Hotline 24/7
08983-08983

Tiêm vắc xin cho trẻ sau đại dịch, cần chú ý những mũi nào?

Mới đây, WHO đưa ra nhận định và báo động nguy cơ bùng phát nhiều bệnh nguy hiểm ở trẻ khi tỷ lệ tiêm chủng suy giảm. Vậy sau giai đoạn giãn cách vì dịch bệnh, các bậc phụ huynh nên cho trẻ đi tiêm những loại vắc xin nào? Thắc mắc này đã được BS Trương Hữu Khanh giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Tỷ lệ tiêm ngừa thay đổi ra sao trước và sau giãn cách xã hội do COVID-19?

Theo nhìn nhận và đánh giá của BS Khanh, tỷ lệ tiêm chủng của trẻ em trước và sau giãn cách do đại dịch thay đổi như thế nào? Thực tế, sau hơn nửa năm kết thúc đợt giãn cách, tỷ lệ tiêm chủng có cải thiện, thưa BS?

COVID-19 và giãn cách ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề, trong đó có sức khỏe. Tỷ lệ đi khám giảm và tỷ lệ theo dõi bệnh mãn tính giảm. Đặc biệt, với trẻ em, tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên theo lứa tuổi cũng giảm. Bởi vì việc giãn cách không chỉ 1-2 tuần, mà kéo dài suốt 2 năm qua. Trong khi đó, trẻ từ 0-2 tuổi, hoặc 1-3 tuổi chưa chích ngừa thì chắc chắn sẽ rất nguy hiểm.

Hơn nữa, sau giãn cách, đa số các bậc phụ huynh cũng chần chừ và thấy con không mắc bệnh nên không coi trọng việc tiêm chủng. Vì vậy, chúng ta phải tuyên truyền để tăng tỷ lệ tiêm chủng những bệnh thường quy trước khi có dịch, có như vậy mới tránh được các dịch bệnh thông thường khi quay trở lại.

2. Sụt giảm tỷ lệ tiêm ngừa, điều gì có thể xảy ra trong hiện tại và tương lai?

Sự sụt giảm này có thể gây ra những vấn đề, hậu quả trong hiện tại và tương lai, thưa BS? Trong đó, vấn đề đáng lo ngại nhất là gì ạ?

Vấn đề quan trọng khi không chích ngừa thường xuyên theo lứa tuổi các mũi cơ bản hay các mũi quan trọng là khi tái hòa nhập, tới mùa bệnh virus quay trở lại và sẽ tấn công các trẻ chưa chích ngừa. Từ những trẻ không chích ngừa sẽ tăng tỷ lệ, số ca mắc bệnh, ảnh hưởng đến việc chăm sóc, điều trị và tác động đến mức độ đe dọa sức khỏe, tính mạng.

Trong đó có những bệnh như bạch hầu, uốn ván, ho gà, sởi, những bệnh viêm não Nhật Bản, viêm màng não do phế cầu… sẽ quay lại nếu như chúng ta không tiêm bù kịp. Đặc biệt là cúm mùa, trong hai năm qua chúng ta không tiêm ngừa cúm, hiện nay cũng thấy rằng số ca cúm A đang gia tăng.

3. Những vắc xin nào cần tiêm ngay sau khi kết thúc giãn cách, dịch bệnh?

Hiện nay, khi cuộc sống quay trở lại bình thường, những loại vắc xin nào các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu tâm, thực hiện tiêm ngừa đầy đủ cho con?

Quan trọng nhất là phụ huynh cần kiểm tra lại sổ tiêm của con để chích bù lại những vắc xin thiếu hụt trong suốt thời gian qua. Tất cả các vắc xin đều quan trọng. Trong đó, có những vắc xin rất quan trọng, đó là sởi (bệnh lây nhanh), bạch hầu, uốn ván, ho gà. Ngoài ra có những loại trong chương trình tiêm chủng mở rộng không có như thủy đậu, viêm não Nhật Bản thế hệ mới, phế cầu.

Như vậy, chúng ta phải phân chia những loại vắc xin nào có trong chương trình mở rộng, nếu chích còn thiếu thì đến phường để được tư vấn. Còn những loại đã bỏ qua thời gian dài và chỉ có trong vắc xin dịch vụ thì nên tìm hiểu để chích cho con.

4. Những loại vắc xin nào đã bỏ lỡ vẫn có thể tiếp tục tiêm liều tiếp theo?

Những loại vắc xin nào đã bỏ lỡ trong giai đoạn đại dịch hiện nay có thể bắt đầu hoặc tiêm mũi tiếp theo, thưa BS?

Về nguyên tắc là không chích lại từ đầu mà cần tiêm bổ sung thêm những mũi còn thiếu. Tuy nhiên, một thời gian dài giãn cách quá xa thì chúng ta nên đến các trung tâm tiêm chủng để bác sĩ kiểm tra sổ tiêm ngừa (còn thiếu những mũi nào, loại nào có thể tiêm nhanh) và tư vấn, hướng dẫn cụ thể, mũi nào nên tiêm trước, mũi nào nên tiêm sau.

5. Trẻ đã quá tuổi tiêm ngừa vắc xin, loại nào có thể thay thế với công dụng tương tự?

Những loại vắc xin nào nếu quá tuổi, quá thời điểm không thể tiêm được? Trong những trường hợp này, có thể thay thế bằng những loại vắc xin nào khác có cùng công dụng tương tự như vắc xin đã qua thời điểm tiêm ngừa?

Đúng là vắc xin theo lứa tuổi. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam đã sản xuất, có nguồn vắc xin nhập về cho tất cả các lứa tuổi cho bệnh đó. Ví dụ, khi còn nhỏ trẻ được chích 6 trong 1, nhưng khi quá 2 tuổi thì có thể chích 4 trong 1, sau đó chích viêm gan siêu vi B đơn, viêm gan siêu vi A+B. Hay trong thủy đậu có thể chích ở bất kỳ lứa tuổi nào. Hoặc phế cầu khi nhỏ tiêm loại này, nhưng khi lớn chích loại khác. Vì vậy, chắc chắn chúng ta có đủ vắc xin để bù theo từng lứa tuổi.

6. Trẻ ra đời trong đại dịch chưa được tiêm ngừa, bây giờ bắt đầu từ loại vắc xin nào?

Với những trẻ ra đời trong đại dịch, chưa được tiêm vắc xin nào do giãn cách, do sợ dịch bệnh, hiện nay có thể bắt đầu từ loại vắc xin nào?

Quan trọng nhất vẫn là các vắc xin phòng ngừa bệnh nguy hiểm như viêm gan siêu vi B, bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, sởi. Sau đó sẽ bàn đến các vắc xin như trẻ nhỏ cần rota (trẻ lớn không cần), thủy đậu, sởi - quai bị - rubella, phế cầu, viêm não Nhật Bản. Đây là những nhóm vắc xin cần lưu ý.

7. Vắc xin dịch vụ, nên tiêm loại nào trước, loại nào sau?

Hiện nay, vắc xin dịch vụ có nhiều loại khiến các ông bố, bà mẹ bối rối không biết nên lựa chọn loại nào tiêm cho con, nên tiêm loại nào trước-loại nào sau. Nhờ BS đưa ra hướng dẫn trong tình huống này để các bậc phụ huynh lựa chọn tối ưu nhất ạ? Tiêm ngừa dịch vụ, nên ưu tiên các loại vắc xin nào?

Khi nhắc đến vắc xin dịch vụ sẽ tùy thuộc vào điều kiện kinh tế. Nếu tiêm hết thì quá nhiều chi phí, vì vậy phải biết lựa chọn vắc xin nào cần và vắc xin nào chưa cần.

Đầu tiên là so sánh vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam có những loại nào, bên dịch vụ có tương đương thì tiêm loại đó trước. Hai nữa là, tìm hiểu các quốc gia phát triển đưa vào chương trình mở rộng của họ vắc xin gì thì chúng ta ưu tiên các loại đó. Riêng ở Việt Nam, không thể so sánh viêm não Nhật Bản với các nước khác, bởi vì nước ta là vùng dịch tễ viêm não Nhật Bản, do đó nên chích ngừa.

Tóm lại, trong chương trình tiêm chủng mở rộng hiện có vắc xin lao, viêm gan siêu vi B, sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sốt bại liệt, viêm não Nhật Bản, thì chúng ta nên chích tương đương trong dịch vụ nếu có khả năng. Còn lại, những vắc xin các nước tiên tiến khác đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng của họ mà chúng ta nên ngừa đó là rota, phế cầu, thủy đậu, sởi-quai bị-rubella. Ngoài ra, tại Việt Nam cần lựa chọn chích thêm viêm não Nhật Bản, còn những vắc xin khác sẽ tùy theo khả năng kinh tế của mỗi người.

8. Vắc xin dịch vụ và vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng khác nhau điểm gì?

Nhiều người cho rằng, tiêm vắc xin dịch vụ trẻ sẽ đỡ đau hơn, trẻ bớt quấy khóc hơn.

- Thông tin này có đúng không thưa BS?

- Thực tế, tiêm vắc xin dịch vụ và chương trình tiêm chủng mở rộng giống và khác nhau những điểm nào? Theo BS, khi nào nên chọn tiêm ngừa trong chương trình mở rộng, khi nào nên tiêm dịch vụ?

Vắc xin dịch vụ và vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng có điểm giống và khác nhau. Điểm tương đồng là giống nhau về các loại bệnh.

Điểm khác biệt là, trong một số trường hợp, ví dụ như vắc xin ho gà trong chương trình tiêm chủng mở rộng sử dụng vắc xin cổ điển tạo được miễn dịch có thể tốt hơn so với dịch vụ nhưng đau hơn. Bởi vì thành phần của nó không chuyên biệt như vắc xin dịch vụ, do đó khả năng gây sốt, đau, gây hành cao hơn so với vắc xin dịch vụ. Chỉ riêng loại này, còn tất cả các loại khác thì gần như tương đương nhau.

Tuy nhiên, khi chọn tiêm chủng mở rộng thì “kẹt” về thời gian: làm giờ hành chính, ban ngày, buổi sáng và 1 tháng chỉ mở 1-2 lần. Như vậy, giả sử nếu trẻ bệnh không tiêm được đợt này sẽ phải đợi đến đợt sau, tháng sau. Với tiêm dịch vụ, thời gian bớt eo hẹp hơn, buổi sáng hay buổi chiều, hay thứ 7, chủ nhật đều có thể đi chích ngừa.

Ngoài ra, vắc xin dịch vụ có thể tiêm trọn gói. Nhưng quan trọng là tiêm chủng mở rộng thì được tiêm ngừa miễn phí, còn tiêm dịch vụ sẽ phải trả phí. Đây là những điểm khác biệt của tiêm chủng mở rộng và dịch vụ.

Cuối chương trình, nhờ BS cho một số lời khuyên về việc tiêm ngừa cho trẻ ạ!

Những vắc xin kinh điển đã chế tạo ra để tiêm ngừa cho trẻ em được thực hiện từ rất lâu, bởi vì chúng ta đã nhận ra gánh nặng cho trẻ em khi mắc bệnh. Do đó, tiêm chủng là điều cần thiết và vắc xin là an toàn.

Quan trọng nhất của chúng ta hiện nay là tiêm ngừa trễ khá nhiều do giãn cách xã hội. Vì vậy, chúng ta nên nhìn lại để tiếp xúc vắc xin ngay khi có điều kiện, bổ sung kịp thời những mũi còn thiếu. Những loại bệnh mà đã có vắc xin phòng ngừa trong chương trình tiêm chủng mở rộng có thể đến bất kỳ lúc nào, không có miễn dịch thì không thể giải quyết được.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X