Hotline 24/7
08983-08983

Trà hoa đậu biếc có phòng tránh cục máu đông được hay không?

Hoa đậu biếc giúp thành động mạch co giãn tốt hơn, từ đó mà các bệnh về mạch máu như xơ vữa động mạch cũng hạn chế đi rất nhiều, đồng thời nó còn tránh các cục máu đông, hạ huyết áp.

I. Tổng quan về hoa đậu biếc

Tên thường gọi: hoa đậu biếc

Tên gọi khác: hoa đậu tím.

Tên khoa học: Clitoria ternatea

Phân họ: họ Đậu (Fabaceae).

1. Nhận biết cây hoa đậu biếc

Hoa đậu biếc là loài cây thân thảo, trên thân thường có lông tơ ngắn phủ đều. Dây đậu biếc khá dẻo dai, có thể bám chắc được các vật thể xung quanh, chiều dài thân có thể đến 15-17m.

Lá đậu biếc có dạng lá kép, mọc đối nhau, có lông tơ bao phủ và hay cuốn dài. Lá có cách mọc đặc trưng: một lá to sẽ mọc ở giữa ngay ngọn, 5 lá chét còn lại sẽ mọc đối xứng nhau, mỗi lá có kích thước khoảng 4cm.

Hoa đậu biếc thường có mùi thơm dịu nhẹ đặc trưng, tràng hoa mang hai màu phổ biến là màu tím hoặc màu hồng, hoa đậu biếc được phân thành 2 loại: loại hoa kép và hoa cánh đơn.

Quả đậu biếc thường dẹt, lúc non màu xanh, lúc già màu nâu đậm, dài khoảng 5-7cm, bên trong chứa từ 7-9 hạt. Hạt đậu biếc có màu đen bóng và có đốm nhỏ.

2. Phân bố, thu hái và chế biến hoa đậu biếc

Hoa đậu biếc sinh trưởng tốt ở các vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới, thường là dây leo làm cảnh trong vườn hay công viên. Ở những nơi khí hậu mát hơn, chúng có thể được trồng trong nhà kính.

3. Thành phần dược chất của hoa đậu biếc

Phần hoa của cây có màu xanh, xen kẽ một chút màu trắng tất cả đều có hàm lượng chất nhựa glycosid và este.

Ở phần lá cây chứa nhiều G-lactose, aparajita.

Bộ phận chứa chất độc của cây đậu biếc là hạt và rễ. Trong thành phần của hạt chứa các acid amin (adenin, leucin, valin, isoleucin) và một loại dầu độc dùng làm thuốc tẩy. Bên cạnh đó còn có một số chất khác bao gồm arginine, glycine, tyrosin, axit glutamic.

II. Công dụng của hoa đậu biếc

1. Công dụng của hoa đậu biếc theo đông y cổ truyền

Hoa đậu biếc giúp giảm căng thẳng, tinh thần khỏe khoắn, sảng khoái hơn. Thậm chí còn ngăn ngừa được tình trạng trầm cảm. Các tính chất này đến từ dược chất tạo nên màu xanh của hoa.

Rễ có vị chát, đắng, chứa các chất có tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng, gây xổ, làm dịu và săn da.

alobacsi các giống hoa đậu biếcTùy theo khí hậu, thổ nhưỡng và mức độ lai hóa giống có thể biểu hiện các mức màu sắc khác nhau

2. Công dụng của hoa đậu biếc theo đông y hiện đại

Các tác dụng của hoa đậu biếc đã nghiên cứu

+ Đối với hoạt động của trí não: Dùng hoa đậu biếc giúp cải thiện trí nhớ và tăng cường hiệu quả học tập, tác dụng bắt đầu đến rõ sau 2 ngày sử dụng, và kéo dài đến 30 ngày sau khi ngưng dùng. Hoa đậu biếc giúp làm giảm hoạt tính acetylcholinesterase, tổng lượng oxit nitric và nồng độ lipid peroxide; trong khi đó mức catalase, superoxidedismutase và glutathione đều tăng đáng kể; vì vậy đây là thảo dược cải thiện tốt tình trạng suy giảm nhận thức trên bệnh nhân đái tháo đường. Ngoài ra, trong hoa đậu biếc còn có dược chất proanthocyanidin có tác dụng hoạt huyết rất tốt, từ đó mà đưa máu lên nuôi não dễ dàng, vì vậy người bị thiểu năng tuần hoàn não rất cần thảo dược này.

+ Chống viêm, giảm đau và hạ sốt: Mỗi gam dịch chiết từ hoa đậu biếc có khả năng kháng viêm và giảm đau như 50mg Diclofenac (một loại thuốc chống viêm không steroid thường dùng), tuy nhiên an toàn hơn so với Diclofenac. Tác dụng hạ sốt của loài thảo dược này cũng tương đương paracetamol.

+ Dành cho người đái tháo đường: Dùng chiết xuất hoa đậu biếc trong vòng 1 tháng giúp nồng độ glucose, insulin, glycosylated hemoglobin, urê và creatinine trong máu giảm đáng kể. Hơn nữa, các loại men gan cũng được kiểm soát trên bệnh nhân đái tháo đường.

+ Bảo vệ tim mạch: Hoa đậu biếc có tác dụng bảo vệ thành động mạch, giúp thành động mạch co giãn tốt hơn. Từ đó mà các bệnh về mạch máu như xơ vữa động mạch cũng hạn chế đi rất nhiều. Đồng thời nó còn tránh các cục máu đông ảnh hưởng đến não. Cũng như hạ huyết áp đối với người cao huyết áp nữa.

[HOI]Lưu ý:

Hoa đậu biếc không được dùng thay thế hoàn toàn thuốc chống đông máu nếu chưa có chỉ định của bác sĩ trực tiếp điều trị, vì viên thuốc thì có định lượng chính xác, còn người dân lấy hoa pha trà thì phụ thuộc nhiều yếu tố nên sẽ khiến cho định lượng không nhất quán.

Người bác sĩ có nhiều trường hợp để cân nhắc trên mỗi người bệnh khác nhau, ví dụ: Nếu bệnh nhân dùng đồng thời thuốc chống đông máu với hoa đậu biếc thì phải giảm liều thuốc chống đông hoặc đổi sang loại nhẹ, hoặc hạn chế dùng trà hoa đậu biếc, tùy tình trạng bệnh nhân lúc đó.

Ví dụ khác: Hoa đậu biếc có thể dùng điều trị bổ trợ khi bệnh nhân đã dùng quá nhiều thuốc và muốn giảm loại thuốc, hoặc đang dùng thuốc chống đông hạng nặng muốn giảm bậc thuốc, hoặc giảm kết hợp thuốc, hoặc kém đáp ứng với thuốc hiện hành.

Ngoài ra, bác sĩ còn cân nhắc với nhiều bệnh lý đi kèm khác.[/HOI]

+ Nâng cao khả năng miễn dịch: Trong màu xanh của hoa đậu biếc có chứa anthocyanin giúp cơ thể phòng ngừa các tác động bất lợi từ môi trường, và còn giúp cơ thể tăng lượng cytokine lên, từ đó mà cải thiện hệ miễn dịch, tăng khả năng chống chọi bệnh tật.

+ Tạo vẻ đẹp cho làn da: Trong hoa đậu biếc có nhiều chất chống oxy hóa, từ đó giúp ngăn ngừa lão hóa làn da. Cụ thể hơn là chất blue-proanthocyanidin, đây là chất chống oxy hóa rất tốt cho làn da, và còn tốt hơn cà vitamin C, vitamin E. Ngoài ra chất này cũng giúp làn da căng bóng, mịn màng hơn rất nhiều.

+ Giảm cân và giảm mỡ thừa: Hoa đậu biếc có chứa chất anthocyanin giúp ngăn cản quá trình peroxy của chất béo. Nhờ đó mà cơ thể không bị tích lũy mỡ thừa, giúp duy trì vóc dáng thon thả, cân đối, đó cũng chính là lý do vì sao các cô gái Thái thích uống trà hoa đậu biếc.

Các tác dụng của hoa đậu biếc dùng theo kinh nghiệm

Tạo màu cho món ăn: Món ăn khi được tạo màu xanh tím của hoa đậu biếc sẽ rất hấp dẫn. Hoa đậu biếc có thể hòa phối trong các món xào, nước trái cây hoặc làm trà để uống, vừa đẹp vừa an toàn.

alobacsi hoa đậu biếc dùng trong thực phẩmKhông chỉ dùng làm trà uống, hoa đậu biếc còn tạo màu sắc cho nhiều món ăn thêm hấp dẫn

III. Cách dùng - liều dùng của hoa đậu biếc

1. Liều dùng

Mỗi ngày dùng 1-2g hoa khô, tương đương khoảng 5-10 bông.

2. Một số cách dùng theo kinh nghiệm dân gian hoặc cổ phương:

Dùng hoa đậu biếc để pha trà, có thể pha theo hai hướng gợi ý sau:

+ Nếu dùng hoa đậu biếc giản tiện, không cần cầu kỳ, chúng ta chỉ cần ngâm trong nước nóng tầm 70-90 độ (không nên sôi) trong vòng khoảng 3-10 phút tùy độ đậm nhạt theo sở thích, đậy kín.

+ Hoặc cho 10 bông hoa đậu biếc khô vào bình pha. Bổ sung một chút nước để tráng hoa. Đổ nước tráng, bổ sung 450 - 500ml nước sôi và ủ kín trong 3-5 phút. Sau khu ủ, rót ra chén, cho vào ít đường hoặc mật ong để thưởng thức. Có thể thêm 1 lát  chanh để tăng hương vị. Khi thêm chanh, nước trà hoa đậu biếc của sẽ chuyển từ xanh sang tím (đậm nhạt) vì trà hoa đậu biếc rất nhạy với axit. Bạn có thể thưởng thức nóng hoặc đá tùy thích.

Hoa đậu biếc cũng có thể hòa phối trong các món ăn để thêm màu sắc và hương vị, ví dụ như dùng nước nóng ngâm hoa đậu biếc để nhào bột làm bánh, hay ngâm với nếp để làm xôi, hoặc dùng nước hãm hoa đậu biếc để làm rau câu, các loại thạch.

2. Một số bài thuốc đã nghiên cứu

Hiện chưa đủ bằng chứng khoa học minh chứng bất kỳ bài thuốc nào liên quan đến hoa đậu biếc.

3. Cách dùng hoa đậu biếc đối với phụ nữ mang thai và cho con bú

Không dùng cho phụ nữ mang thai. Ngoài ra hiện nay chưa ghi nhận tác dụng ngoại ý trên đối tượng phụ nữ đang cho con bú. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng vì chưa có minh chứng khoa học về tính an toàn của thảo dược này đối với dòng sữa mẹ. Sản phụ không nên tự ý dùng thảo dược này khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.

4. Cách dùng hoa đậu biếc đối với trẻ nhũ nhi

Hiện nay chưa ghi nhận tác dụng ngoại ý trên đối tượng trẻ nhũ nhi. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng cho trẻ nhũ nhi vì chưa có minh chứng khoa học về tính an toàn của thảo dược này trên trẻ nhũ nhi, cần tham khảo ý kiến thầy thuốc có chuyên môn về lĩnh vực này trước khi dùng.

IV. Tác dụng phụ - thận trọng - tương tác và chống chỉ định với hoa đậu biếc

Không dùng hoa đậu biếc cho phụ nữ mang thai, người đang hành kinh, người đang chuẩn bị phẫu thuật, người có vết thương hở lớn, người đang dùng thuốc chống đông máu, vì hoa đậu biếc có chứa anthocyanin ức chế sự kết tập tiểu cầu, ngăn chặn hình thành khối máu đông, tăng lưu thông máu, và tăng co bóp tử cung.

V. Bảo quản hoa đậu biếc

Cần làm khô thảo dược trong bóng râm hoặc nhiệt độ vừa phải, tránh cho tiếp xúc trực tiếp với môi trường quá nóng, sau đó cho vào hũ thủy tinh, đậy kín, tránh ánh sáng. Có thể cho vào một viên vôi sống để hút ẩm. Nếu bạn lưu trữ thảo dược tại nhà lâu hơn 1 tháng, cần kiểm tra chúng hàng tuần, nếu phát hiện mối mọt, ẩm mốc, biến đổi màu sắc, mùi vị thì cần loại bỏ ngay.

BS Đoàn Quang Nguyên

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X