Hotline 24/7
08983-08983

Tổng quan về ung thư gan

Ung thư gan là bệnh ung thư phổ biến thứ 6 trên thế giới, xảy ra ở cả nam và nữ. Đây là căn bệnh nguy hiểm bởi tiến triển khá âm thầm trong giai đoạn sớm nên người bệnh thường bỏ lỡ cơ hội điều trị tốt nhất.

I. Ung thư gan là gì? Có bao nhiêu loại?

Ung thư gan là bệnh ung thư xảy ra ở gan. Gan là cơ quan nội tạng và tuyến bộ phận lớn nhất trong cơ thể, đảm nhiệm các chức năng quan trọng khác nhau giúp thải độc tố và các chất có hại ra khỏi cơ thể.

Gan nằm ở phần tư trên bên phải của bụng, ngay dưới xương sườn. Nó chịu trách nhiệm sản xuất mật. Khi thức ăn vào cơ thể, mật sẽ được tiết vào ruột để giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn.

Gan cũng dự trữ các chất dinh dưỡng như glucose, chất béo (lipid) và chất đạm (protein), giúp tạo năng lượng cho hoạt động sống của cơ thể.

Khi ung thư phát triển trong gan, nó sẽ phá hủy các tế bào gan và cản trở khả năng hoạt động bình thường của gan.

Ung thư gan thường được phân loại là nguyên phát hoặc thứ phát. Ung thư gan nguyên phát bắt đầu trong các tế bào của gan. Ung thư gan thứ phát phát triển khi các tế bào ung thư từ cơ quan khác di căn đến gan.

Tế bào ung thư có thể rời khỏi vị trí nơi ung thư bắt đầu. Các tế bào di chuyển đến các khu vực khác của cơ thể thông qua máu hoặc hệ thống bạch huyết. Sau đó, chúng tập hợp trong một cơ quan khác của cơ thể và bắt đầu phát triển ở đó.

Ung thư ganUng thư gan là căn bệnh nguy hiểm bởi triệu chứng khởi phát bệnh rất nghèo nàn nên người bệnh thường chủ quan

II. Các loại ung thư gan nguyên phát

Ung thư gan nguyên phát có thể bắt đầu như một khối u duy nhất phát triển trong gan hoặc nó có thể bắt đầu ở nhiều vị trí trong gan cùng một lúc.

Những người bị tổn thương gan nặng dễ có nhiều vị trí phát triển ung thư.

Các loại ung thư gan nguyên phát bao gồm:

1. Ung thư biểu mô tế bào gan

Ung thư biểu mô tế bào gan (HCC), còn được gọi là u gan, là loại ung thư gan phổ biến nhất, chiếm 80 - 90% các loại ung thư gan nguyên phát.

Ung thư phát triển trong tế bào gan và có thể lây lan từ gan đến các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như tuyến tụy, ruột và dạ dày.

HCC có nhiều khả năng xảy ra ở những người bị tổn thương gan nặng do lạm dụng rượu.

2. Ung thư đường mật

Ung thư đường mật, thường được gọi là ung thư ống mật, phát triển trong các ống dẫn mật nhỏ, giống như ống trong gan. Các ống dẫn này mang mật đến túi mật để giúp tiêu hóa thức ăn.

Khi ung thư bắt đầu trong phần của các ống dẫn bên trong gan, nó được gọi là ung thư ống mật trong gan. Khi ung thư bắt đầu ở phần ống dẫn bên ngoài gan, nó được gọi là ung thư ống mật ngoài gan.

Ung thư ống mật chiếm khoảng 10 - 20% của tất cả các bệnh ung thư gan nguyên phát.

3. U mạch máu ác tính

U mạch máu gan ((Angiosarcoma hoặc hemangiosarcoma) là một dạng ung thư gan hiếm gặp, bắt đầu từ các mạch máu của gan. Loại ung thư này có xu hướng tiến triển rất nhanh, vì vậy nó thường được chẩn đoán ở giai đoạn nặng hơn.

4. U nguyên bào gan

U nguyên bào gan (Hepatoblastoma) là một loại ung thư gan cực kỳ hiếm gặp. Nó được tìm thấy nhiều ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi.

III. Các triệu chứng của ung thư gan

Ở giai đoạn đầu của ung thư gan, đa số bệnh nhân không gặp phải triệu chứng gì. Tuy nhiên, khi triệu chứng xuất hiện, chúng có thể bao gồm:

  • Đau bụng
  • Trướng bụng
  • Vàng da và mắt
  • Đi ngoài phân trắng/ bạc màu
  • Buồn nôn, nôn
  • Chán ăn
  • Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu
  • Mệt mỏi
  • Sụt cân

triệu chứng của ung thư gan

IV. Đối tượng dễ mắc bệnh ung thư gan

Dưới đây là một số yếu tố được cho là làm tăng nguy cơ phát triển ung thư gan đó là:

  • Độ tuổi: những người trên 50 tuổi thường mắc bệnh ung thư gan phổ biến hơn người trẻ.
  • Uống nhiều đồ uống có cồn: việc uống nhiều rượu bia, hay sử dụng chất kích thích, đồ uống chứa cồn mỗi ngày trong nhiều năm sẽ làm tăng nguy cơ ung thư gan.
  • Bị viêm gan B hoặc C trong thời gian dài: điều này có thể làm tổn thương gan của bạn nghiêm trọng. Vì viêm gan siêu vi lây lan từ người này sang người khác khi tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể của người bệnh, chẳng hạn như máu hoặc tinh dịch của họ. Nó cũng có thể được truyền từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở.
  • Bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh viêm gan B và C bằng cách sử dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục. Ngoài ra, tiêm vắc xin cũng giúp bảo vệ bạn chống lại bệnh viêm gan.
  • Xơ gan: là một dạng tổn thương gan, trong đó mô khỏe mạnh được thay thế bằng mô sẹo. Gan bị sẹo không thể hoạt động bình thường và cuối cùng có thể dẫn đến nhiều biến chứng, bao gồm cả ung thư gan. Lạm dụng rượu trong thời gian dài và viêm gan C là những nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh xơ gan.
  • Tiếp xúc với aflatoxin: Aflatoxin là một chất độc được tạo ra bởi một loại nấm mốc có thể phát triển trên lạc, ngũ cốc và ngô.
  • Bệnh tiểu đường và béo phì: những người mắc bệnh tiểu đường có xu hướng thừa cân hoặc béo phì, điều này có thể gây ra các vấn đề về gan và tăng nguy cơ ung thư gan.

V. Chẩn đoán ung thư gan

Để chẩn đoán ung thư gan, trước tiên bác sĩ cần thăm khám sức khỏe của bạn và hỏi về tiền sử bệnh. Nếu bạn có tiền sử lạm dụng rượu lâu dài hoặc nhiễm viêm gan B hoặc C mạn tính thì nên thông báo ngay với bác sĩ.

Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm để chẩn đoán ung thư gan, bao gồm:

  • Các xét nghiệm chức năng gan: thực hiện bằng cách đo nồng độ protein, men gan và bilirubin trong máu giúp bác sĩ xác định sức khỏe của gan hiện tại.
  • Sự hiện diện của alpha-fetoprotein (AFP) trong máu có thể là một dấu hiệu của ung thư gan. Protein này thường chỉ được sản xuất trong gan và túi noãn hoàng của trẻ trước khi sinh ra. Sản xuất AFP thường ngừng sau khi sinh.

Xét nghiệm AFP chẩn đoán ung thư ganXét nghiệm AFP chẩn đoán ung thư gan

  • Chụp CT hoặc MRI: giúp tạo ra hình ảnh chi tiết của gan và các cơ quan khác trong ổ bụng, từ đó giúp bác sĩ xác định vị trí khối u đang phát triển, xác định kích thước của nó và đánh giá xem liệu nó có di căn sang các cơ quan khác hay không.
  • Sinh thiết gan: thực hiện bằng cách gây mê để giúp bệnh nhân không đau đớn trong quá trình phẫu thuật. Trong hầu hết các trường hợp, sinh thiết được thực hiện bằng kim. Bác sĩ sẽ đưa một cây kim mỏng qua bụng và vào gan của bạn để lấy mẫu mô. Sau đó, mẫu được kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm các dấu hiệu của bệnh ung thư.
  • Nội soi: sử dụng một ống nhỏ, linh hoạt có gắn camera, cho phép bác sĩ xem tình trạng gan như thế nào. Nội soi được đưa vào qua một vết rạch nhỏ ở bụng. Nếu cần lấy mẫu mô từ các cơ quan khác, bác sĩ sẽ rạch một đường lớn hơn. Đây được gọi là phẫu thuật mở bụng.

VI. Điều trị ung thư gan

Điều trị ung thư gan sẽ phụ thuộc vào các yếu tố sau:

  • Số lượng, kích thước và vị trí của các khối u trong gan
  • Gan đang hoạt động như thế nào
  • Bạn có bị xơ gan không
  • Liệu khối u có di căn đến các cơ quan khác chưa

Phương pháp điều trị ung thư gan, bao gồm:

1. Phẫu thuật

Phẫu thuật cắt gan được thực hiện để loại bỏ một phần gan hoặc toàn bộ gan và thường được thực hiện khi ung thư chỉ giới hạn trong gan. Theo thời gian, phần mô gan khỏe mạnh sẽ mọc lại và thay thế phần bị thiếu.

2. Ghép gan

Ghép gan liên quan đến việc thay thế toàn bộ gan bị bệnh với một lá gan khỏe mạnh từ một người hiến tặng phù hợp. Việc cấy ghép chỉ có thể được thực hiện nếu ung thư chưa di căn sang các cơ quan khác.

3. Cắt bỏ khối u

Cắt bỏ khối u bao gồm sử dụng nhiệt hoặc tiêm ethanol để tiêu diệt các tế bào ung thư. Nó được thực hiện bằng cách gây tê cục bộ. Điều này làm tê khu vực để bạn không cảm thấy đau. Cắt bỏ thường được sử dụng cho những người không thể phẫu thuật hoặc cấy ghép.

4. Hóa trị

Hóa trị là một hình thức điều trị bằng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư. Thuốc được tiêm qua tĩnh mạch. Trong hầu hết các trường hợp, hóa trị có thể được điều trị ngoại trú.

Tuy nhiên, hóa trị có thể gây ra các tác dụng phụ như nôn mửa, chán ăn và ớn lạnh. Hóa trị cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

5. Xạ trị

Xạ trị bao gồm việc sử dụng các chùm bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Sau đó, bức xạ phá hủy động mạch gan, một mạch máu cung cấp máu cho gan. Điều này làm giảm lượng máu chảy đến khối u. Khi động mạch gan đóng lại, tĩnh mạch cửa vẫn tiếp tục nuôi dưỡng gan.

6. Liệu pháp nhắm trúng đích

Liệu pháp nhắm trúng đích bao gồm việc sử dụng các loại thuốc để tấn công các tế bào ung thư, làm giảm sự phát triển của khối u và giúp giảm lưu lượng máu đến nuôi các khối u ung thư gan.

Sorafenib (nexavar) đã được phê duyệt là liệu pháp nhắm mục tiêu cho những người bị ung thư gan. Liệu pháp nhắm mục tiêu có thể hữu ích cho những người không cắt gan hoặc cấy ghép gan.

7. Thuyên tắc

Thuyên tắc là thủ thuật tiêm các chất trực tiếp vào động mạch ở gan để ngăn chặn hoặc giảm lưu lượng máu đến nuôi các khối u.

Nhận xét: Đối với ung thư gan, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu đề cập vấn đề hóa, trị liệu trong ung thư gan. Nhưng với ung thư gan, đặc biệt ung thư gan trên nền xơ gan có tăng áp lực tĩnh mạch cửa thì thuốc có đi được vào nhu mô gan không là vấn đề khó. Và thuốc đi theo đường mạch máu vào trong gan cũng hạn chế do rối loạn giải phẫu và chuyển hóa của động mạch gan.

Rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học trên thế giới hiện tại vẫn đánh giá thấp vai trò của hóa trị trong điều trị ung thư gan.

Còn xạ trị, có các trang thiết bị mới và hiện đại. Trong đó, xạ trị điều biến liều (IMRT) được sử dụng cho một số trường hợp ung thư gan còn khu trú, bệnh nhân không thể phẫu thuật do bệnh lý nền.

Còn điều trị toàn thân đối với ung thư gan đã được Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cũng như Hiệp hội Ung thư Châu Âu cho phép sử dụng một số thuốc, trong đó thuốc nhắm trúng đích đã được đưa vào sử dụng và coi như là phác đồ điều trị ung thư gan.

Tóm lại, vai trò của hóa trị trong ung thư gan rất thấp, chỉ là vai trò của thuốc nhắm trúng đích thôi. Còn xạ trị có thể sử dụng xạ trị điều biến liều ở một số ung thư gan không thể phẫu thuật bởi bệnh lý nền.

Phòng ngừa ung thư ganChích ngừa là cách tốt để phòng ngừa bệnh ung thư gan

VII. Phòng ngừa ung thư gan

Ung thư gan không thể ngăn ngừa được, nhưng bạn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh bằng các biện pháp sau:

1. Tiêm vắc xin viêm gan B

Vắc xin viêm gan B được tiêm cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ ngay sau khi sinh. Tuy nhiên, nếu người lớn có nguy cơ cũng nên được chủng ngừa. Việc chủng ngừa thường được thực hiện 3 mũi trong thời gian 6 tháng.

2. Các biện pháp phòng tránh viêm gan C

Không có vắc xin chủng ngừa viêm gan C, nhưng bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh như sau:

  • Sử dụng bao cao su: luôn quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su với tất cả các bạn tình của bạn. Bạn nên quan hệ tình dục với những người bị nhiễm viêm gan hoặc bất kỳ bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
  • Không sử dụng ma túy: Tránh sử dụng ma túy bất hợp pháp, chẳng hạn như heroin hoặc cocaine.
  • Thận trọng khi đi xăm và xỏ khuyên: Hãy đến tiệm đáng tin cậy khi bạn có ý định xỏ khuyên hoặc xăm hình. Đảm bảo nhân viên sử dụng kim tiêm vô trùng khi thực hiện.

3. Giảm nguy cơ xơ gan

Bạn có thể giảm nguy cơ xơ gan bằng cách thực hiện những điều sau:

a. Hạn chế uống rượu

Hạn chế uống rượu bia có thể giúp ngăn ngừa tổn thương gan. Phụ nữ không nên uống nhiều hơn 1 ly mỗi ngày và nam giới không nên uống hơn 2 ly mỗi ngày.

b. Duy trì cân nặng hợp lý

Tập thể dục trong 30 phút ít nhất 3 lần mỗi tuần có thể giúp bạn duy trì cân nặng.

Ăn một chế độ ăn uống cân bằng cũng rất quan trọng để quản lý cân nặng. Đảm bảo bạn kết hợp protein nạc, ngũ cốc nguyên hạt và rau hoặc trái cây vào hầu hết các bữa ăn của mình.

Nếu bạn cần giảm cân, hãy tăng lượng bài tập thể dục mỗi ngày và giảm lượng calo tiêu thụ.

Bạn cũng có thể cân nhắc việc gặp chuyên gia dinh dưỡng. Họ có thể giúp bạn lập kế hoạch ăn uống và thói quen tập thể dục để bạn đạt được mục tiêu giảm cân nhanh chóng hơn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X