Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS Nguyễn Anh Trung: Đừng nhầm lẫn giữa viêm khớp cùng chậu và đau dây thần kinh tọa

Viêm khớp cùng chậu và đau dây thần kinh tọa là 2 căn bệnh riêng biệt nhưng có triệu chứng tương tự khiến nhiều người... nhận nhầm. ThS.BS Nguyễn Anh Trung - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ sẽ giúp bạn đọc phân biệt 2 bệnh lý này qua một số dấu hiệu đặc trưng.

Thưa BS, các triệu chứng đau ở vùng lưng dưới thường do những nguyên nhân nào?

Khi một bệnh nhân đến và có triệu chứng đau ở vùng lưng dưới, các bác sĩ thường sẽ phải khám đầy đủ bao gồm các triệu chứng của thần kinh, các triệu chứng của cơ và triệu chứng của xương khớp.

Các bệnh lý có thể xảy ra bao gồm thoái hóa cột sống, viêm thần kinh tọa, viêm khớp cùng chậu hoặc các bệnh lý về thoát vị đĩa đệm.

Tuy nhiên, các bệnh lý thường gặp nhất là thoái hóa cột sống, viêm thần kinh tọa và viêm khớp cùng chậu. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhầm lẫn, khiến đa phần các bác sĩ chẩn đoán liên quan đến viêm thần kinh tọa, thoái hóa cột sống mà quên mất viêm khớp cùng chậu cũng là một bệnh lý thường gặp.

Đã có một số bệnh nhân tìm đến BS vì đau vùng lưng dưới, họ nghĩ là đau thần kinh tọa nhưng được BS chẩn đoán là viêm khớp cùng chậu. Vậy 2 bệnh này có biểu hiện giống và khác nhau như thế nào? Phân biệt giữa đau do thần kinh tọa và đau viêm khớp cùng chậu?

Đối với những trường hợp bệnh nhân có viêm thần kinh tọa, họ đau do thần kinh tọa bị chèn ép thì chèn ép đó có thể ngay cột sống hoặc ngay đường đi của thần kinh tọa. Do đó, các bệnh nhân thường có biểu hiện ở một chân và đau từ vùng lưng lan xuống vùng mông và lan xuống vùng mặt sau của đùi, rồi tới đầu gối và bàn chân.

Còn đối với bệnh nhân đau do viêm khớp cùng chậu thường là đau 2 bên, cũng có trường hợp bệnh nhân đau 1 bên do viêm khớp cùng chậu 1 bên nhưng tỷ lệ thấp hơn.

Ngoài ra, đau do viêm thần kinh tọa thường sẽ đau liên tục, khi thay đổi tư thế thì đau tăng. Đau do viêm khớp cùng chậu, do khớp cùng chậu là vị trí nối giữa xương sống và xương chậu nên sẽ đau tăng lên khi bệnh nhân có cử động, bệnh nhân càng vận động nhiều càng đau tăng nhiều hơn.

ThS.BS Nguyễn Anh Trung, Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần ThơThS.BS Nguyễn Anh Trung - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ

Cách điều trị viêm khớp cùng chậu như thế nào, thưa BS? Có cần phẫu thuật hay không?

Tùy theo mức độ, nguyên nhân của bệnh lý sẽ có hướng điều trị khác nhau. Đối với viêm khớp cùng chậu vô khuẩn, nghĩa là không phải do vi khuẩn gây ra mà viêm tại chỗ (do nó tăng tiết dịch và tăng tiết các yếu tố gây viêm gây đau nhức và đau từ vùng lưng lan xuống thắt lưng, vùng mông và có thể lan xuống đùi. Viêm khớp cùng chậu thường chỉ lan đến đùi, không lan xuống vùng cẳng bàn chân) thì chỉ cần điều trị bằng thuốc kháng viêm. Và phải là kháng viêm rất mạnh trong thời gian đầu để chống lại yếu tố gây viêm. Một số ít các trường hợp bệnh nhân bị viêm nặng, tụ dịch nhiều thì lúc đó bác sĩ có thể tiêm một mũi thuốc chống viêm vào vùng viêm khớp cùng chậu để giúp bệnh nhân giảm đau nhanh.

Đối với trường hợp viêm mà sinh mủ ở vùng đó, tức là viêm do vi khuẩn thì bắt buộc bác sĩ phải sử dụng kháng sinh kèm theo để diệt vi khuẩn ở vùng đó, triệu chứng đau sẽ giảm từ từ. Đa phần không cần phải phẫu thuật.

Được biết miền Bắc có kỹ thuật tiêm tê vào khe khớp cùng chậu dưới màn huỳnh quang hiệu quả giảm đau rất nhanh, người bệnh có thể đứng dậy đi lại được ngay sau tiêm ít phút. Kỹ thuật này miền Nam đã có chưa ạ? Tác dụng của kỹ thuật tiêm tê vào vùng khe khớp cùng chậu dưới màn hình huỳnh quang?

Khi sử dụng kỹ thuật thuật tiêm tê vào vùng khe khớp cùng chậu dưới màn hình huỳnh quang, bệnh nhân sẽ được xác định vị trí của khớp cùng chậu và tiêm thuốc kháng viêm vào vị trí đó. Tuy nhiên, chỉ định này có điểm hạn chế, nếu bệnh nhân đau do viêm khớp cùng chậu có nhiễm khuẩn thì khi tiêm vào vị trí đó sẽ gây bùng phát một nhiễm trùng, rất nguy hiểm. Do đó, đa phần bệnh nhân có thể đáp ứng được với điều trị nội khoa thì sẽ không cần can thiệp tới thuốc kháng viêm ngay vị trí đó.

Tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ có kỹ thuật tiêm thuốc chống viêm vào vùng khớp cùng chậu qua màn hình tăng sáng. Khi bệnh nhân nhập viện sẽ được đưa lên phòng mổ, ở đó có hệ thống máy có thể xác định chính xác vị trí khớp cùng chậu và sau đó sẽ đưa một cây kim tiêm thuốc vào vùng khớp cùng chậu luôn. Bệnh nhân không đau đớn vì chỉ cần sử dụng mũi thuốc tê và tiêm khớp cùng chậu xong có thể đi lại ngay, giảm đau rất hiệu quả.

Hiệu quả giảm đau của kỹ thuật này có thể hơn 3 tháng, khi hết đau bệnh nhân có thể được sử dụng thuốc kèm theo, hiệu quả điều trị rất tốt.

Còn việc điều trị đau thần kinh tọa như thế nào ạ?

Đối với điều trị đau thần kinh tọa cũng giống như điều trị viêm khớp cùng chậu, quan trọng là nguyên nhân. Đối với những nguyên nhân là do thoát vị đĩa đệm, tức là khối thoát vị chèn vào thần kinh tọa thì phải giải quyết cái gốc trước. Một là mổ, hai là cho bệnh nhân tập vật lý trị liệu để khối thoát vị không còn đè vào thần kinh tọa nữa thì bệnh nhân sẽ hết đau, tê. Còn đa phần bệnh nhân đau là do trên đường đi của thần kinh tọa bị viêm, chèn ép thì chỉ cần sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau là đủ.

Những bệnh nhân viêm khớp cùng chậu nhưng điều trị đau thần kinh tọa (vì chẩn đoán nhầm) thì có hại gì hay không?

Đa phần, khi bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm thì điều trị vẫn giảm đau, nhức nhưng sẽ tái phát rất nhanh. Khi bệnh nhân ngưng thuốc sẽ lập tức sẽ bị đau lại, khi đó bệnh nhân phải sử dụng lại thuốc giống như cách điều trị của viêm thần kinh tọa ngay từ đầu. Việc điều trị lẩn quẩn như vậy sẽ ảnh hưởng đến những cơ quan khác bao gồm gan, thận do sử dụng thuốc giảm đau kéo dài.

Ai dễ bị viêm khớp cùng chậu?

Những trường hợp bị viêm khớp cùng chậu đa phần là phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, do họ có cân nặng quá mức so với bình thường, khi đó khớp cùng chậu phải tăng tải trọng lên, từ đó dễ gây tụ dịch, viêm và đa phần là viêm vô khuẩn.

Người bệnh viêm khớp cùng chậu cần hạn chế những động tác nào?

Đối với những người bị viêm khớp cùng chậu thì nên tránh khom lưng để khiêng đồ nặng, không ngồi chồm hổm, không ngồi xếp bằng và khi ngồi cần giữ lưng thẳng để tránh việc tăng áp lực lên trên khớp cùng chậu của mình.

Để phòng ngừa bệnh này, cần phải làm gì ạ?

Viêm khớp cùng chậu là bệnh lý có thể phòng ngừa bằng cách tập thể dục, tập vật lý trị liệu. Nếu bệnh nhân chưa có triệu chứng thì buổi sáng có thể thức dậy tập thể dục, tập vận động cơ lưng, cơ bụng và các cơ vùng thắt lưng.

Đối với tập vật lý trị liệu, nếu có thể thì nên đến Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ để được hướng dẫn những bài tập có thể phòng ngừa các bệnh lý về viêm khớp cùng chậu và cả viêm thần kinh tọa.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X