Hotline 24/7
08983-08983

TS.BS Trần Anh Tuấn giải đáp: Cần chuẩn bị gì khi trẻ trở lại trường học sau dịch COVID-19?

Trong chương trình tư vấn tối ngày 17/5, TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 giải đáp nhiều thông tin bổ ích cho các ông bố bà mẹ về cách chăm sóc con trẻ khi đến trường sau thời gian dài nghỉ học do dịch bệnh COVID-19 như: Đeo khẩu trang sao cho đúng? Nên lựa chọn gel rửa tay nào? Làm sao để trẻ nhanh bắt nhịp với trường lớp?

PHẦN 1: ĐỐI THOẠI MC - KHÁCH MỜI

Thưa bác sĩ, mặc dù dịch bệnh COVID-19 đã “tạm lắng” nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Việc hàng triệu học sinh quay trở lại trường học trong thời điểm này khiến các bậc phụ huynh vừa mừng, vừa lo, đặt ra thắc mắc chung: Đi học lại liệu có an toàn? Cha mẹ, nhà trường cần chuẩn bị gì khi trẻ đi học trở lại?

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Đúng là hiện nay tâm lý của các bậc phụ huynh sẽ phức tạp, trong thời điểm này chúng ta vừa mừng vì bước đầu đã kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, học sinh bắt đầu đi học lại nhưng cũng kéo theo đó là nỗi lo, liệu có thực sự an toàn khi trẻ đi học lại? Nhất là khi tình hình dịch bệnh các nước trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Đây là nỗi lo rất chính đáng.

Tôi nghĩ rằng đây không chỉ là nỗi lo của các bậc phụ huynh mà Chính phủ, cả ngành Y tế, Giáo dục phải cân nhắc rất kỹ vấn đề này. Để quyết định cho học sinh quay trở lại trường học phải đối diện 2 khía cạnh khác nhau. Nếu đi học sớm quá khi dịch bệnh chưa được kiểm soát thì đúng là nguy cơ. Ngược lại nếu dịch bệnh được kiểm soát mà giữ trẻ ở nhà lâu quá cũng gây ra hàng loại tác động trực tiếp, gián tiếp trên các vấn đề học tập của trẻ, nhất là với học sinh cuối cấp có thể ảnh hưởng đến tương lai về sau, hay công việc của cha mẹ cũng bị ảnh hưởng.

Riêng với cá nhân tôi, nếu để chọn được thời điểm tốt nhất thì sẽ rất khó, vì thế điều quan trọng là chọn được thời điểm phù hợp nhất. Khi thế giới dịch bệnh còn rất phức tạp thì Việt Nam đã 4 tuần lễ không phát hiện ca mắc bệnh COVID-19 ngoài cộng đồng, đồng thời chúng ta đã thực hiện tốt công tác tầm soát, vẫn tiếp tục đón nhận kiều bào, các em du học sinh từ nước ngoài về với kế hoạch chặt chẽ. Do đó, chúng ta có thể tạm yên tâm trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm nên cho các cháu đi học, đặc biệt là học sinh cuối cấp, 12 năm đèn sách đây là lúc các em dồn sức để hái quả ngọt đầu tiên. Theo tôi, Chính phủ đã có những phán đoán vô cùng phù hợp.

Cần chuẩn bị gì khi trẻ trở lại trường học sau dịch COVID-19

Đeo khẩu trang là nguyên tắc bắt buộc khi ra đường. Xin hỏi bác sĩ, với học sinh có nhất thiết phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian ở trường?

Thông tin trên các báo đài cho thấy một số nơi cho học sinh đội chiếc mũ chắn ngay cả trong lớp học, quan điểm của bác sĩ về vấn đề này như thế nào ạ? Liệu có đảm bảo an toàn trước dịch bệnh cũng như đảm bảo các vấn đề sức khỏe về sau cho trẻ, nhất là thị lực?

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Để đảm bảo sự an toàn thì phải có vai trò của nhà trường và gia đình. Chúng ta không thể phó thác cho nhà trường hay con trẻ, nhất là với các cháu nhỏ chưa có ý thức giữ vệ sinh cá nhân thì phải có sự hỗ trợ hợp tác từ 2 phía, gia đình và nhà trường để giúp trẻ có ý thức bảo vệ sức khỏe trong thời điểm này, trong đó có việc đeo khẩu trang.

Tùy theo mỗi giai đoạn mà Chính phủ sẽ có những chỉ thị phù hợp. Đối với việc đeo khẩu trang hiện nay quy định cũng đã được nới rộng, khuyến khích các cháu nên đeo khẩu trang khi ra đường, đây là việc làm cần thiết không chỉ giúp phòng chống dịch bệnh COVID-19 mà còn tránh các mầm bệnh khác, ô nhiễm không khí, bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Đặc biệt, từ 7/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã bỏ quy định bắt buộc phải đeo khẩu trang khi đi học rồi, do đó các bậc phụ huynh cũng có thể yên tâm phần nào.

Một số bậc phụ huynh lo lắng, trong môi trường hiện nay không đeo khẩu trang liệu có an toàn trẻ em? Theo tôi, vấn đề an toàn hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nếu gia đình, nhà trường nói riêng và ngành Y tế, giáo dục nói chung phải phối hợp tốt với nhau để làm sao chuẩn bị cho trẻ đến trường trong điều kiện an toàn theo 3 mức độ mà Bộ giáo dục đã hướng dẫn thì tôi nghĩ là được. Như trước khi đi học, các bậc phụ huynh phải kiểm tra sức khỏe của con em mình mỗi ngày để đảm bảo khi các cháu vào trường là hoàn toàn khỏe mạnh, ngược lại nếu trẻ sốt, ho thì báo nhà trường và nên đưa đi khám ngày. Nhà trường sẽ chịu trách nhiệm làm tốt các khâu khác như đo nhiệt độ, tuân thủ những biện pháp vệ sinh tốt nhất...

Một câu chuyện bên lề nhưng theo tôi lại quan trọng không kém. Trong dịch bệnh COVID-19, trẻ em là đối tượng rất ít mắc bệnh. Theo các nghiên cứu từ Trung Quốc đến Mỹ, trong những trường hợp mắc COVID-19 trẻ em chỉ chiếm 2%. Do đó, tôi nghĩ rằng, bên ngoài hiện nay chúng ta không có ca nhiễm trong cộng đồng và còn thực hiện tốt công tác chuẩn bị từ nhà đến trường, khâu chọn lọc, tầm soát bệnh sẽ giúp cho trẻ có thể sinh hoạt, học tập trong môi trường lành mạnh, như vậy nguy cơ các cháu tiếp xúc mà mắc bệnh sẽ giảm đến mức tối thiểu.

Ngoài khẩu trang, rửa tay là việc quan trọng nhất được nhắc đến xuyên suốt mùa dịch COVID-19. Nhiều ông bố, bà mẹ lựa chọn phương án tiện lợi nhất đó là mua dung dịch sát khuẩn tay nhanh, gel rửa tay, nhưng vẫn còn lo lắng về tính an toàn và hiệu quả.

Xin hỏi bác sĩ, những sản phẩm như gel rửa tay có an toàn cho trẻ? Và dùng gel rửa tay như thế nào để đảm bảo hiệu quả sát khuẩn? Một ngày nên rửa tối đa bao nhiêu lần, nếu dùng nhiều có gây hại cho làn da non nớt của trẻ?

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Để trả lời câu hỏi này thì trước tiên phải khẳng định là trong số các biện pháp phòng chống COVID-19 như đeo khẩu trang, cách ly, đeo tấm chắn bảo vệ khỏi giọt bắn thì rửa tay vẫn là cách tốt nhất và hiệu quả nhất. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay không bắt buộc trẻ đeo khẩu trang nữa thì vấn đề rửa tay lại càng quan trọng, không chỉ với COVID-19 mà còn nhiều bệnh khác. Thực tế, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2 triệu trẻ em tử vong vì bệnh hô hấp, bệnh đường tiêu hóa mà nguồn lây chính là từ bàn tay bẩn mà ra. Do đó, nếu làm tốt việc rửa tay thì không chỉ phòng chống COVID-19 mà còn ngừa nhiều bệnh khác nữa. Đây là chìa khóa quan trọng để trẻ khỏe mạnh, học tập tốt.

Hơn nữa, đến thời điểm này những khuyến cáo trong và ngoài nước hay của Tổ chức Y tế thế giới cũng vậy, rửa tay bằng nước sạch và xà phòng vẫn là biện pháp tốt nhất và hiệu quả nhất. Dưới tác động của luồng nước các mầm bệnh dưới bàn tay của trẻ sẽ được cuốn trôi và loại trừ ra ngoài. Điều đáng mừng là hiện nay các trường học đa số đều được trang bị để trẻ thực hiện tốt việc rửa tay này.

Tuy nhiên, trong một số tình huống chúng ta không có sẵn nguồn nước để rửa tay thì một giải pháp có thể chấp nhận được là sử dụng dung dịch rửa tay sát trùng nhanh. Nhưng cần nhớ rằng đây không phải là biện pháp thay thế cho việc rửa tay bằng nước và xà phòng, mà chỉ áp dụng khi không còn biện pháp nào khác.

Theo thông tin từ các nhà sản xuất nếu áp dụng đúng thì có thể diệt 99,9% các mầm bệnh bám trên bàn tay. Chúng ta cũng cần phải biết một số nguyên tắc cơ bản để chọn lựa nước rửa tay, gel rửa tay cho phù hợp, vì hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại.

- Thứ nhất là trong sản phẩm phải có cồn, đây là thành phẩn diệt khuẩn chính. Và cồn ở đây phải có nồng độ từ 60 trở lên thì mới đủ để diệt khuẩn.

- Thứ hai là sử dụng lượng nước rửa tay vừa đủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Đừng nghĩ rằng lấy nhiều nước rửa tay là sẽ sát khuẩn tốt, tăng hiệu quả. Đặc biệt là da tay trẻ em rất mỏng manh, nếu dùng quá nhiều cũng ảnh hưởng không tốt đến làn da.

- Thứ ba chúng ta phải chú ý các thành phần trong nước, gel nửa tay đừng chứa các chất diệt khuẩn có khả năng gây hại như là Parabens… Nếu có những thành phần này thì không nên dùng cho trẻ em, vì những tác hại lâu dài của nó.

- Đối với một số nước rửa tay để tăng mùi thơm người ta cho nhiều hương liệu khác nhau. Nếu chúng ta lựa chọn những loại nước rửa tay quá thơm từ những cơ sở sản xuất không rõ nguồn gốc, trong thành phần có những hóa chất độc hại thì sẽ không tốt cho sức khỏe. Ngược lại nếu chúng ta chọn loại nước rửa tay cũng có mùi thơm nhưng nguồn gốc từ sinh học, từ thiên nhiên thì vẫn thơm nhưng tránh được tác động có hại của những chất tạo mùi hấp dẫn. Ngoài ra, cũng lưu ý gel, dung dịch rửa tay là chỉ để rửa tay, các bậc phụ huynh cần cố gắng dặn trẻ không được để dính vào mắt. Sau khi rửa tay xong phải để tay khô, nếu tay còn ướt mà đưa lên mắt hay đưa vào miệng thì hoàn toàn không được.

Đi học sau dịch COVID-19

Cũng là câu chuyện rửa tay, nhiều bạn đọc AloBacsi lo ngại trẻ dùng nhiều gel rửa tay có thể gây khô da, kích ứng. Hơn nữa, hiện nay trên thị trường có vô số sản phẩm này, vậy có tiêu chí nào giúp các bậc phụ huynh lựa chọn được sản phẩm an toàn cho trẻ?

Trẻ thường có thói quen lấy tay bốc đồ ăn. Sau khi dùng gel sát khuẩn, nếu dùng tay cầm nắm đồ ăn ngay liệu có gây ngộ độc? Nếu có thì dấu hiệu nhận biết thế nào và cách xử trí ra sao?

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta làm đúng khuyến cáo, một lần lấy một lượng dung dịch, gel rửa tay vừa đủ, sau đó để tay khô tự nhiên thì nguy cơ ngộ độc khi bốc đồ ăn sẽ giảm đến mức tối thiểu. Đặc biệt, nếu chúng ta lựa chọn những sản phẩm rửa tay từ những công ty, thương hiệu lớn sản xuất và được kiểm nghiệm tính an toàn của sản phẩm thì sẽ giảm thiểu tối đa vấn đề này cho trẻ.

Sau thời gian nghỉ học kéo dài do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khi quay trở lại trường, chắc hẳn trẻ sẽ không tránh khỏi những “lỗi nhịp”, tinh thần uể oải do trong thời gian nghỉ dịch được vui chơi, ăn ngủ không đúng giờ giấc.

Theo bác sĩ, thầy cô giáo và phụ huynh nên làm thế nào để giúp trẻ hứng thú lại với việc học? Nên có chế độ dinh dưỡng thế nào để có sức khỏe tốt, tránh nhiễm bệnh?

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Để giúp trẻ lấy lại tinh thần khi đi học không chỉ thầy cô giáo, nhà trường mà các bậc phụ huynh phải phối hợp với nhau. Sau thời gian trẻ ở nhà thường có thói quen sáng ngủ dậy trễ, tối thức khuya xem phim, chơi điện tử, nhịp sống bị sáo trộn. Vì vậy, trong thời gian này các bậc phụ huynh cần giúp con trẻ điều chỉnh lại đồng hồ sinh học, tập cho trẻ thói quen thức dậy sớm, tránh ngủ nướng, giấc trưa cũng nghỉ vừa phải khoảng 30-60 phút là vừa đủ. Tương tự buổi tối cũng không nên để trẻ thức khuya xem phim hoặc các hình thức giải trí khác. Phải đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc để có được trí óc minh mẫn. Đối với học sinh cấp 1 một ngày cần ngủ đủ 9-10 tiếng. Học sinh cấp 2, cấp 3 cần ngủ đủ 8-9 tiếng mỗi ngày.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần cùng trẻ xây dựng một thời khóa biểu mới để khi bé đi học thì sẽ có đà bắt kịp. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng nên dành thời gian trò chuyện với các cháu, nhất là trẻ nhỏ để tạo tâm lý hứng khởi nhập học trở lại. Tôi thấy nhiều phụ huynh có động thái rất hay, chẳng hạn như trước khi đi học thì mua cho cháu bộ đồ mới, cặp táp mới, hoặc điều gì hấp dẫn để trẻ có tâm trạng náo nức giống như một ngày tựu trường lần thứ 2.

Khi các cháu đến trường thì cũng cần phối hợp với các thầy, cô giáo để trẻ thấy đi học sẽ được gặp lại bạn bè, thầy cô giáo - những người cha, người mẹ thứ hai. Gia đình và nhà trường cùng chăm chút cho các cháu, không tạo áp lực học hành, thi cử quá căng thẳng ngay từ đầu. Đương nhiên thi cử là chuyện phải làm nhưng tránh áp lực quá lớn, nhất là các cháu chưa phải học năm cuối cấp thì cũng không nên dồn ép dễ tạo stress. Nếu chúng ta làm tốt thì guồng máy sẽ trở về như bình thường.

Vấn đề dinh dưỡng cũng rất quan trọng. Cha mẹ nên cho trẻ bổ sung đủ chất đạm, đường, chất béo, vitamin và khoáng chất, trong thời điểm nắng nóng như hiện nay nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh, hoa quả để cung cấp vitamin, giúp giải nhiệt. Đặc biệt là cần cho trẻ uống đủ nước, nhất là khi nắng nóng nếu để mất nước thì rất nguy hiểm cho trẻ. Chúng ta nhớ lại bài học từ COVID-19, một trong những biện pháp phòng tránh đó là cần uống nước đầy đủ thì cơ thể mới có thêm sức đề kháng chống lại sự xâm nhập của virus SARS-CoV-2 này.

Nhiều bậc phụ huynh lo ngại, việc nghỉ học trong thời gian dài và quay lại trở lại trường, trẻ dễ bị áp lực về tâm lý, nhất là với độ tuổi cấp 3, khi sắp phải bước vào các kỳ thi quan trọng.

Làm thế nào để nâng cao tinh thần, tránh stress cho học sinh trong thời điểm này thưa bác sĩ? Nhiều em vì lo lắng dẫn đến xu hướng thức khuya, ăn đêm nhiều hơn? Điều này gây ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào ạ?

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Chúng ta đều biết, ai cũng từng trải qua những năm cuối cấp bị stress, căng thẳng cả về thể chất lẫn tinh thần, kết quả học tập 12 năm đèn sách là đây, do đó các cháu phải trải qua stress khá lớn là điều dễ hiểu. Đứng về góc độ này, các bậc cha mẹ phải là người luôn bên cạnh để hỗ trợ các cháu, cả về thể chất lẫ tinh thần. Chẳng hạn, về thể chất, cố gắng giúp các cháu có chế độ dinh dưỡng đầy đủ dưỡng chất như tôi đã trình bày ở trên. Đặc biệt chú ý cung cấp các vitamin để giúp các cháu tăng cường sức khỏe và sức đề kháng.

Một số cháu ở lứa tuổi lớn hơn không nên vì áp lực của học hành, thi cử mà sử dụng các sản phẩm trà, cà phê quá sớm. Điều này sẽ không có lợi về lâu dài cho các cháu, nhất là trong kỳ thi, được ví như cuộc đua marathon. Sử dụng những thứ này cũng giống như chất kích thích, các cháu có thể tỉnh táo vào một số thời điểm nhất định, nhưng sau thời gian dài học hành, thi cử, các cháu sẽ trở nên đuối sức. Bố mẹ nên chú ý và tránh để các con sử dụng.

Tuy các cháu phải tập trung vào việc học, nhưng các bậc cha mẹ phải lưu ý khuyên các cháu phân bố thời gian học hợp lý, tránh thức khuya, dậy sớm, bảo đảm thời gian ngủ nghỉ khoa học để các cháu đủ sức chạy đường dài marathon vào đại học như mong muốn của các cháu.

Bioskin gel rửa tay

Nhiều bậc phụ huynh vì lo con em không theo kịp cho nghỉ học tránh dịch quá dài, nên tìm mua các loại thuốc bổ não, hay Magie B6 để giảm căng thẳng, có nên không? Có giải pháp nào khác cho các em trong trường hợp này?

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Thực ra chuyện “bổ não” là theo dân gian, tuy nhiên nhiều người có tham vọng ăn món gì đó để não bổ, đạt được kết quả cao. Nhưng, nếu trên đời có món ăn hay loại thuốc thật sự bổ não thì chắc tất cả chúng ta thành bác học. Nói cho cùng, về lý thuyết, thuốc bổ não là những chất tăng cường tuần hoàn máu lên não. Khi vòng tuần hoàn máu lên não nhiều mang oxygen - nguyên liệu để não sử dụng và hoạt động giúp tư duy. Điều lưu ý rằng, các loại thuốc liên quan đến tuần hoàn có lợi, nhưng nếu dùng không đúng cách, thì các tác dụng phụ là rất lớn.

Thường những loại thuốc này giành cho những người có bệnh, chẳng hạn thiểu năng tuần hoàn não, một số bệnh lý khác… Các cháu là đối tượng bình thường, dùng những loại thuốc bổ não không có lợi và không được khuyến cáo, thậm chí nhiều trường hợp dùng không đúng cách có thể lợi bất cập hại.

Magie B6 cũng thế. Những chất này có thể tăng cường năng lượng cho bộ não hoạt động tốt, nhưng thường cũng chủ trị cho các trường hợp bệnh nhân thiếu chất magie. Dùng cho người bình thường hiệu quả không được chứng minh. Cách tốt nhất vẫn là giành cho các cháu chế độ ăn đầy đủ các  chất thiết yếu cũng như vitamin và khoáng chất thì vẫn có lợi hơn.

Với những trẻ đang học mầm non hay bố mẹ có con còn đang trong độ tuổi gửi trẻ thì nên làm gì trong thời điểm này thưa bác sĩ? Có nên cho trẻ quay lại trường học? Trẻ độ tuổi này rất khó khăn trong việc đeo khẩu trang hay rửa tay, làm sao để bảo vệ con tốt nhất ạ?

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Vẫn không thể có những biện pháp ép buộc các cháu mà bố mẹ nên cổ vũ, động viên các cháu. Chẳng hạn như nếu muốn con mang khẩu trang thì chính bản thân người lớn, bố mẹ, ông bà cũng phải mang khẩu trang. Bố mẹ không mang làm sao bắt buộc các cháu phải mang?

Bây giờ khẩu trang y tế không khuyến cáo mang trong mọi trường hợp, đặc biệt là các cháu nhỏ, trừ những lúc bị bệnh hay trong mùa dịch mới cần phải sử dụng khẩu trang y tế. Với sinh hoạt hằng ngày chỉ nên cho các cháu sử dụng khẩu trang vải. Hiện thị trường có rất nhiều loại khẩu trang vải rất đẹp và dễ thương với hình bông hoa, con thú phù hợp với các cháu nhỏ. Những khẩu trang này sẽ gây thích thú cho các bé, nhất là khi đi học thấy các bạn đeo khẩu trang thì các cháu cũng bắt chước theo. Nói chung cần có sự hỗ trợ và giám sát của người lớn chúng ta.

Thưa bác sĩ, thời điểm hiện tại khi học sinh nhập học không chỉ nỗi lo về dịch COVID-19 chưa chấm dứt lại thêm đúng vào thời điểm của dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, bệnh thủy đậu, cúm, quai bị… Bác sĩ có thể chia sẻ bí quyết cho các bậc phụ huynh giúp con trẻ luôn khỏe mạnh, đồng thời làm thế nào để kịp phát hiện những bất thường trong sức khỏe trẻ?

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Vào thời điểm này, làm sao để bảo vệ sức khỏe cho các cháu không phải mắc COVID-19 cũng như các bệnh khác nên lưu ý một số điểm sau:

Thứ nhất, về dinh dưỡng, nên cho các cháu ăn đầy đủ dưỡng chất, khoáng chất thiết yếu. Như thế các cháu sẽ đủ sức chống lại các bệnh.

Thứ hai, trong mùa nắng nóng như hiện tại, nên cho các cháu uống đủ nước. Đây là “vũ khí” đơn giản nhưng vô cùng lợi hại, không chỉ phòng chóng COVID-19 mà ví dụ trong các bệnh đường hô hấp, khi bố mẹ cho con uống đủ nước có tác dụng giảm ho rất tốt. Chính việc uống nước đầy đủ không thua gì biện pháp sử dụng các loại thuốc long đàm.

Đối với các cháu nhỏ còn bú sữa, việc tiếp tục tận dụng cho bé bú sữa mẹ là điều vô cùng quý. Với trẻ lớn hơn, bên cạnh các bữa ăn chính có thể bổ sung thêm các loại sữa để giúp các cháu tăng cường dinh dưỡng và những nguyên tố thiết yếu cho các cháu vào thời điểm này.

Một điều không thể quên là rửa tay. Đây được coi là “vắc xin” rẻ tiền nhưng hiệu quả vô cùng, không chỉ hiệu quả trong phòng chống COVID-19 mà còn phòng ngừa các bệnh đường tiêu hóa và hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản.

Vào những thời điểm thế này, nếu không thật sự cần thiết thì không nên đưa các cháu đến nơi đông người.

Ngoài ra nên chú ý sức khỏe con em ở nhà. Chẳng hạn như hàng ngày theo dõi nhiệt độ, nếu các cháu có biểu hiện sốt nên cẩn thận xin ý kiến tư vấn của bác sĩ. Hoặc các cháu có biểu hiện ho, khò khè… cần theo dõi và tham khảo từ bác sĩ để tránh COVID-19 và không bỏ sót các bệnh khác.

Cuối cùng, chủng ngừa là vấn đề vô cùng quan trọng. Tuy COVID-19 chưa có vắc xin chủng ngừa nhưng đối với các bệnh khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là các bệnh như thủy đậu, cúm, phế cầu đã có vắc xin chủng ngừa. Bố mẹ nên cho các cháu chủng ngừa những bệnh này trong thời điểm hiện nay.

PHẦN 2: BẠN ĐỌC HỎI - CHUYÊN GIA TRẢ LỜI

Hoàng Anh - TPHCM

Thưa bác sĩ, con em đang học lớp 5. Thời điểm quay trở lại trường học thì vào đỉnh điểm của nắng nóng. Con em lại khá hiếu động, chạy nhảy liên tục khiến mồ hôi lúc nào cũng nhễ nhại. Em sợ nắng nóng thế này ảnh hưởng nhiều đến trẻ. Mong bác sĩ tư vấn giúp em, trong mùa nắng nóng nên chăm sóc trẻ thế nào, hướng dẫn con điều gì để không bị say nắng, kiệt sức? Em cảm ơn bác sĩ.

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Đây là câu hỏi không chỉ chị Hoàng Anh quan tâm mà rất nhiều phụ huynh cũng sốt sắng trong thời điểm hiện nay. Thời điểm này trời quá nóng, bố mẹ nên lưu ý những nguyên tắc sau. Khi trời nắng nóng đỉnh điểm, không nên cho các cháu ra ngoài. Khi thời tiết dịu mát mới nên cho các cháu ra ngoài vui chơi… Trong trường hợp cần thiết các cháu phải ra ngoài như đi học, bố mẹ nên cho các cháu đội nón đầy đủ, đeo khẩu trang, cùng các phương tiện chống nắng khác để tránh tác hại trực tiếp từ ánh nắng.

Uống đủ nước cũng rất quan trọng, tránh xảy ra hiện tượng mất nước, giúp các cháu đủ sức khỏe vượt qua nắng nóng.

Bên cạnh đó, sử dụng các phương tiện giải nhiệt hợp lý, để các cháu đủ mát, tránh tác hại lạm dụng các phương tiện như điều hòa.

Đỗ Thị Lan Hương - Long An

Mặc dù dịch bệnh giờ tạm lắng nhưng con đi học trong thời điểm này khiến các bậc phụ huynh như tôi nơm nớp lo sợ. Thành ra tôi chuẩn bị đủ cả khẩu trang, nước rửa tay cho con. Nhưng bé nhà tôi bị viêm da cơ địa do thời tiết, tôi muốn tìm sản phẩm rửa tay nhanh cho con thì nên lựa chọn như thế nào?

Tôi sợ cồn cũng như các chất có trong nước rửa tay ảnh hưởng đến da? Vì bé mới học lớp 2 thôi, nên việc rửa tay bằng nước ở trường sợ không có ba mẹ bé sẽ quên và làm biếng. Cảm ơn bác sĩ.

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Đây là bài toán cần có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường. Trước tiên bố mẹ cần báo cho cô giáo của con biết là con có bệnh viêm da cơ địa, để thầy cô quan tâm chăm sóc cháu kỹ hơn, nhờ các cô quan sát việc rửa tay đúng cách, sạch sẽ, không gây hại.

Riêng về vấn đề sử dụng các loại nước rửa tay, chúng ta cần kỹ càng hơn. Nếu thật sự cháu bị viêm da cơ địa, nên chọn loại nước rửa tay không có nồng độ cồn quá cao. Không chọn sản phẩm có chất tẩy rửa mạnh, ví dụ như paraben… Tốt nhất nên chọn các sản phẩm có nguồn gốc organic có tác dụng bảo vệ làn da cháu, khi sử dụng cần có người lớn hỗ trợ và hướng dẫn các cháu lấy lượng vừa đủ để vừa tiết kiệm, tránh sử dụng chất tẩy rửa nhiều gây tăng nguy cơ về da cho các cháu.

Một test đơn giản là cháu bé có thể dùng một lượng nhỏ để rửa, sau đó bố mẹ quan sát xem có hiện tượng lạ không. Nếu các cháu đỏ da, mẩn ngứa thì nên ngưng sử dụng và tìm sản phẩm khác phù hợp cho bé hơn. Nếu da các cháu bình thường thì bố mẹ có thể yên tâm để con sử dụng.

Thứ hai, bố mẹ nên chọn sản phẩm từ những công ty lớn, uy tín. Lý do là vì những công ty lớn có giá trị thương hiệu, quy trình sản xuất chuẩn, được kiểm soát nghiêm ngặt cả về kỹ thuật cũng như chất lượng, được các cơ quan chức năng thẩm định hiệu quả an toàn. Việc sử dụng các sản phẩm đó có thể tin cậy hơn.

Nguyễn Thị Thanh Thủy - TPHCM

Thời gian nghỉ dịch do COVID-19 bé em hầu như ăn cơm nhà, giờ quay lại trường học dường như là lạ bụng nên ăn cơm căn tin lại bị đau bụng, có bữa thì té re. Xin hỏi bác sĩ làm sao khắc phục tình trạng này ạ? Bé nhà em cũng hay ăn vặt nữa, trước nghỉ ở nhà nên là giờ đi học cu cậu khoái lắm, vì được ăn thoải mái mà không có ba mẹ cấm cản. Mong bác sĩ cho em lời khuyên.

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Đa phần những trường hợp này các cháu có chế độ ăn uống không phù hợp, chẳng hạn như các cháu thường thích ăn những món nhiều chất béo. Cần cho các cháu ăn theo chế độ quân bình, với tỷ lệ đường, đạm, béo phù hợp. Như vậy khả năng gây các biểu hiện rối loạn tiêu hóa mới giảm thiểu.

Cũng cần lưu ý vệ sinh ăn uống. Trong vấn đề này, biện pháp rửa tay rất quan trọng, góp phần tránh tình huống các cháu dùng tay bốc đồ ăn dễ xảy ra các tai nạn ăn uống không mong muốn.

Việc lựa chọn, bảo quản thực phẩm đúng cách. Thực phẩm nếu không bảo quản đúng cách có thể bị hư và biến chất, nguy cơ phát sinh các rối loạn tiêu hóa, đặc biệt là ngộ độc thức ăn đối với các cháu hoàn toàn có khả năng xảy ra.

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp - Bệnh viện Nhi đồng 1

Lê Hồng Gấm - An Giang

Hôm trước tôi mua gel rửa tay Bioskin của Dược Hậu Giang, có tinh dầu sả chanh, bạc hà. Xin hỏi bác sĩ những tinh dầu này có an toàn cho trẻ không? Những hương liệu để tạo mùi cho sản phẩm rửa tay như tinh dầu liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe nếu sử dụng lâu dài?

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Trên nguyên tắc, những sản phẩm này đã được kiểm nghiệm và xác nhận bởi những cơ quan thẩm quyền nên chúng ta có thể tin tưởng. Nên xem trong thông tin kê toa, nếu những sản phẩm này được phép dùng ở trẻ em có thể an tâm hơn.

Nếu sử dụng sản phẩm rửa tay cho các trẻ nhỏ, càng ít hương liệu càng tốt.

Thương Trịnh - bạn đọc hỏi qua fanpage Hỏi bác sĩ trả lời

Nhà em có 2 quan niệm khác nhau bác sĩ ạ. Em thì nghĩ sau dịch bệnh cả nước cho học sinh đi học lại thì chắc hẳn phải đủ điều kiện và sẵn sàng đảm bảo an toàn rồi, nhưng chồng em thì không chịu, bảo là học trễ một năm thì không chết ai, nhưng dính dịch thì rất nguy hiểm.

Xin hỏi bác sĩ, em có nên cho con nghỉ học cho đến khi công bố hết dịch? Vì em sợ con học sau không theo kịp, đâm ra tự ti với bạn bè, ảnh hưởng đến tâm lý phát triển? Nếu quay lại trường học thì nên chuẩn bị như thế nào?

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Trong phần trình bày ở trên, tôi đã phân tích điều này. Cả bố mẹ đều rất thương con, nhưng phụ huynh nên dùng phương pháp hài hòa nhất. Nên tin tưởng Chính phủ đã chọn thời điểm phù hợp để các cháu trở lại trường. Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường cần có những biện pháp phối hợp để các cháu đến trường trong điều kiện an toàn, không mắc COVID-19 và các bệnh khác, nhằm giúp các cháu tiếp thu bài vở để lên lớp và theo kịp các bạn. Bố mẹ không nên cực đoan nhé.

Hoàng Hưởng - TPHCM

Tôi thường nghe nhắc đến chọn nano bạc trong các sản phẩm rửa tay có thể sạch khuẩn đến 99,9%, thông tin này có chính xác không ạ? Có nghiên cứu hay cơ quan nào xác nhận điều này chưa? Cơ chế nào giúp nano bạc đạt được hiệu quả như vậy?

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Công nghệ nano là công nghệ của thế kỷ mới và hứa hẹn trong tương lai. Từ lâu bạc đã có tính sát khuẩn. Với công nghệ nano bạc có thể sản xuất ra những chất có thành phần bạc rất nhỏ, tính bằng nano, tăng diện tích tiếp xúc với những bề mặt cần sát khuẩn. Đương nhiên, tăng diện tích sát khuẩn thì hiệu quả chất sát khuẩn là bạc với những chất gây hại hay mầm bệnh xung quanh gia tăng.

Vấn đề sử dụng nano bạc như chất sát khuẩn, thế giới đã nghiên cứu và có nhiều tạp chí y khoa hàng đầu đưa tin hiệu quả của nano trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Những thông tin về tỷ lệ sát khuẩn đã được nhà sản xuất công bố qua mô hình nghiên cứu thử nghiệm về tế bào.

Sử dụng công nghệ nano bạc trong lĩnh vực sức khỏe chuyên sâu hơn chắc phải chờ một thời gian nữa, khi có những thử nghiệm trên động vật và tiến tới là trên lâm sàng mới hiểu rõ thêm hiệu quả của nano bạc trong y khoa nói chung. Trước mắt nano bạc có thể sử dụng để khử khuẩn và sát trùng.

Trần Anh Phương - TPHCM

Thưa bác sĩ, hôm trước em ghé nhà thuốc thấy sản phẩm gel rửa tay Bioskin của công ty Dược Hậu Giang thì thấy cũng uy tín rồi, nhưng em không biết là sản phẩm này có dùng được cho trẻ nhỏ không ạ? Nhà em có 2 bé, 1 bé đang học mẫu giáo, một bé học lớp 5. Bioskin có thể sử dụng cho trẻ từ mấy tuổi?

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Công ty Dược Hậu Giang không chỉ theo đuổi tiêu chí người Việt dùng hàng Việt, mà còn là niềm tự hào của ngành dược Việt Nam, bởi đây là cơ sở sản xuất uy tín với những sản phẩm chất lượng. Với thông tin Dược Hậu Giang công bố đã được kiểm nghiệm đầy đủ của Viện Pasteur TPHCM cho thấy sản phẩm này có thể sử dụng được cho trẻ em không giới hạn tuổi.

Theo khuyến cáo như tôi đã trình bày, mỗi lần sử dụng chỉ cần 1-3 giọt là đủ, không nên sử dụng quá nhiều là được.

Trần Quốc Việt - Quảng Bình

Con em sau đợt nghỉ dịch thì mê tivi và mê chơi game nhiều hơn, làm sao để dứt ra được bác sĩ ơi?

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Đây là vấn đề mà phụ huynh rất quan tâm. Bố mẹ cần cùng con hoạch định thời khóa biểu hợp lý hơn. Các cháu vẫn đang mê tivi với các trò chơi với tâm lý nghỉ dịch, nếu yêu cầu dừng ngay thì chắc chắn không được và kém hiệu quả. Phụ huynh nên thống nhất với con thời gian chơi với khung giờ nhất định, không chơi quá nhiều.

Thêm nữa, bố mẹ nên hướng cho các con các môn thể thao, trò chơi tích cực, để các cháu vừa tăng sức khỏe nhưng vẫn được giải trí, ví dụ như đi công viên chơi, tập thể dục… để các cháu ít dành thời gian trống vào những phương tiện giải trí có tính chất thời đại.

Thanh Xuân - xuannguyen78…@gmail.com

Thưa bác sĩ, trẻ em thì có thói quen hay ăn chung, mà dịch bệnh thì lây qua dịch tiết, giọt bắn. Em phải làm sao để con thay đổi thói quen này thưa bác sĩ? Em cảm ơn và kính chúc bác sĩ nhiều sức khỏe.

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Trong gia đình, bố mẹ nên tập thói quen mỗi cháu có bộ đồ ăn riêng. Tập dần theo ngày thì các cháu sẽ hình thành thói quen và mang đến trường.

Khi đi học, nên hợp tác với nhà trường để nhà trường có đồ ăn riêng, dụng cụ riêng cho các cháu.

Bùi Anh

Dạo này thời tiết nắng nóng khá gay gắt, bác sĩ cho em hỏi mùa nóng như vậy có dễ mắc bệnh tiêu chảy không ạ?

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Đây là vấn đề thường gặp bởi nhiều lý do. Mùa nóng thường có xu hướng giải nhiệt rất lớn. nếu sử dụng nguồn nước, đồ ăn giải nhiệt không sạch sẽ, không vệ sinh rất dễ xảy ra những bệnh đường ruột. Bên cạnh đó, đồ ăn thức uống rất dễ biến chất, lên men, vi sinh vật có hại phát triển trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nếu tái sử dụng mà không được bảo quản kỹ càng có nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa.

Vì vậy, trong thời tiết này, cần quan tâm đến phương tiện giải nhiệt, uống đủ nước, đồ ăn đảm bảo để tránh hệ lụy phiền toái từ việc không tuân thủ nguyên tắc vệ sinh.

Gel rửa tay khô Dược Hậu Giang

Gel rửa tay khô Bioskin Dược Hậu GiangĐại diện nhãn hàng Bioskin - Dược Hậu Giang tặng hoa thay lời tri ân gửi đến TS.BS Trần Anh Tuấn

Trân trọng cảm ơn TS.BS Trần Anh Tuấn đã dành thời gian tư vấn cho bạn đọc và Gel rửa tay khô Bioskin - Dược Hậu Giang đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X