Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương cảnh báo: Mối nguy từ ly giữ nhiệt giá rẻ

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng đơn vị Tiêu hóa can thiệp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Giảng viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, một số sản phẩm giữ nhiệt dùng hợp chất có amiang cực độc, là kẻ thù của cơ thể, nó tấn công lá phổi của chúng ta gây bụi phổi và xơ cứng phổi, nguy cơ ung thư phổi rất cao.

1. Ly giữ nhiệt, bình giữ nhiệt giá rẻ bán tràn lan từ trang mạng đến vỉa hè đang khiến nhiều người đặt nghi vấn về chất lượng sản phẩm. Xin hỏi BS, nếu các sản phẩm này làm từ inox kém chất lượng thì sẽ nguy hại thế nào cho người sử dụng?

Ly giữ nhiệt chắc chắn làm từ inox. Inox có nhiều loại, loại tốt nhất là inox 304, dùng trong ngành thực phẩm, ít có thôi nhiễm những loại kim loại khác như mangan, sắt, chì...

Inox thực ra là sắt và hợp kim của sắt, inox 304 dùng để chế biến những đồ đựng thực phẩm, trang thiết bị y tế để không gây hại cho sức khỏe. Inox 304 là loại mắc nhất, ngoài ra còn có những loại inox 401, 201, 202... có thôi nhiễm và chứa nhiều tạp chất, dùng trong công nghiệp gia dụng, sản xuất những mặt hàng như bàn ghế, trang thiết bị máy móc... Những loại mặt hàng giả nhãn mác đương nhiên không phải dùng loại inox tốt.

Một số sản phẩm giữ nhiệt còn dùng hợp chất có amiang cực độc, là kẻ thù của cơ thể, nó tấn công lá phổi của chúng ta gây bụi phổi và xơ cứng phổi, nguy cơ ung thư phổi rất cao. Hợp chất amiang giữ nhiệt rất tốt nên người ta thường pha vào để sản xuất mái lợp nhà.

2. Theo BS, nếu bình giữ nhiệt có những dấu hiệu nào thì cần phải thay ngay lập tức?

Về lý thuyết, inox không bị oxy hóa, nếu dùng bình giữu nhiệt mà thấy mặt trong bị trầy xước nhiều thì chúng ta nên thay, vì đó có thể là ổ bám vi khuẩn. Bên cạnh đó khi đựng nước là môi trường gây những phản ứng hóa học, có thể bị thôi nhiễm kim loại.

3. Vậy làm sao để chọn được một chiếc bình giữ nhiệt tốt, an toàn, thưa BS?

Bằng mắt thường không thể nào phân biệt được, nhưng inox loại tốt thường không hút nam châm, nếu hút nam châm thì bình giữ nhiệt đó có pha kim loại khác. Còn về amiang không thử được bằng phương pháp trên.

4. Với những sản phẩm khác như nồi inox, muỗng inox, phin cà phê… làm cách nào để người mua nhận biết được sản phẩm đó là inox có chất lượng tốt, nhờ BS hướng dẫn?

Chúng ta nên mua những sản phẩm có mã vạch để nhận biết hãng sản xuất, lô sản xuất..., những thương hiệu đã được kiểm chứng, nên mua trong cửa hàng, siêu thị vì những nơi này bán sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, mặc dù giá hơi mắc hơn một chút.

5. Liên quan đến chủ đề này, xin hỏi thêm BS là bình đựng nước bằng thủy tinh và bằng gốm liệu có phải là an toàn nhất chưa ạ?

Bình đựng nước bằng thủy tinh tương đối an toàn cũng như gốm nếu làm bằng thạch cao sạch thì an toàn. Đôi khi gốm sứ tráng men, hoa văn không đúng chuẩn cũng gây hại. Nên ưu tiên dùng bình thủy tinh hơn.

Bình giữ nhiệt kỵ những chất có tính axit nhiều, đặc biệt là những bình giữ nhiệt đã cũ, có những vết nứt, xước mà mắt thường không thấy được. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

6. Những thức uống đựng trong ly giữ nhiệt tối đa là bao lâu thì còn dùng được? Nếu để qua đêm, vẫn còn lạnh thì có còn sử dụng được không ạ?

Nếu để đựng nước lạnh thì không thành vấn đề, quan trọng là chúng ta đựng gì trong bình giữ nhiệt. Bình giữ nhiệt kỵ những chất có tính axit nhiều, đặc biệt là những bình giữ nhiệt đã cũ, có những vết nứt, xước mà mắt thường không thấy được, nên dùng 1-2 năm và thay bình mới vì những vết nứt sẽ tác dụng với những hợp chất kim loại tạo ra chất không tốt nên chúng ta không nên sử dụng quá lâu.

Chúng ta không nên lạm dụng bình giữ nhiệt, nên ưu tiên giữ lạnh và đựng nước, không nên để qua đêm vì phản ứng hóa học sẽ nhiều hơn, có thể gây ngộ độc.

7. Liệu có dấu hiệu, triệu chứng nào cảnh báo cơ thể đang bị nhiễm độc kim loại nặng từ các vật dụng tiếp xúc hằng ngày không ạ?

Để nhận biết nhiễm kim loại nặng rất khó vì nó tấn công từ từ, nguy hiểm nhất là nhiễm độc chì với triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa, thiếu máu, đen răng, đau đầu... Đôi khi có những người không có triệu chứng, có những người bị loãng xương mà không tìm ra nguyên nhân. Hiện tại chỉ mới xác định được nhiễm độc chì, sắt và đồng còn những chất khác rất khó xác định.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X