Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS Khâu Minh Tuấn tư vấn: Đối phó với tai nạn mùa tết

10g sáng thứ tư (30/1), ThS.BS Khâu Minh Tuấn, BV Nhân dân 115 hướng dẫn bạn đọc AloBacsi cách đối phó với các tai nạn và các tình huống sơ cứu - cấp cứu bệnh mùa Tết.

Tết Nguyên đán là mùa lễ quan trọng nhất của năm, số ngày nghỉ dài với nhiều hoạt động vui chơi, tiệc tùng, du lịch… Để ăn Tết an toàn, vui khỏe, chúng ta nên "bỏ túi" cách xử trí các tình huống cần sơ cứu, cấp cứu khi xảy ra các tai nạn ngoài ý muốn như: ngộ độc rượu, say nắng, gia đình có người bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch…


Sáng thứ tư tuần này, ThS.BS Khâu Minh Tuấn - Phó khoa Cấp cứu tổng hợp, BV Nhân dân 115 sẽ gặp lại bạn đọc AloBacsi để chia sẻ về các tình huống sơ - cấp cứu trong các tình huống trên, triệu chứng nào có thể xử trí tại nhà, khi nào phải đến bệnh viện ngay…

Xin mời quý bạn đọc xem lại buổi tư vấn kỳ trước của ThS.BS Khâu Minh Tuấn: Sơ cứu - cấp cứu bệnh mùa tết.

Chương trình được phối hợp thực hiện bởi Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn và Bệnh viện Nhân dân 115.

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

Nguyễn Thị Hạ Vy - hoamuaha45…@gmail.com

AloBacsi ơi, tư vấn giúp tôi về dấu hiệu nhận biết, cách xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm ạ. Khi bị ngộ độc có nên uống sữa để nôn ra không? Sau ngộ độc thực phẩm thì cần ăn uống như thế nào để hồi phục sức khỏe? Cảm ơn AloBacsi!

Phan Huỳnh Lộc - Bình Định

Dạ, em muốn hỏi là bị ngộ độc thực phẩm thì cho uống nước đường với than hoạt tính thì cách nào tốt hơn ạ? Em cảm ơn BS!


Minh Tuyết - 098965…

Bác sĩ cho em hỏi,

Trường hợp bị ngộ độc thức ăn thì có nên uống nước trà gừng để giảm nôn, hay cứ để nôn hết sẽ tốt hơn ạ?

Em từng bị nôn ói sau khi ăn salad rau mầm. Sau khi nôn em rất mệt, choáng váng, nằm hết nửa ngày. Mong BS chỉ cách làm sao để mau khỏe sau khi bị ngộ độc ạ?


ThS.BS Khâu Minh Tuấn

Chào bạn Hạ Vy, Huỳnh Lộc, Minh Tuyết,

Ngộ độc thực phẩm là tình trạng gây ra do ăn phải thức ăn nhiễm độc. Vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm mốc hoặc độc tố của chúng, một số hóa chất gây độc nhất định như: tetrodotoxin (ngộ độc so biển) là những nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc thực phẩm. Bệnh thường không nghiêm trọng, hầu hết bệnh nhân có thể cảm thấy khỏe hơn sau vài ngày mà không cần điều trị.

Ngộ độc thực phẩm có những dấu hiệu và triệu chứng thường gặp như: ói mửa, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy… và một vài trường hợp có thể sốt, đau cơ, ớn lạnh. Bạn nên đến khám BS nếu có các dấu hiệu nặng như sau: thường xuyên nôn ói, nôn ra máu hoặc đi tiêu ra máu, tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày, đau bụng dữ dội, sốt cao liên tục, tiểu ít hoặc không đi tiểu, tầm nhìn giới hạn, yếu liệt cơ, khó thở, lơ mơ…

Khi ngộ độc thức ăn, điều quan trọng là bạn cần phải nôn hết thức ăn đã ăn vào, có thể uống nước muối pha loãng hoặc dùng tay rửa sạch đặt vào lưỡi người bệnh để kích thích gây nôn. Khi tiến hành gây nôn, cần để người bệnh nằm nghiêng, kê hơi cao phần đầu để chất nôn không bị trào ngược vào phổi. Với người bệnh là trẻ em, người lớn ngộ độc đã hôn mê thì không nên kích thích gây nôn vì dễ gây sặc, nghẹt thở.

Cho người bệnh uống nhiều nước và nghỉ ngơi: sau khi người bệnh nôn và đi tiêu thì cơ thể sẽ bị mất nước. Chính vì vậy cần phải bù nước cho người bệnh bằng cách cho uống nhiều nước lọc, uống nước oresol, nước chanh muối hoặc nước dừa tươi.

Nếu người bệnh bị co giật, ngừng thở và ngừng tim, bạn hãy hô hấp nhân tạo. Sau khi sơ cứu bạn hãy nhanh chóng đưa người bệnh vào BV để điều trị.

Sau khi nôn hết thức ăn, cơ thể sẽ rất yếu, mộ số thực phẩm bạn nên dùng sau khi ngộ độc như:

- Các loại thức ăn nhẹ và dễ tiêu hóa như: cháo, bột yến mạch, khoai tây nghiền, các loại trái cây mềm… để ruột tránh làm việc quá sức.

- Thực phẩm chứa lợi khuẩn cho hệ tiêu hóa giúp cân bằng lại hệ vi sinh trong ruột. Sữa chua là thực phẩm chứa nhiều vi khuẩn có lợi nhất.


Minh Nguyệt P. - nguyet20…@gmail.com

Chào chương trình,

Em đọc tin tức thấy nhiều rượu giả nên cũng lo. Cho em hỏi dấu hiệu ngộ độc rượu giả ạ? Và cách sơ cứu như thế nào? Em cảm ơn chương trình.


ThS.BS Khâu Minh Tuấn

Bạn Minh Nguyệt  thân mến,

Rượu bia mà chúng ta uống hằng ngày được lên men từ ngũ cốc là rượu ethanol. Trong khi đó, rượu giả, methanol, là rượu đơn, nhẹ, dễ bay hơi, không màu, dễ cháy với một mùi đặc trưng rất giống rượu ethanol. Methanol còn được gọi là rượu gỗ (lên men từ gỗ) vì được tạo ra bằng cách chiết xuất qua phân hủy gỗ. Nó được dùng làm dung môi hòa tan cho các sản phẩm công nghiệp và dân dụng, chẳng hạn để pha chế sơn.

Rượu methanol tuyệt đối không được sử dụng trong thực phẩm, tuy nhiên, do hám lời, một số người pha chế methanol vào rượu ethanol để bán, gây ngộ độc cho người uống phải.

Sau khi uống methanol, các triệu chứng nhiễm độc thường xuất hiện trong vòng 30 phút nhưng có thể muộn hơn, tùy thuộc vào số lượng uống vào. Thường có 2 giai đoạn, giai đoạn kín đáo (từ vài giờ đến 30 giờ đầu) và giai đoạn ngộ độc rõ tiếp theo sau. Vì triệu chứng lúc đầu thường kín đáo và nhẹ nên thường bị bỏ qua, biểu hiện ở giai đoạn nặng thường gặp là:

- Thần kinh: giai đoạn đầu thường tỉnh táo nhưng rất đau đầu, chóng mặt, sau đó có biểu hiện bồn chồn, hưng cảm rồi dần ngủ lịm, lẫn lộn, hôn mê, co giật.

- Mắt: lúc đầu bình thường, sau đó nhìn mờ, nhìn đôi, cảm giác như có mây che trước mắt, sợ ánh sáng, đau mắt, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị.

- Tiêu hóa: đau bụng, nôn, tiêu chảy.

- Hô hấp: thở nhanh, sâu rồi dần thở yếu, ngừng thở

- Tim mạch: giãn mạch, tụt huyết áp, suy tim.

- Có thể đau lưng, cứng gáy, cứng cơ, da lạnh, vã mồ hôi.

Khi phát hiện các triệu chứng ngộ độc như trên, bạn cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí và điều trị.


FB Quyên L.

Xin chào BS,

Vừa qua tôi thấy báo chí đưa tin vụ bác sĩ ở Quảng Trị dùng bia để giải độc rượu, như vậy nếu chồng tôi say rượu quá mức, tôi cho uống bia có được không BS?


ThS.BS Khâu Minh Tuấn

Chào bạn,

Vừa qua, báo chí đưa tin đội ngũ BS khoa Hồi sức chống độc BV đa khoa Quảng Trị đã truyền 15 lon bia vào dạ dày bệnh nhân ngộ độc methanol và đã cứu sống được bệnh nhân. Tin này làm cho các đệ tử lưu linh tột độ phấn khích, các hãng bia thì hồ hởi gấp bội, trong khi đa phần cư dân mạng hoang mang phương pháp “dĩ độc trị độc” của các BS.

Rượu ethanol mà chúng ta thường uống chủ yếu được phân hủy tại gan bởi men ADH, sau đó nhanh chóng được phân hủy thành CO2 và nước rồi đào thải ra ngoài. Do đó nếu uống một lượng ethanol (bia rượu) hằng ngày ở một mức độ vừa phải thì ít có khả năng gây ngộ độc cấp tính.

Rượu methanol ngoài tác động gây độc, ức chế hệ thần kinh như ethanol, khi phân hủy nó còn sinh ra formaldehyde, có thể làm hủy hoại thần kinh mắt gây mù và acid formic, formate gây toan chuyển hóa, giảm oxy máu và các rối loạn khác làm cho bệnh nhân nhanh chóng hôn mê dẫn tới tử vong. Tuy nhiên, ngộ độc methanol diễn tiến chậm vì nó cần thời gian chuyển hóa thành các chất gây độc nêu trên.

Kể cả ethanol (rượu uống được) và methanol (không uống được) đều có thể gây độc và gây chết người nhưng methanol nguy hiểm hơn nhiều.

Một vài nghiên cứu cho thấy trong cùng một thời điểm, ethanol có thể ức chế methanol. Trong “Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc” của Bộ Y tế Việt Nam năm 2015, trang 180 có đề cập và chỉ định dùng ethanol truyền dạ dày trong xử trí cấp cứu ngộ độc methanol nhưng chỉ đề cập “rượu mạnh”. Sử dụng bia để truyền cho bệnh nhân thay ethanol nguyên chất chỉ là biện pháp “túng thế tùng quyền”.

Tại Mỹ, việc sử dụng ethanol trong cấp cứu ngộ độc methanol đã được sử dụng cách đây hơn nửa thế kỷ nhưng chưa được FDA chấp nhận do chưa đủ chứng cứ, hơn nữa nó là rượu và có tác hại chứ không phải hoàn toàn an toàn. Nếu tai biến xảy ra thì quả là lợi bất cập hại!

Nói dùng bia truyền để cứu sống bệnh nhân ngộ độc methanol là một cách nói quá, nó chỉ là một bước trong quá trình cấp cứu, quan trọng nhất vẫn là hồi sức, giữ được các dấu hiệu sinh tồn ổn định như hô hấp, tuần hoàn và chống toan chuyển hóa, quan trọng nhất vẫn là lọc máu để loại trừ chất độc.

Vì vậy, bạn không nên dùng bia để cho chồng uống giải độc rượu vì có thể làm tăng tình trạng ngộ độc ethanol.


FB T.N.Đ. Khoa

Xin chào BS,

Em đi vệ sinh ra máu sau khi nhậu, đỏ cả bồn cầu. Em mới bị 2-3 ngày nay, trước kia không bị, hiện giờ thì vẫn còn đi cầu ra máu nhưng có bớt chút ít. Vậy là em bị trĩ hay bị bao tử vậy BS?


ThS.BS Khâu Minh Tuấn

Chào bạn Khoa,

Xuất huyết tiêu hóa bao gồm xuất huyết tiêu hóa trên và xuất huyết tiêu hóa dưới. Xuất huyết tiêu hóa trên có các triệu chứng nôn ra máu, đi tiêu phân sệt đen do máu sau khi đi qua dạ dày và ruột đã bị các men tiêu hóa chuyển hóa. Xuất huyết tiêu hóa dưới thường tiêu máu đỏ tươi.

Theo như bạn mô tả, có thể bạn xuất huyết tiêu hóa dưới. Nguyên nhân thường gặp là trĩ và nứt hậu môn. Bạn nên đến khám tại BV để được nội soi đại trực tràng chẩn đoán.

ThS.BS Khâu Minh Tuấn - Phó khoa Cấp cứu tổng hợp, BV Nhân dân 115

Ánh Hồng - Biên Hòa

Xin chào bác sĩ,

Cho em hỏi là bé nhà em chạy giỡn bị té đập đầu. Khi bé có biểu hiện như thế nào là cần phải đi khám ạ? Dấu hiệu cần đi khám của bé nhỏ và người lớn có giống nhau không ạ? Bé nhà em 4 tuổi. Cảm ơn bác sĩ!

ThS.BS Khâu Minh Tuấn

Chào bạn Ánh Hồng,

Trong cuộc đời mỗi người, hầu hết ai cũng có chấn thương nhẹ ở đầu. Tuy nhiên, những chấn thương nặng gây tổn thương sọ não sẽ diễn tiến nặng nề hơn hoặc thậm chí tử vong.

Chấn thương sọ não thường bắt nguồn từ các loại chấn thương về não bao gồm chảy máu, tụ máu, dập não. Các triệu chứng của chấn thương não phụ thuộc vào loại chấn thương và mức độ nghiêm trọng của chấn thương đó. Triệu chứng có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc phát triển chậm.

Do trẻ em chưa thể diễn đạt và cấu tạo cơ thể hoàn chỉnh nên có những biểu hiện khác như người lớn khi có chấn thương sọ não. Sau chấn thương, trẻ thường quấy khóc, đôi khi vật vã hoặc lừ đừ, rên rỉ và bỏ bú. Trẻ có thể buồn nôn hay nôn nhiều lần, ngay cả khi không ăn uống gì. Than đau đầu là triệu chứng chỉ gặp ở trẻ lớn.

Ở các trường hợp nặng, thương tổn trong sọ, trẻ có các dấu hiệu thần kinh như co giật, yếu liệt chân, giãn đồng tử và đi vào hôn mê, ngủ gọi không tỉnh dậy. Trong một số trường hợp, lỗ tai hay lỗ mũi trẻ có thể bị chảy máu hoặc chảy dịch trong vài giờ hay vài ngày sau tai nạn.

Khi trẻ bị tai nạn hay nghi ngờ có chấn thương sọ não, cha mẹ phải thật sự bình tĩnh, không được sợ hãi, la khóc bởi điều này càng làm cho trẻ hoảng sợ. Không được vắt chanh vào miệng khi trẻ co giật như nhiều người vẫn làm vì có thể gây hít sặc. Phải nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện nhi có chuyên khoa ngoại thần kinh để được thăm khám, tư vấn và nếu cần có thể phải nhập viện theo dõi.

Trong một số trường hợp, chấn thương sọ não không có triệu chứng gì khi thăm khám; lúc đó trẻ sẽ được bác sĩ cho về nhà. Trẻ phải được theo dõi trong ít nhất một tuần lễ và đưa đi tái khám ngay nếu có một trong các dấu hiệu: quấy khóc nhiều, than đau đầu, buồn nôn hay nôn ói nhiều lần, co giật tay chân, lúc tỉnh lúc mê, ngủ gọi không thức, lỗ mũi hay lỗ tai chảy máu hay nước trong, yếu liệt chân.

Cha mẹ cần hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ gây tai nạn. Trong sinh hoạt hay vui chơi, lúc nào trẻ cũng phải trong tầm kiểm soát của người lớn, tránh cho trẻ chơi gần cầu thang, gác lửng hay ban công không có lưới rào an toàn. Nên đội mũ bảo hiểm, thắt dây an toàn cho trẻ khi ngồi trên các phương tiện giao thông.


FB Thao T. L.

Chào bác sĩ,

Cho em hỏi tối qua em uống nước vô tình nuốt phải cây tăm, nhờ BS tư vấn giúp em với. Từ 12h tối qua chưa có biểu hiện gì cũng chưa uống thuốc gì. Làm sao để biết cây tăm đi tới đâu rồi BS? Em có cần theo dõi phân không, và theo dõi trong mấy ngày?


ThS.BS Khâu Minh Tuấn

Bạn Thảo thân mến,

Việc sử dụng tăm để xỉa răng và lấy thức ăn tăng khả năng vô ý nuốt phải tăm. Tăm xỉa răng chiếm 9% các trường hợp dị vật. Các dị vật bằng gỗ khi vô tình nuốt phải có thể gây các biến chứng như thủng đường tiêu hóa, tắc nghẽn đại tràng, xuất huyết tiêu hóa, áp xe, hình thành rò tiêu hóa thậm chí tử vong.

Tăm xỉa răng do bản chất sắc nhọn nên có nguy cơ gây thủng cao hơn so với các vật khác khác khi chúng qua đường tiêu hóa. Tỷ lệ thủng có thể lên cao đến 30% (nghĩa là 10 người nuốt phải tăm thì khoảng 3 người có nguy cơ thủng đường tiêu hóa!).

Nhu động ruột sẽ thúc tăm xuyên qua thành ruột, có thể dẫn tăm di chuyển đến các cơ quan khác, qua đó biểu hiện lâm sàng rất khác nhau. Tăm có thể di chuyển đến màng phổi, niệu quản,bàng quang, tăm gây ra rò với một mạch máu lớn như động mạch chủ hoặc tĩnh mạch chủ dưới. Chẩn đoán sớm và lấy tăm gây thủng đường tiêu hóa rất quan trọng trong việc giảm tỷ lệ biến chứng và tử vong.

Có thể sử dụng nội soi dạ dày tá tràng khi tăm còn trong dạ dày ở giai đoạn vài giờ đầu và nội soi đại tràng khi tăm nghi ngờ trong đại tràng. Những thủ thuật này cũng cho phép dị vật được lấy khi nội soi.

Bạn nên đến khám tại các bệnh viện để được tư vấn cụ thể.


Bạn đọc hỏi hotline 08983 08983

BS ơi,

Hồi nãy em uống nhầm oxy già, giờ em thấy cổ rát quá, làm sao cho mau hết rát? Và uống oxy già như vậy có hại gì cho dạ dày hay ảnh hưởng sức khỏe không ạ?

ThS.BS Khâu Minh Tuấn

Chào bạn,

Oxy già dùng trong y tế là dung dịch hydro peroxyd (công thức H2O2). Nước oxy già trong y tế chỉ dùng ngoài (tức không được uống), với nồng độ 3% dùng để rửa vết thương ngoài da.

Khi tiếp xúc với chất hữu cơ (có ở vết thương), nước oxy già sẽ phóng thích khí oxy gọi là “oxy đang sinh” làm oxy hóa phân hủy vi sinh vật (vì vậy có tính sát khuẩn) hoặc phân hủy các phân tử màu (vì vậy có thể làm tẩy trắng). Nước oxy già có thể làm tóc có màu vàng là theo cơ chế này.

Nhưng chúng có thể gây kích ứng da, bỏng da và niêm mạc miệng hoặc khi uống nhầm với số lượng nhiều có thể hoại tử ruột, viêm trực tràng…tuy nhiên, với nồng độ pha loãng như trên thì không đáng ngại.

Hiện tại bạn cần tăng cường uống nhiều nước. Nếu thấy có biểu hiện nôn ói, đau bụng hoặc đi ngoài bất thường… bạn cần đi khám ngay.


N. V. Khiêm

Con chào bác sĩ,

3 ngày trước con đi biếu tết bị chó nhà người họ hàng cào 1 đường dài khoảng 1,5 cm, không sâu, vết thương nay cũng đã khô lên mài. Hôm nay con lại vô tình đạp trúng con mèo ở nhà nên bị thêm 3 vết nhỏ, không sâu (kiểu như xước trên bề mặt da, có tí máu).

Mỗi lần bị chó, mèo cào xong con đều ra rửa với vòi nước và có sử dụng xà bông. Mèo này cũng đã từng cào con qua trước đây, mèo nhà. Xin hỏi con có cần đi tiêm ngừa dại không?

Hiện nay con đang chích ngừa viêm gan B, còn mũi cuối vào tháng tới, vậy con chích ngừa dại có được hay không ạ?

Con xin cảm ơn bác sĩ.

ThS.BS Khâu Minh Tuấn

Chào bạn Khiêm,

Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường hô hấp như hít phải không khí hoặc ghép tạng bị nhiễm vi rút dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.

Khi vô tình bị súc vật cào trúng hoặc cắn, bước đầu tiên phải làm là rửa vết thương bằng xà phòng. Nếu không có xà phòng thì vẫn rửa dưới vòi nước đang chảy từ 10 đến 15 phút, sau đó vệ sinh kỹ với cồn sát khuẩn càng sớm càng tốt.

Tuyệt đối không bịt kín vết thương, không nên cố gắng chích hoặc nặn máu vì làm vậy không tốt cho da còn kích thích virus chạy nhanh hơn vào máu. Việc sát trùng kỹ giúp loại bỏ bớt các vi khuẩn có trong miệng, móng… của các loài động vật nói trên, đặc biệt là vi trùng uốn ván. Tuy nhiên, không có nghĩa rằng sát trùng ban đầu, loại bỏ bớt vi khuẩn là đã xong.

Nên chích ngừa dại trong trường hợp con vật có biểu hiện dại, không có khả năng theo dõi, bị cắn từ phần ngực trở lên. Các trường hợp còn lại, nếu súc vật đã được chích ngừa hoặc theo dõi được hoặc chưa thấy dấu hiệu bệnh thì có thể theo dõi thêm, chưa cần phải chích ngừa ngay. Những trường hợp nghi ngờ súc vật bị mắc bệnh dại qua các biểu hiện như cắn khi không bị trêu chọc, tiết nhiều nước bọt, ăn những thứ khác thường, thay đổi âm thanh trong thời gian theo dõi thì nên đi chích ngừa ngay.

Vì vậy, bạn cần được thăm khám, kiểm tra vết thương trực tiếp và hỏi thêm nhiều yếu tố liên quan để quyết định có tiêm ngừa dại và cả ngừa uốn ván nếu cần.


Bé Sáu - Tiền Giang

Chào BS,

Mẹ em bị giãn tĩnh mạch chân, hiện đang uống thuốc. Nhưng tết này mẹ em rất muốn đi hành hương thập tự (10 chùa).

Em muốn hỏi mẹ em có đi thập tự được không, và có biện pháp nào hỗ trợ mẹ em để đi an toàn không BS? Hay bắt buộc là mẹ em không được đi như vậy? Em cảm ơn BS rất nhiều!

ThS.BS Khâu Minh Tuấn

Chào chị,

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới hay là sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại sẽ gây ra những biến đổi về huyết động và biến dạng tổ chức mô xung quanh. Bệnh gây nhức mỏi, nặng chân, phù chân, tê dị cảm, kiến bò, chuột rút về ban đêm... có thể dẫn đến các biến chứng khó chữa như chàm da, loét chân không lành, chảy máu, giãn lớn các tĩnh mạch nông, viêm tĩnh mạch nông huyết khối, huyết khối tĩnh mạch sâu...

Nguyên nhân của bệnh chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, bệnh được xác định liên quan đến một số yếu tố nguy cơ do tổn thương chức năng các van một chiều của hệ tĩnh mạch ngoại biên. Các van này bị tổn thương là do:

Tư thế sinh hoạt hay làm việc phải đứng hay ngồi một chỗ lâu, ít vận động, phải mang vác nặng... tạo điều kiện cho máu bị dồn xuống hai chân, làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch ở chân, lâu ngày sẽ gây tổn thương các van tĩnh mạch một chiều. Khi các van này bị suy yếu sẽ giảm khả năng ngăn chặn luồng máu chảy ngược xuống dưới do tác dụng của trọng lực, dẫn đến ứ máu ở hai chân.

Ngoài ra còn có thể do chế độ làm việc. Ngoài việc phải đứng nhiều thì làm việc trong môi trường ẩm thấp cũng là tác nhân gây bệnh trầm trọng hơn, người mang thai nhiều lần, béo phì, chế độ ăn ít chất xơ và vitamin cũng làm cho bệnh trở nên nặng hơn.

Để ngăn chặn tiến triển của bệnh, bệnh nhân cần để chân cao khi nằm nghỉ, tránh đứng hay ngồi lâu, mang tất thun hay quấn chân bằng băng thun, sửa lại vị trí bàn chân đối với các dị tật, tránh béo phì, tập hít thở sâu, ăn chế độ có nhiều chất xơ để tránh táo bón… song song với điều trị bằng thuốc.

Do đó, nếu bác gái trong lúc đi hành hương không phải ngồi lâu một chỗ, biết cách thay đổi tư thế và mang vớ y khoa vẫn có thể du hành như thường chị nhé!


Vân Sơn - Quảng Bình

Chào AloBacsi,

Tôi 32 tuổi, bị say xe rất nặng. Mặc dù uống thuốc say xe rồi nhưng sau khi xuống xe vẫn còn lâng lâng chóng mặt mất 1-2 ngày. Mong BS chỉ cho tôi cách khắc phục, sao cho mau hết mệt sau khi xuống xe ạ. Cảm ơn AloBacsi!


ThS.BS Khâu Minh Tuấn

Bạn Vân Sơn thân mến,

Não bộ có thể cảm nhận sự chuyển động của cơ thể qua các con đường khác nhau bằng hệ thần kinh bao gồm cả tai trong, mắt và các mô của cơ thể. Khi cơ thể di chuyển có chủ ý, ví dụ như khi đi bộ, não sẽ điều khiển bằng cách tổng hợp các thông tin về con đường bạn đang đi.

Tuy nhiên, khi bạn đi xe khách hay đi tàu thì khác. Các triệu chứng say tàu xe xuất hiện khi hệ thống thần kinh trung ương nhận được các thông điệp mâu thuẫn từ các hệ thống cảm giác: tai trong, mắt, các thụ thể áp lực da và các cơ quan cảm thụ khớp.

Ví dụ như nếu bạn ngồi trên thuyền hoặc trong xe hơi (không nhìn ra ngoài cửa sổ), tai trong sẽ gửi tín hiệu rằng bạn đang cử động lên và xuống, trái và phải, nhưng đôi mắt lại chỉ thấy được cảnh tĩnh. Do đó, người ta giả thiết rằng xung đột giữa các tín hiệu truyền đến hệ thần kinh gây ra tình trạng say tàu xe.

Các triệu chứng say xe thường chấm dứt khi xe dừng hẳn. Tuy nhiên, đối với một số người, các triệu chứng này có thể kéo dài một vài ngày sau khi chuyến đi kết thúc. Do đó, bạn nên thực hiện nhiều cách khi đang đi xe để chống say xe như sau:

· Bạn nên ngồi ở vị trí sao cho mắt, tai trong có thể cảm nhận và nhìn cùng một chuyển động

· Trong xe hơi, bạn ngồi ở ghế trước và nhìn cảnh quan ở phía xa

· Trên thuyền, bạn lên trên boong và theo dõi chuyển động của đường chân trời

· Trong máy bay, bạn ngồi bên cửa sổ và nhìn ra ngoài. Ngoài ra, bạn hãy chọn chỗ ngồi ở khu vực giữa máy bay, gần cánh, nơi có ít chuyển động nhất

· Không đọc sách báo khi đang đi xe, máy bay… nếu bạn bị say tàu xe và không ngồi vào ghế quay mặt về phía sau

· Tránh các mùi mạnh và thực phẩm nhiều gia vị ngay trước và trong khi đi xe.

Thuốc cũng là một cách tốt để ngăn ngừa say tàu xe trước khi đi du lịch. Dưới đây là một số loại thuốc bạn có thể sử dụng:

· Scopolamine: Đây là loại thuốc thường dùng nhất cho bệnh say tàu xe. Bạn nên dùng thuốc trước khi các triệu chứng say tàu xe bắt đầu xuất hiện. Thông thường, thuốc có dạng miếng dán được sử dụng phía sau tai 6–8 giờ trước khi đi du lịch. Thuốc có các phản ứng phụ nghiêm trọng: đỏ mắt, nhìn thấy vầng hào quang quanh ánh sáng; Nhìn mờ và tăng nhạy cảm với ánh sáng; Lẫn lộn, kích động, cực kỳ sợ hãi, ảo giác, có suy nghĩ hoặc hành vi khác thường;

· Promethazine: Bạn nên dùng 2 giờ trước khi đi du lịch. Tác dụng của thuốc sẽ kéo dài 6–8 giờ. Ngoài ra, bạn có thể cảm thấy buồn ngủ và khô miệng do tác dụng phụ của thuốc.

· Cyclizine: có hiệu quả nhất khi bạn dùng ít nhất 30 phút trước khi đi du lịch. Bạn không nên dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi và thuốc có các phản ứng phụ tương tự như scopolamine.

· Dimenhydrinate: Bạn nên uống thuốc 4–8 giờ 1 lần. Tuy nhiên, thuốc cũng có tác dụng phụ tương tự như scopolamine.

· Meclizine: Bạn nên sử dụng loại thuốc này 1 giờ trước khi đi du lịch để đạt hiệu quả tốt nhất. Tuy nhiên, bạn lưu ý không nên dùng thuốc cho trẻ dưới 12 tuổi. Ngoài ra, bạn cũng có thể bị buồn ngủ và khô miệng do tác dụng phụ của thuốc.

Nếu sau chuyến đi, bạn vẫn còn cảm giác chóng mặt thì nên nằm nghỉ ngơi và có thể dùng thêm thuốc giảm chóng mặt như acetyl - D - leucin chẳng hạn.


Hà Anh - nguyenha...@gmail.com

Dạ, em xin được hỏi BS ạ,

Tự nhiên em bị đau nửa bên mặt trái, cả mắt cũng đau nhức. Em mới bị 2 hôm nay thôi ạ, ngủ dậy đột nhiên bị mà nó cũng không đau dữ dội đâu mà chỉ đau râm râm. Đau cả chân răng nữa ạ. Mong BS giúp em với.


ThS.BS Khâu Minh Tuấn

Chào bạn,

Đau nửa đầu là một tình trạng bệnh lý thường gặp. Nó là một triệu chứng bệnh chứ không phải là một bệnh lý. Có các nguyên nhân gây đau nửa đầu như sau;

Bệnh đau nửa đầu Migraine: Đau nửa đầu Migraine là một loại bệnh thần kinh hiện nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân rõ ràng. là tình trạng một bên đầu đột ngột đau nhói lên. Đau nửa đầu có thể kéo dài từ vài giờ cho đến vài ngày. Bệnh này có thể ảnh hưởng đến khả năng lao động và sinh hoạt thường ngày của bạn nếu không được điều trị đúng lúc và kịp thời.

Bạn sẽ có dấu hiệu báo trước sự xuất hiện của cơn đau nửa đầu trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày trước đó. Những dấu hiệu này còn được gọi là “tiền triệu” như: Không chịu được ánh sáng quá chói; Không chịu được tiếng ồn (nhạy cảm với âm thanh), Tăng động, Cảm giác uể oải, mệt mỏi; Thay đổi khẩu vị và buồn nôn.

Đau nửa đầu võng mạc: Đây là chứng đau nửa đầu đặc trưng bởi những rối loạn thị giác ở một bên mắt. Căn bệnh này có thể bao gồm các triệu chứng như hoa mắt hoặc không nhìn thấy ở một mắt. Đau nửa đầu võng mạc không gây đau nhức mắt và thường xuất hiện trong thời gian ngắn kéo dài khoảng 30 phút.

Tuy nhiên, những rối loạn thị giác này sẽ ảnh hưởng đến khả năng quan sát cũng như sinh hoạt của bạn. Về lâu dài, chúng sẽ dẫn đến những căn bệnh nguy hiểm kèm theo cơn đau đầu khó chịu.

Đau nửa đầu kèm liệt nửa người: Với loại chứng đau nửa đầu này, bệnh nhân sẽ đối mặt với những cơn tê liệt ở một bên người và cùng với đó là cơn đau đầu dữ dội. Đây là một triệu chứng cực kì nghiêm trọng đối với sức khỏe và tính mạng vì có thể dẫn đến khả năng đột quỵ cao.

Đau nửa đầu kinh nguyệt: Những thay đổi đột ngột của nội tiết tố trong chu kì kinh nguyệt của các bạn gái cũng là nguyên nhân gây ra cơn đau nửa đầu. Chúng thường bắt đầu khoảng 2 ngày trước thời kỳ bạn gặp "đèn đỏ".

Đau nửa đầu tiền đình:
Đau nhức một bên đầu là một triệu chứng của căn bệnh rối loạn tiền đình bên cạnh việc buồn nôn, chóng mặt, choáng...

Đau nửa đầu kinh niên: Đối với những người có tần suất gặp những cơn đau dữ dội ở một bên đầu trong tầm 2 lần/tháng thì rất có thể họ đã mắc bệnh đau nửa đầu kinh niên.

Bạn cần đi khám bệnh để bác sĩ tư vấn cụ thể hơn nhé!


Bạn đọc gọi hotline 08983 08983

BS ơi,

Em đi truyền đạm về, tay sưng phù lên. Giờ em phải làm sao ạ, có cần quay lại BV không ạ?

ThS.BS Khâu Minh Tuấn

Chào bạn,

Bạn không nêu rõ phù cả hai tay hay chỉ phù nơi tiêm truyền nên không thể tư vấn cụ thể. Trường hợp chỉ phù nơi tiêm truyền có thể do trật kim truyền ra khỏi lòng tĩnh mạch trong lúc truyền dịch gây phù nề mô lân cận, sẽ tự hết trong vòng vài ngày.

Các trường hợp còn lại bạn nên tái khám để được tư vấn kỹ càng hơn.

Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X