Hotline 24/7
08983-08983

TPHCM: Kiến nghị có lực lượng cảnh sát bảo vệ trẻ em

Tình hình tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố trong 5 năm qua có chiều hướng giảm về số vụ, nhưng mức độ nghiêm trọng và phức tạp thì ngày càng tăng, hình thức chủ yếu là hành vi xâm hại tình dục trẻ em.

68,4% trẻ em Việt Nam từng ít nhất bị bạo lực một lần trước năm 18 tuổi. Vấn đề bạo hành trẻ em vẫn đang có xu hướng gia tăng. Đó là những thông tin mở đầu hội thảo “Bảo vệ quyền trẻ em (BVQTE) - thực trạng và giải pháp” do HĐND TPHCM phối hợp với Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM và Hội BVQTE TPHCM tổ chức vào ngày 18/8.

Ông Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội SocialLife - cho rằng Việt Nam là một quốc gia tham gia khá sớm Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em, ban hành nhiều văn bản pháp luật nhưng công tác BVQTE chưa đạt kỳ vọng. Đặc biệt các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em có mức độ gia tăng nơi những đối tượng có quan hệ thân thiết với trẻ.

Theo đánh giá của ông Lộc, cơ quan thực thi pháp luật và các đơn vị chức năng BVQTE đưa ra nhiều giải pháp nhưng chủ yếu dừng lại ở kỹ thuật mà thiếu căn cơ. Ông khẳng định: “BVQTE không chỉ khu biệt ở cấp độ ngăn ngừa các hành vi gây hại mà còn hướng đến việc trẻ có cuộc sống tốt, trưởng thành trong môi trường lành mạnh, yêu thương”.

Để làm được điều này, theo ông, TPHCM nên hướng tới giải pháp mang tính thực thi pháp luật BVQTE. “Cơ quan công an đã có lực lượng cảnh sát cứu hỏa hay cảnh sát môi trường, nên chăng cần xem xét đến một cơ quan chấp pháp tương tự dành cho trẻ em. Bởi BVQTE chính là bảo vệ cho xã hội tương lai”, ông Lộc đề xuất.

Ông Phạm Đình Nghinh - Phó Chủ tịch Hội BVQTE TPHCM - cho biết bên cạnh các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội ngoài công lập luôn có vị trí đặc biệt quan trọng. Tuy không tham gia trực tiếp vào việc ban hành chính sách, nhưng tính phản biện và kiến nghị của các tổ chức này đã đóng góp các đánh giá, nhận định đa chiều, khách quan, giúp xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách.

“Họ cũng hỗ trợ giám sát thông qua việc đánh giá kết quả triển khai thực hiện các chính sách về trẻ em, góp phần đa dạng hóa hoạt động cung cấp dịch vụ hỗ trợ, nhất là các trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, giúp từng bước hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội của thành phố” - ông Nghinh khẳng định.

Tuy nhiên các tổ chức xã hội ngoài công lập cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Đó là các quy định của pháp luật còn chưa đồng bộ, đầy đủ. Trên địa bàn thành phố đã và đang có nhiều tổ chức xã hội trong và ngoài nước cùng hoạt động, nhưng sự kết nối, phối hợp với nhau chưa cao, dẫn tới trường hợp: một đối tượng, một địa bàn, một vấn đề đôi khi nhận được sự quan tâm của rất nhiều tổ chức, trong khi ở những địa bàn khác, những nhóm đối tượng khác lại ít nhận được sự quan tâm hơn.

Ngoài ra, cũng có những tổ chức xã hội hoạt động thiếu tính pháp lý, tôn chỉ, mục đích chưa rõ ràng, các chương trình, kế hoạch trợ giúp không mang tính bền vững, còn có sự nhầm lẫn giữa công tác xã hội và từ thiện xã hội. Còn có hiện tượng lợi dụng xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em để trục lợi...

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X