Hotline 24/7
08983-08983

Thú cưng có ủ mầm bệnh và làm lây ngược virus SARS-CoV-2 sang người?

TS.BS Thú y Nguyễn Văn Nghĩa bày tỏ nỗi buồn và sự tiếc nuối khi nghe câu chuyện 16 chú chó và mèo bị tiêu hủy ở Cà Mau. Trước nỗi lo của nhiều người về việc thú cưng có thể ủ bệnh và lây ngược lại cho con người, vị chuyên gia từ Đại học Bristol - Vương quốc Anh, Khoa Khoa học Y tế và Thú y - Trường Thú y lâm sàng đã dành cho AloBacsi một buổi trò chuyện ngắn.

1. Thế giới xử lý thú cưng như thế nào nếu chủ nuôi mắc COVID-19?

Thưa TS.BS Thú y Nguyễn Văn Nghĩa, trên thế giới họ xử lý những trường hợp người chủ trở thành F0 và có nuôi thú cưng như thế nào?

TS.BS Thú y Nguyễn Văn Nghĩa trả lời: Mỗi loài sẽ có khả năng mắc Coronavirus riêng, nhưng nó không lây từ thú sang người. Ví dụ, trên chó thì có Coronavirus gây ra các triệu chứng trên đường tiêu hóa như ói mửa, tiêu chảy và không gây bệnh nặng hoặc chết. Tương tự, trên mèo cũng có Coronavirus nhưng chỉ có khoảng vài phần trăm gây ra biến chứng viêm màng bụng.

Không chỉ chó, mèo mà ngay cả lạc đà, bò rừng, chim… cũng đều có Coronavirus, nhưng sẽ hiện diện khác nhau trên mỗi loài.

Trên người cũng có chủng Coronavirus riêng, như chúng ta thấy hiện nay là virus SARS-CoV-2, có thể lây từ người sang người. Tuy nhiên, xin khẳng định, người có thể lây cho con thú, con vật, nhưng chưa có bằng chứng nào cho thấy chúng lây ngược lại cho người.

Trên thế giới cũng có một số trường hợp Coronavirus trên mèo, nhưng không ghi nhận bệnh nặng gây chết và cũng không lây ngược cho con người chúng ta. Cách xử lý cho những trường hợp này thường là cách ly, chăm sóc chúng và tự khỏi, không cần tiêu hủy chúng.

2. Thú cưng có mắc COVID-19 như người?

Thưa BS, vậy thú cưng (chó, mèo) có bị lây COVID-19 như người?

TS.BS Thú y Nguyễn Văn Nghĩa trả lời: Hiện nay, mọi người lo lắng chủng Coronavirus đang hoành hành khắp thế giới có thể lây qua thú, và từ thú lây ngược lại cho con người. Tuy nhiên, cho đến nay Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) hay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chưa có bằng chứng cho thấy, con thú lây ngược lại cho người.

Thực tế, chúng ta hình dung rằng, con chó hay con mèo thì giống như các vật dụng khác trong nhà như cái bàn, cái tủ, đều có thể là bề mặt chứa các giọt bắn của con người khi hắt xì, nói chuyện. Nó cũng như một vật thể mang virus trên người với điều kiện khi tiếp xúc gần. Nhưng chưa chắc con thú này đã nhiễm bệnh và nó không thể là nguồn lây ngược lại cho người, điều này chưa có bằng chứng khẳng định.

3. Thú cưng có được xét nghiệm Coronavirus?

Cách xét nghiệm virus corona cho thú cưng như thế nào thưa BS?

TS.BS Thú y Nguyễn Văn Nghĩa trả lời: Trên người, virus SARS-CoV-2 được xét nghiệm bằng test nhanh hoặc RT-PCR. Còn Coronavirus trên động vật như chó, mèo thì cũng có những xét nghiệm riêng.

4. Gia đình nuôi thú cưng, khi về quê cần chuẩn bị gì?

Cách xử lý khi thú cưng bị dương tính với SARS-CoV-2? Có nên cách ly như người không thưa BS? Nếu gia đình có nuôi thú cưng mà về quê trong dịp này, chúng ta cần lưu ý gì ạ?

TS.BS Thú y Nguyễn Văn Nghĩa trả lời: Nếu trong nhà có người F0 thì cũng nên cách ly thú cưng, chúng ta không chạm, bồng, bế, ẵm, chơi đùa như thông thường. Như vậy sẽ hạn chế khả năng dính virus trên lông của thú cưng.

Thực tế, với những người nuôi thú cưng họ sẽ xem như một thành viên trong gia đình, như trong câu chuyện của ở Cà Mau. Về mặt khoa học, những con chó, con mèo này chưa chắc đã nhiễm Coronavirus, cần phải xét nghiệm mới biết chắc chắn để có hướng xử lý phù hợp. Còn nói về tình, thú cưng là một sinh vật sống, vì có tình cảm nên mới nuôi dưỡng như vậy.

Do đó, nếu chúng ta về quê có thể chuẩn bị kỹ hơn để không bị động, lên phương án cho cả người và thú cưng khi bị cách ly.

TS.BS Nguyễn Văn Nghĩa và những "vị khách 4 chân" đến với phòng khám thú y (trước đại dịch) - Ảnh tư liệu.

5. Mùa dịch cần lưu ý gì khi chăm sóc thú cưng?

Thưa BS, trong mùa dịch này, khi chăm sóc thú cưng chúng ta cần lưu ý gì để bảo vệ sức khỏe cho gia đình?

TS.BS Thú y Nguyễn Văn Nghĩa trả lời: Các nhà khoa học vẫn không ngừng nghỉ nghiên cứu về SARS-CoV-2, và COVID-19. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng xác định chó, mèo là nguồn lây cho người.

Nếu thú cưng có mắc Coronavirus của riêng mỗi loài thì cũng rất nhẹ, thoáng qua, chưa có con nào bệnh nặng và chết cả. Thật sự thì cũng không cần lo lắng quá nhiều về COVID-19 và động vật chúng ta nuôi.

Nhưng nhìn chung, nếu gia đình có trẻ em, người lớn tuổi, những người có hệ miễn dịch kém thì không chỉ riêng trong đại dịch COVID-19 mà khi cuộc sống đã quay trở lại bình thường mới hoặc bình thường thì cũng cần thực hiện 5K, vệ sinh sạch sẽ trước khi ăn, sau khi vuốt ve, chạm hoặc vui đùa với thú cưng… Chúng ta vẫn có thể cho thú cưng đi dạo, đi chơi bình thường.

6. Cần làm gì để bảo vệ thú cưng trong đại dịch COVID-19?

Trong đại dịch, khi con người phải bó chân ở trong nhà, thú cưng thực sự là người bạn, là chuyên gia tâm lý xoa dịu cho nhiều người. Vậy khi cuộc sống trở lại “bình thường mới”, chúng ta bắt buộc sống chung với COVID-19, cần làm gì để bảo vệ những người bạn nhỏ này?

TS.BS Thú y Nguyễn Văn Nghĩa trả lời: Chúng ta, cho dù cho được tiêm đủ liều vắc xin thì hiện nay vẫn cần tuân thủ nguyên tắc 5K, trong đó có đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2m. Như vậy, khi chúng ta ra ngoài và cho thú cưng đi dạo, đi chung thì cũng cần đảm bảo giữ khoảng cách với người khác, thú cưng khác, đừng quên đeo khẩu trang. Thời điểm này, cúng ta không nên đến nơi công động có nhiều người sinh hoạt hoặc thú cưng khác.

>>> TS.BS Thú y Nguyễn Văn Nghĩa: Chó mèo có thể nhiễm chủng virus Corona nào?

>>> TS.BS Thú y Nguyễn Văn Nghĩa tư vấn: Bảo vệ thú cưng nhà bạn trước bệnh dại

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X