Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương tư vấn: Đâu là phương pháp tìm Hp chuẩn nhất?

Làm thế nào để tìm ra vi khuẩn Hp? Những xét nghiệm cần làm? Ưu và khuyết điểm rao sao?... Những thắc mắc này sẽ được ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương -Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch giải đáp trong chương trình này.


NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Nhiều người bị viêm dạ dày điều trị không cải thiện thường được BS cho chỉ định tìm vi trùng Hp. Viêm dày với có mối liên quan như thế nào với vi trùng HP vậy ạ?

Hp là một loại vi khuẩn có tên khoa học là Helicobacter Pylori, sống trong dạ dày. Dạ dày vốn là nơi để chứa và tiêu hóa thức ăn nhưng loại vi khuẩn này lại “xây tổ uyên ương” trong này nên khiến người bệnh rất mệt mỏi.

Có nhiều vi khuẩn trong dạ dày, một số loại chỉ “ở ké” chứ không gây bệnh, nhưng số vi khuẩn này lại rất ít, đa số là những vi khuẩn đào bới, làm tổ trên thành dạ dày. Khoa học đã chứng minh, vi khuẩn Hp gây viêm loét dạ dày mạn tính, lâu dài làm cho tỷ lệ ung thư dạ dày cao hơn.

Viêm dạ dày do nhiều yếu tố gây nên: do vi khuẩn Hp, do ăn uống không điều độ, kiêng cữ, do căng thẳng, áp lực thậm chí thất tình, chia tay… cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động của dạ dày gây viêm dạ dày mạn tính.

Rượu bia thuốc lá cũng là nguyên nhân hàng đầu gây nên viêm dạ dày, những loại thuốc kháng viêm, giảm đau cũng gây nên bệnh.

Một trong những cách xử lý triệt để là phải bắt được con vi khuẩn đó, nên khi bệnh nhân viêm dạ dày, bác sĩ sẽ tiến hành tìm vi khuẩn Hp chứ không đợi bệnh tái phát mới giải quyết. Hiện tại chúng tôi nội soi tìm vi khuẩn một cách thường quy trong khâu chẩn đoán bệnh dạ dày.


2. Hiện nay có bao nhiêu phương pháp tìm HP, nhờ BS cho biết các phương pháp này có chỉ định/chống chỉ định khác nhau như thế nào, bao lâu thì có kết quả ạ?

Cách đơn giản nhất và hiệu quả nhất, khi bệnh nhân đau dạ dày đi nội soi thì bác sĩ sẽ dùng dụng cụ trích 1 phần nhỏ trong dạ dày, đem đi làm xét nghiệm Clo test, soi trên kính hiển vi tìm vi khuẩn Hp.

Hoặc một cách nhẹ nhàng hơn, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân test hơi thở, cho bệnh nhân uống 1 loại thuốc, khi uống vào sẽ làm bệnh nhân ợ hơi và phát hiện chất lạ, có vi khuẩn Hp thì bác sĩ sẽ phát hiện ra. Nhưng cách này bác sĩ không quan sát được thành dạ dày có bị tổn thương hay không.

Một cách khác, bệnh nhân sẽ được thử phân, tìm những chất do vi khuẩn Hp tiết ra chứ không tìm trực tiếp vi khuẩn. Nhưng cách này chỉ cho thấy sự tồn tại của vi khuẩn Hp trong dạ dày.

Cách phổ biến nhất được nhiều người sử dụng đó là thử máu nhưng cách này không chính xác tuyệt đối. Khi một người tiếp xúc với vi khuẩn Hp, cơ thể sẽ tiết ra 1 chất (kháng thể) nên khi xét nghiệm máu, phát hiện chất đó sẽ xác định người đó nhiễm vi khuẩn Hp. Nhưng chỉ có 60-70% người có phản ứng này. Những người còn lại, cơ thể sẽ không tiết ra kháng thể, khi thử máu sẽ không phát hiện được có bệnh hay không. Do đó, việc thử máu tìm Hp chỉ dùng để nghiên cứu chứ không dùng để chẩn đoán bệnh.


3. Trong các phương pháp BS vừa nêu thì phương pháp nào chính xác nhất? Vì sao những phương pháp còn lại có thể ít chính xác hơn?

Trong các phương pháp vừa nêu trên, 3 cách đầu: nội soi làm Clo test, test hơi thở, xét nghiệm phân cho kết quả chính xác, trong đó, nội soi dạ dày sẽ cho kết quả chính xác nhất. Còn thử máu không dùng để chẩn đoán Hp dạ dày mà đa số dùng trong nghiên cứu.


4. Trước khi xét nghiệm tìm vi trùng HP, người bệnh cần lưu ý điều gì, thưa BS?

Người bệnh cần chú ý rằng, vi khuẩn Hp thường hay lẩn trốn trong dạ dày, nếu muốn bắt được nó thì cần giữ cho môi trường trong dạ dày thuận lợi cho việc xét nghiệm thì kết quả mới chính xác.

Một số loại thuốc trị bệnh dạ dày, gọi là thuốc PPA, một số thuốc kháng sinh trị bệnh khác, thuốc Đông y làm thay đổi môi trường dạ dày làm cho xét nghiệm dạ dày không được chính xác. Do đó, bệnh nhân nên ngưng thuốc 4 tuần, ít nhất là 2 tuần trước khi làm xét nghiệm nhưng chỉ có một số loại thuốc bác sĩ khuyến cáo chứ không phải tất cả loại thuốc.


5. Xin BS chia sẻ về con đường lây truyền HP? Đường nào là phổ biến nhất ạ? Một số bạn đọc thắc mắc: hôn nhau có lây HP hay không, nhờ BS giải đáp?

Vi khuẩn Hp sống trong dạ dày nên sẽ lây qua đường phân, miệng. Hp ký sinh ở những môi trường bẩn, thức ăn không hợp vệ sinh nên khi con người vô tình ăn phải thì chúng sẽ ký sinh bên trong cơ thể, vô tình nhiễm vi khuẩn Hp.

Vi khuẩn Hp lây qua nước bọt nhưng không phải tuyệt đối vì đường tiêu hóa đi theo 1 chiều đi xuống, tuy nhiên trong nước bọt của người nhiễm Hp cũng có nồng độ vi khuẩn Hp ở mức độ thấp, chỉ người sức đề kháng kém mới bị lây. Trong dịch ợ hoặc nôn của người bệnh có thể chứa vi khuẩn. Do đó, khi ăn uống, gắp thức ăn có lẫn nước bọt của nhau có thể lây vi khuẩn Hp.

Trường hợp hôn nhau, hôn má thì không vấn đề, còn hôn môi thì cũng có nguy cơ nhiễm Hp nhưng tỷ lệ rất thấp. Đường lây nhiễm chủ yếu là ăn uống không hợp vệ sinh.

6. Theo BS, người Việt nên điều chỉnh thói quen ăn uống như thế nào để tránh lây nhiễm HP, bởi vì việc gắp thức ăn cho nhau thể hiện sự quan tâm, rất khó mà bỏ thói quen này ạ?

Nói chung điều này thuộc về văn hóa ăn uống. Ở các nước châu Âu luôn ăn 1 phần trong đĩa riêng sẽ an toàn hơn, hoặc như Nhật Bản mỗi người ăn phần của mình riêng trong khay. Còn ở Việt Nam có văn hóa ăn cơm chung mâm, chúng ta nên có 1 đôi đũa hoặc muỗng lấy đồ ăn riêng trên bàn ăn sẽ giảm tỷ lệ nhiễm vi khuẩn.

Nếu dùng dao hoặc kéo cắt khi phân chia thức ăn, tránh việc dùng đũa riêng để xắn, xé… món ăn cũng làm giảm tỷ lệ lây nhiễm bệnh. Nói chung, chúng ta chỉ cần thay đổi 1 hành động nhỏ nhưng không làm thay đổi văn hóa.


7. Một liệu trình điều trị HP thường kéo dài bao lâu, thưa BS? Sau khi điều trị thì bao lâu sẽ xét nghiệm lại?

Trong 1 liệu trình điều trị Hp, chúng tôi sẽ phối hợp 4 loại thuốc, kéo dài 2 tuần, thông thường thuốc sẽ có tác dụng phụ. Nói nôm na là “đánh lộn với vi khuẩn” bởi chúng rất mạnh, và sẽ bị tác dụng bởi một số loại kháng sinh nên người bệnh sẽ bị mệt mỏi, nôn mửa, đắng miệng ăn không ngon, tiêu chảy… mức độ tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi người.

Tuy nhiên, 2 tuần chỉ là tấn công vi khuẩn thôi, còn việc điều trị sẽ kéo dài 3-6 tháng. Sau khi điều trị giảm bớt triệu chứng, bệnh nhân sẽ ngưng điều trị 2 tuần, sau đó kiểm tra lại. Đối với bệnh nhân thuộc trường hợp cấp bách, ít nhất điều trị 1-2 tháng sau đó ngưng 2 tuần.

Sau khi kiểm tra đã hết vi khuẩn nhưng tổn thương trong dạ dày vẫn còn xấu thì bệnh nhân sẽ được uống thuốc điều trị viêm dạ dày lâu dài. Đặc biệt bệnh viêm dạ dày do nhiễm vi khuẩn Hp, viêm dạ dày mạn tính sẽ rất dễ tái phát.


8. Với người đã điều trị khỏi HP rồi, nguy cơ tái nhiễm có cao hay không ạ? Nếu nghi ngờ tái nhiễm thì nên kiểm tra bằng phương pháp nào?

Tỷ lệ tái nhiễm không cao, dưới 10% đặc biệt trẻ em và nam giới dễ bị tái nhiễm hơn nữ giới. Khi tái nhiễm, việc chẩn đoán cũng như lần đầu, nên có những người sẽ nội soi dạ dày nhiều lần. Việc điều trị như thế nào do bác sĩ quyết định, có khi phải dùng nhiều thuốc hơn.


9. Trường hợp xét nghiệm dương tính với HP nhưng không có triệu chứng gì cả thì có cần điều trị không, thưa BS?

Hiện nay, tất cả hội nghị khoa học trên toàn thế giới không khuyên người bị viêm loét dạ dày mà cả gia đình phải đi xét nghiệm. Tuy nhiên, khi người thân trong gia đình bị khối u ở dạ dày hoặc nhiễm Hp thì những người thân trong gia đình nên đi tầm soát.
Đối với thực tế ở Việt Nam, những người sống chung trong gia đình sẽ được điều trị song song để tránh tái nhiễm cho người đang bị bệnh. Đối với người cao tuổi, trên 45 tuổi sống chung thì sẽ được xét nghiệm đào sâu hơn nữa để tiên lượng có tiến triển đến ung thư dạ dày hay không.


10. Trẻ nhỏ có nên điều trị HP không ạ?

Hiện nay, tất cả Hiệp hội tiêu hóa và Hiệp hội Nhi khoa của châu Âu và Hoa Kỳ họp rất nhiều lần cho thấy không có chỉ định thường quy tìm Hp cho trẻ em để điều trị, vì điều này không có lợi. Việc điều trị Hp quá sớm có tốt cho trẻ em không thì ngay cả những nước đang phát triển vẫn chưa trả lời được.

Kể cả khi trẻ em có triệu chứng, việc xét nghiệm Hp vẫn chưa có khuyến cáo. Bởi vì với triệu chứng đau dạ dày ở trẻ, nghiên cứu cho thấy chỉ có 10-20% là do vi khuẩn Hp gây ra. Khi dạ dày bị tổn thương, loét hoặc viêm dạng nốt... thì triệu chứng đau là do Hp. Còn nếu dạ dày không bị tổn thương nặng nề thì triệu chứng đau không phải do Hp gây ra.

Khi điều trị Hp vừa tốn tiền, tốn thời gian, dễ kháng thuốc mà trẻ còn chịu tác dụng phụ, vi khuẩn Hp nằm sẵn trong dạ dày, dùng thuốc liều thấp không diệt được nó mà dùng liều cao đôi khi trẻ không chịu nổi.

Hơn nữa, dù cho trẻ em nhiễm Hp dạ dày thì đến 20 tuổi vẫn chưa thể gây ung thư dạ dày nên cha mẹ không cần phải vội vàng.

Do đó Hiệp hội Tiêu hóa và Hiệp hội Nhi khoa thống nhất không cần thử thường quy và không cần điều trị sớm cho trẻ em bị nhiễm Hp. Thậm chí khi trẻ có người thân ung thư dạ dày do nhiễm Hp cũng không khuyến cáo, cho đến khi trẻ được 30 - 40 tuổi mới đặt vấn đề này.
~~~~~~~~~
AloBacsi chân thành cảm ơn ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương đã giúp chúng ta hiểu rõ làm thế nào để tìm ra vi khuẩn Hp? Những xét nghiệm cần làm? Ưu và khuyết điểm rao sao?

Xin hẹn gặp lại bác sĩ ở buổi tư vấn tiếp theo!

 

Nếu có thắc mắc về sức khỏe, kính mời bạn đọc đặt câu hỏi và gửi về chương trình thông qua:

Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Hộp thư: tuvan@alobacsi.vn

Zalo: 08983 08983

Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của các buổi tư vấn trực tuyến qua số điện thoại: 08983 08983

Ngoài ra, quý bạn đọc có thể theo dõi nhiều buổi trò chuyện của các bác sĩ - chuyên gia, chia sẻ những thông tin thiết thực về việc bảo vệ sức khỏe tại kênh: AloBacsi - video.

Trân trọng!



Thực hiện: Hồng Nhung - Thanh Thủy
Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X