Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ bị đồ mồ hôi, phụ huynh cần lưu ý những gì để tránh bị cảm?

Tắm và lựa chọn quần áo cho trẻ đồ mồ hôi, cần lưu ý gì để tránh bị cảm? Trẻ đổ mồ hôi, khi nào là sinh lý, khi nào là bệnh lý? Tất cả những thắc mắc này đã được BS Trương Hữu Khanh giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Trẻ đổ mồ hôi, khi nào là sinh lý, khi nào là bệnh lý?

Trẻ em năng động, chạy nhảy nhiều nên đổ mồ hôi. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ không biết chắc tình trạng đổ mồ hôi ở con mình là bình thường hay có tiềm ẩn bệnh lý gì hay không. Đầu tiên nhờ BS cho biết trẻ đổ mồ hôi trong những tình huống nào là bình thường?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đối với trẻ em, việc chuyển hóa năng lượng cao và nhanh, để giải quyết vấn đề chiều cao, dinh dưỡng, não bộ. Vì vậy, đôi khi dù ăn nhiều nhưng vẫn ốm. Một trong những việc chuyển hóa cao đó là đổ mồ hôi. Trong khi đó, khả năng điều hòa cơ thể bình thường, dẫn đến khi nóng hoặc khi vận động sẽ đổ mồ hôi.

Điều cần lo lắng khi trẻ đổ mồ hôi đó là có bị mất nước, khoáng chất không. Song nếu không bù đủ nước sẽ làm cho trẻ mệt, rất hiếm khi nào bị đổ mồ hôi đến mức mất nước, kiệt sức, ngoại trừ trường hợp cảm nắng.

2. Những vị trí thường đổ mồ hôi trên cơ thể trẻ?

Trẻ thường đổ mồ hôi ở những vị trí nào trên cơ thể ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trẻ thường đổ mồ hôi toàn thân. Trước tiên là đầu, sau đó là lưng và toàn thân. Vị trí đổ mồ hôi không quan trọng, tùy môi trường, vật dụng mặc trên người sẽ đổ mồ hôi nơi nào nhiều hơn.

3. Trẻ tăng tiết mồ hôi trong những bệnh lý nào?

Trẻ có thể tăng tiết mồ hôi trong những bệnh lý gì ạ, những bệnh này có thường gặp không, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Một bệnh lý thường được bàn luận nhiều nhất là đổ mồ hôi trộm trong bệnh lao. Sau này đối với bệnh COVID-19, trong giai đoạn hồi phục cũng có một số trẻ đổ mồ hôi nhiều. Tuy nhiên, với hai bệnh lý này không chỉ riêng đổ mồ hôi, ví dụ với bệnh lao sẽ kèm theo một số triệu chứng khác như sụt cân, sốt - ho kéo dài. Như vậy, đổ mồ hôi kèm một số triệu chứng khác thì mới bàn đến bệnh lý. Đa số các trường hợp, đổ mồ hôi là sinh lý bình thường của trẻ.

4. Làm sao khắc phục tình trạng đổ mồ hôi trộm?

Nhờ BS đưa ra hướng dẫn cho phụ huynh khi trẻ bị đổ mồ hôi trộm, làm sao khắc phục tình trạng này?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Từ “trộm” này không biết từ đâu mà ra, song theo tôi nghĩ trộm là không bình thường, xảy ra “lén lút”. Ví dụ thời tiết mát nhưng vẫn đổ mồ hôi. Hoặc ban ngày thì không sao nhưng buổi tối lại đổ mồ hôi. Đây là vấn đề bình thường ở trẻ em, lớn lên sẽ hết. Ban ngày khi vận động trẻ có thể tự lau vào đâu đó, và đến khi đêm về phụ huynh mới để ý.

Quan trọng nhất khi các bậc phụ huynh chăm sóc trẻ bị đổ mồ hôi đêm đó là không để áo bị ướt. Nên chọn vải có tính thấm tốt, đừng để nước thấm ngược trở lại làm lạnh trẻ, vì mồ hôi không dễ bay hơi buổi tối, vì vậy phải chú ý để thay và lau, như vậy sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài ra, nếu đổ mồ hôi, trẻ cần được uống bù nước.

Một số trường hợp cũng ghi nhận, trẻ đổ mồ hôi trộm có liên quan đến vitamin D. Các trường hợp này có thể bù vitamin D, bởi hiện nay tỷ lệ thiếu vitamin D cũng khá nhiều.

5. Đổ mồ hôi khi nào cần đưa trẻ thăm khám?

Ngoài đổ mồ hôi trộm thì những tình huống khác, khi thấy con đổ mồ nhiều hơn thường ngày, cha mẹ cần làm gì, và dấu hiệu nào thì cần đưa trẻ đi khám bệnh ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu đổ mồ hôi kèm theo sụt cân, ho kéo dài thì nên đi khám tổng quát để kiểm tra trẻ có bệnh nền không.

6. Cha mẹ có nên tắm ngay khi trẻ bị đổ mồ hôi?

Khi trẻ đổ mồ hôi nhiều, phụ huynh thường không dám tắm cho con, sợ bé bị cảm. Theo BS điều này có đúng?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thói quen này là sai. Khi đổ mồ hôi, nước ngấm vào áo, nếu không được thay sẽ làm trẻ lạnh, tương tự như đắp một khăn ướt để ngủ qua đêm. Khi trẻ vận động bên ngoài làm đổ mồ hôi thì các bậc phụ huynh nên lau khô hoặc chờ khi trẻ khô người, sau đó tắm bình thường. Nếu không tắm, mồ hôi tự khô sẽ làm ứ đọng gây ngứa ngáy, nổi sảy. Khi đó, trẻ sẽ gãi nhiều, trầy da và có thể bị bội nhiễm.

7. Chăm sóc trẻ bị đổ mồ hôi, cần lưu ý gì?

Nhờ BS đưa ra hướng dẫn dành cho phụ huynh có con thường xuyên đổ mồ hôi: cần bổ sung chất gì, lựa chọn vải mặc, và lưu ý trong sinh hoạt thường ngày

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu trẻ đổ mồ hôi nhiều thì nên chuẩn bị áo vải cotton, cho trẻ thường xuyên uống nước, đặc biệt là khi ra ngoài, vận động nhiều.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X