩ tại Bệnh viện Da liễu TPHCM.

Hơn 30 năm kinh nghiệm cùng trình độ chuyên môn cao, TS.BS Trần Ngọc Ánh đã trực tiếp thăm khám - điều trị rất nhiều bệnh nhân và nhận được kết quả vô cùng ấn tượng, chiếm được lòng tin của đông đảo người bệnh.

Tặng bạn đọc AloBacsi 5 hộp gel xoa chống rạn da Gynelast của Pháp

Nhân dịp này, công ty TNHH Đào Thạch - nhà phân phối chính thức gel xoa chống rạn da Gynelast tặng bạn đọc AloBacsi 5 hộp kem có giá 759.000 đồng/hộp.

5 bạn đọc gửi email đăng ký sớm nhất, kèm tên tuổi, địa chỉ, điện thoại qua email alobacsi@gmail.com sẽ được chọn để tặng quà. Ưu tiên bạn đọc là phụ nữ đang mang thai.

Còn chần chừ gì nữa, số lượng có hạn, mời các chị em nhanh tay đăng ký!


Trân trọng cảm ơn GYNELAST - nhãn hiệu ngừa rạn da đến từ Pháp đã đồng hành cùng chương trình. Mọi thông tin chi tiết về sản phẩm xin vui lòng liên hệ Hotline: 18006213 hoặc Fanpage: Mẹ bầu sống xanh.

Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X