Hotline 24/7
08983-08983

TS.BS Phạm Nguyên Quý: Ung thư biết sớm trị lành

“Ung thư là bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Do đó, chúng ta nên thảo luận với bác sĩ về nguy cơ và kế hoạch tầm soát ung thư thích hợp cho mình” - TS.BS Phạm Nguyên Quý cho biết.

Sáng ngày 8/10/2018, “Diễn đàn bệnh nhân ung thư 2018” đã chính thức diễn ra tại Đà Nẵng. Chương trình thu hút sự tham dự của gần 200 bệnh nhân ung thư và người thân với 4 báo cáo của các chuyên gia giàu kinh nghiệm tại Hòa Kỳ, Nhật Bản và Việt Nam.
Trong đó, phần báo cáo “Ung thư biết sớm trị lành” của TS.BS Phạm Nguyên Quý - Khoa Nội khoa Ung thư, Bệnh viện Đại học Kyoto nhận được nhiều sự chú ý bởi ông là một trong những học trò của giáo sư Tasuku Honjo (Nhật Bản) - người vừa được giải Nobel Y học 2018 vinh danh khi tìm ra liệu pháp điều trị ung thư bằng cách ức chế cơ chế điều hòa âm tính của kháng thể.

Ung thư vú phát hiện, điều trị sớm cơ hội sống đến 99,9%

TS.BS Phạm Nguyên Quý - Khoa Nội khoa Ung thư, Bệnh viện Đại học Kyoto chia sẻ với 200 khách mời tham dự về vai trò của việc tầm soát, phát hiện sớm ung thư
Mở đầu phần báo cáo, bác sĩ Phạm Nguyên Quý cho biết: “Ung thư thể rắn (ung thư phổi, ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung, ung thư não,...) thường xuất phát từ những niêm mạc. Bởi niêm mạc của hệ tiêu hóa, hô hấp liên tục tiếp xúc với vật lạ, do đó các tế bào trên bề mặt rất dễ bị dao động và tổn thương, vì vậy nó có nhu cầu được sinh sôi, bù đắp để hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, trong quá trình sinh sôi xuất hiện lỗi mà cơ thể chúng ta không thể dẹp bỏ, tạo nên những đột biến trong tế bào. Từ đó, nó sẽ tích tụ và nếu rủi ro rơi vào đột biến gây tế bào phát triển nhanh hơn sẽ tăng sinh loạn sản, gây những khối u tại chỗ. Nếu không phát hiện, điều trị ngay thì khối u đó sẽ xâm lấn, đi sâu hơn vào phía dưới, qua lớp niêm mạc, đi vào mạch máu, hệ bạch huyết thì lúc đó ung thư sẽ sang giai đoạn tiếp theo”.

Hiện nay, không phải tất cả các loại bệnh ung thư đều đáng sợ. Giới khoa học đã tìm ra những phương pháp điều trị thành công cho một số loại bệnh khi cho kết quả rất tích cực. Kết quả điều trị này phụ thuộc chủ yếu vào việc phát hiện bệnh ở giai đoạn nào. Ở giai đoạn sớm thì có thể chữa khỏi hoàn toàn nhiều loại bệnh ung thư. Ngược lại, khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn, điều trị vừa tốn kém, vừa ít hiệu quả, chủ yếu chỉ có thể kéo dài và giảm nhẹ triệu chứng bệnh.
Bác sĩ Quý đưa những con số dẫn chứng cụ thể theo số liệu thống kê tại Nhật Bản từ 2005 - 2007. Chẳng hạn, ung thư dạ dày nếu phát hiện sớm ở giai đoạn I thì tỷ lệ sống sau 5 năm là 97,3%, nếu ở giai đoạn IV tỷ lệ sống chỉ còn 7,3%; Ung thư phổi ở giai đoạn I tỷ lệ sống sau 5 năm là 83.8%, giai đoạn IV chỉ còn 4,8%; Ung thư đại tràng giai đoạn I tỷ lệ sống đến 98.8% nếu được điều trị kịp thời và con số này chỉ ở mức 18.5% nếu bệnh tiến triển đến giai đoạn IV. Tương tự như vậy, ung thư vú có tỷ lệ sống sau 5 năm cao nhất đến 99.9% nếu phát hiện và điều trị ở giai đoạn I, ngược lại để tiến triển đến giai đoạn IV thì khả năng chỉ còn 33.0%.
Do đó, theo ông, khái niệm “tầm soát ung thư” cần được hiểu đúng. Nghĩa là việc sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là quá trình tìm kiếm những dấu hiệu sớm của bệnh trên những người khỏe mạnh, chưa hề biểu hiện triệu chứng của bệnh.
Vì thực hiện trên người khỏe mạnh, người ta đưa ra một số tiêu chí để đánh giá phương pháp xét nghiệm có thích hợp cho việc tầm soát ung thư hay không, như: tầm soát mặt bệnh ung thư phổ biến, có tỉ lệ tử vong cao; dễ thực hiện, giá thành rẻ; độ chính xác không cần quá cao nhưng phải đủ cao; được thực hiện an toàn với tỉ lệ biến chứng/tác dụng phụ thấp; đã được chứng minh hiệu quả làm giảm tỉ lệ tử vong…
Một số tầm soát ung thư được khuyến nghị dựa trên các đặc điểm, đó là:
Ung thư phổi nên tầm soát ở người từ 55-74 tuổi, đã từng hút thuốc lá nhiều hơn 30 gói/ năm và vẫn đang hút hoặc chỉ mới bỏ thuốc trong vòng 15 năm trở lại đây... thì nên chụp CT liều pháp vùng ngực hằng năm.
Ung thư vú cần có phương án tầm soát theo từng độ tuổi: Nếu chị em phụ nữ ở độ tuổi 40-44 nên cân nhắc lựa chọn bắt đầu tầm soát ung thư hàng năm bằng chụp nhũ ảnh nếu có nguyện vọng. Đối với các chị em từ 45-54 nên chụp nhũ ảnh mỗi năm. Và những chị em phụ nữ từ 55 tuổi trở lên nên chuyển sang nhũ ảnh mỗi 2 năm, hoặc có thể tiếp tục xét nghiệm này hằng năm.Bên cạnh đó, một số phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn nếu có họ hàng gần bị ung thư vú, có yếu tố di truyền liên quan tới ung thư, hoặc một số yếu tố khác.
“Ung thư là bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Do đó, bạn nên thảo luận với bác sĩ về nguy cơ và kế hoạch tầm soát ung thư thích hợp cho mình” - Bác sĩ Quý khuyến cáo.

PET-CT không phải là “tiêu chuẩn vàng” phát hiện ung thư

Bác sĩ Quý cho hay, trong tầm soát ung thư đại tràng, xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân được cho là tốt nhất và xét nghiệm này đã được đưa vào chương trình tầm soát tập thể tại Nhật Bản.
Ông dẫn dắt những số liệu nghiên cứu từ Nhật Bản cho thấy, khi tiến hành xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân trên những bệnh nhân tầm soát khi chưa xuất hiện triệu chứng có đến 50-70% là giai đoạn sớm, khả năng chữa lành đến 90-100%. Tuy nhiên, khi bệnh nhân đã xuất hiện triệu chứng như đau bụng, đi cầu ra máu... thì 60-70% là ở giai đoạn muộn, khả năng chữa lành chỉ còn khoảng 20-30%.
Bác sĩ Quý là người sáng lập và điều hành dự án Y học Cộng đồng, chuyên cung cấp các thông tin hữu ích về sức khỏe cho bệnh nhân và người thân


Trong bài báo cáo, bác sĩ Quý bày tỏ sự ngạc nhiên khi ông sang Việt Nam, đến 2 bệnh viện lớn trong 2 ngày, soi 15 ca thì phát hiện đến 3 trường hợp đã ở giai đoạn tiến triển. Trong khi đó, tại Nhật Bản, trong 100 ca thì chỉ có 1-2 ca nhưng ở giai đoạn sớm và được can thiệp ngay sau đó.
Điều đáng buồn hơn, sau khi được triển khai những công nghệ, kiến thức để tầm soát sớm căn bệnh nguy hiểm này, nhưng 1 năm sau khi ông quay lại Việt Nam thì ở các bệnh viện cũng không phát hiện thêm những ca bệnh ở giai đoạn sớm. Bởi người dân Việt Nam không có thói quen khám sức khỏe định kỳ. Ông cho rằng đây là vấn đề rất nan giải. Thực chất, xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân giá rất “bình dân”, chỉ khoảng 50.000 đồng/ lần, số tiền này với nhiều người chưa bằng bữa ăn hằng ngày nhưng không mấy ai mặn mà.
Tuy nhiên, nhiều người lại sẵn sàng bỏ số tiền lớn hơn gấp hàng chục lần để làm PET-CT. Đây không phải là phương pháp tầm soát ung thư vì khó thực hiện, giá thành quá cao và chưa có số liệu cho thấy nó giúp làm giảm tỉ lệ tử vong trong cộng đồng. Nguy cơ từ phơi nhiễm phóng xạ cũng là điều đáng ngại khi cân nhắc lợi ích tổng thể.
Ngược lại, PET-CT có thể làm một số đốm sáng khác không đặc hiệu, nó chỉ "sáng giả vờ" và hoàn toàn đẩy bệnh nhân đến một loạt xét nghiệm khác mà nó có thể gây nguy hiểm cho tính mạng…
Do đó, mọi người nên cân nhắc thông tin trên mạng, biết sớm trị lành nhưng cần phải nắm được: Ai là người cần tầm soát? Tầm soát bằng phương pháp gì?... thì sẽ hiệu quả nhất. Chẳng hạn, việc tầm soát ung thư đại tràng ở Nhật Bản đưa ra quy định rất rõ ràng, với người nam và nữ trên 40 tuổi thì đều cần làm xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân 2 ngày khác nhau mỗi năm, giúp giảm tỷ lệ tử vong do đại tràng đến 60%. Nếu người nào có máu trong phân thì sẽ được bác sĩ tư vấn xem xét việc nội soi đại tràng.
Không phải Nhật làm như vậy thì chúng ta cần áp dụng ở Việt Nam, bởi hệ thống y tế 2 đất nước là khác nhau, trình độ không đồng đều giữa các bác sĩ ở bệnh viện, không phải ai nội soi cũng phát hiện khối u và không phải bác sĩ nào cũng có thể cắt khối u đó trong quá trình nội soi...
Tuy nhiên, việc khám định kỳ, phát hiện ung thư đại tràng là rất cần thiết giúp việc điều trị hiệu quả, tăng thời gian sống cho người bệnh. Từ những năm 90, người Nhật đã nghiên cứu ra những phương pháp xử lý polyp nhỏ gọi là phẫu thuật nội soi cắt bỏ niêm mạc.
“Đại tràng bao gồm nhiều lớp, trong đó lớp niêm mạc “chứa chấp” ung thư. Khi đi khám, phát hiện sớm, bác sĩ sẽ dùng dung dịch, nước muối sinh lý hoặc một số chất để đội lớp niêm mạc đó lên, sau đó dùng ống nội soi đi vào đại tràng đưa thòng lọng vào thắt và cắt. Như vậy là đã xử lý được khối u ngay tại chỗ. Những người bệnh này sau 1-2 năm tái khám, nội soi lại cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể xử lý tình huống từ những giai đoạn rất sớm và ung thư có thể ngừa được.
Một phương pháp khác là phẫu tích dưới niêm mạc bằng nội soi. Ung thư không có cổ, nó sẽ nằm bè xuống hoặc ăn lan rộng ra không thể thắt thòng lọng được thì bác sĩ sẽ dùng phương pháp khác. Ví dụ như có thể chích đội nó lên và dùng dao để cắt. Đây là phương pháp khó đòi hỏi sự khéo léo của bác sĩ, vì nếu không có thể dẫn đến thủng ruột của người bệnh. Ở Nhật Bản đã thực hiện được phương pháp này. Hiện tại, tôi đã đến các bệnh viện tại Việt Nam để chuyển giao công nghệ này cho các y bác sĩ” - bác sĩ Quý cho biết.
TS.BS Phạm Nguyên Quý nhận được sự quan tâm của phóng viên các báo đài

“Diễn đàn bệnh nhân ung thư” là cơ hội được gặp gỡ, tiếp cận thông tin y khoa mới nhất từ các chuyên gia, bác sĩ nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ung bướu. Do đó, nhiều người tham dự đã đặt câu hỏi đến cho TS.BS Phạm Nguyên Quý:

Bệnh ung thư nào có khả năng di truyền cao nhất, ví dụ như nếu có người họ hàng gần mắc phải thì tỷ lệ bị ung thư cao hơn những bệnh khác?

TS.BS Phạm Nguyên Quý: Về vấn đề di truyền, các nhà khoa học đã có nghiên cứu rất kỹ và đưa ra kết luận, khả năng nhiều nhất là ở ung thư vú.

Những hướng dẫn tầm soát ung thư vú ở Mỹ ghi rất rõ, từ năm 50-74 tuổi là những người có nguy cơ trung bình và nên đi tầm soát. Riêng những người có người thân (bố, mẹ) bị ung thư vú thì sẽ có nguy cơ cao hơn, lúc này chúng ta nên thảo luận với bác sĩ để bắt đầu khởi động chương trình tầm soát cho bản thân. Bên cạnh đó, tại Mỹ xét nghiệm gen cũng phổ biến hơn, một số vùng được BHYT chi trả xét nghiệm gen BRCA1 và BRCA2 để tầm soát xem đối tượng vào cần chụp nhũ ảnh sớm hơn.

Theo số liệu khoa học cho thấy những người có gen BRCA1 dương tính thì sẽ có nguy cơ ung thư vú suốt cả cuộc đời đến 60%, khi nghe được thông tin này thì nhiều người rất sợ. Tuy nhiên, tỷ lệ BRCA1 dương tính rất thấp. Theo thống kê, những người mắc ung thư vú do di truyền thì chỉ chiếm khoảng dưới 5%. Chính vì vậy, bản thân mỗi người cần nắm rõ thuộc nguy cơ nào, có thuộc diện cần tầm soát hay không?
Xét nghiệm máu lẫn trong phân được thực hiện ở những bệnh viện nào, thưa bác sĩ?

TS.BS Phạm Nguyên Quý: Ở TPHCM có Trung tâm Medic, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy và nhiều bệnh viện khác có làm các kỹ thuật này, bạn nhé.

Em có chỉ định nội soi tiêu hóa cách đây 2 năm, phát hiện Hp dạ dày. Bác sĩ cũng có khuyến cáo nên đến viện để khám định kỳ vì Hp dễ chuyển sang ung thư. Tuy nhiên, sau 2 năm kiểm tra lại theo đúng lịch trình thì thấy Hp vẫn còn. Vậy xin bác sĩ tư vấn phương pháp tầm soát nào là phù hợp, thời gian tầm soát bao lâu một lần là hợp lý?

TS.BS Phạm Nguyên Quý: Nhiễm Hp là nguy cơ gây ung thư dạ dày nhưng ở Việt Nam tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh còn rất nhiều. Do đó, sau khi sử dụng phác đồ điều trị Hp thì cần làm lại test thở ure trong máu để xem vi khuẩn đã được tiêu diệt triệt để hay chưa.

Ở Nhật Bản, quy trình nội soi diễn ra đơn giản, đa số bệnh nhân đều được bác sĩ khuyến cáo nếu có viêm, teo ở trong dạ dày thì cần tầm soát thường xuyên hơn, chẳng hạn 1-2 năm để phát hiện sớm ung thư dạ dày.

Chúng ta cần biết rằng, khi khối ung thư nhỏ thì bác sĩ sẽ có thể bỏ sót. Do đó, mặc dù không có bằng chứng nào chứng minh, soi 2 năm 1 lần hay 5 năm 1 lần thì tốt hơn nhưng bác sĩ nào sẽ đưa ra lời khuyên bệnh nhân nên cố gắng soi lại để phát hiện sớm ung thư.

a
Nhận lời chung sức vì cộng đồng - cùng nhà báo Hồng Tâm - người sáng lập và điều hành AloBacsi, TS.BS Phạm Nguyên Quý sẽ tham gia buổi tư vấn đầu tiên cho bạn đọc AloBacsi vào trưa mai 9/10.

 

Vài nét về TS.BS Phạm Nguyên Quý

TS.BS Phạm Nguyên Quý từng học tại Đại học Y Dược TPHCM năm 2000 - 2002. Sau đó ông tiếp tục du học với Học bổng Chính phủ Nhật Bản (MEXT) và đã tốt nghiệp Bác sĩ tại Đại học Y Nha Tokyo năm 2009, tốt nghiệp Tiến sĩ năm 2013 với nghiên cứu liên quan tới cơ chế tự thực bào (Autophagy) giúp xử lý môi trường nội bào để chống lại nhiều loại bệnh tật.

Bác sĩ hiện đang làm việc tại Khoa Nội khoa Ung thư, Bệnh viện Đại học Kyoto, chuyên về các loại ung thư tiêu hóa. Bác sĩ Quý cũng là người sáng lập và điều hành dự án Y học Cộng đồng, chuyên cung cấp các thông tin hữu ích về sức khỏe cho bệnh nhân và người thân qua website https://yhoccongdong.com


Phương Nguyên - Ảnh: Thái Dung
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X