Hotline 24/7
08983-08983

Trung Quốc: Hai đứa bé đầu tiên của nhân loại được tạo ra nhờ công nghệ chỉnh sửa gen

Trong khi nghiên cứu chỉnh sửa gen CRISPR đã thực sự dấy lên những lo ngại về giá trị đạo đức thì mới đây, một nhà khoa học từ một trường đại học ở thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) vừa tuyên bố rằng ông đã thành công trong việc tạo ra những đứa trẻ biến đổi gen đầu tiên trên thế giới.

Ông Jiankui He nói với Associated Press rằng hai bé gái sinh đôi đã được sinh ra hồi đầu tháng này sau khi ông chỉnh sửa phôi của chúng bằng cách sử dụng công nghệ CRISPR để loại bỏ gen CCR5, gen đóng vai trò quan trọng trong việc cho phép nhiều chuẩn virus HIV tấn công vào các tế bào cơ thể người.

Cuộc phỏng vấn của AP với ông đã được công bố ngay sau báo cáo trước đó của MIT Technology Review. Báo cáo nói rằng nhóm nghiên cứu của ông tại Đại học Khoa học và Công nghệ miền Nam đang sử dụng công nghệ CRISPR để chỉnh sửa gen CCR5 và tạo ra đứa trẻ có khả năng chống HIV. Báo cáo cũng trích dẫn các tài liệu trên trang web ChiCTR của Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng Trung Quốc. ChiCTR là trung tâm chính thức của Cơ quan đăng ký thử nghiệm lâm sàng quốc tế thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Video phỏng vấn ông Jiankui He do AP thực hiện

Điều quan trọng cần được lưu ý là không có xác nhận độc lập về nghiên cứu của ông cũng như không có bất kì thông tin nào trên các tạp chí thẩm định quốc tế được xuất bản. Tuy nhiên, tuyên bố của ông chắc chắn gây ra một chấn động tại Hội nghị thượng đỉnh quốc tế lần thứ 2 về chỉnh sửa bộ gen con người bắt đầu tại Hồng Kông vào ngày 27/11 này. Theo Technology Review, ban tổ chức hội nghị dường như không được thông báo về kế hoạch của ông cho nghiên cứu này mặc dù AP đề cập ông đã thông báo cho họ trước ngày tổ chức.

Hội nghị thượng đỉnh quốc tế lần thứ 2 về chỉnh sửa bộ gen con người sẽ bắt đầu vào ngày 27/11

Michael Deem, một nhà khoa học người Mỹ, cũng nói với AP rằng ông đã cùng làm việc với ông Jiankui He trong dự án ở Trung Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn với AP, Jiankui He – người đã từng học tại Đại học Rice và Standford trước khi về Trung Quốc nói rằng ông cảm thấy "một trách nhiệm mạnh mẽ khi không những tạo ra những đứa trẻ đầu tiên nhờ công nghệ chỉnh sửa gen mà chúng còn là một hình mẫu tiêu biểu" và "cộng đồng sẽ quyết định cần phải làm gì tiếp theo".

Theo các tài liệu liên quan đến Technology Review, nghiên cứu đã được Ủy ban Đạo đức Y tế của Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em Thâm Quyến HarMoniCare chấp thuận. Tóm tắt về thông tin nghiên cứu được đăng trên ChiCTR chỉ rõ thời gian thực hiện nghiên cứu là từ ngày 7 tháng 3 năm 2017 đến ngày 7 tháng 3 năm 2019 và thực hiện tìm kiếm các cặp vợ chồng sống ở Trung Quốc đáp ứng đủ yêu cầu về sức khỏe và tuổi tác, đồng thời sẵn sàng trải qua liệu pháp IVF (thụ tinh trong ống nghiệm). Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là "có được những đứa trẻ khỏe mạnh với khả năng chống nhiễm virus HIV nhằm làm cơ sở sau này cho việc sớm loại bỏ các căn bệnh di truyền ở phôi thai". Các xét nghiệm di truyền đã được tiến hành trên bào thai 12, 19 và 24 tuần tuổi trong sự phát triển của thai kỳ, mặc dù vẫn chưa rõ liệu những thai kỳ đó có dẫn đến sự ra đời của cặp song sinh nữ hay không khi cha mẹ chúng có nguyện vọng ẩn danh tính.

Video nói về Lulu và Nana - hai đứa bé đầu tiên được tạo ra nhờ công nghệ CRISPR

"Tôi tin rằng điều này sẽ giúp ích cho các gia đình và con cái họ", ông nói với AP. Ông nói thêm rằng "Tôi sẽ có cùng nỗi đau giống như họ và đó sẽ là trách nhiệm của riêng tôi" nếu nghiên cứu gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Vào năm 2015, các nhà khoa học Trung Quốc tại Đại học Sun Yat-sen ở thành phố Quảng Châu đã lần đầu tiên dùng bộ công cụ chỉnh sửa gen CRISPR (có thể gọi là cái kéo chính xác để cắt gen) nhằm tinh chỉnh phôi thai người. Mặc dù các nhà khoa học khác, kể cả ở Mỹ đã tiến hành những nghiên cứu tương tự kể từ đó thì thành quả nghiên cứu của Đại học Khoa học và Công nghệ miền Nam (Trung Quốc) sẽ được coi là cực đoan nếu nó thực sự đã thành hiện thực. Nhiều nhà khoa học và nhà đạo đức lo ngại về công nghệ CRISPR đang bị lạm dụng để duy trì thuyết ưu sinh (phong trào sinh học xã hội ủng hộ việc sử dụng các phương thức nhằm cải thiện cấu tạo gen của dân số vào đầu thế kỷ 20) hoặc tạo ra "những đứa trẻ được thiết kế sẵn".

Như ở Mỹ và nhiều nước Châu Âu, việc cho những phôi thai đã chỉnh sửa gen được ra đời đã bị cấm ở Trung Quốc từ năm 2003. Các phòng khám IVF phải tuân thủ lệnh cấm này nhưng không hiểu sao nghiên cứu này vẫn được thông qua.

Cận cảnh quá trình nghiên cứu

Vào năm 2015, ngay sau khi thí nghiệm của Đại học Sun Yat-sen (phôi không thể chịu được do tác động của nhiễm sắc thể), một cuộc họp với sự góp mặt của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc Gia Hoa Kỳ, Viện Y học, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Hội đồng Hoàng gia London nhằm kêu gọi lệnh cấm thực hiện những thay đổi có thể kế thừa đối với bộ gen con người.

Ngoài mối quan tâm về đạo đức, Fyodor Urnov, một nhà khoa học chỉnh sửa gen và là giám đốc Viện Khoa học y sinh Altius, một tổ chức phi lợi nhuận ở thành phố Seattle (Mỹ) nói với Technology Review rằng nghiên cứu của ông Jiankui He là nguyên nhân gây ra "hối tiếc và băn khoăn" vì nó có thể làm lu mờ tiến bộ trong nghiên cứu chỉnh sửa gen hiện đang được thực hiện trên người lớn bị nhiễm HIV.

*Theo cập nhật từ TechCrunch thì câu chuyện có vẻ rất phức tạp. Khi được phóng viên liên lạc thì một đại diện của bệnh viện được cho là đã chấp thuận nghiên cứu của ông Jiankui He nói rằng "Điều chắc chắn mà chúng tôi có thể nói là quá trình chỉnh sửa gen đã không diễn ra tại bệnh viện của chúng tôi. Các em bé cũng không được sinh ra ở đây". Bà cũng nói rằng bệnh viện đang điều tra tính hợp lệ của các tài liệu liên quan đến nghiên cứu trên ChiCTR.

Theo Trung Nguyễn - VnReview

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X