Hotline 24/7
08983-08983

TS Phan Minh Liêm và hội thảo ung thư: Câu chuyện của 4 tiếng đồng hồ và 300 khách mời

"Kiến thức - Sự sẻ chia và Hy vọng" là ba điều lớn nhất đọng lại sau cuộc hội thảo về một trong những cuộc chiến “nóng” nhất hiện nay của sức khỏe người Việt: UNG THƯ.

Buổi chiều ngày đầu tháng 10, trong chuyến công tác về nước, chuyên gia nghiên cứu ung thư -TS Phan Minh Liêm - Viện Ung thư MD Anderson, Hoa Kỳ đã dành trọn 4 tiếng đồng hồ để chia sẻ những kiến thức cơ bản trong phòng chống ung thư với 300 khách tham dự đến từ TPHCM.

Hội thảo do Cổng thông tin Sức khỏe AloBacsi.vn cùng Tạp chí khoa học đa ngành trực tuyến - Vietnam Journal of Science đồng tổ chức. Với chủ đề “Những giải pháp giảm nguy cơ ung thư hiệu quả”, TS Liêm đã chia sẻ rất gần gũi, sát sườn 2 vấn đề chính, đó là: Sự nguy hiểm - cơ chế phát sinh ung thư và những giải pháp tầm soát, phòng ngừa ung thư hiệu quả”.

Gần 300 người chăm chú lắng nghe TS Phan Minh Liêm chia sẻ
a
Gần 300 người chăm chú lắng nghe TS Phan Minh Liêm chia sẻ

 

Chỉ cần hít khói thuốc lá cũng gây ung thư

Mỗi năm trên thế giới có 8 triệu gia đình có người chết vì ung thư.

Ung thư đang gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu. 14 triệu là số ca ung thư phát hiện mới mỗi năm.

100 tỷ USD là số tiền chi cho điều trị ung thư tại Mỹ.

39,6% người Mỹ có khả năng mắc ung thư trong suốt cuộc đời. Tỉ lệ này ở các nước như Việt Nam còn cao hơn nữa.


Hàng năm có hơn 150.000 ca ung thư mới được phát hiện ở Việt Nam, tuy nhiên đa số các bệnh nhân ung thư được phát hiện ở các giai đoạn muộn nên việc điều trị rất khó khăn. Tỷ lệ tử vong do ung thư ở nước ta là 74,8 % - thuộc hàng cao nhất trên thế giới.

Theo TS. Phan Minh Liêm, gần đây tại Việt Nam số ca ung thư tăng nhanh bởi nhiều lý do. Thứ nhất là do môi trường sống của chúng ta hiện nay đang có nhiều vấn đề, cả về thực phẩm lẫn nguồn nước, ô nhiễm không khí, khói bụi...

Ngoài ra, Việt Nam còn là một trong những nước tiêu thụ thuốc lá, rượu bia hàng đầu thế giới. Điều này rất đáng lo ngại, bởi rượu bia là một tiền căn dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Nếu chẳng may bị ung thư gan thì khả năng sống trên 5 năm tại Việt Nam hiện nay chỉ dưới 5%.

Còn đối với thuốc lá thì không chỉ là hiểm họa đối với bản thân người hút mà còn với cả cộng đồng. Lý do là trước đây người ta quan niệm thuốc lá chỉ gây ung thư phổi, nhưng điều này không đúng. Khi những chất độc hại trong thuốc lá đi vào trong phổi, thấm vào mạch máu và theo dòng máu di chuyển đến tất cả các bộ phận trong cơ thể.

Cơ thể chúng ta có hơn 200 loại mô, dưới tác động của những độc tố trong thuốc lá thì 200 loại mô này đều có khả năng trở thành ung thư. Những người hút thuốc lá thường xuyên, không những tăng nguy cơ ung thư phổi mà tăng luôn nguy cơ ung thư não, ung thư bàng quang, ung thư gan... Và hình thức hút thuốc lá thụ động, tức là khi mình không hút mà có người ngồi bên cạnh hút, cũng rất nguy hiểm.

Bên cạnh đó, hiện nay người ta phát hiện thêm một hình thức hút thuốc lá khác nữa gọi là “cận thụ động”. Có nghĩa là người lịch sự hút ở một nơi khác, sau đó mới vào gặp đối tác hoặc người thân trong gia đình... và nghĩ như vậy là an toàn nhưng thực chất không phải vậy.

Bởi vì khói thuốc và những hóa chất độc hại sẽ bám vào trong tóc tai, quần áo. Khi chúng ta đi đến gặp người khác, theo nguyên tắc khuếch tán, những chất đó sẽ hòa vào không khí. Những người tiếp xúc với người hút thuốc hàng ngày sẽ lãnh hậu quả đó.

Ngoài ra, ở Việt Nam hiện nay có một số thói quen ăn uống không được khoa học. Ví dụ như người Việt rất thích ăn đồ nướng, thực chất với mỗi 1 gram thịt nướng đôi khi độc tố tương đương với việc hút 6 điếu thuốc.

“Thêm nữa, nhiều người có thói quen/sở thích/quan niệm ăn chay để tích đức cho con cháu, ăn chay để tốt cho sức khỏe thì đây là một quan điểm rất nhân văn. Tuy nhiên, phải ăn chay đúng cách mới giảm được nguy cơ ung thư.

Ví dụ như nếu ăn nhiều tương, chao thì điều này khá nguy hiểm - đặc biệt là những loại tương chao chưa qua kiểm nghiệm. Bởi trong quá trình lên men tương, chao, với khí hậu nóng ẩm của Việt Nam rất dễ nhiễm một loại nấm tạo ra độc tố aflatoxin. Đây là loại độc tố có khả năng tăng nguy cơ ung thư gan. Điều nguy hiểm hơn là độc tố này có độ bền với nhiệt nên dù nấu bao nhiêu đi nữa thì vẫn còn độc tính” - TS Liêm chia sẻ.

Ngoài ra các bệnh khác cũng làm tăng nguy cơ ung thư như: béo phì, tiểu đường, suy giảm miễn dịch, bệnh kinh niên (viêm nhiễm lâu, không chữa hết).

Mọi thắc mắc gửi đến đều được TS Liêm tư vấn rành mạch, rõ ràng
Mọi thắc mắc gửi đến đều được TS Liêm tư vấn rành mạch, rõ ràng

 

Vì sao ung thư vô cùng nguy hiểm?

Ung thư cực kỳ khó chữa bởi tế bào ung thư tiến hóa liên tục. Chúng uyển chuyển, thay đổi, linh hoạt khôn lường.

Ung thư vô cùng nguy hiểm bởi tế bào ung thư di căn vào các cơ quan quan trọng (phổi, não, gan, xương…), gây tử vong trên nhiều bệnh nhân; Ung thư rất khó phát hiện, được mệnh danh là sát thủ thầm lặng; Khả năng kháng thuốc rất cao; Và hiện nhân loại vẫn chưa tìm ra thuốc điều trị ung thư hiệu quả.

Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, tế bào ung thư có nhiều đặc điểm rất giống vi khuẩn - dựa vào những đặc tính đó, con người có thể tìm ra cách khắc chế chúng:

- Tế bào ung thư rất sợ oxy (Nhiều ca ung thư máu chỉ cần điều trị bằng oxy cao áp mà khỏi bệnh).

- Tế bào ung thư rất thích ngọt. Chúng lấy đường để sinh tồn và di căn. Các mô mỡ tiết ra chất gây viêm, cũng là dinh dưỡng cho tế bào ung thư. Vì vậy, bệnh nhân tiểu đường, béo phì bị ung thư khó chữa hơn bình thường. Phải kiểm soát lượng đường và cân nặng điều trị ung thư mới hiệu quả. (Hiểu được cơ chế này, nhiều loại thuốc ung thư áp dụng cơ chế tấn công, không cho tế bào ung thư lấy đường, không cho tế bào lấy được năng lượng, khiến chúng suy kiệt và chết).

- Tế bào ung thư rất sợ hệ miễn dịch. Nếu hệ miễn dịch tốt, tinh thần bệnh nhân lạc quan, nâng cao thể trạng có thể đẩy lùi tế bào ung thư. (Tinh thần người bệnh chiếm 50% khả năng chiến thắng bệnh).

Trong buổi hội thảo, TS Phan Minh Liêm cũng chia sẻ nhiều phương pháp nhằm giúp cộng đồng chủ động hơn trong việc phòng ngừa ung thư như: Kiểm tra sức khỏe và tầm soát định kì; Sống yêu đời, vui vẻ; Tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý; Ăn nhiều thực phẩm có tác dụng phòng chống ung thư như: việt quất, thanh long, nho, măng cụt, kiwi, súp lơ xanh, tỏi, trà xanh, hạt óc chó, hạnh nhân, bột cà ri…

Bên cạnh đó, không nên hút thuốc và tránh xa khói thuốc; Hạn chế ăn các loại thực phẩm: thức ăn bị cháy khét, thịt nguội, hot dogs, khoai tây chiên, pizza, các loại nước tương, chao, thực phẩm bị nhiễm nấm độc với độc tố aftatoxin; giảm ăn thịt đỏ...

Không mang không khí căng thẳng như những buổi hội thảo khác, TS Phan Minh Liêm mang đến sự gần gũi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm giúp cho mọi người cảm thấy tự tin hơn trên con đường đánh bại căn bệnh nan y mang tên ung thư.

Thậm chí, ngay cả những giây phút giải lao, anh cũng dành trọn thời gian để giải đáp thắc mắc của khách tham dự. Đặc biệt, trong hơn 60 người tham dự là bệnh nhân ung thư, họ cũng mang theo bệnh án của mình đến nhờ tư vấn. Anh ân cần, lễ phép dặn gửi đầy đủ hồ sơ về email hoặc AloBacsi để anh xem tình trạng kĩ hơn. 

w
TS Phan Minh Liêm: "Nếu phát hiện ung thư giai đoạn cuối, cũng đừng tuyệt vọng. Phép màu luôn có thể xảy ra. Ngay tại viện MD Anderson, có những người bạn của Liêm phát hiện ung thư phổi, ung thư gan giai đoạn 4 nhưng đến nay vẫn sống khỏe mạnh. Y khoa hiện đại đang giúp kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư". (Trong ảnh: Chị Hứa Phụng Phi - người đang được TS Liêm hỗ trợ điều trị - tặng hoa thay lời cảm ơn tiến sĩ).

Tái khám định kỳ sau điều trị ung thư là rất quan trọng

Trong gần 2 tiếng còn lại của buổi hội thảo, ban tổ chức dành phần lớn thời gian để giải đáp trực tiếp các thắc mắc về bệnh ung thư cũng như chia sẻ về các dịch vụ vì cộng đồng của Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn, Gói bảo hiểm Ung thư của công ty Bảo Việt TPHCM và Mạng xã hội Bác sĩ toàn cầu.

Đúng như lời “nhắn nhủ” của TGĐ Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn - nhà báo Hồng Tâm: “Đã dành thời gian đến đây, mọi người hãy mạnh dạn đặt thật nhiều câu hỏi cho TS Phan Minh Liêm, đừng ngại gửi đến TS những thắc mắc của cá nhân mình, vì đây là cơ hội hiếm hoi để chúng ta có thể trao đổi trực tiếp với chuyên gia từ Viện ung thư lớn nhất Hoa Kỳ”.

TS Liêm đọc hồ sơ và giải thích bệnh trong giờ giải lao
TS Liêm đọc hồ sơ và giải thích bệnh trong giờ giải lao

 

Sau những chia sẻ của TS Liêm, khách tham dự đã đặt rất nhiều câu hỏi gửi về cho chương trình. Đây không chỉ là cơ hội để giúp bạn đọc tiến gần hơn đến cách phòng ngừa, điều trị ung thư mà còn là khoảng thời gian giao lưu, trao đổi của các bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong cuộc chiến này.

Theo quan điểm của BS Võ Kim Điền - có nhiều năm tu nghiệp tại Pháp, hiện đang công tác tại Khoa Ung bướu - Bệnh viện FV: “Dù TS Liêm chia sẻ rằng hiện nay chưa có thuốc điều trị ung thư, nhưng đối với căn bệnh này, chúng tôi cố gắng phát hiện bệnh sớm ở giai đoạn còn khu trú tại chỗ. Ở giai đoạn này hoàn toàn có thể khống chế, điều trị khỏi. Khi đó, phẫu thuật, xạ trị chính là vũ khí điều trị chính. Nếu không có thuốc thì cũng không đáng lo, vì đây chỉ là giải pháp can thiệp khi chúng ta đã cố gắng kiểm soát tại chỗ những giai đoạn nhưng vẫn tái phát.

Hiện nay, tại Việt Nam đã áp dụng điều trị thành công 2 loại ung thư vú và ung thư phổi bằng liệu pháp nhắm trúng đích. Đây là liệu pháp sử dụng viên thuốc uống, đánh trực tiếp vào tế bào ung thư và không ảnh hưởng nhiều đến tế bào lành tính. Cơ chế tác động thuốc là ngăn chặn luồng tín hiệu làm cho tế bào không có tăng sinh, từ đó, khối bướu sẽ bị tiêu diệt” - BS Võ Kim Điền nêu ý kiến.

BS Võ Kim Điền - từ BV Pháp Việt đang trao đổi với tư cách khách mời của hội thảo
BS Võ Kim Điền - từ BV Pháp Việt đang trao đổi với tư cách khách mời của hội thảo

 

Khi nghe những lời trao đổi thân tình của BS Điền, TS Liêm không quên gửi lời cảm ơn và giải thích thêm: “Đặc điểm về gen, di truyền học của mỗi nhóm khác nhau sẽ quyết định kết quả điều trị. Do đó với cùng một thuốc, cùng một phương pháp điều trị nhưng hiệu quả lên mỗi người là khác nhau bởi gen của con người sẽ quyết định kiểu hình, quyết định luôn cấu trúc đó vào cơ thể có phù hợp hay không.

Bên cạnh đó, theo quan điểm của em (TS Liêm xưng em với BS Điền - kể cả với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân bao giờ TS Liêm cũng xưng là “con”, “em” rất khiêm cung, lễ phép), mặc dù hiện nay có liệu pháp điều trị trúng đích trong ung thư phổi nhưng khi các nhà khoa học càng nghiên cứu sâu thì càng thấy tế bào ung thư rất phức tạp bởi nó tiến hóa liên tục. Khi chúng ta đưa thuốc trúng đích vào thì có thể tiêu diệt được những tế bào mẫn cảm nhưng một số tế bào sẽ đột biến và thay đổi cấu trúc. Do đó, thuốc trúng đích sẽ không còn tác dụng sau 1 thời gian sử dụng.

Thậm chí, ngay khi chúng ta vui mừng vì điều trị thành công bệnh ung thư thì cũng không nên chủ quan vì bất cứ lúc nào nó cũng có thể quay lại. Do đó, việc tái khám định kỳ sau điều trị ung thư là rất quan trọng, tuy nhiên vấn đề này chưa được đẩy mạnh tại Việt Nam”.

Tại Viện MD Aderson, mỗi bệnh nhân ung thư được xem là một anh hùng trong cuộc chiến chống ung thư. Mỗi người khi hết bệnh, sẽ được tham gia nghi lễ đánh cồng rất đặc biệt. Họ sẽ đánh 3 tiếng cồng với ý nghĩa:

Tiếng cồng thứ nhất là chúc mừng chiến thắng của chính mình. Tiếng cồng thứ 2 cảm ơn gia đình, bác sĩ, các chuyên gia điều trị là những người đã đồng hành cùng họ. Tiếng cồng thứ 3 - là tiếng cồng quan trọng nhất - động viên những người bệnh còn lại có thêm tinh thần để chiến đấu.

“Thông điệp mà tôi muốn chia sẻ ở đây là ung thư là một bệnh nguy hiểm nhưng chúng ta có thể làm giảm nguy cơ bằng cách thay đổi những thói quen sống, dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh hơn. Việc điều trị không phải là vô vọng, cuộc sống luôn có những phép lạ.

Điều quan trọng nhất trong điều trị ung thư không đơn thuần chỉ là bác sĩ và thuốc mà chính là ý chí quyết tâm của bệnh nhân. Khi chẳng may chúng ta hay người nhà bị ung thư, thì phải tìm cách động viên tinh thần của họ, bởi nếu bệnh nhân buông xuôi thì bệnh ung thư sẽ phát triển nhanh hơn” - TS Liêm cho biết.

Chị Thủy Tiên - em gái của chị Thương Sobey (Khánh Thương), người sáng lập Mạng lưới Ung thư vú - cũng có mặt tại hội thảo. Thủy Tiên đang tiếp bước người chị nghị lực của mình, tiếp tục đồng hành cùng những bệnh nhân ung thư.

Đang trong giai đoạn điều trị ung thư, bà Mai Sương (SN 1956) rất mừng khi đọc được thông tin BS Nguyễn Minh Thu của AloBacsi đã chiến thắng căn bệnh này khi ở ngưỡng cửa tử. Do đó khi đến với hội thảo của TS Liêm bà chỉ mong được nghe, được biết thêm nhiều kinh nghiệm chiến đấu: “Tham dự hội thảo, tôi có nghe TS nhắc đến quy trình điều trị tại Viện ung thư MD Aderson, 1 là theo cách truyền thống, 2 là cách điều trị thử nghiệm trên chuột. Xin hỏi mỗi cách như vậy chi phí là bao nhiêu? Ngoài ra, trường hợp của BS Minh Thu đã dùng phương pháp nào để điều trị thành công?”.

Chị đang gửi đến
Bà Mai Sương đang gửi đến TS Liêm chùm câu hỏi

 

Giải đáp thắc mắc của bà Mai Sương, TS Liêm cho biết: “Chi phí điều trị cách truyền thống tại Viện MD Aderson khoảng từ 300.000 - 400.000 USD. Tuy nhiên đó chỉ là chi phí điều trị theo những đợt hợp đồng, nếu sau này một số trường hợp tái phát phải điều trị thêm nhiều đợt thì chi phí khoảng 1 - 2 triệu USD. Tại Mỹ, chi phí này được bảo hiểm chi trả có thể lên đến 60 - 80%. Chính vì vậy, khi bệnh nhân đến MD Aderson từ nước ngoài thì đa số đều có điều kiện kinh tế tốt.

Về phương pháp điều trị mới lấy tế bào bệnh nhân, thử thuốc, giải mã cũng như thử nghiệm trên chuột chi phí thực hiện đắt hơn, khoảng 500.000 USD/ca. Tôi hy vọng trong tương lai khi những quy trình công nghệ được phổ biến hơn thì chi phí có thể giảm xuống”.

“Phương pháp chị Minh Thu áp dụng đó là Integrative Medicine được tạm dịch là "Y học tích hợp", được rất nhiều Viện ung thư hàng đầu trên thế giới sử dụng và phát triển. Y học tích hợp bao gồm rất nhiều phương pháp nhỏ: thiền, yoga, âm nhạc, sử dụng các dược chất kháng ung thư có nguồn gốc tự nhiên...

Mục tiêu của Integrative Medicine là nâng cao thể trạng của bệnh nhân, đồng thời ức chế sự phát triển tế bào ung thư của bệnh nhân bằng cách an toàn nhất, không gây ảnh hưởng đến cơ thể con người như hóa trị, xạ trị.

Việc sử dụng tích hợp phương pháp hóa trị, xạ trị với phương pháp Y học tích hợp sẽ nâng cao thể trạng của bệnh nhân” - TS Liêm chia sẻ.

Dù thời gian hội thảo diễn ra khá dài, liên tục phải giải đáp thắc mắc của khách tham dự nhưng TS Liêm vẫn luôn vui vẻ, thi thoảng còn xen lẫn những ví dụ hài hước, dễ hiểu, tạo cảm hứng cho người nghe.

Đáp lại tấm lòng đó, ai cũng ghi chép từng lời hướng dẫn. Thậm chí, trong 300 khách tham dự hôm nay, còn có người vượt chặng đường gần 200km để nghe TS Liêm tư vấn.

Rất nhiều khách tham dự đồng tình về việc “tái khám định kỳ sau điều trị ung thư là rất quan trọng”, như trường hợp mẹ anh Huy (TPHCM) bị ung thư phổi. Anh tâm sự, ban đầu khối u của mẹ anh là lành tính, tuy nhiên BS không hướng dẫn phải đi tái khám. 1 năm sau, khi xuất hiện triệu chứng khó thở, đau ngực, bà đi khám mới phát hiện khối u đã thành ác tính, ở giai đoạn 4A. Do đó, đến với hội thảo, anh Huy nhắn nhủ mọi người sau khi điều trị ung thư thì việc tái khám rất quan trọng, điều đó giúp bệnh nhân kiểm soát căn bệnh của mình.

Bạn đọc Huy gửi đến hội nghị câu chuyện về bệnh ung thư của mẹ mình
Bạn đọc Huy gửi đến hội nghị câu chuyện về bệnh ung thư của mẹ mình và nhiều câu hỏi nhờ tư vấn

 

Ngoài ra, anh Huy cũng đặt câu hỏi cho TS Phan Minh Liêm về trường hợp của người thân: “Em thấy mọi người khuyến khích phụ nữ tiêm ngừa HPV để phòng ngừa ung thư tử cung thì nên tiêm trước tuổi 27. Vậy cho em hỏi nếu sau độ tuổi này, đã lập gia đình thì có thể tiêm ngừa HPV hay không?”.

Trả lời câu hỏi này, TS Liêm cho biết: “Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, những phụ nữ chưa lấy chồng, dưới 27 tuổi nên chích ngừa virus HPV. Dựa trên những nghiên cứu dịch tễ học cho thấy với những người chưa lập gia đình thì khả năng họ có nhiều bạn tình, do đó nguy cơ nhiễm HPV từ người bạn đời hoặc quan hệ tình dục không an toàn sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, đứng về mặt khoa học thì chưa có nghiên cứu nào cho thấy rằng trên 27 tuổi nhiễm HPV thì khả năng ung thư thấp hơn. Tôi nghĩ rằng những người có điều kiện, thậm chí đã trên 27 tuổi thì vẫn nên chích bởi vì đa số những vắc xin đó an toàn vì trước khi đưa ra thị trường họ đã kiểm nghiệm hết rồi nên tác dụng phụ của nó không như những lời đồn thổi”.

Kết thúc buổi hội thảo cũng là lúc thành phố bắt đầu lên đèn. Vào một buổi chiều cuối tuần, lẽ ra phải dành để sum họp gia đình và nghỉ ngơi sau 1 tuần làm việc, thế nhưng rất nhiều khách tham dự vẫn nán lại để nghe trọn vẹn những lời chia sẻ của TS Liêm. Đó chính là món quà quý giá nhất dành cho nhà khoa học trẻ, tài năng.

Phương Nguyên

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X