Hotline 24/7
08983-08983

Thủy đậu - điều trị khoa học, chắt lọc dân gian

Thủy đậu là bệnh lành tính, nếu không biến chứng có thể khỏi trong 10-14 ngày. Hiện nay, có 2 loại thuốc để điều trị thủy đậu là thuốc uống và thuốc bôi da. Song, vấn đề đáng lo nhất là nhiều người tin dùng các biện pháp truyền miệng dẫn đến những biến chứng đáng tiếc.

1. Đừng nhầm lẫn sởi, tay chân miệng với thủy đậu

- Thưa BS, người đã bị thủy đậu, liệu có nguy cơ tái nhiễm ở những lần sau?

Thủy đậu (còn được gọi là bệnh trái rạ) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella virus gây ra. Bệnh thủy đậu thường nặng hơn ở trẻ sơ sinh và người bị suy giảm miễn dịch.

Thủy đậu là bệnh miễn dịch 1 lần, điều đó có nghĩa nếu một người từng bị thủy đậu thì sẽ không tái mắc bệnh. Tuy nhiên, virus vẫn tồn tại trong cơ thể người bệnh rất lâu sau khi đã khỏi bệnh. Nếu virus hoạt động trở lại, nó có thể gây ra một bệnh nhiễm trùng là zona thần kinh.

- Tại Việt Nam, thủy đậu là 1 trong 5 bệnh có tỷ lệ nhiễm cao nhất trong những năm gần đây. Vậy tốc độ lây nhiễm của bệnh thủy đậu ra sao? Bệnh có lây lan trong thời gian ủ bệnh?

Bệnh thủy đậu thường xuất hiện từ tháng 2 đến tháng 6, giảm dần vào các tháng tiếp theo và bùng phát trở lại vào tháng 12. Thủy đậu được xếp vào loại bệnh rất dễ lây lan. Nếu một thành viên bị thủy đậu thì bệnh có thể lây cho tất cả những người còn lại trong gia đình.

Đây là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Người bệnh nói chuyện, hắt hơi, ho sẽ làm virus trong vùng hầu họng lan ra không khí và người hít phải virus sẽ nhiễm bệnh. Ngoài ra, các vết phỏng nổi trên da khi bị thủy đậu có thể phát tán virus ra môi trường, người khác chạm phải vết da này và đưa tay lên mũi cũng có khả năng mắc bệnh.

Thủy đậu có thời gian ủ bệnh khá dài, có thể 14 - 16 ngày, thậm chí là từ 10 - 21 ngày. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong công tác phòng chống. Bởi vì ngay trong thời gian ủ bệnh, thủy đậu đã có thể lây lan. Như vậy, người lây bệnh trong điều kiện không có bất kỳ dấu hiệu nào. Đến khi phát hiện qua những dấu hiệu như nổi bóng nước trên da thì bệnh đã lây “tưng bừng”.

Thủy đậu xảy ra trong 3 giai đoạn. Nhưng những đốm mới có thể xuất hiện trong khi những nốt khác đang trở thành mụn nước hoặc đóng vảy.

- Vậy đâu là những dấu hiệu cảnh báo bệnh thủy đậu, thưa BS? Và các nốt ban, nốt phỏng nước trong thủy đậu khiến chúng ta dễ nhầm lẫn với sởi, tay chân miệng, làm sao để phân biệt rõ ràng ạ?

Sau ủ bệnh, bệnh bắt đầu tiến vào giai đoạn khởi phát. Ở người lớn, thường sẽ xuất hiện sốt nhẹ, đau nhức cơ thể trước khi nổi bóng nước. Đối với trẻ nhỏ, bệnh thường không có dấu hiệu nào để nhận biết cho đến khi nổi bóng nước hình tròn, lõm ở giữa, có màu xám.

Những vết thủy đậu này gây ngứa và khi đè vào sẽ có cảm giác đau. Đặc tính của bong bóng nước thủy đậu là nổi nhiều đợt, khởi điểm ở thân (thường là lưng), sau đó lan toàn thân, đầu mặt và tay chân. Do đó, trên cùng vùng da sẽ xuất hiện nhiều trạng thái bong bóng nước.

Trong khi đó, nốt phỏng nước trong bệnh tay-chân-miệng không ngứa không đau. Ban đỏ, có mụn nước hình bầu dục và mọc ở những vị trí điển hình như lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay, đầu gối, mông. Đặc biệt nốt phỏng nước có thể mọc ở miệng, họng làm loét miệng.

Đối với bệnh sởi, phát ban xuất hiện dưới hình dạng các đốm đỏ phẳng trên da, đôi khi có các vết sưng nổi lên. Nếu có các vết sưng, bên trong sẽ không có dịch lỏng như mụn nước. Các đốm phát ban sởi có thể lan rộng cùng nhau ra các khu vực khác.

Nốt phỏng của thủy đậu gây ra cảm giác đau (Ảnh minh họa)

2. Điều trị thủy đậu, dùng thuốc gì cho nhanh khỏi, tránh để lại sẹo?

- Điều trị thủy đậu, dùng thuốc gì hiệu quả thưa BS? Những thuốc này dùng sao cho đúng ạ?

Bệnh thủy đậu được điều trị chủ yếu là thuốc kháng virus, thuốc bôi tại chỗ. Ngoài ra, có thể sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ khi bị sốt cao hoặc đau nhức do thủy đậu. Trong trường hợp ngứa nhiều, bác sĩ có thể kê thêm thuốc kháng histamin.

Trong đó, thuốc giảm đau-hạ sốt thường được sử dụng là paracetamol, liều lượng 10-15mg/kg, ngày 4-6 lần (khi còn đau, sốt). Đối với thuốc kháng virus đường uống, có thể dùng trong vòng 24 giờ phát ban, giảm nhẹ thời gian triệu chứng và mức độ nghiêm trọng.

Acyclovir là một trong những thuốc kháng virus thường được lựa chọn trong điều trị bệnh thủy đậu. Thuốc có tác dụng ức chế sự phát triển của virus thủy đậu, hạn chế sự lan rộng của bệnh trên cơ thể.

Tuy nhiên, thủy đậu là bệnh lành tính, có thể tự hồi phục. Vì vậy, thuốc acyclovir chỉ nên được sử dụng trong trường hợp người khỏe mạnh có nguy cơ mắc bệnh từ trung bình đến nặng; trường hợp không hoặc khó có khả năng tự hồi phục như người nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ có thai, người mới ghép tạng, sử dụng corticoid dài ngày, những người có rối loạn da (đặc biệt là bệnh chàm) hoặc bệnh phổi mãn tính.

Thuốc acyclovir dạng uống điều trị thủy đậu được sử dụng dưới sự chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ khi cần thiết

- Ở trẻ em, nốt mụn thủy đậu gây ngứa ngáy nên hay gãi, dẫn đến vỡ nốt mụn. Trong trường hợp này, mẹ nên xử trí thế nào để tránh nhiễm trùng? Nên bôi thuốc gì giúp giảm cảm giác khó chịu cho con ạ?

Đối với trẻ, khi bị thủy đậu, cha mẹ nên cắt móng tay cho bé. Cần cho trẻ tắm rửa thường xuyên, mặc quần áo thoáng mát. Trường hợp bé ngứa nhiều thì cần đưa đi khám và uống thuốc để giảm ngứa. Những việc làm này sẽ giúp trẻ đỡ ngứa và gãi nhiều, từ đó tránh nhiễm trùng da.

Khi thủy đậu mới nổi, bong bóng nước chưa vỡ thì bôi Acyclovir để khô nhanh. Thuốc bôi Acyclovir có tác dụng hiệu quả nhất khi được sử dụng trong vòng 24 giờ trước khi nổi bọng nước, thời gian điều trị từ 5 - 7 ngày đến khi không có bọng nước mới xuất hiện nữa. Khi sử dụng, thoa một lớp kem mỏng lên các nốt thủy đậu, bôi 5 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 4 giờ. Tùy theo mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ có điều chỉnh liều lượng khác nhau. Khi bong bóng nước đã vỡ thì mới bôi xanh methylen.

Lưu ý, tuyệt đối không được dùng thuốc bôi mỡ Tetracyclin và mỡ penicillin hay thuốc đỏ, thuốc bột rắc lên, vì sẽ gây bít tắc vết phỏng nước, dịch không thoát ra được gây nên nhiễm trùng sâu dưới da.

Thuốc bôi Acyclovir thường được sử dụng trong giai đoạn bóng nước của thủy đậu chưa vỡ

- Nếu được điều trị tốt, bị bệnh thủy đậu khoảng bao lâu thì khỏi? Các biến chứng có thể xảy ra là gì và dấu hiệu nào cho thấy cần đi bệnh viện, thưa BS?

Thông thường, đối với thủy đậu không biến chứng thì sẽ khỏi bệnh trong 10-14 ngày. Nếu thủy đậu có biến chứng sẽ gây nhiễm trùng da, bong bóng sẽ hóa mủ và để lại sẹo. Từ nhiễm trùng da sẽ gây ra nhiễm trùng huyết. Ngoài ra, biến chứng bệnh thủy đậu có thể gây viêm phổi, viêm não, hoặc viêm tiểu não. Đặc biệt, thủy đậu ở người phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu sẽ gây sảy thai; thủy đậu bẩm sinh, thậm chí là bại não ở trẻ.

Để chăm sóc trẻ bị thủy đậu tốt thì cần đưa trẻ đi khám để điều trị. Chăm sóc trẻ ở nhà thì cha mẹ cần theo dõi các dấu hiệu cần đưa đến bệnh viện bao gồm: nốt phỏng chuyển sang dạng đục, tấy đỏ và lan ra xung quanh; sốt cao, co giật; khò khè, khó thở, rối loạn hô hấp, ho kéo dài; lơ mơ, mất phương hướng.

3. Kiêng cữ theo khoa học trong điều trị thủy đậu

- Khi bị thủy đậu, một số người thường quan niệm không được tắm, tránh ra gió và tránh một số loại thực phẩm như thịt dê, hải sản tôm, thịt bò để hạn chế sẹo. Theo BS, việc kiêng khem này có cần thiết?

Điều này hoàn toàn không đúng. Việc chúng ta kiêng gió, kiêng tắm, trùm kín rất nguy hiểm, vì sẽ khiến cơ thể ra nhiều mồ hôi và dơ, từ đó làm nhiễm trùng da, gây sẹo.

Việc ăn uống không liên quan đến chuyện để lại sẹo. Do vậy, khi bị thủy đậu, không nên kiêng tắm, không kiêng ăn, không kiêng gió. Trừ một số trường hợp dị ứng với một số thức ăn thì nên tránh vì sẽ khiến người bệnh bị ngứa và gãi nhiều, có thể gây ra nhiễm trùng da.

Điều quan trọng nhất là phải tắm rửa cho trẻ thật sạch bằng xà phòng. Bôi thuốc để vết phỏng nước nhanh khô. (Ảnh minh họa)

- Trong nhà có người bị thủy đậu, cần làm gì để phòng tránh lây nhiễm cho những người khác, nhất là trẻ em và phụ nữ mang thai?

Nếu bị thủy đậu, trước tiên cần cho trẻ nghỉ học, nghỉ làm, thậm chí là trong thời gian dài, vì căn bệnh này có thể lây sau 21 ngày, khi vết thủy đậu trên da đã khô.

Trong gia đình, nếu có thể nên cách ly người mắc thủy đậu với mọi người xung quanh. Những thành viên trong gia đình chưa tiêm ngừa thì cần đi tiêm ngay. Nguy hiểm nhất là trường hợp trẻ lây cho những em bé chưa đến tuổi chủng ngừa thủy đậu.

Trường hợp trong gia đình có phụ nữ mang thai thì cần tránh xa người bị thủy đậu, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

- Để phòng ngừa thủy đậu, chúng ta cần làm gì, thưa BS?

Thủy đậu là căn bệnh “đến hẹn lại lên”, nếu năm nay chưa bị thì có khả năng năm sau sẽ bị. Đặc biệt, người ở độ tuổi càng lớn sẽ bị nặng hơn người nhỏ tuổi. Vì vậy, biện pháp chủ động để bảo vệ sức khỏe trước thủy đậu là chủng ngừa. Hiện nay, vắc xin ngừa thủy đậu đã có đầy đủ. Nên tiêm ngừa 2 mũi để tránh mắc bệnh thủy đậu.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X