Hotline 24/7
08983-08983

Tiêm phòng cúm để bảo vệ bạn và gia đình trong bối cảnh COVID-19

Cúm mùa vẫn là căn bệnh nguy hiểm trên toàn cầu với 4 dòng cúm liên tục biến đổi. Tuy nhiên, điều đáng mừng là mỗi năm các nhà khoa học đều nghiên cứu và dự đoán gần như chính xác các chủng cúm sắp hoành hành để có vắc xin phù hợp.

Đây là một trong những thông tin đáng chú ý được PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - Chủ tịch Liên chi Hội Hô hấp TPHCM, PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa - Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học Y sinh (Viện Pasteur TPHCM) và BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Truyền nhiễm TPHCM cùng đưa ra tại buổi tọa đàm với sự đồng hành Abbott Việt Nam.

Chương trình với chủ đề “Tiêm phòng cúm để bảo vệ bạn và gia đình trong bối cảnh COVID-19” cùng các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực Hô hấp, Nhiễm và Tiêm chủng nói trên đã mang lại nhiều thông tin hữu ích về cúm mùa, đặc biệt là vắc xin cúm tứ giá cho mùa cúm 2021-2022 sắp tới.

Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á về tỷ lệ mắc bệnh cúm

Các chuyên gia nhận định, cho đến nay cúm mùa vẫn là căn bệnh nguy hiểm trên toàn cầu, song chúng ta đang dần chủ quan. Theo PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc, mỗi năm cúm mùa đã cướp đi hơn 500.000 sinh mạng trên thế giới trong số khoảng 5 triệu người phải nhập viện trong tình trạng bệnh nặng. Riêng tại Việt Nam, theo thống kê trong khu vực Đông Nam Á, nước ta đang đứng đầu về tỷ lệ mắc bệnh cúm.

“Số lượng bệnh nhân mắc bệnh cúm nặng phải nhập viện ở nước ta là hơn 270 trên 100.000 người mắc, trong khi đó số ca nhập viện tại Mỹ chỉ khoảng 55 người. Điều này cho thấy, sự đe doạ của cúm mùa với Việt Nam là không hề nhỏ. Không chỉ vậy, cúm mùa còn gây ảnh hưởng nặng nề đến cộng đồng, bao gồm kinh tế lẫn xã hội” - PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc cho biết.

Theo PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc, cúm mùa rất nguy hiểm với người bệnh hô hấp, đặc biệt là người bệnh COPD. Việc tiêm ngừa cúm giúp giảm 30-40% tỷ lệ nhập viện cho người COPD.

Đồng quan điểm với PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc, BS Trương Hữu Khanh cho rằng, cúm mùa đáng lo ngại hơn COVID-19. Virus cúm có 4 dòng lây bệnh trên con người, bao gồm: A/H1N1, A/H3N2, Cúm B/Victoria và Cúm B/Yamagata. Tuy nhiên, 4 dòng cúm này luôn thay đổi liên tục. Chỉ cần thay đổi nhỏ về mặt cấu trúc của virus thì người đã từng mắc cúm trước đó vẫn có thể mắc chủng cúm mới.

“Theo dự đoán, khoảng 10-20 năm sau sẽ có một dòng cúm mới tiếp tục tạo nên một trận đại dịch. Vì vậy, không còn cách nào khác để đối phó với nguy cơ này ngoài việc tiêm vắc xin ngừa phòng cúm” - BS Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường, các chuyên gia tham dự chương trình cũng đồng tình với nhận định các nhà khoa học trên thế giới về nguy cơ bùng phát “đại dịch kép” COVID-19 và cúm mùa, đe dọa tính mạng của người nhiễm. Nếu mắc cả hai mặt bệnh thì hậu quả về mặt sức khỏe sẽ tăng gấp 5-10 lần.

Gánh nặng của bệnh nhân mạn tính khi mắc cúm mùa

Điều đáng lo là bệnh cúm mùa rất dễ nhầm lẫn với cảm lạnh. Tuy nhiên, cúm mùa khiến chúng ta dè chừng hơn với thời gian ủ bệnh ngắn, có thể “tấn công” bất kỳ độ tuổi nào. Trong đó, PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa cho biết, trẻ em dưới 36 tháng hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và người lớn trên 65 tuổi sức đề kháng bị “mài mòn” nên thường có nguy cơ cao hơn.

Tương tự như những loại virus đường hô hấp khác, virus cúm cũng lây lan từ người này sang người khác qua dịch tiết của người mắc bệnh. Sau khi vào cơ thể, virus cúm mùa sẽ tấn công và khiến người bệnh tử vong theo 2 cách.

Một là virus cúm làm cho người bệnh bị viêm phổi cấp tính với diễn tiến rất nhanh. Hai là những người có sẵn các bệnh lý nền như đái tháo đường, cao huyết áp, người có bệnh lý phổi mạn tính… thường có tình trạng miễn dịch kém nên khi mắc cúm sẽ dễ bị bội nhiễm những loại virus hoặc vi khuẩn khác, dẫn đến tình trạng kháng thuốc.

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc đặc biệt nhấn mạnh, gánh nặng của nhiễm virus cúm đối với những bệnh nhân COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) là cực kỳ trầm trọng.

Để làm rõ những thông tin này, PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc dẫn chứng, trong đợt cấp của COPD, có khoảng 50% nguyên nhân là do vi sinh vật, trong đó virus chiếm một nửa. Theo số liệu từ Bệnh viện Chợ Rẫy, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân COPD nhập viện có tình trạng suy hô hấp là trên 50%, nghĩa là cứ 2 bệnh nhân nhập viện sẽ có 1 người tử vong. Tỷ lệ này ở bệnh nhân không đặt nội khí quản, không thở máy khoảng 15%.

“Tỷ lệ bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại TPHCM trong thời gian qua là khoảng 2,5%, trong khi đó tỷ lệ này ở bệnh nhân COPD đã lên đến 50%. Đây là con số rất lớn.

Không chỉ vậy, cúm mùa tạo điều kiện cho những vi khuẩn thường trú trong người COPD phát triển. Khi đó, các bác sĩ phải điều trị bằng kháng sinh liên tục dẫn đến khả năng xuất hiện virus kháng thuốc. Theo thống kê, có khoảng 70 - 80% bệnh nhân COPD nặng tái đi tái lại nhiều lần trong năm do virus kháng thuốc, thậm chí tử vong” - PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc chia sẻ.

Virus cúm mùa liên tục biến đổi, vì vậy BS Trương Hữu Khanh khuyến cáo, điều quan trọng là cần nhớ tiêm ngừa cúm nhắc lại mỗi năm

Bên cạnh hô hấp, các chuyên gia cảnh báo, người bệnh đái tháo đường cũng cần cẩn trọng với cúm mùa. Khi hệ miễn dịch suy yếu do bệnh lý đái tháo đường đã hủy hoại nhiều cơ quan trong cơ thể, hàng rào ngăn chặn virus ở đường hô hấp trên sẽ không còn “kiên cố”, vì vậy virus cúm có thể tấn công xuống đường hô hấp dưới, xâm nhập vào máu và gây ra nhiễm trùng toàn thân.

Chuyên gia lĩnh vực Nhiễm, BS Trương Hữu Khanh còn lo lắng về nhiễm cúm ở trẻ em khi cuộc sống “bình thường mới”, học sinh sẽ phải đến trường và đây là môi trường rất thuận lợi để lây lan. Hơn nữa, tỷ lệ trẻ em bị hen suyễn hiện nay khá cao, có thể lên đến 10% tùy vào mỗi vùng, nếu trẻ đồng mắc cúm mùa sẽ khiến bệnh kéo dài hơn, làm tăng khả năng bội nhiễm. “Do vậy, trẻ em là nhóm đối tượng cần được đặc biệt chú ý trong phòng ngừa cúm” - BS Trương Hữu Khanh nói.

Vắc xin cúm mùa tứ giá: Phủ rộng hiệu quả bảo vệ, ngăn chặn đồng mắc COVID-19 và cúm

Tiêm ngừa vắc xin cúm là giải pháp bảo vệ trước cúm mùa hiệu quả, an toàn và tiết kiệm kinh tế nhất. Đây là thông điệp chính được các chuyên gia truyền tải trong chương trình.

PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa ví việc tiêm vắc xin dự phòng chủ động cúm mùa tương tự như tạo được thế “kiềng ba chân” vững vàng cho cơ thể bên cạnh việc bảo vệ gián tiếp bằng khẩu trang, rửa tay. Trong đó, vắc xin đóng vai trò chủ đạo, hiệu quả bảo vệ đến 90-95% trước cúm mùa.

“Điều quan trọng được các chuyên gia nhấn mạnh đó là vắc xin cúm cần tiêm nhắc lại hàng năm, đừng tạo ra khoảng trống miễn dịch để virus cúm có cơ hội tấn công. Để chuẩn bị cho mùa cúm 2021-2021 với 4 chủng cúm lưu hành, bao gồm 2 chủng cúm A và 2 chủng cúm B, các nhà khoa học đã tạo ra vắc xin cúm tứ giá, giúp hiệu quả bảo vệ rộng hơn, nhiều hơn và ngăn được những trường hợp đồng mắc COVID-19 và cúm mùa trong thực tế” - PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa khuyến cáo.

PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa nhấn mạnh, việc tiêm ngừa cúm mỗi năm mang lại giá trị lớn về mặt sức khỏe không chỉ cho cá nhân mà còn giúp bảo vệ gia đình, cộng đồng

Nhiều người cho rằng, đã chích ngừa COVID-19 thì không cần tiêm vắc xin cúm mùa hoặc ngược lại. Tuy nhiên, theo PGS Nghĩa quan niệm này không đúng, COVID-19 và cúm mùa hoàn toàn khác nhau,vì thế mỗi vắc xin sẽ có những kháng thể đặc hiệu cho mầm bệnh đó. Hai bệnh này hoàn toàn có khả năng đồng tấn công trên cùng một người, vì vậy tiêm ngừa vắc xin COVID-19 và cúm mùa là những việc nên làm trong thời điểm này.

PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa cho hay: “Nhiều người lo lắng về khoảng cách giữa mũi tiêm ngừa cúm và các vắc xin khác, nhất là COVID-19. Tuy nhiên, mới đây, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ, Ủy ban thực hành tiêm chủng thế giới đã đưa ra hướng dẫn, vắc xin phòng ngừa COVID-19 nên được tiêm chung với các vắc xin trong chương trình tiêm chủng thường quy của các quốc gia và không có khoảng cách, bao gồm cả vắc xin cúm”.

Các chuyên gia đồng tình, không chỉ người cao tuổi, người có bệnh nền, trẻ em mà ngay cả những người phụ nữ đang có vấn đề sản phụ khoa, hay thậm chí đang mang thai cũng cần được chích ngừa cúm mùa. Ngay cả những người đã mắc cúm mùa trước đó, hoặc F0 đã khỏi bệnh, an toàn khi ra cộng đồng cũng cần tiêm ngừa cúm.

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc còn đặc biệt lưu ý đến nhóm người trẻ khỏe cũng không nên chủ quan với cúm mùa. Với mật độ dân số cao, khả năng tiếp xúc lớn, khi một người trẻ mắc cúm mùa sức lây lan cho cộng rất lớn, và đôi khi phải nghỉ việc 10-14 ngày sức khỏe mới phục hồi để quay trở lại lao động.

“Nếu một phân xưởng mà 50-70% nhân viên nghỉ vì cúm mùa thì gần như tê liệt. Chúng ta có thể thấy rằng, mắc cúm mùa không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân, cộng đồng mà ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, xã hội. Tất cả chúng ta đều có lợi ích nếu chủng ngừa cúm mùa” - PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc nhận định.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X