Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương: Trà sữa mang lại gì cho bạn?

Với hương vị ngọt mát, trà sữa luôn có sức hút đặc biệt trong những ngày nóng. Ngoài ra đây còn là đồ uống ưa thích của các bạn trẻ. Bên cạnh đó, còn một loại thức uống không kém phần thơm ngon là nước rau má mix. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đến những tác hại của chúng đối với sức khỏe. ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng đơn vị Tiêu hóa can thiệp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương sẽ chia sẻ về điều này. Mời bạn đọc đón xem.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng đơn vị Tiêu hóa can thiệp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Có thể nói, trà sữa đã tạo nên cơn sốt không chỉ với thanh thiếu niên mà cả những người trung niên cũng đang bị thức uống này quyến rũ. Tuy nhiên, có thông tin là một ly trà sữa trân châu chứa tổng cộng 500 Kcalo. Xin hỏi BS, chúng ta cần vận động như thế nào để có thể tiêu hao 500 Kcalo?

Trà sữa là món được thịnh hành trong 10 năm nay và và lên ngôi trong vòng 5-7 năm gần đây, là một món khá hấp dẫn, cũng giống như những món chè của Việt Nam. Trà sữa xuất phát từ Trung Hoa và Đài Loan. Món uống này cơ bản bao gồm trà, sữa và trân châu nên có tên là trà sữa. Mặc dù khi uống cảm thấy ngon nhưng đứng về phương diện khoa học thì khá là hại thân và vệ sinh thực phẩm là một điều đáng chú ý, tuy nhiên chúng ta không nên đổ lỗi cho thức uống này.

Hiện nay giới trẻ luôn chú ý đến ngoại hình như body chuẩn, vòng eo thon mới được coi là đẹp. Những người uống trà sữa muốn đạt được thân hình này thì thật là khó, vì trà sữa chứa 30-50% đường, lượng đường này đã cung cấp hơn 200Kcalo.

Mỗi ngày cơ thể cần 2000-2500Kcalo. Nguồn năng lượng đến từ chất bột đường, chất béo, chất đạm. Chất bột đường gồm những gì nhiều chất bột như xôi, phở, hủ tiếu, đường trong nước ngọt, trái cây. Theo khuyến cáo chất chứa bột đường chỉ nên bổ sung 50% thành phần calo quy ra tối đa khoảng 250g đường, ít hơn càng tốt; phần còn lại đến từ chất đạm chiếm 30-40% và phần nhỏ là chất béo. Tuy nhiên với Việt Nam là nước chưa thực sự phát triển nên thành phần bột đường vẫn chiếm 60-70% và vấn đề nghiêm trọng là chúng ta uống quá nhiều chất bột đường.

Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới, một ngày nên nạp chất bột đường không quá 60g đường, khi đó cơ thể đốt cháy quá nhiều lượng bột đường dẫn đến lão hóa. Vì vậy những người ăn ngọt thường mau già hơn, nên 1 ngày uống 1 ly trà sữa thì chúng ta đã dùng hết 50-60g đường, thậm chí có nhưng người uống 1 lúc 2 ly, chưa tính đến có thể gây tăng cân, sức khỏe khi đưa năng lượng từ chất bột đường vào cơ thể.

Nếu chỉ là một món bình thường khi tụ họp bạn bè thì 1 tuần uống 1-2 lần nhưng nếu ngày nào cũng uống thì dễ gây lão hóa.

Hạt trân châu bản chất là bột năng hoặc bột sắn, trà sữa ngon nhờ chân trâu. Nếu trân châu là một chất bột trơ, 1 hạt trân châu tạo ra 10-12Kcalo, một ly trà sữa chúng ta không đếm được có bao  nhiêu hạt trân châu. Không chỉ có trân châu, trà sữa còn có nhiều loại topping béo ngậy thì một ly trà sữa không còn giới hạn 300-400Kcalo nữa mà lên đến 500-600Kcalo và hoàn toàn không có chất dinh dưỡng, vì trong trà sữa chiếm 50% chất bột đường và 50% chất béo, nhiều năng lượng nhưng không có chất đạm, vitamin và chất xơ.

Nếu uống 1 ly trà sữa thập cẩm, bạn phải tập thể dục 1 giờ đồng hồ để khỏi bị béo phì, mỡ máu. Nhiều người thích nhẹ nhàng thì đi khiêu vũ bằng 1 đêm khiêu vũ, đương nhiên phải nhảy những điệu nhảy sôi động thì mới có tác dụng, bạn phải nhảy liên tục 2 giờ thì mới chuyển hóa hết năng lượng trong trà sữa.


2. Nếu uống 1 ly trà sữa, không ăn 1 chén cơm, có thể coi như bằng nhau không ạ? Thèm uống trà sữa mà vẫn mong giảm cân, phải làm sao thưa BS?

1 chén cơm đầy chứa 400-500Kcalo. Về lý thuyết là vẫn được nhưng nhịn cơm là cách không sinh lý, những bữa còn lại bạn nên bổ sung nhiều rau, thịt thì mới cân bằng được dinh dưỡng.

Cùng 1 ly trà sữa uống vào từng thời điểm thì lại khác nhau về mặt chuyển hóa chất. Lượng đường trong trà sữa gây hại thế nào còn tùy thuộc vào thời gian uống, nếu uống vào buổi sáng sớm thì ít hại hơn vào buổi đêm. Khi uống 1 ly trà sữa vào ban đêm, những chất đường, chất béo ít chuyển hóa, uống ban ngày thì chuyển hóa nhiều hơn. Nhưng đa số mọi người thường uống trà sữa vào buổi chiều và tối hơn vì thời điểm đó uống mới cảm thấy ngon.

Trà sữa hiện nay có đủ mùi, đủ hương vị nhưng không ai biết xuất xứ của những nguyên liệu làm ra loại thứ cuống thơm ngon này - Ảnh minh họa

3. Theo BS, vì sao người ta nói hạt trân châu không tốt cho sức khỏe?

Trân châu làm từ bột nên nói không tốt cho sức khỏe là không đúng nhưng vấn đề quan trọng là vệ sinh. Trân châu trong trà sữa được làm từ bột gì, liệu có lấy từ cao su tái chế không? Hay bột không rõ nguồn gốc do người bán muốn lợi nhuận cao, giá cạnh tranh, gọi là nhà làm nhưng không biết nguồn gốc ở đâu?

Bên cạnh đó những loại bột rất dễ bị ẩm mốc, đặc biệt có một loại nấm mốc gọi là aflatoxin, khi ăn vào sẽ không gây tử vong ngay và loại nấm này khi nấu chín cũng không tiêu diệt được, sẽ tích lũy theo thời gian lâu ngày là yếu tố gây ung thư gan. Tùy theo cơ địa mỗi người và độ nhiễm như thế nào, có những người ăn vào không bệnh và ngược lại.

Do đó chất lượng bột để sản xuất trân châu rất quan trọng, ngoài ra khi mua trân châu về, người ta phải ngâm nước rồi mới đưa ra chế biến, khi bảo quản vẫn có tiềm ẩn bị nhiễm mốc, khi đã mốc rồi thì rửa sạch hay nấu chín cũng không diệt được nấm mốc, điều này rất nguy hiểm.


4. Vậy còn thành phần hương liệu trong trà sữa, để có hương vị thơm ngon. Nếu dùng thường xuyên trong thời gian dài thì có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe ạ?

Nếu trà đúng chuẩn từ trà xanh, trà ô long thì không có gì đáng lo ngại. Hiện nay là thời đại 4.0 là thời đại của hóa học lên ngôi, món gì cũng có hương liệu mà hương liệu rất rẻ. Như vậy những lọa hương liệu có mùi trà kết hợp với nước thành nươc trà, việc này không kiểm soát được liều lượng nên không được bào đảm rất dễ gây ung thư.

Thật ra hương liệu theo danh mục thực phẩm của Hiệp hội bảo vệ người dùng có phân chia rõ những loại nào được dùng. Đối với những loại trà sữa nhà làm hay không có nguồn gốc thì có thể hương liệu vượt ngưỡng hoặc không được kiểm định, nếu uống thường xuyên coi như chúng ta đang tẩm ướp hóa chất vào cơ thể.


5. Theo BS, việc pha trà chung với sữa có sự tương tác hay chuyển hóa như thế nào, có lợi hay hại cho sức khỏe?

Trà xanh là chất chống oxy hóa, giúp trẻ hóa làn da là chuyện của nhiều năm trước, nếu uống thường xuyên thì tốt cho sức khỏe.

Trà và sữa kết hợp tuy không thấy hại nhưng cũng không có lợi. Trong sữa có chất đạm gọi là casein, chất này gặp trà sẽ có phản ứng kết tủa, điều này làm giảm nồng độ chất chống oxy hóa mà khoa học đã chứng minh.

Theo nghiên cứu những người uống trà sẽ thu được chất chống oxy hóa còn những người uống trà sữa, nồng độ oxy hóa giảm đáng kể, đương nhiên không có hại nhưng trà sữa làm mất đi tác dụng chống oxy hóa của trà.

Ngoài ra uống trà không phải lúc nào cũng tốt, những người bị thiếu máu không nên uống trà, những người bình thường uống một lượng trà quá nhiều mỗi ngày cũng gây nên khó hấp thu chất trong cơ thể.

Bên cạnh đó, sữa cũng chưa chắc đã tốt, ở đây sữa chỉ tăng độ béo, thơm cho món trà sữa. Bột sữa này các hàng quán mua chưa chắc đảm bảo vệ sinh, chủ yếu là bột sữa cống nghiệp chứa rất nhiều transfat - chất béo bão hòa. Tổ chức Y tế từ năm 2003 đã đưa lên khuyến cáo, một người 1 ngày không nên tiêu thụ chất béo bão hòa, ngưỡng chấp nhận được là dưới 1%, tức là không có càng tốt. Chất này có từ bơ thực vật, mỡ thực vật, bột sữa làm cho thức ăn có mùi thơm ngon như những món fast-food. Chất béo bão hòa có hại như tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, phá vỡ thành mạch máu hay xơ cứng động mạch, tăng đường trong máu dễ gây nguy cơ đái tháo đường, ảnh hưởng đến mạch máu não dễ gây vấn đề về thần kinh như lo âu, mất trí nhớ nhưng không gây ung thư. Bên cạnh đó transfat cũng làm rối loạn nội tiết tố.


6. Bên cạnh trà sữa, các món rau má mix (rau má pha) như rau má sinh tố bơ, trà rau má kem đậu xanh, rau má mix các loại thạch cũng đang lên ngôi. Theo BS, rau má có công dụng như thế nào với sức khỏe?

Rau má chứa 80-85% thành phần là nước, một số ít là chất sắt, đường, tạo năng lượng rất ít. 1 ly rau má đầy chỉ chứa 20Kcalo chỉ bằng 2 hạt trân châu. Cục quản lý dược ở Mỹ khuyên bạn nên xem rau má là một thảo dược chứ không phải một loại thức ăn.

Theo sách Đông y, rau má có thuộc tính hàn và có một số tác dụng rất tốt và đã được khoa học cứng minh: có tác dụng cầm máu, giãn mạch cho máu huyết lưu thông, chữa nóng trong người nhờ tính hàn, chữa táo bón, khó tiêu tiểu. Theo Tây y, rau má có tính lợi tiểu, nhuận trường chống táo bón, giúp tái tạo collagen là cho da đẹp hơn, tránh tình trạng lão hóa.

Rau má phải được xay trực tiếp, không pha thêm nước. Nước rau má có tác dụng rất chậm vì y học phương đông thường “lấy nhu thắng cương”, đó là triết học của phương đông, bạn cũng đừng mong những bài thuốc từ những loại lá cây có hiệu quả nhanh thấy rõ. Bên cạnh đó, rau má không phải lúc nào cũng tốt.

- Nếu mang thai uống nước rau má sẽ gây co bóp tử cung dễ sảy thai.

- Những người muốn có con cũng không nên dùng vì rau má gây co bóp tử cung gây khó thụ thai.

- Rau má nếu dùng liều cao có tác dụng an thần, lưu ý khi uống chung với thuốc Tây y dễ gây buồn ngủ

- Rau má có tính hàn nhưng dễ làm tăng men gan, nhất là khi uống rau má chung với những loại thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, hạ sốt, giảm viêm.

Rau má mix - một loại thức uống thơm ngon không kém trà sữa - Ảnh minh họa

7. Bình thường rau má sau khi xay thì nên uống trong thời gian là bao lâu, thưa BS? Nếu xay xong không uống ngay mà cất giữ trong tủ lạnh thì tối đa là bao lâu? Nếu để quá thời gian này chúng ta mới uống thì sẽ có ảnh hưởng thế nào ạ?

Để rau, trái cây đạt được những chất không bị biến đổi chất thì trong vòng 1-2g nên dùng hết, không nên để trữ lạnh nhiều. Chúng ta cũng nên bỏ quan niệm uống nước ép không thua gì ăn trái cây và rau, về mặt y học thì điều này không đúng.

Nhiều người cho rằng uống nước ép cũng đủ chất như ăn trái cây, rau nhưng điều đó là sai lầm vì chất quan trọng nhất trong rau và trái cây là chất xơ, là chất rất tốt cho đường tiêu hóa, ngừa ung thư ruột.

Bên cạnh đó nước ép không có một số vitamin và khoáng chất, bởi vì khi ép không lấy ra được những chất này. Khi ép cũng làm biến đổi về mặt vật lý, làm đứt gãy một số chất, không còn đầy đủ nữa, vitamin để lâu cũng sẽ bị oxy hóa trong môi trường.


8. Vậy theo BS, nếu đã là “tín đồ” rau má mix thì một tuần chúng ta có thể uống mấy ly, uống vào buổi nào, sau khi uống nên làm gì… để đảm bảo an toàn cho sức khỏe?

Hội nghiên cứu về ung thư của Mỹ cũng như Cục quản lý dược và thực phẩm của Mỹ khuyến cáo không phải thứ gì dùng nhiều cũng tốt, 1 ngày chúng ta chỉ nên uống 1 ly, nên uống nguyên chất có thể pha thêm đường, sữa để uống nhưng không nên uống nhiều. Đặc biệt rau má không nên uống kéo dài 4-6 tuần, có thể gây rối loạn đường tiêu hóa, tiêu chảy; có thể ảnh hưởng sinh lý gây ra 1 số vấn đề về da.

Khi rau má mix với một số loại như sữa, dừa, kem, phô mai tạo ra vị ngon hơn nhưng về mặt y học, cả Tây y và Đông y đều chứng minh điều này làm kích thích đường ruột. Nhưng người có vấn đề về tiêu hóa sử dụng sẽ làm tăng gánh nặng đường tiêu hóa và dễ gây bệnh. Tuy rau má không tạo dinh dưỡng nhưng những món mix cùng chắc chắn sẽ tạo ra năng lượng, có thể từ đường, chất béo… không có lợi nhưng thỉnh thoảng uống 1 ly thì vẫn được.

Chúng ta không nên uống rau má vào buổi chiều, có thể uống buổi trưa hoặc sáng vì rau má có tính giải nhiệt. Theo sinh lý của con người, lúc cần giải nhiệt cao nhất là sau 10g trưa đến 16-17g chiều nên chúng ta uống trong khoảng thời gian 9g-15g trong ngày.

~~~~~~~~
Hy vọng qua những chia sẻ của ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng đơn vị Tiêu hóa can thiệp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương sẽ giúp quý vị có kiến thức hơn về thức uống yêu thích của mình. Thay mặt bạn đọc, xin chân thành cảm ơn bác sĩ!.

Nếu có thắc mắc về sức khỏe, kính mời bạn đọc đặt câu hỏi và gửi về chương trình thông qua:

Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Hộp thư: tuvan@alobacsi.vn

Zalo: 08983 08983

Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của các buổi tư vấn trực tuyến qua số điện thoại: 08983 08983
Ngoài ra, quý bạn đọc có thể theo dõi nhiều buổi trò chuyện của các bác sĩ - chuyên gia, chia sẻ những thông tin thiết thực về việc bảo vệ sức khỏe tại kênh: AloBacsi - video.

Trân trọng!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X