Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ mắc COVID-19 bị đau đầu, khó ngủ, dùng thuốc gì?

Trong bài viết dưới đây BS Trương Hữu Khanh đã chia sẻ những giải pháp ba mẹ có thể áp dụng nếu trẻ bị đau đầu, mất ngủ khi mắc COVID-19 cũng như các triệu chứng cảnh báo cần cho trẻ đi bệnh viện.

1. Trẻ đau đầu, khó ngủ do những nguyên nhân nào?

Trước khi có dịch COVID-19, trường hợp trẻ em bị đau đầu, khó ngủ thường do nguyên nhân gì, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trẻ đau đầu, khó ngủ thường xuyên thì điều đầu tiên ba mẹ cần lưu ý đó là sinh hoạt của trẻ. Đặc biệt là trẻ xem tivi quá lâu, máy tính bảng quá nhiều, thậm chí nếu trước khi đi ngủ trẻ vận động quá mức cũng gây khó ngủ.

Nếu điều chỉnh những thói quen này, trẻ sẽ hết mất ngủ. Ngược lại, nếu điều chỉnh nhưng không cải thiện thì trẻ có thể bị rối loạn giấc ngủ hoặc mắc một số bệnh lý cũng gây nhức đầu như viêm xoang… Khi đó, ba mẹ cần cho trẻ đi khám để tìm nguyên nhân sâu hơn tình trạng đau đầu, mất ngủ này là do đâu.

2. Đau đầu, khó ngủ trong và hậu COVID-19, làm sao khắc phục?

Gần đây, nhiều phụ huynh có con là F0 cho biết là trong giai đoạn bị bệnh và cả sau khi âm tính rồi, trẻ vẫn bị đau đầu, khó ngủ. Xin nhờ BS tư vấn cách khắc phục?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đợt Omicron này đặc biệt có nhiều trẻ sốt cao gây đau đầu dữ dội, thậm chí là nôn ói khiến nhiều bậc phụ huynh lo sợ. Nhưng thông thường tình trạng này có thể cải thiện trong khoảng 36 - 48 giờ.

Tuy nhiên, có một số trường hợp, khi trẻ mắc bệnh, phụ huynh thường cưng chiều, trẻ muốn gì sẽ được đáp ứng thứ đó, thậm chí là xem tivi, máy tính bảng nhiều, điều này dẫn đến đau đầu, ngủ không ngon giấc, giật mình. Nếu có những thói quen này, ba mẹ nên điều chỉnh lại cho con.

Một số trường hợp khác, khi trẻ mắc COVID-19 được cho uống quá nhiều thuốc gây nóng trong người, khó ngủ hoặc cho dùng vitamin C vào buổi tối cũng làm cho trẻ khó ngủ. Các bậc phụ huynh cần lưu ý xem con mình có các yếu tố này hay không để điều chỉnh cho phù hợp.

Ngoài ra, cũng có một số trẻ thực sự bị đau đầu, rồi gây khó ngủ, và lại thêm đau đầu. Khi đó, ba mẹ cần cho trẻ uống thuốc để ngủ ngon hơn. Hoặc nếu trẻ bị nghẹt mũi, ho nhiều làm khó ngủ thì chúng ta cũng cần giải quyết các vấn đề này trước thì mới đảm bảo giấc ngủ của trẻ được ngon giấc.

3. Trẻ dưới 3 tuổi có được dùng paracetamol để giảm đau đầu?

Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi có thể dùng paracetamol giúp giảm đau đầu để dễ ngủ không ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi trẻ bị sốt, đau đầu vẫn có thể dùng thuốc paracetamol. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, paracetamol chỉ dùng để hạ sốt, nhưng thực tế nó còn giúp giảm đau nữa. Nếu trẻ không sốt nhưng vẫn bị nhức đầu thì có thể uống paracetamol để giải quyết cơn đau này, trẻ mới nghỉ ngơi được.

4. Trẻ em có được dùng thuốc ngủ từ thảo dược?

Trẻ em có nên dùng thuốc ngủ từ thảo dược không, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trong một số trường hợp quá đặc biệt, trẻ có thể sử dụng thuốc ngủ thảo dược. Thậm chí hiện nay có những loại từ melatonin để sử dụng cho trẻ em nữa. Các bậc phụ huynh có thể sử dụng 2 loại này. Nhưng thường ít khi nào cần phải sử dụng bởi trẻ ít phải suy nghĩ, stress nên chỉ cần điều chỉnh sinh hoạt, dùng thuốc giảm đau sẽ ngủ được.

>>> Trẻ em bị COVID-19 do biến thể Omicron, dấu hiệu nào nguy hiểm?

>>> Trẻ em khỏi bệnh có cần bồi bổ hay đi khám hậu COVID không?

5. Trẻ mắc COVID-19 có triệu chứng nào cần đưa đi bệnh viện?

Sau bao nhiêu ngày mà tình trạng của trẻ không cải thiện thì nên đến bệnh viện ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi điều trị, chăm sóc trẻ em mắc COVID-19 tại nhà, có những lúc các bậc phụ huynh vẫn phải tham khảo y kiến bác sĩ, đưa con đi bệnh viện.

Đặc biệt là khi trẻ sốt quá 48 tiếng, sốt cao không hạ, trẻ li bì, khó đánh thức, nôn ói, co giật, thở khó, thở nhanh thì nên liên hệ y tế. Đặc biệt, phụ huynh cũng cần đo SpO2 cho trẻ, nếu từ 95% trở xuống thì cần đo lại xem có đúng không, nếu đúng thì nên đi bệnh viện.

Song thực tế vẫn có nhiều người lo ngại việc đưa trẻ ra ngoài trong thời gian này, tuy nhiên, ba mẹ có thể cho con đi bằng xe cá nhân, đeo khẩu trang, chứ không nên để trẻ ở nhà.

6. Hậu COVID-19 ở trẻ em, triệu chứng nào phổ biến?

BS đánh giá thế nào về hội chứng hậu COVID-19 ở trẻ em? Số trẻ gặp tình trạng này có nhiều không, triệu chứng nào phổ biến?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Triệu chứng hậu COVID-19 ở trẻ em không giống người lớn. Ở người lớn thì thường gặp tình trạng mất hứng thú khi làm việc, ho kéo dài, đau nhức kéo dài… nhưng với trẻ em thì ít gặp hơn. Thay vào đó, trẻ có thể bị ho, sau đó có thể bị suyễn hoặc tiếp tục viêm phế quản.

Đặc biệt với trẻ em, người ta hay nhắc đến hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) sau khi bị COVID-19. Nhưng điều may mắn là tỷ lệ MIS-C thực sự ở trẻ em rất thấp, khoảng 5.000 - 7.000 trẻ mới gặp 1 trẻ. Một điểm nữa là sau khi chủng Omicron xuất hiện, ở nước ngoài người ta thấy rằng, hội chứng này gần như biến mất.

Không có chuyện trẻ đang khỏe "lăn đùng" ra vì hội chứng MIS-C. Trong tiêu chuẩn của hội chứng MIS-C, trong 2-6 tuần sau khi khỏi COVID-19, trẻ có sốt cùng với một số triệu chứng khác như lở miệng, nổi ban ngoài da, tiêu chảy, nôn ói, khó thở, đau bụng thì nên cho trẻ đi khám. Nếu quá thời gian này (6 tuần) thì không thể gọi là hội chứng MIS-C được.

7. Chăm sóc trẻ F0 thế nào để ngăn ngừa hậu COVID-19?

Nhờ BS đưa ra hướng dẫn cho các phụ huynh chăm sóc con là F0, để tránh hậu COVID-19 cho trẻ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thực tế, chăm sóc trẻ mắc COVID-19 cũng giống như sốt siêu vi, viêm đường hô hấp trên, có triệu chứng nào thì theo dõi triệu chứng đó. Chúng ta nên cho trẻ ăn đủ chất, ngủ đủ giấc, sinh hoạt điều độ, uống đủ nước và không cần thiết phải sử dụng kháng sinh, kháng viêm khi không có chỉ định.

Nếu trẻ có những bất thường như khó thở, thở nhanh, SpO2 dưới 95%, li bì, khó đánh thức, sốt cao không hạ, sốt kéo dài… thì nên đưa trẻ đến bệnh viện. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần liên hệ đến một cơ sở y tế nào đó để được tư vấn thêm.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X