Hotline 24/7
08983-08983

Tổng quan về u phổi: U phổi có những loại nào? Loại u phổi nào nguy hiểm?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên cho biết u phổi có những loại nào?Làm sao để phân biệt u phổi lành tính hay ung thư? Thăm khám u phổi bằng những phương tiện gì?

1. U phổi là gì? Khối u có thể xuất hiện ở những vị trí nào trong phổi?

U phổi là một khối mô tân sản (neoplasm), được hình thành do sự tăng sinh bất thường, quá mức và tự động của các tế bào cơ thể đã bị chuyển dạng. U phổi được phân chia ra thành các u lành tính và ung thư phổi.

U có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trong phổi, việc dựa vào vị trí giải phẫu để xác định u lành hay u ác từ lâu đã được gạt bỏ ra khỏi thực hành lâm sàng. Các khối u lành thường xuất hiện ở vùng ngoại biên của phổi nhưng cũng có thể gặp dưới dạng u nội phế quản.

Ung thư phổi có thể xuất hiện trong lòng phế quản, trong nhu mô phổi vùng trung tâm hoặc ngoại vi. Vị trí khối u trong ung thư phổi có thể có thể ảnh hưởng đến việc biểu hiện triệu chứng, cách tiếp cận chẩn đoán và phương pháp điều trị. Ung thư biểu mô tuyến ở trung tâm thường có tiên lượng xấu hơn vì di căn hạch sớm và gây chèn ép đường thở nhiều hơn.

2. Nguyên nhân gây u phổi là gì?

Nguyên nhân của u phổi lành tính chưa được biết rõ, một số xuất phát từ quá trình nhiễm trùng như nhiễm lao, nấm hoặc viêm không nhiễm trùng trong các bệnh lý tự miễn, các bất thường bẩm sinh...

Đối với ung thư phổi, hút thuốc lá là nguyên nhân thường gặp nhất, bao gồm cả hút thuốc lá thụ động, hút thuốc lào... Khoảng 80% tử vong do ung thư phổi có liên quan đến hút thuốc lá, hút càng lâu, số gói hút càng nhiều, nguy cơ càng gia tăng.

Phơi nhiễm với các tác nhân sinh ung như chất phóng xạ, amiang, uranium, arsenic, silic, hợp chất nickel, chromium, sản phẩm từ than, diesel, bột talc... và ô nhiễm môi trường cũng được ghi nhận là làm gia tăng nguy cơ ung thư phổi.

3. Dấu hiệu, triệu chứng nhận biết u phổi như thế nào, thưa BS?

Biểu hiện lâm sàng của u phổi phụ thuộc vào: vị trí khối u, đặc điểm lành tính hay ác tính, di căn, mức độ xâm lấn vào hạch, phế quản, mạch máu, gây ra xẹp phổi, viêm do tắc nghẽn.

U phổi lành tính ít khi gây ra triệu chứng, thường phát hiện tình cờ. Ung thư phổi có thể không biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu, đa số các triệu chứng lâm sàng của ung thư phổi thường gặp ở giai đoạn sau của bệnh, gồm các biểu hiện về hô hấp, các triệu chứng toàn thân và dấu hiệu di căn.

Bệnh nhân có thể biểu hiện ho khan, ho đờm kéo dài, hoặc ho ra máu. Khó thở thường gặp với các khối u trung tâm hoặc giai đoạn muộn khi khối u to, chèn ép gây bít tắc đường hô hấp, do tràn dịch màng phổi, đau ngực do khối u xâm lấn màng phổi, trung thất, thường gặp u ở ngoại vi.

Bệnh nhân có thể đau vai lan dọc cánh tay cùng bên hoặc khàn tiếng do chèn ép dây thần kinh quặt ngược thanh quản; chèn ép tĩnh mạch chủ trên gây phù áo khoác, tĩnh mạch cổ nổi; chèn ép thực quản biểu hiện khó nuốt, nuốt đau.

Các triệu chứng toàn thân thường gồm gầy sút cân, chán ăn, sốt, thiếu máu... Đôi khi gặp viêm một hoặc nhiều khớp ngoại vi, ngón tay dùi trống, thường gặp ở ung thư biểu mô tế bào nhỏ và khoảng 10% ung thư biểu mô tuyến.

4. Chụp Xquang thấy nốt mờ ở phổi, đó có thể là u phổi hay không ạ?

Tổn thương phổi dạng u được định nghĩa là bóng mờ khu trú trên phim X quang, thường hình tròn, mật độ đặc, nằm trong nhu mô phổi. Tổn thương có thể đồng nhất hay không đồng nhất, có thể vôi hóa hay hoại tử bên trong.

Hiện nay, theo hầu hết các tác giả, tổn thương có đường kính tối đa < 3cm gọi là nốt nhỏ (nodule) và tổn thương > 3cm gọi là khối u (mass) (không kể đến chu vi, bờ hoặc đặc tính về đậm độ). Tổn thương khối u có nhiều nguy cơ ác tính hơn là nốt nhỏ.

5. Thăm khám u phổi cần đến những phương tiện gì, thưa BS?

Khi phát hiện khối u ở phổi, quan trọng nhất là cần xác định bản chất u là lành tính hay ác tính để có hướng xử trí thích hợp. Bác sĩ thường hỏi bệnh sử về tiền căn hút thuốc lá, tiền căn tiếp xúc hoá chất độc hại, tiền căn ung thư gia đình, thăm khám lâm sàng để bước đầu đánh giá nguy cơ của người bệnh.

Các phương tiện hình ảnh học như Xquang và CT scan ngực thường được chỉ định tiếp theo để xác định vị trí và tìm kiếm các đặc điểm gợi ý giúp định hướng phương pháp sử dụng tiếp theo. Nếu nốt phổi nhỏ có thể xem xét theo dõi định kỳ tuỳ theo đánh giá nguy cơ từ các thông tin hỏi bệnh ở trên. Khi khối u đủ to hoặc nghi ngờ nhiều có thể sinh thiết u qua nội soi phế quản, sinh thiết dưới hướng dẫn của CT scan hoặc qua phẫu thuật nội soi lồng ngực.

Các xét nghiệm bổ trợ có thể áp dụng bao gồm xét nghiệm tầm soát lao, PET-CT, hình ảnh học các cơ quan khác khi nghi ngờ u thứ phát, sinh thiết hạch cổ, hạch dưới đòn, xét nghiệm chỉ dấu ung thư trong máu hoặc các bất thường về gene...

6. Làm sao để phân biệt u phổi lành tính hay ung thư?

U phổi lành tính thường lớn chậm, khu trú tại chỗ, không xâm nhập vào mô xung quanh hoặc lan đi nơi khác (di căn), khỏi hẳn sau cắt bỏ và hiếm khi gây tử vong cho bệnh nhân. U phổi ác tính, còn gọi là ung thư phổi, thường lớn nhanh, xâm lấn mô xung quanh, cho di căn xa và gây ra tử vong. Xét nghiệm giải phẫu bệnh qua sinh thiết vẫn là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán xác định bản chất khối u phổi.

7. Đối với u phổi lành tính, phải chữa trị như thế nào? Khi nào cần phẫu thuật?

U phổi lành tính hầu hết không gây triệu chứng và không tiến triển theo thời gian nên chỉ định theo dõi, sử dụng kháng sinh khi có nhiễm trùng chứ ít khi phẫu thuật.

Mặc dù các khối u lành tính ít ảnh hưởng tới sức khoẻ, hiếm khi gây ra biến chứng nghiêm trọng nhưng nếu sang thương lớn gây tắc nghẽn phế quản có thể dẫn tới viêm phổi tái phát, xẹp phổi và ho ra máu.

Phẫu thuật đặt ra khi khối u có dấu hiệu tăng kích thước trong quá trình theo dõi, có biểu hiện nghi ngờ (phẫu thuật để chẩn đoán bản chất), kích thước quá to (như các trường hợp u nấm to có nguy cơ ho ra máu sét đánh), gây triệu chứng khó chịu cho người bệnh (khò khè, khó thở, đau, ho kéo dài...).

8. U phổi lành tính nếu không loại bỏ có thể chuyển thành ung thư không?

Về nguyên lý khoa học thì u phổi lành tính không thể chuyển thành u ác tính. Tuy nhiên, vì một số nguyên nhân nào đó như vị trí sinh thiết không vào đúng khối u hoặc kết quả giải phẫu bệnh nghi ngờ gây nhầm lẫn, có thể bỏ sót một số chẩn đoán nghi ngờ dù rất hiếm khi xảy ra.

Do đó, đối với các tổn thương còn gia tăng kích thước hoặc trên các đối tượng nguy cơ cao, các khối u có nhiều đặc điểm nghi ngờ, các bác sĩ có thể xem xét làm thêm xét nghiệm hoá mô miễn dịch hoặc đề nghị phẫu thuật cắt u để làm kiểm tra giải phẫu bệnh lần nữa.

9. Hiện nay có những phương pháp nào điều trị ung thư phổi?

Điều trị ung thư phổi tuỳ thuộc vào giai đoạn và loại ung thư, thường bao gồm:

  • Phẫu thuật: Đây là điều trị được ưu tiên cho những trường hợp ung thư phổi không phải tế bào nhỏ, còn có thể phẫu thuật được; mang lại tỷ lệ chữa khỏi cao và thời gian sống còn kéo dài.
  • Hóa trị: sử dụng các loại thuốc để phá hủy tế bào ung thư, nhằm ngăn chặn chúng phát triển và phân chia. Thường sử dụng để làm nhỏ khối u trước khi phẫu thuật hoặc tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật hoặc xạ trị hoặc trong các trường hợp khối u không thể phẫu thuật được nữa, có thể giúp giảm kích thước u, tăng thời gian sống còn.
  • Xạ trị có thể sử dụng để giảm kích thước u trước mổ, hoặc sau phẫu thuật để loại bỏ tế bào u còn sót lại. Nếu bệnh nhân không phải là ứng cử viên cho phẫu thuật cắt bỏ (do lớn tuổi, có bệnh lý nội khoa đi kèm hay bệnh nhân từ chối mổ) có thể xem xét xạ trị.
  • Liệu pháp miễn dịch là một loại trị liệu sinh học giúp tăng cường hệ thống miễn dịch (được tạo nên từ các tế bào bạch cầu và các cơ quan, mô của hệ thống bạch huyết) chống lại ung thư.
  • Liệu pháp nhắm trúng đích sử dụng kháng thể đơn dòng tác động vào các phân tử đặc hiệu cần thiết cho quá trình sinh ung thư và phát triển khối u (Các oncogenes và những protein tạo ra bởi các oncogenes này); tác động vào các thụ thể nằm trên màng tế bào hoặc trong tế bào. Để áp dụng phương pháp này người bệnh cần mang một số đột biến gene nhất định tuỳ theo loại thuốc sử dụng.

10. Phòng ngừa ung thư phổi như thế nào?

Ung thư phổi hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu tránh được các yếu tố nguy cơ của bệnh. Điều nào bao gồm nói không với hút thuốc lá và tránh xa nơi có khói thuốc, mang khẩu trang phòng bụi mịn khi ra ngoài để tránh ô nhiễm không khí, chế độ ăn uống lành mạnh (giàu chất xơ và tinh bột có lợi; hạn chế thịt đỏ, chất béo xấu; tránh xa thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn), tập thể dục đều đặn, ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần.

Những người thường xuyên làm việc trong môi trường có hóa chất độc hại cần được trang bị đồ bảo hộ phù hợp để tránh nguy cơ hít phải khói độc, lâu ngày gây nên các bệnh lý về hô hấp; đặc biệt nên khám, tầm soát định kỳ nếu thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao.

11. Những ai cần tầm soát ung thư phổi?

Các đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư phổi nên được tầm soát hàng năm, bao gồm những người có hút thuốc lá (với mức từ 20 gói.năm trở lên - tức là ngày 1 gói thuốc trong 20 năm), người đang hút thuốc hoặc mới bỏ thuốc lá trong vòng 15 năm, độ tuổi từ 50-80 tuổi. Người có tiền căn gia đình mắc ung thư phổi hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm, khói bụi, hoá chất, chất phóng xạ cũng nên khám sức khoẻ nghề nghiệp và tầm soát định kỳ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X