Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ nổi hạch cổ và hạch sau tai, cảnh báo bệnh gì, khi nào cần đi khám?

Thắc mắc này đã được BS Trương Hữu Khanh giải đáp trong bài viết dưới đây. Mời các bậc phụ huynh cùng theo dõi.

1. Trẻ nổi hạch sau tai, hạch ở cổ cảnh báo vấn đề gì về sức khỏe?

Trẻ nổi hạch là vấn đề lo ngại của nhiều ông bố, bà mẹ. Xin hỏi BS, những nguyên nhân nào gây nổi hạch ở trẻ em ạ? Hạch thường xuất hiện ở đâu trên cơ thể?

Ở trẻ em khi nổi hạch, các bậc phụ huynh cần theo dõi, kiểm tra các triệu chứng đi kèm và vị trí nổi hạch, tính chất của hạch. Qua đó mới biết đây là hạch lành tính, từ từ sẽ hết hay là hạch cần can thiệp, đi khám bệnh ngay.

Trong đó nổi hạch cổ và hạch sau tai là tình trạng thường gặp. Nhờ BS giải thích cụ thể hơn, các đặc điểm của hạch ở cổ, hạch sau tai là gì? Việc nổi hạch cổ và hạch sau tai cảnh báo những vấn đề gì về sức khỏe, thưa BS?

Trẻ nổi hạch sau tai, hạch ở cổ nhưng vẫn chơi, vui đùa bình thường thì các bậc phụ huynh không cần làm gì cả. Bởi vì một số loại virus thường gây nổi hạch như vậy, một thời gian dài sẽ tự hết.

Vấn đề chính là khi thấy trẻ nổi hạch thì cần kiểm tra xem vùng xung quanh có bị viêm không. Ví dụ răng hư, nướu sưng thì sẽ nổi hạch cổ. Do đó, phải điều trị khỏi vấn đề răng nướu thì mới hết hạch cổ. Như vậy, nếu trẻ không có viêm, nhưng vấn chơi bình thường thì đây là hạch sau tai lành tính có thể do virus, sau một thời gian sẽ hết.

2. Trẻ nổi hạch là do viêm nhiễm, đúng hay sai?

Có thông tin cho rằng, trẻ bị viêm nhiễm nên mới nổi hạch. Các bậc phụ huynh cần hiểu sao cho đúng về quan điểm này ạ? Có phải trường hợp nào nổi hạch cũng do viêm nhiễm?

Viêm nhiễm có hai loại. Viêm do virus, có nổi hạch thì chúng ta không cần làm gì. Nếu viêm do tác nhân xung quanh, chẳng hạn như viêm da, viêm nướu, nhọt da… thì cần phải điều trị mới hết hạch. Ngoài ra có hai bệnh khá hiếm cần phải đi khám ngay, đó là hạch do lao hoặc do bệnh lý về máu. Tuy nhiên, hạch do lao hoặc bệnh lý về máu thường không chỉ đơn thuần là nổi hạch sau tai, sau cổ mà còn có rất nhiều triệu chứng, cũng như tính chất hạch cũng khác.

3. Phân biệt hạch và u bã đậu như thế nào?

Hạch cũng thường bị nhầm lẫn với u bã đậu. Xin hỏi BS, 2 tình trạng này giống và khác nhau ở điểm nào? Làm sao để nhận diện rõ ràng giữa hạch và u bã đậu ạ?

U bã đậu khi sờ, ấn nhẹ thấy có cảm giác mềm, nhưng ít khi nào nổi 2-3 u, mà thường là một cái đơn độc. Trong khi đó, hạch sau tai thường có thể là một hoặc nhiều hạch. Tùy theo tính chất, độ sâu, độ di động giúp phân biệt hạch hay u bã đậu. Nhưng nếu cảm thấy nghi ngờ thì phải đi khám, chỉ có bác sĩ mới biết chính xác đây là u bã đậu hay hạch, thậm chí còn cần phải siêu âm.

4. Trẻ nổi hạch cổ, hạch sau tai khi nào cần đi khám?

Nổi hạch ở vị trí cổ và sau tai kéo dài bao lâu, liệu có thể tự khỏi? Trong trường hợp nào trẻ cần được đưa đi khám, thưa BS?

Đa số hạch ở cổ và sau tai có thể tự khỏi. Về thời gian thì tùy từng trường hợp, có trẻ vài tháng, có trẻ kéo dài cả năm, nhưng nếu trẻ vẫn phát triển tốt, vui chơi bình thường thì không cần làm gì. Các bậc phụ huynh cần cho trẻ đi khám khi: hạch to nhanh, đỏ vùng da, ấn vào gây đau.

5. Cần làm gì để hạch nhanh lặn?

Các bậc phụ huynh có nên tác động để hạch cổ, hạch sau tai nhanh lặn? Nếu có thì những biện pháp nào có thể thực hiện để thúc đẩy nhanh quá trình này?

Nếu là hạch lành tính, không cần can thiệp, chỉ cần theo dõi, đau thì đi khám. Nếu là hạch cần can thiệp thì chắc chắn phải đến bác sĩ để được kê đơn thuốc nếu hạch là do vi khuẩn hoặc do lao, thậm chí là phẫu thuật nếu do nhiều nguyên nhân khác.

Những điều nên làm và không nên làm khi trẻ có hạch ở cổ, sau tai? Nhiều người vì lo lắng nên thường xuyên sờ, nắn hạch thường xuyên, theo BS thói quen này có gây hại gì không ạ?

Thực tế điều này không giúp ích cho việc hạch nhanh lặn hay nhanh khỏi hơn. Khi sờ thường xuyên còn kéo thêm lo lắng. Các bậc phụ huynh chỉ cần sờ một lần kiểm tra xem con có đau không hoặc hạch có to nhanh để đi khám bệnh. Không nên sờ nắn để kiểm tra hạch hết hay chưa.

6. Hạch chỉ giảm kích thước, không biến mất hoàn toàn có đáng lo?

Hạch chỉ giảm kích thước, nhưng không biến mất hoàn toàn, điều này có đáng lo, thưa BS? Vì sao trong một số trường hợp, kích thước hạch của trẻ trở lại chậm chạp, thậm chí là không biến mất hoàn toàn?

Đây là đặc tính của virus. Một số virus làm tổn thương hạch và từ từ sẽ bớt. Có thể lớn lên mới khỏi hoặc thậm chí là khi đủ miễn dịch do nhiều đợt nhiễm virus khác nhau thì sẽ tự ổn định. Đừng quá lo lắng khi hạch không hết. Còn khi đã lo lắng thì bất kỳ lúc nào cũng cần đi khám bệnh, bác sĩ sẽ giải thích cho các bậc phụ huynh về việc có nên làm gì thêm cho trẻ.

7. Hạch tụ mủ, cần được theo dõi và vệ sinh thế nào?

Trong một số trường hợp hạch sưng to và tụ mủ, trẻ đã được điều trị tại bệnh viện. Khi về nhà cần chăm sóc, theo dõi và vệ sinh như thế nào để nhanh khỏi hơn, thưa BS?

Thường, hạch sưng mủ thường là do bệnh gây nhiễm khuẩn toàn thân hoặc bị lao. Do đó, điều trị khỏi thì sẽ hết. Về nhà, các bậc phụ huynh chỉ có tăng sức đề kháng bằng cách uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn đủ chất, tập luyện, tránh bị nhiễm trùng da, giải quyết các vấn đề viêm nướu, sâu răng giúp giảm nổi hạch.

Lời khuyên của BS gửi đến cho các bậc phụ huynh khi thấy trẻ nổi hạch để có hướng xử trí đúng đắn, tránh lo lắng quá mức ạ!

Khi các bậc phụ huynh phát hiện trẻ nổi hạch ở những vùng sau tai, cổ, sau gáy thì cần bình tĩnh. Quan trọng là cần xem xét con có bị đứng cân (cân nặng) không; hạch có to lên không; trẻ có kèm theo dấu hiệu nhiễm trùng da xung quanh không; trẻ có đỏ vùng hạch không?... Nếu không có các tình trạng này thì thường hạch sẽ tự hết, không cần lo lắng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X