Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn tư vấn: Kết hợp Đông - Tây y trong điều trị bệnh tim

Làm sao để kết hợp Đông - Tây y hiệu quả giúp bảo vệ trái tim tốt nhất? Món ăn, bài thuốc nào giúp cải thiện sức khỏe tim mạch?... là những vấn đề được ThS.BS Hoàng Khánh Toàn - Trưởng khoa Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện Trung Ương Quân đội 108 giải đáp trong chương trình truyền hình trực tuyến "Kết hợp Đông - Tây y trong điều trị bệnh tim" lúc 15g, ngày 26/4/2019.

NỘI DUNG TƯ VẤN
PHẦN I: TRÒ CHUYỆN VỚI MC ANH THƯ
Trong Đông y, bệnh tim mạch được diễn giải như thế nào thưa bác sĩ?

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn trả lời:

Trong y học cổ truyền không có thuật ngữ bệnh tim mạch như cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ hay viêm tắc động mạch... của y học hiện đại. Nhưng trong Đông y, tất cả những bệnh lý liên quan đến tim mạch đều có những chứng bệnh tương tự. Ví dụ bệnh lý liên quan đến rối loạn nhịp tim thì người xưa thường gọi là chính xung hay tâm quý, đau thắt ngực thì gọi là tâm thống, cao huyết áp có huyễn vựng, thuyên tắc động mạch thì có chứng thoát cốt thư...

Mặc dù về mặt thuật ngữ, danh từ không giống nhau nhưng y học cổ truyền từ ngàn xưa của người phương Đông đã có mô tả, đồng thời có biện pháp dự phòng, điều trị những bệnh lý liên quan đến tim mạch.

Nhiều người thường đặt ra thắc mắc, tạng tâm trong y học cổ truyền có phải tim không? Tôi xin khẳng định là khác hoàn toàn.

Tạng tâm trong y học cổ truyền không phải là lục phủ ngũ tạng trong cơ thể chúng ta. Tâm bao hàm chức năng khác nhau, trong đó có chức năng chủ huyết mạch nhưng đồng thời còn làm chủ về thần minh và rất nhiều thứ khác nữa.
Do đó, có thể nói tạng tâm trong y học cổ truyền chỉ là danh từ triết học. Trong đó, liên quan đến tim mạch, tuần hoàn của y học hiện đại chỉ chiếm 1 phần nhỏ thôi.

Người xưa khi đề cập đến một chứng bệnh nào đó của tạng tâm thì bao giờ cũng nói đến đến các tạng khác. Chuyện chủ huyết mạch liên quan rất nhiều, ví dụ tâm về chủ huyết mạch, tì để sinh huyết, can để tàng huyết, phế thì chủ khí, khí hành thì huyết hành, thận chủ tinh tủy, tủy sinh tinh, tinh sinh huyết.

Bàn đến tim mạch của y học cổ truyền không chỉ nói đến tạng tâm, không chỉ nói đến con tim mà bao giờ cũng đứng trong quan điểm ngũ tạng để phán xử một việc, gọi là quan điểm chỉnh thể, hợp nhất mà khi điều trị bất cứ bệnh lý nào của tim mạch cần phải biết đến. Đấy là diễn giải của y học cổ truyền về bệnh tim mạch.


Vì sao nhiều người mắc bệnh tim mạch trong thời gian gần đây, kể cả nhiều người rất trẻ? Đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh tim mạch?

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn trả lời:

Hiện nay có 2 nhóm, bệnh lý liên quan đến thần kinh (tâm sinh lý) và bệnh lý tim mạch có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, có thể giải thích như sau:

Thứ nhất, cuộc sống ngày càng hiện đại, Việt Nam lại là nước đang phát triển nên về vật chất thì chúng ta rất thoải mái, không cần lo về cái ăn cái mặc nhưng về đời sống tinh thần, stress lại vô cùng lớn. Yếu tố tinh thần đó không chỉ tác động đến hệ thần kinh mà còn ảnh hưởng rất xấu đến tim mạch.

Thứ hai là chúng ta không trang bị kiến thức về dinh dưỡng nên thường ăn quá nhiều đồ béo, thực phẩm giàu cholesterol mà đây là yếu tố làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch dẫn đến thiếu máu cơ tim, thiểu năng tuần hoàn não, thậm chí là đột quỵ tim, đột quỵ não. Đặc biệt, đồ ăn nhanh là món khoái khẩu của thế hệ trẻ hiện nay.

Ngoài ra, “cánh mày râu” bây giờ còn lạm dụng chất kích thích rất nhiều, như bượu bia, trà đặc, thuốc lá, cà phê... gây tác động rất xấu đến tim mạch, đặc biệt là thuốc lá, rượu bia.

Thứ ba là rất nhiều người trẻ, kể cả mới chỉ ở độ tuổi 30 - 40 mà đã bị rối loạn lipad máu, tăng đường huyết, tăng axit uric máu, tăng huyết áp... Đây đều là những tác nhân xấu cho bệnh tim mạch.

Thứ tư là việc sử dụng thuốc. Hiện có rất nhiều thứ thuốc khác nhau có tác dụng phụ gây bất lợi cho tim mạch lại được các bạn trẻ sử dụng vô tội vạ.

Vậy đối tượng nào dễ bị tim mạch?

Thứ nhất là những người có tuổi và cao tuổi, bởi bệnh tim mạch liên quan đến quá trình lão hóa.

Yếu tố thứ 2 liên quan đến dị tật bẩm sinh (di truyền), như chúng ta thường thấy các bé rất nhỏ nhưng đã bị thông liên nhĩ, thông liên thất... Đây là yếu tố cố định.

Thứ ba là những người bị thừa cân, béo phì. Thậm chí không chỉ lứa tuổi trung niên mà cả thanh thiếu niên cũng bị béo phì, thừa cân.

Thứ tư là thiếu vận động, yếu tố tĩnh tại này cũng gây bất lợi cho tim mạch.

Thứ 5 là những người ăn uống không đảm bảo an toàn, lạm dụng chất kích thích dẫn đến đái tháo đường, tăng axit uric máu, rối loạn lipid máu... Do đó, kiểm soát an toàn thực phẩm là vấn đề cực kỳ nóng hổi và căng thẳng, ở đâu cũng nghe thấy tin tiêu cực về thực phẩm.

Cuối cùng còn có đối tượng làm việc trong môi trường căng thẳng thần kinh. Hiện nay cứ ngỡ rằng cuộc sống hạnh phúc nhưng kỳ thực ai cũng phải gắng gượng, đem hết sức bình sinh để kiếm sống. Đây là những yếu tố nguy cơ dẫn đến tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, thiếu năng tuần hoàn não... và là yếu tố nguy cơ khơi mào cho bệnh tim mạch.


Điều trị bệnh lý tim mạch ở Việt Nam hiện rất tốt, nhiều trung tâm, nhưng vấn đề là phát hiện được bệnh thì bệnh đã nặng rồi mà ít phát hiện để ngăn ngừa từ sớm, có phải do người bệnh chưa đủ kiến thức không thưa bác sĩ? Những dấu hiệu nào cho thấy người bệnh đó đã mắc bệnh tim mạch?
ThS.BS Hoàng Khánh Toàn trả lời:

Thời trước, chúng ta ai cũng có một quyển sổ sức khỏe và ở các cơ quan thì cứ 6 tháng 1 lần bao giờ cũng có kiểm tra sức khỏe. Nhưng thời mở cửa hiện nay thì không còn cái đó nữa khiến chúng ta chủ quan.

Bệnh tim mạch âm thần tiến triển. Lẽ ra cần phát hiện sớm trước khi nó xuất hiện triệu chứng, theo y học cổ truyền gọi là trị vì bệnh, tức là phải biết bệnh mà bệnh chưa phát nhưng hiện tại chúng ta rơi vào hoàn cảnh, bệnh đã phát tác, thậm chí nặng rồi mới tìm đến cơ sở y tế, khi đó khả năng cứu vãn xấu đi rất nhiều.

Do đó, chúng ta phải đảm bảo đến vấn đề sức khỏe dân sinh, mà điều này liên quan đến Bộ y tế, là cần phải có những quy định để khám xét định kỳ, phát hiện sớm, dự phòng, điều trị sớm mới là quan trọng.

Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề của nhà nước mà tự bản thân chúng ta cũng nên khám định kỳ, không nên chủ quan khi thấy ăn tốt, ngủ tốt... Khi phát hiện sớm, khả năng can thiệp dù là Tây y hay Đông y cũng đều vô cùng tốt. Bởi thế ông bà ta mới có câu phòng bệnh hơn chữa bệnh.


Thưa bác sĩ, bệnh tim mạch có yếu tố di truyền không và đã có nghiên cứu nào về vấn đề này chưa?
ThS.BS Hoàng Khánh Toàn trả lời:

Đã có rất nhiều nghiên cứu, khảo sát cho thấy, nếu như bố mẹ hoặc anh chị em trong gia đình mắc bệnh tim mạch thì con cái hoặc anh chị em cũng dếc gặp phải căn bệnh này.

Vấn đề này có liên quan đến 2 yếu tố: Một là khi đứa trẻ được sinh ra, cấu trúc bố mẹ thế nào thì con cái thế ấy. Ví dụ bố mẹ có bệnh lý van tim thì con cái cũng dễ bị van tim. Yếu tố thứ 2 liên quan đến gien. Nghiên cứu phổ hệ cho thấy rằng, những đứa trẻ có bố mẹ mắc tim mạch thì tỷ lệ mắc tim mạch gấp 3 lần so với đứa trẻ có bố mẹ bình thường.

Nếu nói bệnh tim mạch do di truyền cũng không chính xác, mà yếu tố di truyền đóng góp một vai trò rất quan trọng gây ra bệnh này.

Cho nên khi khám bệnh cho một đứa trẻ thì cần phải hỏi bố mẹ có mắc bệnh tim mạch hay không, nếu có thì nghĩa là đứa trẻ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch rất lớn. Đây là yếu tố mà các bác sĩ tim mạch cần khai thác kỹ để dự phòng tốt cho đứa trẻ.


Khi nào thì người bệnh tim mạch cần đến bệnh viện ngay?

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn trả lời:

Khi chúng ta phát hiện thấy một số triệu chứng mang tính chất cấp tính thì cần tìm đến bác sĩ, bệnh viện ngay:

- Đột nhiên khó thở, không thở được, như chết ngạt;

- Tự nhiên thấy đau thắt ngực trái, đặc biệt đau liên quan đến gắng sức, ví dụ như đang lên cầu thang mà bị đau thắt ngực trái sau đó lan sang mặt trong cánh tay thì coi chừng cơn đau thắt ngực cấp tính và có nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim;

- Tự nhiên đau đầu kịch liệt, chóng mặt, đo huyết áp tăng vọt lên 180/100 mmHG, 220/110 mmHG;

- Triệu chứng liên quan đến tiền triệu của trúng phong (tiền triệu của tai biến mạch máu não) như tự nhiên liệt nửa người, đang cầm cốc nước bị rơi xuống mà không biết, méo miệng, điếc 1 bên tai, mù 1 bên... Đây có thể là triệu chứng báo hiệu đã bị nhồi máu não, xuất huyết não. Lúc này cần đến bệnh viện ngay, càng sớm càng tốt.

Chúng ta phải hết sức cảnh giác, nghe ngóng cơ thể mình và người thân cũng phải biết những triệu chứng đó để đưa đến cơ sở y tế khi xuất hiện các biểu hiện trên.

Nhắc đến tim mạch nhiều người thường nghĩ đến mổ xẻ. Tuy nhiên thực tế không phải vậy. Trong trường hợp nào bệnh tim cần đến sự can thiệp của y học hiện đại, trường hợp nào Đông y có thể xử trí được, thưa BS?

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn trả lời:

Chúng ta đang sống trong thời đại mà những kiến thức khoa học, công nghệ về mặt tim mạch rất tiến bộ. Do đó, muốn điều trị Đông hay Tây y thì trước hết cần phải đi khám. Khám về lâm sàng, cận lâm sàng (chụp cộng hưởng tử, điện tim, siêu âm tim, thăm dò chức năng tim...) đưa đến chẩn đoán chính xác. Sau đó mới có biện pháp để điều trị.

Trong Tây y có thể dùng nội khoa hoặc tiến hành thủ thuật, ví dụ như đặt stent, thay van tim (hở hẹp van lá)... Đó là những ưu thế của y học hiện đại mà nếu có chỉ định thì cần phải làm.

Ngoài ra, xu hướng tìm trong vốn cổ của y học cổ truyền những vị thuốc, bài thuốc, xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu.. để giải quyết cũng mang lại hiệu quả. Hơn nữa, cũng không thể phủ nhận hiện nay có rất nhiều sản phẩm y học cổ truyền giúp hỗ trợ điều trị, dự phòng biến chứng, kết hợp y học hiện đại để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh lý tốt hơn. Đặc biệt, với y học cổ truyền thì tính an toàn cao hơn.

Việc chúng ta tìm đến y học cổ truyền là một xu thế hiện nay, giúp giảm tỷ lệ biến chứng, tử vong trong bệnh lý tim mạch.

Được biết, hoa hòe và tỏi đen là 2 vị thuốc tự nhiên rất tốt cho tim mạch. Vậy nên sử dụng sao cho đúng cách? Nếu không biết cách chế biến thì có thể sử dụng thực phẩm chức năng có 2 vị thuốc này thay thế không bác sĩ?

Bác sĩ có thể giới thiệu một số món ăn, bài thuốc hoặc vị thuốc có trong dân gian giúp trái tim luôn khỏe mạnh cho bạn đọc được không ạ?

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn trả lời:

Tỏi là gia vị thông dụng trong đời sống của người Việt. Tỏi đen cũng tương tự như vậy. Trong y học cổ truyền gọi là đại toán, có tác dụng hạ huyết áp, giảm mỡ máu xấu, giảm đường huyết, giảm huyết áp, tăng cường sức co bóp cơ tim, cải thiện hệ thống miễn dịch, chống lão hóa, dự phòng rất tốt xơ vữa động mạch. Tất cả những yếu tố này đều có lợi cho tim mạch. Do đó, để phòng ngừa bệnh tim mạch thì mỗi ngày có thể ăn vài tép tỏi (tỏi đen).

Hoa hòe là vị thuốc nam cực kỳ quý. Hoa hòe cũng có tác dụng giảm mỡ máu, giảm đường huyết, đặc biệt là làm bền thành mạch, tăng tính thấm của mao mạch. Chúng ta cần biết rằng, tim mạch là bệnh tim và bệnh mạch, vậy nên những bệnh lý liên quan đến mạch máu thì hoa hòe đều phát huy hết công dụng của nó. Ngoài ra, hoa hòe còn chống ngưng kết tập tiểu cầu, tăng sức co bóp cơ tim...

Tỏi đen và hoa hòe là vị thuốc thứ đại diện cho những ai cần phòng ngừa bệnh tim mạch, hoặc giả đã mắc bệnh tim mạch mà muốn dự phòng biến chứng thì đều có thể sử dụng.

Ở một số tỉnh như Hà Nam, Thái Bình, cứ đến mùa là nhiều thường thường sao tẩm, cất trữ trong nhà để hãm trà. Cách làm rất đơn giản, lấy 20g hoa hòe cho vào bình, đổ nước sôi vào để 20 phút, trà uống rất thơm. Hoặc có thể cho thêm vài lát cam thảo, 1 chút thảo quế minh thì sẽ có bình trà dự phòng tim mạch rất tốt.

Đối với tỏi có thể ăn sống (sau khi ăn xong súc miệng bằng nước chanh sẽ hết mùi hôi miệng) hoặc sử dụng cao tỏi, viên nang tỏi...

Hiện nay, các công ty Dược tìm đến hoa hòe, tỏi đen để bào chế thành các thành phẩm rất tiện lợi cho người tiêu dùng.


Từ trước đến nay, hầu hết bệnh nhân gặp phải các bệnh lý tim mạch, sau phẫu thuật đều xuất viện về nhà. Việc tập luyện phục hồi chức năng tim mạch cho người bệnh gần như chưa được quan tâm, hỗ trợ.

Vậy thưa bác sĩ, việc tập vật lý trị liệu - phục hồi chức năng có vai trò như thế nào với người bệnh tim? Việc tập luyện có giúp phòng ngừa bệnh tái phát hay không?

Cần lưu ý gì khi tập vật lý trị liệu sau điều trị bệnh tim mạch và đến cơ sở y tế nào để đăng ký được dịch vụ này?
ThS.BS Hoàng Khánh Toàn trả lời:

Sự sống là vận động. Người xưa thường nói nước không chảy thì hôi thối, cánh cửa không quay sẽ hoen rỉ.

Tim mạch có mối liên quan lớn đến vận động. Bởi khi vận động cần rất nhiều oxy, cần nhiều cung lượng máu để đưa đến nuối dưỡng cơ bắp, nhưng vấn đề chúng ta vận động thế nào, thời lượng bao nhiêu, cường độ ra sao...

Nguời bị bệnh tim, kể cả đã phẫu thuật tim cũng cần vận động, nhưng vận động này cần có sự hướng dẫn, làm sao để trái tim vẫn hoạt động bình thường mà không bị quá sức.

Nguyên tắc vận động rất đơn giản, khi chúng ta vận động dù đi bộ, bơi lội hay tập khí công, yoga thì quan trọng nhất là sau tập xong người thoải mái, cảm thấy sức khỏe tốt hơn.

Với những người đã đặt stent, phẫu thuật tim, rối loạn nhịp tim thì nên tập nhẹ và tốt nhất là tập theo y học cổ truyền như yoga, thái cực quyền, vẩy tay, ngồi thiền, tập thể... vừa nhẹ nhàng, không gắng sức mà đem lại hiệu quả tốt.
Được biết, suy tim là trạm cuối của người mắc bệnh tim mạch. Điều này có đúng không thưa bác sĩ? Có phải khi được chẩn đoán suy tim nghĩa là “cầm chắc cái chết”?

Những bệnh tim mạch nào có thể diễn tiến thành suy tim? Làm sao nhận biết và phòng ngừa để không tiến triển thành căn bệnh nguy hiểm này?
ThS.BS Hoàng Khánh Toàn trả lời:

Suy tim là hậu quả của tình trạng bệnh lý làm giảm cung lượng tuần hoàn đến cơ quan phủ tạng đặc biệt là vấn đề thiếu oxy như van tim, rối loạn nhịp tim, cơ tim, tim bẩm sinh,… Suy tim có nhiều cấp độ khác nhau, do đó chúng ta không nên quá thất vọng hay bi quan vì hiện nay có nhiều loại thuốc làm giảm độ của căn bệnh này. Chẳng hạn như khi được điều trị bằng thưốc lợi tiểu, trợ tim, giãn mạch… tốt thì người suy tim vẫn có thể sống lâu dài.

Suy tim không giống như ung thư, chúng ta có thể điều trị, giảm độ. Ví dụ, suy tim độ 3 có thể chuyển sang độ 2 và 1 nếu chúng ta phát hiện đúng nguyên nhân, giải quyết tốt nguyên nhân, điều trị tuân theo đúng các phương pháp.

Đừng suy nghĩ suy tim là con đường cuối cùng. Điều quan trọng nhất vẫn là tinh thần, phải luôn hướng đến điều tốt đẹp, tích cực vì bệnh tim liên quan nhiều đến tinh thần. Tinh thần càng suy sụp bao nhiêu thì bệnh tim càng nặng bấy nhiêu. Vì vậy, những ai bị bệnh tim mạch nói chung và  suy tim nói riêng, hãy luôn nở nụ cười vui vẻ và tuân thủ theo những chỉ dẫn của bác sĩ thì chắc chắn mọi điều sẽ tốt đẹp.


Cách phòng ngừa bệnh tim mạch giữa người bình thường khỏe mạnh và người có yếu tố nguy cơ cao như tiểu đường, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch khác nhau như thế nào, thưa bác sĩ?
ThS.BS Hoàng Khánh Toàn trả lời:

Những người bình thường vẫn có khả năng mắc bệnh tim. Nhất là khi bị stress - căng thẳng vẫn dẫn đến nguy cơ gặp phải căn bệnh này.

Thực chất, không có một thần dược nào giải cứu chúng ta đâu. Chúng ta phải chọn biện pháp mang tính chất toàn diện, theo y học cổ truyền gọi là biện pháp chỉnh thể  (nghĩa là tất cả mọi thứ) tinh thần, ăn uống thoải mái, khôn ngoan. Nếu có bệnh tim mạch, hay bất kỳ bệnh lý mạn tính nào (đái tháo đường, basedow, suy giáp trạng, cường tuyến thượng thận…) thì phải điều trị đến nơi đến chốn,

Khi dùng thuốc, phải tuân thủ theo hướng dẫn của chuyên gia. Lúc cấp tính phải dùng đến Tây y, những lúc ổn định hoặc hỗ trợ cho lúc cấp tính, chúng ta có thể tìm đến Y học cổ truyền, vì những sản phẩm này ít tác dụng phụ, bền lâu và dễ được cơ thể chấp nhận.

PHẦN II: GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CỦA BẠN ĐỌC

Phan Văn Lịnh - Thái Bình

Gần đây, tôi thấy mình thường xuyên mệt mỏi, kèm theo ho dai dẳng nhiều ngày, nghĩ bị viêm phế quản nên tự mua thuốc về uống, nhưng không đỡ. Trong một lần khó thở, được tiêm thuốc giãn phế quản, cơn khó thở chẳng dứt mà còn nặng lên. Tôi nhập viện trong tình trạng cấp cứu, khi đó mới hay mình bị suy tim độ 3 nguyên nhân là do tăng huyết áp và hở van 2 lá.

Kính nhờ chuyên gia tư vấn giúp tôi hướng điều trị khi bị suy tim độ 3 sao cho tốt nhất? Tôi cần thay đổi trong lối sống sinh hoạt, ăn uống gì không ạ?

Mong chuyên gia tư vấn thêm, làm sao để phân biệt suy tim và những bệnh có cùng dấu hiệu như mệt mỏi, ho dai dẳng như tôi?

Chân thành cảm ơn chuyên gia.


ThS.BS Hoàng Khánh Toàn trả lời:

Ai cũng nghĩ rằng ho dai dẳng liên quan đến bệnh phổi nhưng đây cũng là triệu chứng của bệnh suy tim. Rất tiếc tôi phải nói rằng bạn đã rất chủ quan khi điều trị ho, phế quản bị co thắt nhưng không đỡ, nếu lúc này bạn làm thêm siêu âm tim, điện tim, đo huyết áp thì sẽ không rơi vào tình trạng suy tim nặng như thế. Hiện tượng ho dai dẳng, nhiều hơn về đêm là điều thường gặp ở bệnh suy tim.

Bạn nên đến cơ sở y tế đăng ký BHYT để bác sĩ chuyên khoa tim mạch khám xét, dự đoán mức độ và nguyên nhân bạn bị suy tim. Từ đó bác sĩ kê đơn và bạn nên tuân thủ triệt để, sẽ giải quyết được. Bạn không nên quá lo lắng vì như vậy chỉ làm cho bệnh nặng hơn.

Nguyễn Thị Thu Nhung - Đống Đa, Hà Nội

Bị bệnh tim có nên tập thể dục không thưa bác sĩ? Những bài tập có thể áp dụng là gì?

Mẹ cháu bị rối loạn nhịp tim. Cháu nghe nói bệnh này không được vận động nhưng mẹ cháu thì sáng nào 5-6g cũng chạy bộ đến cả hơn nửa tiếng, 45 phút.

Bác sĩ tư vấn giúp cháu một số lưu ý cho bệnh nhân mắc bệnh tim khi tập thể dục với ạ.

Cháu cảm ơn bác sĩ.


ThS.BS Hoàng Khánh Toàn trả lời:

Chào bạn Thu Nhung
Bệnh tim nói riêng cũng như tất cả bệnh lý khác, chúng ta không bài trừ việc luyện tập nhưng cần làm đúng cách.

Khi chẳng may mắc bệnh về tim như cơ tim, rối loạn nhịp tim… chúng ta vẫn cần có vận động nhưng không phải theo lối cực đoan. Tim cung cấp máu cho các cơ quan tạng phủ trong cơ thể. Khi vận động quá mức sẽ làm cho tim có gánh nặng cực kỳ lớn.

Tôi khuyên mẹ bạn cần vận động nhưng nhẹ nhàng, từ tốn, cường độ không cao, căng thẳng không nhiều, tốt nhất nên tập theo biện pháp y học cổ truyền: Thái cực quyền, tập phẩy tay, Yoga, ngồi thiền, thở sâu… Khi tập xong có cảm giác thoải mái, tim không bị đau và nhịp tim không bị rối loạn nữa. Tốt hơn nữa bạn nên đưa mẹ đến cơ sở có tập vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, chuyên gia sẽ cho những bài tập phù hợp với cơ thể mẹ bạn.
Thân mến!

Võ Hồng Đăng - 58 tuổi, Quảng Ninh

Tôi bị đau thắt ngực như cảm giác bị ai đó bó chặt. Tôi đi khám thì được chẩn đoán mắc bệnh động mạch vành. Hiện đang điều trị thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Tôi đọc báo được biết căn bệnh này giai đoạn nào cũng có thể tước đi mạng sớm, dẫn đến nhồi máu cơ tim, suy tim.

Xin hỏi bác sĩ, ngoài thuốc tây tôi có thể uống thêm thuốc đông y không? Kính nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi một vài bài thuốc để tăng cường sức khỏe cho tim mạch, hỗ trợ cho người mắc bệnh động mạch vành như tôi.

Chân thành cảm ơn bác sĩ.


ThS.BS Hoàng Khánh Toàn trả lời:
Hồng Đăng thân mến,

Đây là triệu chứng thiểu năng động mạch vành, mang chất nãm tính, đột ngột. Khi gắng sức hoặc làm việc cường độ lớn sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim. Đây là loại cấp cứu nặng, thậm chí có thể cướp đi tính mạng con người trong giây lát.

Bạn tìm hiểu các phương thuốc y học cổ truyền cũng là cần thiết nhưng nên đi khám Tây Y để xem động mạch bị hẹp bao nhiêu phần trăm, lượng máu cung cấp cho tim bao nhiêu phần trăm và thuốc Tây y khuyên bạn làm gì, dùng thuốc gì thì bạn nên dùng. Vì đây là 1 ưu thế ưu Việt của Y học hiện đại mà chúng ta đừng vì chuyện đó mà bỏ qua.

Việc điều trị thuốc Đông y rất cần thiết để hỗ trợ cho thuốc Tây y, hỗ trợ dự phòng biến chứng, nâng cao sức khỏe cơ thể. Mặc dù nâng cao hỗ trợ điều trị rất nhiều nhưng bạn lưu ý nên tìm đến những thầy thuốc Đông y có uy tín để tư vấn, xem mạch cụ thể, xem tính chất bệnh của bạn là tâm khí hư, tâm dương hư hay tâm huyết hư… mới có lời khuyên đúng. Tuyệt đối không nghe người khác mách bảo vì đôi khi chưa thấy hiệu quả mà còn đem đến tác dụng phụ không mong muốn.


Trần Việt Tuấn - TPHCM

Bác tôi bị hở van tim. Tôi tham khảo rất nhiều về các sản phẩm tốt cho người bệnh tim và có thắc mắc như sau: Dùng các dược liệu đã được bào chế thành sản phẩm tốt hơn hay nên dùng các dược liệu tươi, bài thuốc y học cổ truyền ạ? Ưu và nhược điểm từng dạng này ra sao?

Trong các dạng bào chế thành sản phẩm thì dạng nào tốt hơn? Tôi nghe nói viên nang mềm sẽ dễ hấp thu phải không ạ?

Chân thành cảm ơn bác sĩ đã giải đáp.


ThS.BS Hoàng Khánh Toàn trả lời:
Chào bạn Việt Tuấn,

Bị bệnh lý van tim điều đầu tiên là phải khám Tây y, vì hiện nay thay van tim, sửa chữa van tim rất thông dụng. Sau đó mới dùng đến Y học cổ truyền.

Y học cổ truyền có 2 dạng:

- Trên thị trường có rất nhiều thành phẩm y học cổ truyền, nhưng y học cổ truyền hay biện chứng luận trị (tùy người, tùy lúc, tùy nơi mà dùng). Hầu hết các sản phẩm đưa ra dùng chung cho mọi người.

- Đến thầy lang, cơ sở Y học cổ truyền để kê đơn theo bài thuốc không ai giống ai, chỉ tốt cho cơ thể bạn.

Vì vậy việc sử dụng thành phẩm sẽ không hay bằng cách tìm đến cơ sở y học cổ truyền bạn sẽ được xem xét và kê đơn thuốc. Điều đó tốt hơn rất nhiều so với thành phẩm. Những thành phẩm còn rất đắt so với những bài thuốc kê đơn.

Thân mến!

Phạm Như Vân - 45 tuổi, Đà Nẵng

Chào bác sĩ,

Tôi phát hiện bị huyết áp thấp 4 năm trước. Trước giờ tôi nghe nói tăng huyết áp có thể dẫn đến bệnh tim mạch mà không thấy nhắc gì đến huyết áp thấp.

Vậy xin hỏi huyết áp thấp có khả năng tiến triển nặng thành các bệnh lý tim mạch không? Nếu có thì thường gặp nhất là bệnh gì? Mức độ nguy hiểm ra sao?

Bác sĩ hướng dẫn giúp tôi cách lựa chọn những món ăn, bài thuốc tốt cho người huyết áp thấp. Tôi nghe nói ăn trứng gà với bột nhung hươu có thể cải thiện bệnh đúng không ạ? Tôi nên sử dụng 2 món này sao cho đúng?

Cảm ơn bác sĩ rất nhiều.


ThS.BS Hoàng Khánh Toàn trả lời:
Chào bạn Như Vân,

Huyết áp của một người trưởng thành tối đa 110 và tối thiểu 60, huyết áp thấp rất nguy hiểm. Huyết áp thấp là hiện tượng máu bơm lên các cơ quan bị giảm, các cơ quan trong cơ thể thiếu máu trong đó có não và tim. Huyết áp thấp có thể dẫn đến tai biến mạch máu não, thiếu máu cơ tim.

Không nên coi thường huyết áp thấp, mặc dù không nguy hiểm như cao huyết áp nhưng có thể đưa đến hậu quả chúng ta không lường trước được. Nên khi huyết ap thấp chúng ta cần chẩn đoán rõ, điều trị chuẩn, đưa huyết áp trở về mức bình thường.


Đỗ Minh Chánh - do.minhchanh…@gmail.com

Bố tôi 82 tuổi, bị suy tim nhiều năm do tăng huyết áp và bệnh mạch vành. Hiện tại, bố vẫn điều trị và theo dõi với bác sĩ đầy đủ. Tôi thấy bác tôi giới thiệu bố dùng KardiQ10. Nghe nói đây là sản phẩm dựa trên đề tài nghiên cứu cấp nhà nước nên cũng yên tâm.

Nhưng tôi muốn hỏi thêm, liệu sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên thì có gây tương tác với thuốc Tây không? Bố tôi đã bị suy tim rồi thì uống còn tác dụng gì không hay chỉ phù hợp để phòng ngừa thôi?


ThS.BS Hoàng Khánh Toàn trả lời:

Những bài thuốc y học cổ truyền rất tốt cho những người cao tuổi. Sản phẩm KardiQ10 gồm tỏi đen, hoa hòe cũng tốt cho bác. Nhưng tốt nhất bạn nên đưa bố đến các cơ sở y học cổ truyền để xem mạch và kê thuốc sẽ chuẩn hơn. Vì cái hay của Đông y là biện chứng luận trị nên có hiệu quả hơn các loại Đông dược thành phẩm.


Ngô Tuệ Lâm - Quảng Nam

Trước đây nhiều người khuyên là không nên ăn mỡ động vật vì không tốt cho tim mạch nên chúng tôi rất sợ mỡ và gần như dùng dầu thực vật. Giờ lại thấy nói phải ăn cả mỡ, vậy như thế nào mới là đúng và lành mạnh, thưa bác sĩ? Dầu thực vật và mỡ loại nào tốt hơn cho người mắc bệnh tim mạch hoặc người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch?

Ngoài ra, một số người cho rằng để điều trị bệnh tim mạch, nhiều người cho rằng nên ăn nhiều tim động vật, kiểu như “ăn gì bổ nấy”. Bác sĩ cho lời khuyên về vấn đề này?


ThS.BS Hoàng Khánh Toàn trả lời:

Khi nói đến mỡ động vật, các gia đình đều nghĩ không tốt nên hầu hết chỉ dùng dầu lạc, dầu vừng, dầu ô liu, dầu dừa... Theo quan điểm của tôi, mỡ động vật hay dầu thực vật đều có ưu điểm của nó. Nên chúng ta nên có một chiến thuật dung hòa cả hai thì rất tốt.

Mỡ động vật chứa rất nhiều năng lượng, đặc biệt với trẻ đang phát triển. Ngoài ra, nó còn cung ứng chất liệu phát triển hệ thống thần kinh mà dầu thực vật không có được. Vì vậy các mẹ đừng bắt trẻ chỉ ăn dầu thực vật không. Tuy nhiên, nếu như lượng cholesterol, lượng mỡ xấu tăng cao cần giảm bớt mỡ động vật.

Trong y học cổ truyền có quan điểm phủ tạng liệu pháp tức là “ăn gì bổ nấy”, mặc dù còn gây tranh cãi nhưng quan điểm này đúng chứ không sai. Chúng ta không nên quên đi kinh nghiệm của ông cha ngày xưa. Chẳng hạn như:

- Xương khớp cần ăn nhiều gân, khớp, sụn, xương vì có nhiều collagen.

- Mắc bệnh về dạ dày, đại tràng thì có rất nhiều bài thuốc dùng dạ dày điều trị bệnh dạ dày gọi là đồng khí tương cầu.

- Tương tự với những người bị rối loạn nhịp tim hay bị hồi hộp, hay bị chớm ngực, 1 tuần nên ăn 2 quả tim hầm với thần sa, cách thủy là điều rất tốt cho bệnh lý.
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X