Hotline 24/7
08983-08983

Thực phẩm nhà làm có an toàn?

Có người hỏi tôi về chất lượng “nước mắm nhà làm” được rao trên mạng, thậm chí nước mắm bán ngoài chợ cũng được mời chào là “nhà làm”.


Năm 2012, tiểu bang California (Hoa Kỳ) đã ban hành đạo luật Thực phẩm nhà làm của bang California. Luật yêu cầu các nhà chế biến tại gia phải theo học một khóa về an toàn thực phẩm để có giấy chứng nhận.

Về chất lượng thì miễn bàn. Về an toàn thực phẩm, cũng miễn bàn luôn. Khi một thực phẩm được chế biến và thương mại hóa mà không dựa trên một tiêu chuẩn nào, không chịu sự quản lý nào về an toàn, thì làm sao nói chuyện phải quấy được?

Dựa trên niềm tin, nhưng tin tới đâu?

Làm nước mắm là nghề cha truyền con nối, như cái nghiệp vào thân. Có người xa quê lên Sài Gòn, sống đời đô thị, nhưng vẫn nhớ nước mắm quê, ra chợ mua cá tươi về nhà ủ chượp trong lu, chăm cái lu còn hơn chăm chồng con, cả năm mới ra nước mắm. Nước mắm làm ra xài cả năm không hết, đem khoe bà con đồng hương, chòm xóm. Nước mắm có hương vị quê nhà, nên quý hơn vàng. Đó là nước mắm nhà làm, dư dả đâu mà mang ra chợ bán.

Nước mắm nhà làm phi tiêu chuẩn, phi lợi nhuận. Có buôn bán đâu mà lợi nhuận. Hương vị quê nhà có sức nặng gấp ngàn lần tiêu chuẩn công nghiệp.

Thực phẩm nhà làm có từ lâu đời rồi. Ở châu Âu, nông dân từ nông trại mang hàng ra thành phố bán ở những phiên chợ cuối tuần. Họ không chỉ bán nông sản, mà cả thực phẩm chế biến: thịt xông khói, jambon, xúc xích…

Những năm sau 75, tôi biết có những người cũng chuyên nghề “thực phẩm nhà làm”: ruốc, bánh trung thu, bánh cưới, bánh sinh nhật… Ai đặt thì họ mới làm, chứ không bỏ mối hay đem ra chợ bán. Mà làm thiệt ăn thiệt, kiếm sống bằng nghề “thực phẩm nhà làm” này chứ không phải chơi. Mua bán dựa trên niềm tin, vì người mua người bán đều biết nhau.

Bây giờ, “thực phẩm nhà làm” tràn lan trên mạng. Người ta mua bán vì niềm tin, nhưng là niềm tin ở diện rộng. Người bán tin tưởng người làm. Người mua tin tưởng người bán. Người bán quảng cáo trên facebook cá nhân. Quảng cáo thân tình như… ông mai bà mối. Trong nhờ đục chịu.

Nhưng có điều chắc chắn, thực phẩm nhà làm được thương mại hóa như thế, không chịu sự quản lý về an toàn thực phẩm, không ai biết họ sản xuất thế nào, trong điều kiện ra sao… Tất cả là may rủi.

Cần có quy định về thực phẩm nhà làm

Nhu cầu “thực phẩm nhà làm” là điều có thật, nhất là vào những dịp lễ hội, mặc dù chúng ta đang sống trong một xã hội đầy những thực phẩm công nghiệp, mà vấn đề an toàn thực phẩm được kiểm soát chặt, với đủ thứ quy định, từ khâu nguyên liệu, chế biến, bảo quản cho đến nơi bày bán… Ở Tây cũng thế, mà ở ta cũng vậy.

Tuy nhiên, thực phẩm, một khi đã được thương mại hóa, được marketing “du kích” qua facebook thì buộc phải tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm. Người chế biến và người bán phải chịu trách nhiệm về sản phẩm kinh doanh của mình. Vấn đề là quy định nên như thế nào để người chế biến tại gia có thể tuân thủ, nhằm hạn chế rủi ro về an toàn cho người tiêu dùng.

Dĩ nhiên không thể áp dụng những quy định về vệ sinh an toàn nhà xưởng, thậm chí quy định cho nhà bếp nhà hàng, khách sạn đối với những sản phẩm, bánh chưng, bánh sinh nhật…chế biến nhỏ tại bếp ăn gia đình, mà phải đơn giản để cơ sở hạ tầng hạn hẹp có thể thích nghi được.

Năm 2012, tiểu bang California (Hoa Kỳ) đã ban hành đạo luật Thực phẩm Nhà làm của bang California (CHFA - The California Homemade Food Act), tạo điều kiện để người dân có thể chế biến thực phẩm tại bếp gia đình và bán cho các nhà hàng, tiệm tạp hóa… hoặc phân phối trực tiếp cho người tiêu dùng. Các thực phẩm được chấp thuận gồm mứt, các loại bánh nướng, cà phê, các loại hạt, dấm, bánh kẹo và mì sợi.

Luật yêu cầu các nhà chế biến tại gia phải theo học một khóa về an toàn thực phẩm để có giấy chứng nhận.

Thực phẩm nhà làm cũng là cơ hội tạo công ăn việc làm cho những người “khéo tay hay làm”, nhưng cũng không thể buông lỏng quản lý như hiện nay, vì rủi ro về an toàn thực phẩm sẽ rơi vào người tiêu thụ. Đó là chưa kể, không ít kẻ lợi dụng “thực phẩm nhà làm” để kinh doanh lừa dối người tiêu dùng. “Nước mắm nhà làm” thương mại hóa như nói ở trên, chính là sản xuất lụi, hoặc lấy nước mắm đâu đó, mạo danh “nhà làm” hòng bán giá cao.

Liệu Việt Nam cần có quy định về “thực phẩm nhà làm” để hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng? Vấn đề là, quy định phải tạo điều kiện thuận lợi để người dân làm ăn, có lợi cho sức khỏe cộng đồng, chứ không phải quy định “trên trời” để gây khó dễ.

Theo Vũ Thế Thành - Thế giới tiếp thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X