Hotline 24/7
08983-08983

Tiêu chảy cấp gây mất nước: Đừng nấn ná ở nhà!

Tiêu chảy cấp là tình trạng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là ở trẻ em dưới 5 tuổi, người già. Nếu không kịp thời điều trị có thể dẫn đến mất nước và tử vong. Để không gặp phải tình huống “éo le” này, bạn cần làm gì?

Theo Tổ chức Y tế thế giới - WHO ước tính tiêu chảy cấp là nguyên nhân dẫn đến 2,2 triệu người chết hằng năm, chiếm 3,7% nguyên nhân tử vong năm 2004 và xếp thứ 5 trong 10 nguyên nhân tử vong toàn cầu.

Tại Việt Nam, thống kê số mắc và chết do tiêu chảy cấp có xu hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, tại các bệnh viện, số bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp vẫn được xếp thứ 4 trong 10 nguyên nhân dẫn đầu của bệnh nhân nhập viện.

1. Thế nào là tiêu chảy cấp, dấu hiệu nhận biết?

- Bệnh tiêu chảy cấp là tình trạng đi ngoài phân lỏng từ 3 lần trở lên mỗi ngày. Bệnh có biểu hiện tiêu chảy liên tục và có các dấu hiệu mất nước như: khát nước, vẻ mặt hốc hác, mắt trũng, chân tay lạnh... nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong.

- Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa do sử dụng thực phẩm/ nước uống không đảm bảo vệ sinh hoặc tiếp xúc trực tiếp với các vật dụng bị nhiễm mầm bệnh.

- Nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng.

Tiêu chảy cấp Tiêu chảy cấp chủ yếu là do nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng

2. Ai dễ bị tiêu chảy cấp?

Bệnh tiêu chảy cấp tính có thể gặp ở mọi độ tuổi, trong đó trẻ em lứa tuổi mầm non và những năm đầu cấp tiểu học, người cao tuổi thường gặp nhất.

Bên cạnh đó, tiêu chảy cấp còn có thể xảy ra ở những người vệ sinh cá nhân không tốt; người đi du lịch ở những nơi chậm phát triển, vệ sinh môi trường kém, thực phẩm bị nhiễm khuẩn; lạm dụng thuốc kháng sinh có thể mắc bệnh nhiễm Clostridium difficlie, loạn khuẩn ruột; Độ pH dịch vị giảm do bệnh lý viêm dạ dày mạn, sử dụng nhiều các thuốc ức chế bài tiết acid; suy giảm hệ miễn dịch: HIV/AIDS, hóa trị bệnh ung thư, suy dinh dưỡng.

Nguy cơ tiêu chảy cấp trong cộng đồng liên quan rất chặt chẽ và tăng cao trong điều kiện khí hậu, thời tiết nóng ẩm của mùa hè, ô nhiễm môi trường sống, nguồn thực phẩm bị ô nhiễm, nguồn nước ăn uống thiếu và không bảo đảm vệ sinh, điều kiện bảo quản thực phẩm không bảo đảm, vệ sinh chế biến thực phẩm, vệ sinh cá nhân không bảo đảm, thói quen tiêu dùng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh (dễ dãi trong lựa chọn thực phẩm không an toàn theo quy định; thói quen ăn sống, ăn tái, ăn gỏi…).

3. Xử trí khi có người bị tiêu chảy cấp

Trường hợp nhẹ (chưa có dấu hiệu mất nước): Uống nhiều nước như nước cháo, nước súp, nước cơm... Ăn những thức ăn dễ tiêu như cháo, cơm, thịt nạc, gà, trứng, quả chín (chuối chín rất tốt), rau luộc ăn cả nước. Nên nghiền nhỏ thức ăn cho dễ tiêu, chia ra nhiều bữa, ăn đủ no, không cần hạn chế. Trẻ đang bú vẫn tiếp tục cho bú, nếu ăn sữa công thức thì pha loãng hơn bình thường.

Sau khi khỏi bệnh vẫn nên duy trì chế độ ăn như vậy trong 1 tuần nữa. Nếu có sẵn oresol thì hòa đúng như hướng dẫn trên bao bì. Trẻ dưới 2 tuổi uống 50 - 100ml cho một lần đi ngoài, uống từng thìa nhỏ, tiếp tục cho bú mẹ. Trẻ 2 - 10 tuổi uống 100 - 200ml cho một lần đi ngoài, uống dần từng ngụm nhỏ.

Người lớn uống mỗi lần 200ml hoặc uống theo nhu cầu. Nếu vẫn còn đi ngoài nhiều lần phải đưa tới cơ sở y tế khám và điều trị.

Trường hợp tiêu chảy cấp mất nước: (biểu hiện môi khô, mắt trũng, nôn nhiều, trẻ nhỏ thóp lõm, ngủ nhắm mắt không kín) cho uống oresol ngay. Đối với trẻ em, 4 giờ đầu tiên cho uống theo cân nặng.

Trường hợp không sẵn có oresol có thể pha dung dịch thay thế bằng cách: lấy 1 thìa nhỏ (thìa cà phê) gạt ngang chứ không đầy có ngọn muối ăn và 8 thìa gạt đường kính, hòa vào 1 lít nước đun sôi để nguội.

Hoặc lấy một nắm gạo (50g) cho thêm nước vào đun lấy 1 lít nước cháo cho thêm 3g muối, ta sẽ được dung dịch thay thế oresol. Nếu sau 4 giờ uống bù nước mà vẫn đi ngoài nhiều lần phải đưa ngay đến sở y tế khám và điều trị.

Trường hợp mất nước nặng: (biểu hiện da nhăn nheo, trẻ khóc không có nước mắt, có khi co giật do nhiễm độc thần kinh) cần đưa đến cơ sở y tế bằng mọi cách nhanh nhất. Không tự điều trị tại nhà vì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

4. Những sai lầm cần tránh khi bị tiêu chảy?

Khi bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy, lượng nước trong cơ thể mất đi rất nhiều, vì vậy biện pháp đầu tiên là phải bù nước và điện giải, tốt nhất là dung dịch oresol và sau đó đưa bệnh nhân tới các cơ sở y tế khám và điều trị. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc cầm tiêu chảy.

Thực tế, trong nhân dân cứ thấy tiêu chảy là dùng các loại búp chát như búp ổi, búp sim, quả hồng xiêm xanh để ép nước cho uống. Đó là cách làm hoàn toàn sai lầm, những thứ đó có tác dụng làm săn niêm mạc khiến cho người bệnh hạn chế đi ngoài. Nhưng như vậy đã làm chậm quá trình đào thải vi khuẩn, virus khỏi cơ thể khiến bệnh càng kéo dài hơn.

5. Phòng bệnh tiêu chảy cấp

1. Đảm bảo vệ sinh thực phẩm

- Chọn mua thực phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc rõ ràng

- Sử dụng các dụng cụ (dao, thớt...) và riêng khi chế biến thực phẩm sống và thực phẩm chín.

- Thực hiện ăn chín, uống chín.

- Không ăn thức ăn ôi, thiu, mốc hỏng.

- Bảo quản thức ăn trong tủ lạnh, trong chạn hoặc đậy lồng bàn.

phòng ngừa tiêu chảy cấpĂn chín - uống sôi, lựa chọn thực phẩm kỹ càng, rửa tay... là những biện pháp hữu hiệu phòng ngừa tiêu chảy cấp

2. Bảo vệ nguồn nước và sử dụng nước sạch

- Sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt

- Nguồn nước ăn uống, sinh hoạt cần được bảo vệ sạch sẽ, có nắp đậy, không để nước bẩn từ ao, hồ, sông, suối... chảy vào.

3. Tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và vệ sinh cho trẻ hoặc sau khi tiếp xúc với chất thải của người bệnh.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không sử dụng cầu tiêu ao cá, không đi tiêu bừa bãi, không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ, không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý để bón cây trồng.

- Vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh sạch sẽ.

Khi có dịch nên:

- Hạn chế tập trung ăn uống đông người như ma chay, xưới xin, cúng giỗ... trong vùng đang có dịch

- Hạn chế người ra, vào vùng đang có dịch.

- Xử lý nguồn nước ăn uống và sinh hoạt bằng cloramin B theo hướng dẫn của cán bộ y tế

6. Ngăn ngừa tiêu chảy khi đi du lịch, công tác bằng cách?

phòng ngừa tiêu chảy cấpKhi đi du lịch, công tác nên chọn những quán ăn đảm bảo vệ sinh, an toàn. Để làm được điều này, bạn có thể tham khảo người bản địa, từ đó có những lựa chọn hợp lý.

- Ăn thức ăn nóng và được nấu chín. Tránh trái cây và rau sống trừ khi bạn có thể tự bóc chúng. Ngoài ra, tránh các loại thịt sống hoặc nấu chưa chín và thực phẩm từ sữa.

- Uống nước đóng chai, soda, bia hoặc rượu vang được phục vụ trong thùng chứa ban đầu của nó. Tránh nước máy và nước đá viên. Sử dụng nước đóng chai ngay cả để đánh răng. Giữ kín miệng trong khi bạn tắm.

- Sử dụng đồ uống được làm bằng nước đun sôi như cà phê và trà. Hãy nhớ rằng rượu và caffeine có thể làm nặng thêm bệnh tiêu chảy và làm mất nước trầm trọng hơn.

- Nếu đi du lịch đến một quốc gia đang phát triển trong một thời gian dài, hãy hỏi bác sĩ về các loại thuốc trước khi đi, đặc biệt là những người có hệ thống miễn dịch yếu.

- Xem xét các cảnh báo về bệnh được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở mỗi quốc gia đang định đến.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X