Hotline 24/7
08983-08983

TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM - tư vấn về bệnh Đột quỵ

TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM, Trưởng Đơn vị Can thiệp Thần kinh - Đại học Y dược TPHCM tư vấn trực tuyến trên trang AloBacsi về bệnh đột quỵ.

Trước tình hình bệnh đột quỵ ngày càng nhiều và trẻ hóa, Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn và Phòng khám đa khoa Bảo Ngọc phối hợp mời TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM, Trưởng Đơn vị Can thiệp Thần kinh - Đại học Y dược TPHCM tư vấn trực tuyến sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về bệnh Đột quỵ.



Trong buổi giao lưu, TS.BS Trần Chí Cường giúp bạn đọc cập nhật thông tin mới nhất về bệnh Đột quỵ, trang bị các kiến thức về: đối tượng có khả năng mắc bệnh đột quỵ? Hậu quả của bệnh? Người bị đột quỵ có khả năng hồi phục? Cách phòng ngừa đột quỵ? Cách nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh đột quỵ? Phương pháp điều trị tiên tiến trên thế giới về đột quỵ....

Buổi giao lưu diễn ra vào chiều ngày 17/6.


NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN TRỰC TUYẾN


Bạn đọc Lương Văn Dũng - TPHCM

Chào TS.BS Trần Chí Cường,

Tôi thường đi bộ 1 tiếng và buổi tối, khoảng 2 tháng nay thỉnh thoảng đang đi tôi lại bị hoa mắt rồi choáng nhẹ như muốn ngã, sau đó bình thường trở lại. Xin hỏi có phải là dấu hiệu của đột quỵ không? Tôi cần làm gì hay đi khám những gì?

Tôi 65 tuổi, không có bệnh gì khác, ăn uống ngủ nghỉ đúng giờ, không uống rượu bia, có uống café. Cám ơn và mong tư vấn của BS.

TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM

Chào bác Dũng,

Khi bác choáng có bị thêm các triệu chứng tê yếu tay chân không? Có liên quan đến nửa bên cơ thể như nửa người trái, nửa người phải? Nếu có thì đây là dấu hiệu của cơn thiếu máu não, một trong những dấu hiệu sớm của đột quỵ. Nếu được, bác nên đến khám tại Phòng khám chuyên khoa thần kinh để các BS tư vấn thêm.

 

Hoàng Thị Mai - hoangmai…@gmail.com

 

Thưa bác sĩ,

Mẹ em năm nay 67 tuổi. Bà bị tai biến đến nay được 5 tháng do huyết áp tăng đột ngột. Lúc đầu bà bị liệt tay trái và chân trái. Giờ bà đi được nhưng chân chỉ kéo lết chứ chứ không co lại được. Còn tay thì không giơ được lên cao và nhức mỏi rất khó chịu, mất ngủ. Xin hỏi BS có thuốc để giảm đau mỏi không? Xin cám ơn BS.

 

TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM

 

Chào chị Mai,

 

BS cần thêm 1 số thông tin về tình trạng đột quỵ của mẹ chị:

 

- Đột quỵ xuất huyết não hay nhồi máu não? Sau khi xuất viện mẹ chị được điều trị như thế nào? Vấn đề nữa là nguyên nhân của đột quỵ đã được các BS tầm soát chưa? Các bệnh nền đã được kiểm soát tốt chưa như huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao…

 

Bên cạnh đó việc sử dụng thuốc giảm đau sau đột quỵ chỉ là điều trị triệu chứng chứ không có tác dụng điều trị đột quỵ. Khi đau nhức nhiều có thể uống thuốc giảm đau. Tuy nhiên sử dụng nhiều thuốc giảm đau có thể ảnh hưởng đến dạ dày và gây tương tác với các thuốc đang sử dụng.

 

Nếu được, chị nên đưa mẹ đi khám tầm soát đánh giá nguy cơ đột quỵ và dự phòng tái phát.

Bạn đọc Thanh Dung - Q. Bình Tân, TPHCM

 

Thưa bác sĩ Trần Chí Cường, chúng tôi được biết bác sĩ là chuyên gia rất giỏi về làm DSA. Tôi nghe nói rất nhiều về kỹ thuật DSA. Hôm nay xin phép hỏi bác sĩ, DSA cụ thể là làm như thế nào và hiệu quả trong điều trị ra sao? Ưu điểm của việc làm DSA? DSA có độc hại với sức khỏe?

 

TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM

 

Chào bạn,

 

DSA là chữ viết tắt của: Digital Subtraction Angiography có nghĩa là chụp mạch máu xóa nền. Hiện nay hệ thống máy chụp DSA ngày càng phổ biến và các phương pháp can thiệp trong lòng mạch máu sử dụng máy DSA ngày càng được ứng dụng rộng rãi tại VN.

 

Sau 12 năm triển khai kỹ thuật này tại khu vực phía Nam - TPHCM các BS đã cứu sống hàng nghìn trường hợp bệnh mạch máu não - đột quỵ. Đây là phương pháp điều trị ít xâm lấn các BS sẽ luồn các ống thông theo đường động mạch đùi đi đến các mạch máu trên não hoặc các cơ quan khác để điều trị các nơi tắc nghẽn hoặc mạch máu bị vỡ mà không cần phải phẫu thuật như trước đây.

 

Đặc biệt với phương pháp can thiệp DSA các BS có thể xử lý những bệnh lý phức tạp mà các phương pháp điều trị khác không thực hiện được. Đặc biệt là trong xử lý đột quỵ hiện nay. Phương pháp can thiệp DSA có thể lấy cục máu đông trên não trong khoảng "thời gian vàng" cho các tắc nghẽn mạch máu lớn.

 

DSA sử dụng tia X để tạo hình ảnh do đó về mặt lý thuyết sẽ có hại đến sức khỏe nếu bệnh nhân và BS tiếp xúc tia X thường xuyên và kéo dài, do đó nếu không có chỉ định thì thông thường các BS không sử dụng DSA cho bệnh nhân. Đối với BS làm thủ thuật DSA về lâu dài phải chịu nguy cơ ung thư, bệnh lý võng mạc, nguy cơ vô sinh cao hơn những người ít tiếp xúc tia X.

 

Bạn đọc Nguyễn Thị Năm - Mỹ Tho

Đột quỵ hay bị lầm với trúng gió. Làm sao để biết đâu là đột quỵ, khi nào là cảm trúng gió vậy BS?

Xin bác sĩ Cường tư vấn chi tiết cho chúng tôi biết để khi nào cần đưa đi cấp cứu ngay, khi nào có thể cạo gió do cảm gió?

Chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe BS Cường.

 

TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM

 

Chào bạn,

 

Đây là câu hỏi rất thường gặp, người dân đa phần là nhầm lẫn giữa 2 bệnh này.

 

Đột quỵ là bệnh rất nặng, nguy cơ cao, đa số các trường hợp bệnh nhân có biểu hiện về thần kinh như yếu liệt tay chân, nói khó, miệng méo… Để nhận biết một bệnh nhân đột quỵ ta dùng các dấu hiệu khá đơn giản như sau: dùng khẩu hiệu FAST:

 

+F: Face khuôn mặt của người bệnh bị méo một bên, có thể nhìn rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng hoặc khi nói chuyện. Hãy bảo người đó cười nhe răng và quan sát khuôn mặt.

 

+A: Arm yếu tay chân. Đa số bệnh nhân đột quỵ sẽ có dấu hiệu yếu tay chân cùng bên (nửa bên trái hoặc nửa bên phải). Nếu có yếu liệt nửa bên cơ thể thì gần như chắc chắn bệnh nhân bị đột quỵ chứ không phải là trúng gió. Hãy bảo người đó đưa tay, chân lên và quan sát.

 

+S: Speech giọng nói. Người bị đột quỵ thường bị nói khó, nói không thành tiếng hay phát âm không rõ ràng. Nhất là khi nói các từ khó. Ví dụ như: tre, trung, trúc... thường là người bệnh sẽ không phát âm được. Trong trường hợp đột quỵ nặng, người bệnh không nói được và thậm chí hôn mê.

 

+T: Time thời gian. Nếu bệnh nhân có những dấu hiệu như trên thì thời gian là não (time is brain), hãy nhanh chóng đưa bệnh nhân đến “trung tâm đột quỵ gần nhất”. Đây là khẩu hiệu chung cho các nước trong vấn đề chẩn đoán và điều trị đột quỵ.

 

- Trúng gió: Trong y học hiện đại (Tây y) thường không sử dụng danh từ “bệnh trúng gió”. Tuy nhiên theo các dấu hiệu dân gian và giải thích cho dễ hiểu, bệnh nhân trúng gió thường không có các dấu hiệu thần kinh như trên.

Trúng gió thường liên quan đến thời tiết như nhiễm lạnh, say nắng… Bệnh nhân thường hay có sốt, mệt mỏi, đau nhức, đau họng liên quan đến các tác động môi trường. Người bệnh không có các dấu hiệu mặt méo, yếu tay chân và nói khó.

 

Bệnh nhân “trúng gió” thường tỉnh táo như bình thường. Nếu những trường hợp “trúng gió” có kèm theo các biểu hiện về thần kinh thì cần loại bỏ hai từ “trúng gió” mà thay ngay bằng đột quỵ và chuyển bệnh nhân đế cơ sở y tế.

 

Nói chung, bệnh nhân đột quỵ cần được chẩn đoán và điều trị sớm nhất có thể. Thời gian trước 6 giờ gọi là thời gian vàng để cấp cứu bệnh nhân tắc nghẽn mạch máu.

 

Bạn đọc Lê Văn Chung - Bình Dương

 

Danh sách các BV có kinh nghiệm trong cấp cứu đột quỵ ở Bắc - Trung - Nam, thưa bác sĩ Cường? Xin ông cho biết danh sách này để chúng tôi lưu lại sử dụng khi có việc. Cảm ơn bác sĩ nhiều.

 

 

TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM

Chào bạn Chung,

 

Ở phía Bắc các BV điều trị đột quỵ hiện tại: BV Bạch Mai, BV 108, BV 103 và các BV khác cũng đang triển khai.

 

 

Ở miền Trung: BV quốc tế Trung ương Huế, BVĐK Đà Nẵng, BVĐK Bình Định.

Ở TPHCM: BV 115, BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y dược TPHCM, BV Nhân dân Gia Định, BV Cấp cứu Trưng Vương

 

Đây là các nơi chính có thể cấp cứu lấy cục máu đông trên não bằng DSA. Ngoài ra, các BV khác cũng đang triển khai như BV 175, BV Nguyễn Tri Phương.

 

 

Bạn đọc Nguyễn Quỳnh Nga - Quảng Ngãi

 

Tôi có người chị bị đột quỵ, hồi phục trở về nhà, nhưng xuất viện, bác sĩ nói về sống bình thường. Gia đình tôi băn khoăn, lo lắng vì được biết đột quỵ hay tái phát. Vậy xin hỏi BS Trần Chí Cường, bao lâu chúng tôi nên cho chị tôi đi tầm soát bệnh 1 lần và các xét nghiệm tầm soát gồm những gì? Có loại thuốc nào đề phòng đột quỵ lần nữa? Rất cảm ơn BS Cường.

 

 

 

TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM

Chào bạn Nga,

 

Tại lúc đột quỵ và sau đột quỵ phải chẩn đoán tìm nguyên nhân và đánh giá nguy cơ tái phát cho người bệnh. Nếu không tìm nguyên nhân thì không thể dự phòng tái phát tốt được. Bạn nên đưa người nhà đến khám để được BS tư vấn tìm nguyên nhân nếu trước đây chưa được đánh giá.

 

 


Bạn đọc Trần Thị Thanh Huyền - Đồng Nai

 

Chào bác sĩ,

Khoảng 2 tháng nay, ba em 61 tuổi có hiện tượng nửa người bên phải bị tê từ đầu lan xuống tay rồi chân, nhất là khi ngủ dậy sẽ bị nặng hơn các thời điểm khác trong ngày. Em muốn xin bác sĩ tư vấn giúp xem đây có thể là triệu chứng của bệnh gì ạ? Ba em ở quê nhà cũng thường làm việc nặng, chưa từng bị bệnh gì nguy hiểm ạ.

 

 

TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM

Thanh Huyền thân mến,

 

Triệu chứng của người nhà bạn rất có thể là triệu chứng của cơn thiếu máu não, bạn nên đưa người nhà đến khám để được tư vấn, đánh giá nguy cơ đột quỵ nhé.

 

Bạn đọc Nguyễn Kim Huệ - Q.9, TPHCM

Thưa BS, bệnh đột quỵ thường xảy ra với những người nào? Bị đột quỵ có chữa được khỏi hoàn toàn không? Người bệnh đột quỵ cần lưu ý gì trong ăn uống?

 

TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM

Kim Huệ thân mến,

Các đối tượng nguy cơ cao cho đột quỵ:

- Hút thuốc lá

- Tiểu đường

- Tăng huyết áp

- Béo phì

- Mỡ máu cao

- Tiếp xúc hóa chất độc hại

- Dùng thuốc chống đông máu

- Bệnh rối loạn nhịp tim

- Bệnh đa hồng cầu

- Uống thuốc ngừa thai kéo dài

- Uống nhiều bia, rượu

Bệnh đột quỵ tùy theo nguyên nhân và mức độ nặng nhẹ mà có thể được chữa khỏi hoàn toàn hay chỉ điều trị 1 phần, điều trị triệu chứng hỗ trợ.

Chế độ ăn uống cho bệnh nhân đột quỵ tùy thuộc vào bệnh nền tảng của bệnh nhân và tình trạng sức khỏe sau đột quỵ. Nói chung nên ăn uống điều độ giảm mỡ, giảm muối, không ăn ban đêm, ăn nhiều chất xơ, không uống rượu bia.

 

Bạn đọc Lê Ngọc Ngoan - lengoan…@gmail.com

 

Xin chào BS Trần Chí Cường, tôi có một số thắc mắc mong BS giải đáp.

Sau khi tập thể dục hay làm việc ra mồ hôi nhiều thì có được rửa mặt hay tắm ngay không ạ? Tôi hay có thói quen khi mồ hồi ra nhiều thì tôi liền rửa mặt ngay cho mát. Tôi nghe nói tắm sau khi tập thể dục dễ gây đột quỵ nhưng không biết rửa mặt vậy có bị đột quỵ không? Xin chân thành cảm ơn BS.

 

 

TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM

Ngọc Ngoan thân mến,

 

Sau khi tập thể dục ra nhiều mồ hôi không nên tắm ngay sau đó vì cơ thể sẽ dễ bị nhiễm lạnh do thay đổi nhiệt độ đột ngột. Việc rửa mặt lúc đổ mồ hôi nhiều không liên quan đến bệnh đột quỵ do diện tích da tiếp xúc với nước ít.

 

Bạn đọc Hương Ly - Bình Dương

Chào BS Cường,

Hôm rồi tôi có bị choáng rồi tự dưng bất tỉnh chừng 1 phút, vào BV cấp cứu BS nói tôi bị thiếu máu tuần hoàn não. Từ hồi ra viện đến giờ tôi hay quên, vậy có phải đó là dấu hiệu sắp bị đột quỵ không? Tôi phải khám bệnh ở đâu? Tôi mua thuốc bổ não uống có giúp cải thiện gì không thưa BS?

TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM

Chào Hương Ly,

Cơn bất tỉnh có nhiều nguyên nhân:

- Do tim

- Do não

Nếu bạn đã được chẩn đoán là thiếu máu não thì nên khám tầm soát nguyên nhân và điều trị nếu có nguy cơ đột quỵ. Thuốc bổ não không thể phòng ngừa đột quỵ. Nếu được bạn nên đi khám BS chuyên khoa thần kinh để được tư vấn.

 

Bạn đọc Đinh Quốc Thảo - Long An

 

Kính gửi TS.BS Trần Chí Cường,

Ba em năm nay được 60 tuổi, bị huyết áp cao (huyết áp trung bình từ 15-17), máu trong mỡ, viêm phổi. Tự nhiên hồi bữa đang chạy xe máy thì bị choáng ngã xe, vào BV thì BS nói ba em bị tai biến liệt nửa bên phải dẫn đến xuất huyết não nhẹ điều trị 2 tuần thì BS cho về. BS nói bệnh của ba em là chữa bệnh lâu dài nên về nhà cho khỏe.

Nhưng có môt cái là em rất thắc mắc là từ khi ba em tỉnh dậy thì ban đầu còn nhớ được người này người kia nhưng đến 1 tuần sau thì ba em không còn nhớ ai cả và đi tiêu, đi tiểu cũng không tự chủ... Vậy cho em hỏi ba em bị làm sao và nên điều trị thế nào ạ?

 

 

TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM

Chào bạn Thảo,

 

Với tình trạng huyết áp cao 15-17, mỡ trong máu kèm theo triệu chứng đột quỵ, liệt nửa người, bạn nên đưa người nhà đến BV chuyên khoa có thể chẩn đoán nguyên nhân đột quỵ và điều trị phòng ngừa tái phát, tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng.

 

Việc điều trị sẽ tùy theo kết quả chụp cộng hưởng từ mạch máu tìm nguyên nhân và bệnh nền tảng của người nhà bạn. Cụ thể trong trương hợp này là bệnh tăng mỡ máu và huyết áp. Vấn đề phục hồi sẽ tùy thuộc vào mức độ đột quỵ đã xảy ra.

 

a

 

 

 

 

Bạn đọc Nguyễn Cường - Bắc Ninh

Xin chào BS,

Tôi bị AVM tủy cổ, bị tai biến và đã nút mạch năm 2010. Sau đó có nhiều di chứng khiến cuộc sống của tôi kém chất lượng và thường xuyên đau đớn. Xin BS tư vấn bệnh của tôi có mở để lấy AVM được không? Tôi bị ở đốt cổ C3.4. Xin cảm ơn BS rất nhiều.

 

TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM

Nguyễn Cường thân mến,

Trường hợp của bạn nên chụp MRI để kiểm tra lại nếu dị dạng chưa được chữa khỏi thì phải điều trị tiếp, lúc đó BS sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp là tắc mạch hay phẫu thuật.

 

 

Bạn đọc Nguyễn Lưu, 38 tuổi - TPHCM

 

Tôi bị thiểu năng tuần hoàn não và nghiện thuốc lá nặng, xin hỏi BS tầm soát nguy cơ đột quỵ ở đâu tốt nhất tại TPHCM và cần làm những kiểm tra, xét nghiệm nào ạ? Và độ đàn hồi thành mạch máu giảm là sao và có nghiêm trọng đến sức khỏe không ạ? Cảm ơn BS. (Tiền sử: rối loạn lo âu lan tỏa, trầm cảm).

 

 

 

TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM

Chào bạn,

 

Để tầm soát nguy cơ đột quỵ, bạn cần chụp cộng hưởng từ não và mạch máu não để đánh giá nguy cơ. Tuy nhiên, bạn cần bỏ thuốc lá, thay đổi thói quen sinh hoạt trước khi đặt vấn đề tầm soát đột quỵ vì hút nhiều thuốc lá nguy cơ đột quỵ rất cao.

 

 


Bạn đọc Đinh Toàn - pea…@yahoo.com.vn

 

Thưa bác sĩ,

Ba em bị cao huyết áp, trước đây từng xuất huyết não đột quỵ cách đây 7 năm rồi. Nhưng em luôn sợ cho sức khỏe ba em. Ba em khi ngủ hay ngáy, nhưng dạo gần đây khoảng được 1 tuần ba em thở nặng và phát ra tiếng rên trong lúc thở ra. Rên được khoảng 8-9 nhịp thở thì ngưng. Em không biết như vậy có chuyện gì không ạ, em lo khi nghĩ tới bệnh đột quỵ? Cảm ơn BS!

 

TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM

 

Bạn Toàn nên đưa người nhà đến khám BS chuyên khoa hô hấp để đánh giá chức năng hô hấp, tránh hội chứng ngưng thở lúc ngủ gây nguy hiểm nhé.

 

 

 

Bạn đọc Hoàng Giáp - Bình Định

 

Thưa BS Cường,

Tôi 32 tuổi, nam. 2 tuần trước tôi đi khám tổng quát và được biết mắc bệnh thiểu năng tuần hoàn não. Xin cho tôi biết bệnh này có dẫn đến nguy cơ đột quỵ hay không? Bệnh này trị khỏi hẳn được không? Làm sao để nhanh hồi phục? Cám ơn BS!

 

 

TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM

Chào bạn,

 

Thiểu năng tuần hoàn não là chẩn đoán rất chung chung, nếu bạn có thêm các triệu chứng yếu liệt tay chân, nói khó, mờ mắt thoáng qua thì nên đi khám chuyên khoa thần kinh để được các BS tư vấn.

 

Bạn đọc Hoàng Anh - hoanganh…@gmail.com

 

BS cho cháu hỏi,

Bố cháu bị đứt mạch máu nó cũng là dạng đột quỵ nay đã được một tháng. Vậy bố cháu có dùng được An Cung Ngưu Hoàng Hoàn không ạ? Thuốc này dùng điều trị có hiệu quả không? Cách dùng như thế nào ạ?

Rất mong câu trả lời của BS.Cám ơn BS nhiều!

 

 

TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM

Chào bạn,

 

An Cung Ngưu Hoàng Hoàn cũng như các thuốc đông dược khác nói chung không có bằng chứng khoa học về độ an toàn cũng như kết quả điều trị, do đó BS không thể khuyên bệnh nhân uống các thuốc này. Nên cân nhắc việc điều trị bằng các thuốc đã được y học công nhận về kết quả độ an toàn.

 

 

Bạn đọc Kim Dung - kimdung…@gmail.com

 

Chào BS Cường,

Thưa BS, dạo này em đang trong mùa thi cuối kỳ, mà tự nhiên em mắc chứng đau đầu, đau nhức nhối các phần như bên trái bên phải và đằng sau ạ. Em không ăn được, không ngủ được, và trí nhớ rất tệ. Em còn bị chóng mặt choáng váng nữa. Em chưa dùng thuốc và đi khám, xin BS tư vấn cho em với. Cám ơn BS ạ!

 

 

TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM

Chào Kim Dung,

 

Em đừng bị áp lực quá mức về thi cử, hãy giữ gìn sức khỏe, ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc, tối thiểu 6 giờ mỗi ngày để đạt được kết quả tốt nhất và lâu dài trong học tập. Trường hợp ăn uống không được em có thể đi khám BS và uống thêm các thuốc bổ, hy vọng có thể giúp ích cho em trong mùa thi.


Trân trọng cảm ơn TS.BS Trần Chí Cường và Phòng khám đa khoa Bảo Ngọc đã hỗ trợ nhiệt tình để hoàn thành buổi tư vấn trực tiếp cùng bạn đọc AloBacsi.

TS.BS Trần Chí Cường
- Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM
- Trưởng Đơn vị Can thiệp Thần kinh Đại học Y dược TPHCM
- Ban chấp hành Hội Can thiệp Thần kinh Á - Úc
- Thành viên Hội Can thiệp Thần kinh Thế giới
- Ông được xem là bàn tay vàng trong ngoại thần kinh - tác giả của rất nhiều công trình khoa học và các bài báo giá trị về bệnh Ngoại thần kinh, đột quỵ.




Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X