Hotline 24/7
08983-08983

Thời tiết giao mùa, nghỉ lễ cần lưu ý gì để giữ sức khỏe?

Dịp lễ 2/9 với 4 ngày nghỉ liên tiếp là thời điểm thích hợp để đi du lịch. Nhưng đây cũng là lúc giao mùa, cơ thể dễ đổ bệnh nhất. Để chuyến đi không bị “phá đám” bởi những cơn ho, sổ mũi, bạn hãy lưu ngay những bí quyết dưới đây từ chuyên gia nhé!

1. Đổ bệnh giữa chuyến đi - sự cố có thể phá hỏng kỳ nghỉ của bạn

- Thưa BS, với điều kiện thời tiết nắng mưa thất thường như hiện nay, chúng ta có thể gặp những bệnh lý nào khi đi du lịch ạ?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ - BV Đại học Y Dược TPHCM trả lời: Du lịch trong kỳ nghỉ lễ có thể dẫn đến việc gia tăng các bệnh truyền nhiễm do thời tiết thay đổi và việc tụ tập đông người trong không gian kín cũng như gia tăng việc đi lại. Những bệnh thường gặp trong điều kiện này là cảm cúm, cảm lạnh, viêm họng, các bệnh về hô hấp…

Hơn nữa, tại các khu du lịch, chỉ cần một vài người bị cảm cúm là có thể lây lan rất nhanh sang những người khác. Đặc biệt là trong bối cảnh cúm A đang gia tăng và COVID-19 có sự chuyển biến phức tạp khi xuất hiện các biến chủng phụ của Omicron.

- Đâu là những nguyên nhân hay yếu tố khiến chúng ta dễ bị đổ bệnh giữa chuyến đi ạ?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ: Giao mùa là lúc nhiệt độ thay đổi, nắng mưa bất thường tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Trong khi đó, đi du lịch, chúng ta cần phải “làm quen” với môi trường mới, thay đổi thói quen sinh hoạt khó tránh khỏi việc giảm sức chống đỡ của cơ thể.

Thêm nữa, chuyến du lịch khiến chúng ta có tâm lý “thả ga” với rượu bia, đồ uống có cồn, cùng với việc ngủ ở một nơi lạ làm cho giấc ngủ có thể chập chờn, gián đoạn, dễ dẫn đến thiếu ngủ. Cộng với đó, những kỳ nghỉ gắn liền với những hoạt động từ sáng đến tối dưới ánh nắng gay gắt, thi thoảng xen lẫn cơn mưa dông, quá tải ở các điểm du lịch và cuối cùng là cơ thể rã rời, mệt mỏi sau một ngày dài.

Đây là hàng loạt yếu tố tác động làm suy giảm sức đề kháng, đưa đến nguy cơ dễ mắc bệnh vì không kịp thích nghi. Bất kỳ ai cũng có khả năng rơi vào tình huống này, nhưng thường gặp nhất ở người già, trẻ em, người bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người trẻ có thói quen sinh hoạt không lành mạnh như rượu bia nhiều, thuốc lá hoặc stress, căng thẳng, làm việc quá sức, áp lực, lười vận động…

Thời tiết thất thường khiến cơ thể dễ đổ bệnh (Ảnh minh họa)

2. Vượt qua cảm cúm, cảm lạnh khi đi du lịch

- Cảm lạnh, cảm cúm là vấn đề sức khỏe thường gặp nhất trong thời tiết hiện nay. Xin hỏi BS, làm sao để nhận diện triệu chứng của hai căn bệnh này, nhất là khi dịch COVID-19 có xu hướng tăng gần đây ạ?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ: Không ít người xuất hiện triệu chứng sụt sịt, sổ mũi ngay sau một ngày vui chơi dưới thời tiết thất thường. Những dấu hiệu này khiến nhiều người lo lắng trong bối cảnh COVID-19, cúm mùa đều gia tăng.

Nếu chỉ quan sát triệu chứng, chúng ta khó phân biệt được cảm cúm và cảm lạnh. Tuy nhiên, nhìn chung thì các triệu chứng cúm thường kéo dài và đi kèm với sốt (từ vừa đến cao 39-40 độ C), run rẩy và đau cơ, buồn nôn-nôn, tiêu lỏng (phổ biến nhất ở trẻ em), trong khi đó cảm lạnh thường ngắn hơn, chỉ đi kèm với tình trạng chảy nước mũi và ít khi sốt (nếu có thì chỉ sốt nhẹ).

Riêng COVID-19, đặc biệt với biến thể phổ biến hiện nay Omicron, triệu chứng tập trung nhiều ở vùng hầu họng như ngứa, đau họng nhiều hơn, có thể hụt hơi, tức ngực, sốt nhẹ hoặc không, đổ mồ hôi về đêm (nhất là ở trẻ em).

- Nếu mắc cảm lạnh, cảm cúm trong chuyến du lịch, chúng ta nên chăm sóc sức khỏe thế nào để nhanh khỏi bệnh ạ?

Tăng cường sức đề kháng giúp cơ thể nhanh vượt qua cảm lạnh, cảm cúm (Ảnh minh họa)

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ: Đa phần cảm lạnh, cảm cúm thường nhẹ, tự khỏi, chủ yếu điều trị triệu chứng và nghỉ ngơi. Sử dụng paracetamol nếu đau nhiều và sốt trên 38,5 độ C. Lưu ý, uống đủ nước, nên dùng thức ăn dạng lỏng như súp, cháo…. Nên sắp xếp lại lịch trình phù hợp với điều kiện sức khỏe để có thời gian nghỉ ngơi đầy đủ, không vận động quá sức, đây là cách tốt nhất để hỗ trợ cơ thể chống lại nhiễm trùng hiệu quả và giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt.

Bổ sung thêm năng lượng cho cơ thể nhanh vượt qua cảm lạnh, cảm cúm bằng cách hạn chế đồ uống có cồn, thuốc lá, tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi. Trong trường hợp địa điểm du lịch khó tiếp cận với nguồn thực phẩm tươi sống hoặc tự chế biến thì có thể bổ sung thêm các loại vitamin có vai trò quan trọng với hệ miễn dịch như vitamin C, vitamin nhóm B.

Nếu cảm lạnh, cảm cúm kéo dài hơn một tuần, sốt cao khó hạ, đau rát họng nhiều, ho kéo dài, khó thở, thở nhanh, người mệt mỏi-không có sức… thì nên đến cơ sở y tế gần nhất tại địa điểm du lịch để được thăm khám, hướng dẫn xử lý phù hợp.

3. Vui chơi khi thời tiết giao mùa, cách nào tăng sức đề kháng hiệu quả?

- Để gia tăng sức đề kháng trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng, thời tiết giao mùa như hiện nay, chúng ta cần lưu ý những gì ạ?

Du lịch trong bối cảnh COVID-19 còn phức tạp, đừng quên khẩu trang, nước rửa tay (Ảnh minh họa)

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ: Để kỳ nghỉ lễ trọn vẹn, chúng ta nên:

- Chuẩn bị thuốc và các thực phẩm bảo vệ sức khỏe:

Khi lên kế hoạch du lịch, đừng quên chuẩn bị sẵn các loại thuốc như: thuốc điều trị bệnh lý (nếu có), thuốc trị ợ nóng, đầy bụng, khó tiêu; thuốc chống dị ứng; thuốc ho; thuốc thông mũi; thuốc giảm đau và hạ sốt; oresol, men tiêu hóa; sản phẩm bổ sung vitamin và các vật dụng y tế như nhiệt kế, tăm bông, băng dính…

- Bồi dưỡng cơ thể, nạp năng lượng khi cần:

Để làm được điều đó, chúng ta cần ngủ đủ giấc; sắp xếp lịch trình vừa phải, tránh di chuyển liên tục; ăn uống đầy đủ và đúng giờ; uống đủ nước; uống rượu bia có kiểm soát.

Vấn đề lo ngại là, các bữa ăn trong chuyến du lịch đôi khi không đủ cân bằng dinh dưỡng, khiến cơ thể thiếu hụt các vitamin, dẫn đến mệt mỏi, suy giảm sức đề kháng. Do vậy, sản phẩm bổ sung vitamin sẽ là lựa chọn phù hợp hơn cả.

Tiện lợi nhất, hiện nay trên thị trường có loại viên sủi giúp dễ hấp thu vitamin khi vào cơ thể, cung cấp đầy đủ các loại vitamin cần thiết để nâng cao hệ miễn dịch như vitamin C, vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B5, B6, Biotin (vitamin H) và Acid Folic (vitamin M). Việc sử dụng cũng rất nhanh gọn, chỉ cần bỏ vào nước, đợi tan là uống được ngay, chúng ta có thể lựa chọn và sử dụng trong những chuyến du lịch.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X