Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ phải cắt bỏ mắt vì phát hiện ung thư trễ

Mới đây, khoa Mắt - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp nhận 1 trường hợp ung thư nguyên bào võng mạc mắt bên phải phải cắt bỏ 1 bên mắt do phát hiện ung thư trễ. Trường hợp đáng tiếc này sẽ không xảy ra nếu trẻ được khám mắt sớm và định kỳ.

Cụ thể, sau khi hội chẩn kết hợp giữa tình trạng lâm sàng và hình ảnh cận lâm sàng cho thấy khối u lúc này đã phát triển khá lớn và bác sĩ phải ra quyết định cắt bỏ nhãn cầu để ngăn chặn sự di căn của khối u. Đây thực sự là một quyết định khiến các bác sĩ vô cùng xót xa vì là cách duy nhất để bảo vệ tính mạng cho bệnh nhân ung thư nguyên bào võng mạc giai đoạn muộn.

Điều đáng nói là trước đó bé hoàn toàn không có bất cứ vấn đề sức khỏe nào, tình cờ người nhà thấy trong mắt phải của bé đồng tử (con ngươi) ánh trắng đục nên cho bé đi khám mới phát hiện khối u. Sau hơn 1 giờ phẫu thuật, 1 bên nhãn cầu có khối u đã được lấy ra.

Dấu đồng tử trắng khi chụp hình dưới đèn plash. Hình ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

Theo BS.CK1 Nguyễn Đức Huy - Điều hành khoa Mắt, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố: Ung thư nguyên bào võng mạc (Retinoblastoma) là một loại u ác tính trong mắt ở trẻ em, thường xuất hiện với tần suất cao ở trẻ nhỏ tầm 1-2 tuổi, đôi khi gặp ở trẻ 3-6 tuổi, thậm chí 8 tuổi.

"Bệnh có thể xảy ra một bên mắt hoặc hai bên mắt. Tuy là bệnh ác tính, hiếm gặp nhưng ung thư nguyên bào võng mạc có thể chữa lành được. 95% trường hợp được chữa lành hoàn toàn nếu bệnh được điều trị sớm ngay khi bệnh bắt đầu và việc điều trị sẽ nhẹ nhàng, ít tốn kém" - BS.CK1 Nguyễn Đức Huy cho hay.

Các phụ huynh cũng nên chú ý những dấu hiệu gợi ý thường gặp nhất như: trẻ bị lé, đồng tử (con ngươi) ánh trắng đục, ánh mắt mèo khi chụp hình trong tối có ánh đèn flash... Tùy thuộc vào kích thước khối u, vị trí u, 1 u hay nhiều u, 1 mắt hay 2 mắt và độ tuổi của trẻ... mà bác sĩ sẽ quyết định hướng điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.

Đối với khối u kích thước nhỏ có thể điều trị giữ được mắt. Tuy nhiên, đối với khối u kích thước lớn, phương pháp điều trị duy nhất hiện tại là cắt bỏ nhãn cầu và đặt mắt giả, có thể kết hợp điều trị bằng hóa chất (trước và sau phẫu thuật) hoặc tia xạ (sau phẫu thuật).

BS.CK1 Nguyễn Đức Huy cũng khuyến cáo, phụ huynh nên đưa con đi kiểm tra mắt định kỳ vào các mốc thời gian sau: sau 1 tuổi, sau 3 tuổi, trước khi vào lớp 1 và đối với trẻ trong độ tuổi đi học cần khám mắt định kỳ mỗi 6 tháng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X