Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS.CK2 Lê Minh Tú tư vấn bệnh tim mạch

Đau thắt ngực, khó thở có phải là biểu hiện bệnh tim? khi nào đeo máy theo dõi nhịp tim 24 giờ? Brugada là bệnh gì? Hở van tim 2 lá có trị khỏi không… là những câu hỏi tim mạch được ThS.BS.CK2 Lê Minh Tú giải đáp.

Đau thắt ngực, khó thở có phải là biểu hiện bệnh tim? Đeo máy theo dõi nhịp tim 24 giờ thế nào là đúng cách? Bệnh Brugada là bệnh gì? Bệnh hở van tim 2 lá có trị khỏi không… là những câu hỏi thường gặp về bệnh tim mạch.

Nếu bạn hay người thân đang có vấn đề liên quan đến tim mạch, bạn có thể gửi câu hỏi đến Kênh thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn để được ThS.BS.CK2 Lê Minh Tú - Trưởng khoa Hồi sức tim mạch, BV Nhân dân 115 giải đáp trong buổi tư vấn trực tuyến chiều thứ 5 tuần này.

Chương trình được phối hợp thực hiện bởi Kênh thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn và Bệnh viện Nhân dân 115.
tư vấn bệnh tim mạch
NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN
FB Emgai X.
Chào BS,

Cho em hỏi bệnh hở van tim 2 lá có trị khỏi không ạ? Tại có người nói chỉ uống thuốc giảm đau thôi chứ không trị khỏi được ạ. Mong BS tư vấn giúp em.
ThS.BS.CK2 Lê Minh Tú
Chào bạn,
Bệnh hở van tim 2 lá cần có BS chuyên khoa tim mạch theo dõi định kỳ, VD: 6-12 tháng khám BS ck tim mạch và siêu âm tim 1 lần để quyết định xem bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật hay chưa. Chẳng hạn, tim bị giãn hay có dấu hiệu và/hoặc triệu chứng suy tim là có chỉ định phẫu thuật.
Phẫu thuật bao gồm: sửa/thay van tim tùy nguyên nhân hở van tim và đánh giá của BS phẫu thuật. Trong thời gian theo dõi chỉ định phẫu thuật, bệnh nhân hở van tim 2 lá thường không cần uống thuốc gì để điều trị bệnh tim. Chỉ uống thuốc tim mạch trong trường hợp bệnh nhân bị suy tim mà đang chờ phẫu thuật.
Bệnh hở van tim 2 lá đa số trường hợp không gây đau ngực, trừ nguyên nhân hở van 2 lá do sa van 2 lá thì có thể gây đau ngực hoặc khi bệnh nhân bị rối loạn nhịp (VD: rung nhĩ).
Hiếu Nghĩa - Cần Thơ
Chào BS,

Cho em hỏi, ông xã em bị bệnh Brugada là bệnh gì? BS ở đây kêu đi thành phố khám lại xem có phải bệnh đó không. Nếu là bệnh đó thì nó có ảnh hưởng sức khỏe nhiều lắm không và điều trị thế nào mới hết? Cám ơn BS!
ThS.BS.CK2 Lê Minh Tú
Chào Hiếu Nghĩa,
Brugada là một rối loạn do di truyền, nam thường gặp nhiều hơn nữ, tuổi trung bình phát hiện Brugada khoảng 40 tuổi.
Brugada có thể chỉ biểu hiện ở điện tim mà không kèm triệu chứng gì khác (VD: ngưng tim cứu sống được, ngất do rối loạn nhịp thất nhanh), trường hợp này thường không cần điều trị gì cụ thể. Trường hợp ngoại lệ: bệnh nhân có tiền sử gia đình bị đột tử tim nghĩ nhiều có liên quan đến Brugada.
Nếu bệnh nhân có điện tim Brugada kèm một trong các biểu hiện sau: ngưng tim cứu sống được, nhịp nhanh thất dai dẳng, ngất nghĩ do rối loạn nhịp nhanh thất, tiền sử gia đình có người đột tử nghĩ do Brugada. Trường hợp này phải nhập viện để BS xem xét đặt máy khử rung thất để ngừa đột tử.
Nếu bệnh nhân có chỉ định đặt máy khử rung mà từ chối, hoặc bệnh nhân lớn tuổi có nhiều bệnh phối hợp, hoặc khả năng sống sót ngắn quá (VD: dưới 1 năm) thì có thể uống thuốc theo chỉ định của BS.
Bệnh nhân đặt máy khử rung xong vẫn có thể phải uống thêm thuốc chống rối loạn nhịp thất theo chỉ định của BS.
Anh chị em ruột của bệnh nhân có hội chứng Brugada cần khám BS ck tim mạch để tầm soát bệnh này vì có liên quan đến yếu tố di truyền.


Galaxy - Lâm Đồng
Thưa BS Tú,

Mẹ của em 58 tuổi, làm nông, xưa giờ thỉnh thoảng bị ngất. Mẹ em đã khám tổng quát thì mọi kết quả bình thường.

Sau đó khám ở khoa Tim mạch tổng quát BV Nhân Dân 115, BS cho đeo máy theo dõi nhịp tim 24h, kết luận là rối loạn nhịp ban đêm, cho thuốc về uống.

Em có thắc mắc là lúc ở nhà mẹ em toàn ngất ban ngày, mà kết quả đo ra rối loạn nhịp ban đêm. Hôm đeo máy, do trời Sài Gòn nóng (mẹ em ở Lâm Đồng quen trời mát) nên mẹ em ở trong khách sạn từ sáng tới tối, ít vận động, không giống như sinh hoạt hằng ngày ở nhà. Như vậy có làm ảnh hưởng đến kết quả nhịp tim 24h hay không?

Mong BS tư vấn thêm về chế độ ăn uống, sinh hoạt cho mẹ em. Em cám ơn BS rất nhiều ạ!
ThS.BS.CK2 Lê Minh Tú
Chào bạn,
Mẹ bạn theo dõi nhịp tim 24h, kết luận rối loạn nhịp ban đêm (không biết loại rối loạn nhịp gì, nhịp nhĩ hay nhịp thất…) mặc dù mẹ bạn bị ngất ban ngày, điều này có nghĩa là tình trạng ngất của mẹ bạn có thể không liên quan gì đến rối loạn nhịp tim được ghi nhận này, hoặc là mẹ bạn đang bị rối loạn nhịp tim nhưng do ban đêm mẹ bạn đang nằm cho nên tình trạng thiếu máu não không đủ để gây ngất.
Đo điện tim 24h không phải lúc nào cũng phát hiện được rối loạn nhịp tim vì trong khoảng thời gian này bệnh nhân có thể không xuất hiện rối loạn nhịp, đặc biệt là các bệnh nhân thỉnh thoảng mới bị ngất do rối loạn nhịp. Nếu BS vẫn nghi ngờ nhiều ngất liên quan đến rối loạn nhịp tim thì có thể cho bệnh nhân theo dõi điện tim liên tục lâu hơn (Ví dụ: 72h) hoặc nhập viện để khảo sát điện sinh lý tim.
Trường hợp mẹ bạn có thể phải nhập viện để làm nghiệm pháp bàn nghiêng để xác định nguyên nhân ngất do thần kinh tim là nguyên nhân thường gặp ở bệnh nhân không có bệnh tim cấu trúc hoặc rối loạn nhịp tim quan trọng.
Một số loại rối loạn nhịp tim có thể liên quan đến tình trạng gắng sức (Ví dụ: nhịp nhanh thất liên quan đến gắng sức).
Không biết mẹ bạn có yếu tố nguy cơ tim mạch gì khác hay không? Ví dụ: cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu… tùy yếu tố bệnh tim mạch mà mẹ bạn đang có, BS sẽ tư vấn chế độ ăn và lối sống để giảm thiểu nguy cơ biến cố tim mạch (Ví dụ: nhồi máu cơ tim cấp,...)
Vì mẹ bạn thỉnh thoảng bị ngất ban ngày, tình trạng ngất này có thể gây nguy hiểm như: té ngã gây chấn thương cho nên cẩn thận, không nên điều khiển xe máy hay vận hàng máy móc.
BS khuyên mẹ bạn khi cảm thấy muốn ngất thì nên nằm xuống ngay, nằm đầu thấp, động tác này sẽ hạn chế tối đa tình trạng thiếu máu não do rối loạn nhịp tim gây ra. Do đó có thể ngừa được ngất xảy ra.
FB Hiếu L.
Em có thắc mắc này muốn hỏi BS ạ

Cách đây mấy năm trước em hay bị khó thở, thở phải lấy hơi lên. Và lâu lâu tim nó đau lên. Sau đó 1 thời gian không thấy tái phát lại. Thời gian mới đây lâu lâu em bị lại.

Cách đây vài tuần em có đi khám sức khỏe, BS bảo là tim em đập hơi nhanh. Em khám ở BV quận 5.

Em muốn BS tư vấn dùm là tiếp theo em cần làm những xét nghiệm gì để tìm ra bệnh của em? Và tim đập nhanh điều trị có hết được không? Em cảm ơn BS rất nhiều!
ThS.BS.CK2 Lê Minh Tú
Chào bạn Hiếu,
Nếu bạn cảm thấy tim đập hơi nhanh, bạn nên đi khám BS chuyên khoa tim mạch để xác định xem bản chất tim đập nhanh của bạn là gì (Ví dụ: nhịp nhanh nhĩ, nhịp nhanh thất, nhịp nhanh xoang…) tùy loại rối loạn nhịp nhanh mà BS sẽ quyết định xét nghiệm gì để tìm nguyên nhân (Ví dụ: xét nghiệm chức năng tuyến giáp nếu đo điện tim xác định được loại rối loạn nhịp của bạn là rung nhĩ,…).
Nếu xác định được loại rối loạn nhịp và nguyên nhân thì tình trạng tim đập nhanh có thể điều trị khỏi được. Ví dụ: điều trị cường giáp có thể chữa khỏi rối loạn nhịp rung nhĩ.
Như trình bày của bạn, có thể bạn chỉ bị nhịp nhanh xoang, là hiện tượng sinh lý bình thường xảy ra khi gắng sức. Một số thuốc có thể có tác dụng phụ gây nhịp tim nhanh, do đó cần tư vấn BS trước khi sử dụng thuốc. Stress về tâm lý - tình cảm, bệnh nhiễm trùng,… cũng có thể gây nhịp xoang nhanh. Đa số trường hợp nhịp nhanh xoang đều có nguyên nhân và dễ dàng xác định được nếu tìm hiểu kỹ lưỡng.
e
FB L. Huyền
Thưa BS,

Em bị bệnh tim hở van 2 lá độ một và bị thông liên thất phần màng.

Dạo này sức khỏe em vẫn bình thường nhưng nhịp tim thất thường, hay đập ngắt quãng vào lúc nghỉ ngơi. Nằm ngủ cũng bị nhưng đổi tư thế thì đỡ hơn.

Em muốn hỏi giờ em phải làm sao ạ?
ThS.BS.CK2 Lê Minh Tú
Huyền thân mến,
Bạn cần khám BS chuyên khoa tim mạch để xác định chính xác mức độ hở van 2 lá và độ nặng của thông liên thất phần màng (Ví dụ: đường kính lỗ thông bao nhiêu mm, có biến chứng suy tim hoặc tăng áp động mạch phổi hay chưa, có hở van động mạch chủ hay không). Đo điện tim để xác định bản chất của nhịp tim bất thường là gì.
Sau khi đánh giá toàn diện về tình trạng bệnh của bạn, BS sẽ xem xét phương pháp điều trị rối loạn nhịp và phẫu thuật hoặc thủ thuật để đóng lỗ thông liên thất nếu có chỉ định.
FB Nguyen Quoc T.
Dạ cho em hỏi,

Mẹ của em 59 tuổi, hiện giờ đang bị hẹp van tim, kết quả khám bệnh BS ghi: theo dõi bệnh van tim hậu thấp:

- Hẹp trung bình -> khít van 2 lá + hở van 2 lá trung bình

- Hở van động mạch chủ nhẹ

- Tăng áp động mạch phổi PAPs=45mmHg

- Giãn nhĩ trái

- Chức năng tâm thu thất trái EF=52%

Không biết như vậy mẹ em có nên mổ hay không cũng như chế độ ăn uống như thế nào? Xin bệnh viện chỉ giúp ạ.
ThS.BS.CK2 Lê Minh Tú
Chào bạn,
Tình trạng bệnh của mẹ bạn theo trình bày là có chỉ định phẫu thuật (Ví dụ: khả năng co bóp của cơ tim đã suy giảm, tăng áp động mạch phổi rõ), do đó bạn nên sắp xếp cho mẹ bạn nhập viện để BS chuyên khoa đánh giá kỹ lưỡng và làm thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng trước khi tiến hành phẫu thuật thay van 2 lá cho mẹ bạn.
Về chế độ ăn uống, mẹ bạn nên hạn chế muối, mức độ hạn chế như thế nào tùy thuộc BS điều trị đánh giá mức độ suy tim của mẹ bạn.
FB Vũ H.
Chào BS,

Dạo gần đây em cứ thấy tim đập nhanh, hồi hộp liên tục. Em có đi Viện tim TPHCM kiểm tra nhưng kêt quả điện tim, siêu âm và xét nghiệm thì không sao.

Nhưng hiện tại em thấy tim mình cứ đập nhanh, hồi hộp khó chịu.Vậy BS cho em hỏi tình trạng của em là sao với ạ? Có phải rối loạn nhịp tim không ạ?

BS làm ơn tư vấn giúp em với ạ!
ThS.BS.CK2 Lê Minh Tú
Chào bạn,
Bạn thấy tim đập nhanh, hồi hộp liên tục nhưng kết quả điện tim thì không sao, có thể là lúc bạn đo điện tim thì bạn không bị rối loạn nhịp tim, cho nên không phát hiện rối loạn nhịp tim được.
Do đó bạn cần khám BS chuyên khoa tim mạch để BS cho chỉ định đo điện tim liên tục 24- 72h thì hi vọng khả năng phát hiện rối loạn nhịp tim của bạn cao hơn.
Tim đập nhanh, hồi hộp có thể chỉ là nhịp nhanh xoang do một hoặc phối hợp một vài nguyên nhân nào đó hay có thể là một rối loạn nhịp tim khác cần phải đo điện tim liên tục, đặc biệt là đo điện tim trong lúc có triệu chứng tim đập nhanh, hồi hộp (đo điện tim trong cơn) thì có thể phát hiện được loại rối loạn nhịp tim cần biết.
Một số trường hợp cần phải nhập viện để khảo sát điện sinh lý thì mới có thể xác định được loại rối loạn nhịp tim.

Ngọc Nga - Đắc Nông
Chào BS,
Mẹ tôi vừa mới phẫu thuật thay van tim, hiện đã xuất viện về nhà. BS có dặn là phải kiêng ăn rau xanh, có ăn thì ăn ít thôi. Nhưng mấy bữa nay mẹ tôi đi cầu hơi khó, chắc là  mẹ tôi bị táo bón.

Mong BS tư vấn giúp, trường hợp mẹ tôi nên ăn uống thế nào để tránh bị táo bón ạ? Cảm ơn BS!
ThS.BS.CK2 Lê Minh Tú
Ngọc Nga thân mến,
Rau xanh có chứa nhiều vitamin K, do đó nó làm giảm tác dụng của thuốc chống đông máu mà mẹ bạn đang uống sau phẫu thuật thay van tim. Do đó, lượng rau ăn mỗi ngày không nên thay đổi đột ngột (lúc nhiều quá, lúc ít quá) vì nó sẽ làm thay đổi đáng kể tác dụng chống đông máu của thuốc.
Điều quan trọng nhất là mẹ bạn phải được xét nghiệm định kỳ về chức năng đông máu (Ví dụ: INR) theo chỉ định của BS điều trị để BS điều chỉnh thuốc nếu cần và tư vấn về chế độ ăn thích hợp.
Một số thức ăn và cách sinh hoạt hằng ngày có thể giúp tránh táo bón như: uống đủ nước (2- 3 lít mỗi ngày, tùy tình trạng vận động nhiều hay ít, nhiệt độ môi trường cao hay thấp), vận động thường xuyên (đi bộ, tránh nằm tại chỗ lâu quá), một số thức ăn như khoai lang, bắp, đu đủ chín (nói chung là thức ăn có nhiều chất xơ) cũng giúp ngừa táo bón hiệu quả.
Một số thuốc điều trị cũng có thể có tác dụng phụ gây táo bón, do đó cần tư vấn BS trước khi sử dụng.
Nguyen Thi Minh Tam - tam78...@gmail.com
BS ơi,

Con trai tôi 4 tháng 5 ngày bị thông liên thất phần màng 8mm, cao áp phổi 74mmHg, xin hỏi có thể tự đóng không BS?
ThS.BS.CK2 Lê Minh Tú
Minh Tâm thân mến,
Bạn nên đưa bé đến khám BS chuyên khoa tim mạch nhi để xác định chẩn đoán và quyết định điều trị.
Đinh Công Trà - dinhcong...@gmail.com
Thưa BS,

Em mỗi khi vận động mạnh là tim em bắt đầu đập nhanh, thắt lại. BS cho em hỏi em bị làm sao ạ?
ThS.BS.CK2 Lê Minh Tú
Chào Công Trà,
Khi vận động mạnh, tim bạn đập nhanh, có cảm giác đau thắt ngực là hiện tượng sinh lý bình thường. Vì khi vận động mạnh, hoạt động của hệ thần kinh giao cảm sẽ tăng lên, làm cho tim đập nhanh hơn và co bóp mạnh hơn.
Bạn nên tập luyện với cường độ từ thấp tăng dần để cho cơ thể thích nghi dần với tình trạng vận động. Hi vọng sau một thời gian kiên trì tập luyện, các triệu chứng của bạn sẽ giảm dần và biến mất.

Duong Lam - Hà Nội
Chào BS,

Tôi 45 tuổi, là nam giới, làm việc văn phòng cũng hơi căng thẳng. Tôi không nghiện rượu bia, không thuốc lá. 1 năm trước có phải phẫu thuật cắt nang dưới nhện tại BV Việt Đức, tới nay đã tương đối ổn định.

Tôi có biểu hiện tăng mỡ máu Triglyceride từ 3 năm nay, mấy năm trước, từ 3,5 mmol/L năm ngoái kiểm tra thấy tăng lên 4,6.

Bạn bè thì nói mỡ máu bây giờ ai cũng bị, vả lại BS khám cũng không cảnh báo là nghiêm trọng lắm nên tôi cũng hơi chủ quan. Tuy nhiên về ăn uống tôi cũng có phần giữ gìn, tư đầu năm nay tôi còn mua lá cây chó đẻ về sắc uống định kỳ.

Gần đây tôi thấy bên ngực trái luôn đau tức, có những lúc đau tăng muốn nghẹt thở và rất mệt. Tôi đã đến BV khám, làm các xét nghiệm máu, siêu âm tim, điện tim, và điện tim gắng sức đến bài 5 nhưng mọi thứ vẫn bình thường.

BS cũng chẳng kết luận gì đặc biệt, mặc dù tim tôi vẫn đau, các chỉ số xét nghiệm máu tại đây thì hoàn toàn bình thường, tuy nhiên tôi có nghi ngờ về chỉ số Triglyceride lại quá thấp 0.74 mmol/L.

Sau đó tôi đã đến Viện Medlatec lấy máu làm lại xét nghiệm về mỡ máu và các chỉ số về sinh hoá cũng như tế bào ung thư và hệ miễn dich thì kết quả mọi chỉ số tốt, có 3 chỉ số là: Triglyceride là 6.12 mmol/L, Bilirubin trực tiếp là 5.66 mmol/L và độ phân bố TC (PDW) là 17.8%.

Xin BS tư vấn giúp tôi mấy vấn đề sau:

- Hiện tượng đau đó là gì? Có phải là do mỡ máu tăng cao gây ra hay không?

- Tôi nên khám chuyên khoa sâu ở đâu để tìm ra nguyên nhân đau tim?

- Với các chỉ số trên tôi phải có chế độ ăn uống sinh hoạt và tập luyện ra sao? Liệu có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hoặc mạch vành không a?

Xin chân thành cảm ơn BS!
ThS.BS.CK2 Lê Minh Tú
Chào bạn,
Tình trạng đau ngực của bạn có thể do một trong số nguyên nhân như sau: đau do bệnh động mạch vành, bệnh màng ngoài tim, bênh cơ tim, bệnh van tim, bệnh màng phổi, bệnh nhu mô phổi, các mạch máu trong lồng ngực hoặc có thể chỉ là đau do nguyên nhân ở thành ngực mà thôi (da, cơ, xương, thần kinh).
Vì bạn không mô tả chi tiết tình trạng đau ngực của bạn, ví dụ: đau ngực trái có lan hay không, thời gian đau kéo dài bao lâu, có liên quan tới tình trạng stress thể chất và tinh thần hay không, đau có giảm hoặc hết khi nằm nghỉ hay không cho nên với các thông tin mà bạn cung cấp thì BS chưa xác định được khả năng nguyên nhân gây đau ngực là gì.
Tuy nhiên, bạn có một số yếu tố nguy cơ tim mạch sau đây: nam giới 45 tuổi, có rối loạn mỡ máu (bạn chỉ cung cấp chỉ số Triglyceride mà không cung cấp chỉ số khác như LDL, HDL, cholesterol toàn phần, trong các chỉ số này, LDL là yếu tố quan trọng nhất liên quan đến bệnh động mạch vành do xơ vữa). Do đó, bạn cần khám BS chuyên khoa tim mạch để xác định chính xác nguyên nhân gây đau ngực có liên quan đến bệnh động mạch vành tim hay không.
Rối loạn mỡ máu sẽ làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành tim do xơ vữa, vì vậy, bạn cần khám BS chuyên khoa tim mạch để quyết định xem bạn có cần uống thuốc để điều trị rối loạn mỡ máu hay không.
Trường hợp của bạn có nồng độ Triglyceride rất cao (6.12 mmol/L), nên cần phải khám BS để được chỉ định thuốc uống, ngừa biến chứng nguy hiểm trước mắt là viêm tụy cấp, là một bệnh có thể gây nguy hiểm tính mạng.
Về chế độ ăn uống: hạn chế thịt gia súc gia cầm, ăn cá tốt hơn (1 tuần ăn cá 2-3 lần). Chế độ tập luyện: đi bộ mức độ vừa phải (khoảng 5km/giờ) mỗi ngày ít nhất 30 phút, một tuần ít nhất 5 ngày.
Bất kỳ ai cũng có nguy cơ nhồi máu cơ tim, đặc biệt là khi tuổi càng lớn, càng có nhiều yếu tố nguy cơ khác: cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá, lối sống ít vận động,… thì nguy cơ nhồi máu cơ tim càng tăng. Đa số trường hợp nhồi máu cơ tim là do bệnh động mạch vành.
s
Bạn đọc Văn Tới - Thái Bình
Chào BS,

Nhờ BS cho em hỏi, nhà em có người bị hở van tim, đi khám họ bảo phải đi thông tim.

Mong BS giải thích cho em biết “thông tim” là sao ạ? Phẫu thuật 1 lần là được luôn hay sau này có phải phẫu thuật nữa không? Và chi phí ca thông tim là hết bao nhiêu ạ? Có BHYT không? Xin cảm ơn!
ThS.BS.CK2 Lê Minh Tú
Chào bạn Tới,
Thông tim là một thủ thuật được dùng với mục đích chẩn đoán (đánh giá huyết động, chức năng buồng tim, giải phẫu mạch vành) hoặc điều trị (đặt stent động mạch vành…), hoặc cả 2 mục đích này.
Người nhà của bạn bị hở van tim, BS nói phải đi thông tim, có thể là nhằm một trong các mục đích trên.
Sau phẫu thuật van tim lần đầu, có thể phẫu thuật nữa hay không tùy thuộc vào diễn biến sau đó: nếu sút van tim hay huyết khối gây kẹt van tim thì có thể phải phẫu thuật lần nữa. Tuy nhiên, các tình huống này cũng ít xảy ra nếu BS phẫu thuật có kinh nghiệm và điều trị chống đông máu thích hợp sau phẫu thuật thay van.
Về chi phí tùy vào loại van tim nhân tạo (cơ học hay sinh học), sử dụng bao nhiêu van, van động mạch chủ hay van 2 lá, BHYT thanh toán theo chế độ nào… nên bạn cần liên hệ trực tiếp với nơi điều trị để biết chi phí cần chuẩn bị.
Có trường hợp hở van tim 2 lá có thể chỉ cần sửa van mà không phải thay van tim, tùy thuộc vào đánh giá của BS phẫu thuật.
Nguyễn Tấn Giàu - giaung...@gmail.com
BS cho em hỏi,

Em thường hay bị đau nửa đầu trước vùng hốc mắt, mỗi khi bị thương đau dữ dội khoảng vài ngày mới hết. Huyết áp của em 137/78, nhịp tim 68, như vậy có bị huyết áp cao không?

Mẹ em có bị cao huyết áp, không biết bệnh này có di truyền không?
ThS.BS.CK2 Lê Minh Tú
Chào em,
Theo định nghĩa mới về cao huyết áp của Mỹ (2017), huyết áp của bạn 137/78 mmHg là cao huyết áp giai đoạn 1.
Ngoài thay đổi lối sống là bắt buộc (tập thể dục thể thao, giảm cân nếu bị thừa cân/béo phì, ngưng hút thuốc, chế độ ăn giảm muối, giảm stress, điều trị mất ngủ…) thì quyết định uống thuốc hạ huyết áp hay không tùy thuộc vào các tình trạng khác kèm theo.
Ví dụ: Nếu em có kèm một trong các bệnh sau đây bệnh tiểu đường, bệnh thận mạn, bệnh động mạch vành do xơ vữa, nguy cơ bệnh tim mạch ước tính 10 năm cao (do BS chuyên khoa đánh giá)… nếu có ít nhất một trong những tình trạng này thì ngoài thay đổi lối sống, em cần uống thuốc hạ huyết áp mỗi ngày theo chỉ định của BS chuyên khoa tim mạch.
Di truyền là một yếu tố nguy cơ rõ ràng của bệnh cao huyết áp. Do đó nếu mẹ em bị bệnh cao huyết áp thì khả năng em bị mắc bệnh cao huyết áp cũng tăng lên.
Trường hợp đau nửa đầu trước vùng hốc mắt, em nên khám thêm BS chuyên khoa mắt và BS nội thần kinh xem có liên quan đến tình trạng tăng nhãn áp hoặc bệnh đau nửa đầu hay không. Đau đầu do tăng huyết áp (nếu có) thường xảy ra ở vùng gáy hơn là ở vùng mắt.
Le Thi Kim Chi - lechi...@gmail.com
Dạ xin phép cho em hỏi tí ạ,

Một người 55 tuổi tổng trạng gầy, thường xuyên bị đau đầu và đau ngực lặng ra sau lưng, huyết áp thường cao, hay đau nhức chân, cho em hỏi đó có phải là những biểu hiện của các bệnh liên quan đến tim mạch không ạ?
ThS.BS.CK2 Lê Minh Tú
Kim Chi thân mến,
Phụ nữ 55 tuổi trở lên hoặc sau mãn kinh thì nguy cơ bệnh tim mạch do xơ vữa tăng lên rõ. Cao huyết áp cũng là một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch do xơ vữa.
Tình trạng đau nhức chân của bạn nên được khám bởi BS chuyên khoa tim mạch để xác định nguyên nhân. Nếu đau nhức chân là do bệnh động mạch ngoại biên chi dưới thì cũng là nguy cơ của bệnh tim mạch do xơ vữa.
Tình trạng đau ngực của bạn cũng nên được BS chuyên khoa tim mạch khám để xác định xem có liên quan đến bệnh động mạch vành hay không.
Trầm Khang - Quảng Nam
Chào BS,

Em 47 tuổi, đi khám định kỳ thấy có cao huyết áp. Bác sĩ cho đi điện tim và kết luận bị mạch vành (thiếu máu cục bộ cơ tim). Em không nghe đau ngực kể cả khi leo cầu thang hay chạy thể dục. Sau thời gian điều trị bằng thuốc và chế độ ăn uống, vận động hợp lý thì điện tim lại bác sĩ nói đỡ nhiều.

Cho em hỏi: Điện tim có cho kết quả chính xác về mạch vành không? Theo một số tài liệu mà em tham khảo thì bệnh mạch vành chỉ không chế để chậm hoặc dừng hẹp chứ không hết hẳn các mảng bám xơ vữa.

Như vậy theo bác sĩ bệnh mạch vành có khi nào chữa khỏi hẳn không? Khi không đau ngực thì có nên yêu cầu chụp hoặc soi mạch vành bằng các phương pháp khác hay không?
ThS.BS.CK2 Lê Minh Tú
Chào bạn Trầm Khang,
Kết quả đo điện tim chỉ gợi ý bạn có khả năng bị bệnh mạch vành hay không chứ không trả lời chính xác là bạn có bị bệnh mạch vành hay không.
Điều trị bệnh động mạch vành do xơ vữa bằng thuốc uống (VD: thuốc nhóm statin,…) nhằm mục đích làm chậm tiến triển của mảng xơ vữa, một số nghiên cứu cho thấy có thể làm giảm kích thước mảng xơ vữa. Ngoài ra, cần phải điều trị các yếu tố nguy cơ khác như: cao huyết áp, tiểu đường, ngưng hút thuốc lá,… thay đổi lối sống cũng là yếu tố rất quan trọng trong điều trị bệnh động mạch vành do xơ vữa.
Khi bạn đã được chẩn đoán bệnh mạch vành, mục tiêu chính của điều trị là giảm thiểu các biến cố tim mạch (nhồi máu cơ tim cấp, ngưng tim, đột tử tim, nhồi máu não,…) xảy ra trong tương lai.
Đau ngực không phải là triệu chứng luôn luôn xuất hiện ở bệnh nhân bệnh động mạch vành, do đó BS chuyên khoa tim mạch chỉ định chụp mạch vành còn phải dựa vào tiêu chuẩn khác (VD: test gắng sức dương tính ở bệnh nhân bệnh động mạch vành mãn hoặc đa số bệnh nhân bị nhồi máu cơ cấp,…).
Kênh thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X