Hotline 24/7
08983-08983

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: "Đám mây không bao giờ chết"

Thiền sư Thích Nhất Hạnh vừa viên tịch lúc 0g ngày 22/1 ở tuổi 96 tại Tổ đình Từ Hiếu, thành phố Huế trong sự tiếc thương của chư tăng và bá tánh.

Ngẫm từ lời dặn dò của thiền sư Thích Nhất Hạnh: "Không cần xây tháp cho thầy!"

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết tâm thư gửi đến các chư tăng, nói rõ ý nguyện sau khi trở về Tổ đình Từ Hiếu. Ông dặn các đệ tử của mình: "Nếu một ngày thầy mất, đừng xây tháp mộ gì cho thầy. Tốn kém tiền của. Tốn đất của dân. Dân mình còn nghèo lắm. Hãy hỏa táng thầy. Tro cốt thầy, hãy chia đều cho các Thiền viện của Làng Mai trên khắp thế giới rồi rải trên những con đường mà hàng ngày các con đi thiền hành. Làm như thế, ngày ngày, thầy và các con vẫn đi thiền hành chung".

Thiền sư cũng dặn các đệ tử rằng: "Thầy không muốn sau này quý vị xây cho Thầy một ngôi tháp ở Tổ Đình. Xây tháp như thế sẽ không có ý nghĩa gì nếu ngày hôm nay quý vị không nối tiếp được những gì Thầy đang trao truyền.

Thầy rất không thích chuyện lấy một mớ tro từ hình hài của Thầy rồi bỏ vào trong một cái hũ, rồi đặt vào trong tháp. Thầy không phải là cái nắm tro đó. Không có lý Thầy chỉ là cái nắm tro ấy hay sao?!

Thầy là một thực tại linh động, đang sống, đang có mặt khắp nơi. Trong các sư chú và các sư cô đều có Thầy, trong các vị cư sĩ quen biết đều có Thầy. Ở chỗ nào mà có thiền hành, thiền toạ, có pháp đàm, có ăn cơm yên lặng, có Sám Pháp Địa Xúc là có Thầy.

Không được nhốt Thầy, bỏ Thầy vào trong một cái hũ nhỏ rồi đặt Thầy vào trong một cái tháp. Thầy không muốn Thầy có một cái tháp. Tốn đất chùa vô ích. Sư Thầy Đàm Nguyện đã xây cho Thầy một cái tháp ở chùa Đình Quán. Đã lỡ xây rồi thì phải ghi lên trước tháp mấy chữ: “Trong này không có gì.” Thầy không nằm trong tháp ấy đâu.

“There is nothing inside”. Nếu người ta vẫn chưa hiểu thì ghi thêm một câu nữa “Ngoài kia cũng không có gì.” Và nếu vẫn còn chưa hiểu thì ghi thêm một câu chót là “Nếu có gì thì nó có trong bước chân và hơi thở của bạn.” Đó là điều Thầy căn dặn các Thầy các sư cô ở chùa Đình Quán Hà Nội và ở Tổ Đình.

Đừng phí thì giờ nghĩ đến chuyện tìm đất xây tháp cho Thầy. Đó không phải là điều Thầy nghĩ tới.  Nếu có một tảng đá có sẵn thì để vào trong hốc đá bản thảo của một cuốn sách của Thầy như cuốn Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức thì tảng đá đó có Thầy nhiều hơn là một cái tháp trong đó có một nắm tro. Đem tro mà rải hết ra ngoài để nuôi cây nuôi cỏ, cho cỏ cho cây lớn lên. Đừng có ngăn ngừa sự tiếp nối của nắm tro ấy…”.

Tuy Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đi xa, nhưng những giá trị mà thầy để lại thì còn trường tồn với thời gian. Nhiều người đã viết lên đôi dòng để tưởng nhớ về Thầy Thích Nhất Hạnh - người đã góp phần to lớn trong việc truyền dạy rộng rãi tinh thần Phật Giáo đúng đắn và phương pháp ứng dụng Phật học vào đời sống thường ngày: đơn giản, hợp với khoa học mà hiệu quả nhiệm mầu.

Những câu nói của Thầy trở thành kim chỉ nam cho cuộc sống

GS.TS.BS Nguyễn Văn Tuấn - Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Australia viết trên trang cá nhân: "Tôi chưa bao giờ tu tập với ông, nhưng lúc nào cũng xem ông như một người Thầy (viết hoa). Những câu nói của ông là kim chỉ nam cho cuộc sống mà tôi lựa chọn. Cầu mong hương hồn thầy Thích Nhất Hạnh siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng".

Còn BS Dung Le Ngoc viết: "Thầy đã ra đi. Mặc dù chưa từng thọ giáo với Thầy nhưng tôi đã từng xem mình là đệ tử của Thầy khi đọc tác phẩm "Chim hót trong lồng" của Thầy từ khi học Trung học, từ hơn nửa thế kỷ trước.

Rất nhiều người không ưa Thầy. Thầy thản nhiên bảo rằng: "Thầy rất yêu thương, thậm chí nhiều hơn - những kẻ ghét mình - vì họ là kẻ đáng thương khi sự căm thù nhấn chìm trái tim và che mờ lý trí của họ".

Đó chính là điều tôi quý trọng nhất ở Thầy và cũng là điều tôi đang cố học, có lẽ cả đời mình...

"Đám mây không bao giờ chết"

Một người khác lại viết, Thầy là "đám mây không bao giờ chết". Có nhiều vị Thầy chưa gặp, chưa từng được gọi tiếng Thầy nhưng những lời dạy và sự chỉ dẫn đã là ngõ rẽ giúp ta sống tích cực, nhân văn và hết mình với cuôc đời.

Tôi tìm đọc sách của Thầy trong những tháng ngày gian nan tìm đường riêng cho mình nơi xứ người. Tôi tự tìm thấy bản tính chân thật của mình khi thì rong chơi nơi núi rừng Đại Lão, Phương Bối Am đến dạo buớc trong những cánh rừng sồi lá vàng mùa Thu ở Princeton.

Những khuya đi làm công kiếm những đồng tiền khiêm tốn nuôi thân chờ ngày mai tươi sáng cho đến những kỳ thi quan trọng, lời dạy Chánh niệm của Thầy luôn là liều thuốc hữu hiệu giúp mình vượt qua buồn khổ và vững chải tiếp bước. Thầy luôn là bạn đồng hành an ủi, nâng đỡ tinh thần giúp mình kham nhẫn, có nhiều năng lượng trong muôn trùng thử thách. Sách Thầy giúp mình minh định lối sống lành mạnh, nhân văn, trải lòng với tha nhân. Luôn mong ước có ngày được gặp đảnh lễ Thầy.

Thầy đã hóa thành đám mây lành nhẹ nhàng từ đây. Ước mong của Thầy được gần đất Mẹ thành hiện thực. Thầy đã tan biến vào dòng sông quê trong đêm trăng thanh bình, vào ruộng đồng bát ngát mùa lúa chín. Thầy biểu hiện trong nụ cười em thơ quê nghèo trong chương trình Hiểu thương. Thầy biểu hiện trong sự thành công vượt qua chính mình của nhiều bạn trẻ gian nan đất khách. Thầy không mất đi. Thầy có mặt khắp mọi nơi. Thầy cũng đang có mặt cho con trong giây phút này.

Với tất lòng thành tâm, nơi phương xa. Con xin được cung kính, cúi đầu đảnh lễ Thầy.

"Thầy vẫn còn mãi với những giá trị nuôi dưỡng tâm hồn để lại"

Hay tin Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch, một người khác trích dẫn lời chỉ dẫn của Thầy: "Mỗi người chúng ta nên tự hỏi mình: Tôi thật sự muốn gì? Trở thành người thành công số một? Hay đơn giản là người hạnh phúc? Để thành công, bạn có thể phải hy sinh hạnh phúc của mình. Bạn có thể trở thành nạn nhân của thành công, nhưng bạn không bao giờ là nạn nhân của hạnh phúc".

Đồng thời để lại lời tiếc thương: "Trân trọng cảm ơn Thầy đã đến với thế gian và để lại những điều tuyệt đẹp. Một cuộc đời quá tuyệt vời. Ngưỡng mộ những cống hiến của Thầy cho Phật giáo và xã hội. Thầy vẫn còn mãi với chúng ta, với những giá trị nuôi dưỡng tâm hồn mà thầy để lại".

Để khép lại bài viết này, xin mượn những vần thơ của Sư Toại Khanh từ Thụy Sỹ để kính tiễn Thiền Sư Thích Nhất Hạnh:

Kính tiễn!

Sao rụng rồi sao...
một vì sao vừa rụng

Đời đang đêm...
cần lắm những vì sao

Thuyền bỏ bến đi...
biết sẽ ghé bờ nào

Trời Đông, trời Tây giờ không thuyền...
bến vắng!

Chưa được gặp Người
vẫn nghe lòng mặn đắng

Thị phi sá gì,
lòng vẫn trĩu niềm thương

Biển lớn, non cao rồi cũng vô thường
Thân tứ đại, dẫu của ai,
cũng chỉ là bọt sóng

Ngót trăm năm
giữa phố đời xô động

Chí cả hành tàng
như thớt tượng tùng lâm

Lộc Uyển, Làng Mai,
Phương Bối, Làng Hồng...

Người Nhất Hạnh khởi xây trường Vạn Hạnh
Bỏ nắng ấm quê hương
tìm về phương trời lạnh

Gùi kinh Phật
đơn thân vào đất Chúa

Nhớ linh xưa,
giữa lúc quê cha một trời binh lửa

Một bóng ven trời...
cho đạo, cho quê

Trời Tây long đong một nắm hạt Bồ Đề
Cặm cụi đội sương
gieo trồng trên đất khách

Tiếng ta, tiếng người...
giảng kinh, viết sách

Dạy người yêu quê, thương Phật với ca dao
Thoáng đã một đời...
cuộc mộng ngắn vậy sao

Chốn tổ hồi hương nghe gió về trên tán lá
Một góc chùa quê
dấu mình chôn chí cả

Một vốc xương tàn
gửi lại đất quê hương

Hữu vi hữu hạn... vô thường
Đành thôi một nén tâm hương kính Người

Một vì sao đã rụng rơi
Cho xao xuyến mấy phương trời Tây Đông...

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X