Hotline 24/7
08983-08983

Thế giới hơn 100 triệu người sống chung với khuyết tật sau đột quỵ

Đột quỵ cho đến nay vẫn là gánh nặng bệnh tật nặng nề trên toàn thế giới. Nhân Ngày Đột quỵ thế giới (29/10) năm nay, Thầy thuốc Nhân dân - GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông đã có những chia sẻ với AloBacsi về toàn cảnh căn bệnh này, từ tỷ lệ mắc - tử vong, những giải pháp đến từ Hội Đột quỵ Việt Nam trong tương lai nhằm ngăn chặn đà gia tăng của đột quỵ.

Thưa GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông, nếu so với trước đây, hiện nay độ tuổi và tỷ lệ mắc cũng như tử vong vì đột quỵ trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã có sự thay đổi ra sao ạ?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam trả lời:

So với trước đây, hiện nay độ tuổi, tỷ lệ mắc và tử vong đột quỵ trên thế giới vẫn không thuyên giảm mà còn có xu hướng gia tăng.

Theo thống kê năm 2019 của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), toàn thế giới có khoảng 101,5 triệu người sống chung với khuyết tật sau đột quỵ và 6,6 triệu người tử vong. Nếu không hạ huyết áp, cholesterol, cải thiện chế độ ăn và ngừng hút thuốc thì con số này sẽ gia tăng.

Năm 2010, số lượng bệnh nhân đột quỵ lần đầu là 16,9 triệu và tử vong là 5,9 triệu người (35%) thì năm 2030, đột quỵ lần đầu ước tính sẽ là 22 triệu người và 7,8 triệu người (34%) tử vong.

Tại Mỹ, ước tính vào năm 2030 sẽ có thêm 3,4 triệu người trên 18 tuổi bị đột quỵ. Vì vậy, đột quỵ không chỉ là gánh nặng cho xã hội, những người sống sót có chất lượng sống kém, tăng tỷ lệ tái nhập viện và chi phí chăm sóc. Năm 2015, tổng chi phí cho đột quỵ ở Mỹ là 66,3 tỷ USD, dự kiến 2030 là 143 tỷ USD.

Ở Việt Nam, chưa có thống kê cụ thể nhưng tỷ lệ đột quỵ xu hướng gia tăng và trẻ hóa do: đời sống xã hội, áp lực công việc, môi trường, sự hiểu biết về đột quỵ và một số thói quen: hút thuốc lá, lạm dụng rượu - bia. Mặt khác trình độ và trang thiết bị còn chưa đồng đều ở các địa phương và khu vực nông thôn, miền núi và giao thông nên viêc chẩn đoán và cấp cứu còn chậm, không đảm bảo thời gian vàng cho điều trị.

GS.TS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam - Nguyên Giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Quân y 108

Trước thực trạng của căn bệnh này ở nước ta, Hội Đột quỵ Việt Nam đã và đang có những chiến lược ra sao để giảm thiểu sự tác động cũng như gánh nặng của đột quỵ lên đời sống, xã hội thưa GS?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam trả lời:

Trước thực trạng này, Đại hội nhiệm kỳ III (2021 - 2026) ngày 10/10/2021 đã đề ra 3 mục tiêu cho những năm tới như sau:

1. Tư vấn cho Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, xây dựng kế hoạch cho một Trung tâm Đột quỵ có khả năng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị toàn diện đột quỵ tại mỗi tỉnh và thành phố (complehensive stroke center) nhằm nâng cao trình độ, năng lực của các BS, Điều dưỡng chuyên đột quỵ.

2. Giáo dục cộng đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng (TV, truyền thanh, tờ rơi...) về phát hiện sớm đột quỵ (FAST) và chuyển nhanh đến cơ sở y tế gần nhất có khả năng chẩn đoán và cấp cứu đột quỵ.

3. Lập bản đồ dân cư, thời gian vận chuyển và vị trí của những Trung tâm Đột quỵ, Khoa, Đơn vị Đột quỵ của các tỉnh, thành phố, khu vực và quốc gia về đột quỵ.

Hằng năm, ngày 29/10 được ấn định là Ngày Đột quỵ Thế giới. Xin hỏi GS, Ngày Đột quỵ Thế giới mang ý nghĩa như thế nào? Được biết, mỗi năm Tổ chức Đột quỵ Thế giới sẽ triển khai một chiến dịch nhằm đẩy lùi căn bệnh này. Vậy, năm 2021, chiến dịch này là gì, được triển khai ra sao thưa GS?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam trả lời:

Ngày Đột quỵ Thế giới (29/10) năm nay, khẩu hiệu chung của Tổ chức Đột quỵ Thế giới là "Thời gian là quý giá" để nhấn mạnh giá trị của từng giây, từng phút đối với bệnh nhân đột quỵ. Hội Đột quỵ Việt Nam đã hưởng ứng tích cực bằng các phương tiện truyền thông về:

- Các dấu hiệu sớm gợi ý đột quỵ, khuyến cáo khi phát hiện các dấu hiệu báo động đột quỵ hoặc đột quỵ xảy ra, cần đưa người bệnh ngay đến các cơ sở Y tế có khả năng thu dung và cấp cứu bước đầu đột quỵ gần nhất.

- Nếu các cơ sở này không đủ điều kiện hoặc khả năng thì cần vận chuyển ngay đến các cơ sở y tế cao hơn mà không cần phải chuyển theo bậc thang điều trị, không giữ bệnh nhân khi không có khả năng xử trí cao hơn để đảm bảo thời gian vàng điều trị và quyền lợi của người bệnh đột quỵ.

- Tăng cường đào tạo cho các cơ sở y tế về tiêu huyết khối (là kỹ thuật tiên tiến, đầu tay, để cứu vãn các đột quỵ thiếu máu não khi được cấp chứng chỉ về kỹ thuật này.

- Chẩn đoán và xử trí đột quỵ trên nền COVID-19 trong đại dịch, không bỏ sót và không lo lắng quá mức. Xử trí dịch bệnh và xử trí đột quỵ song hành.

Trân trọng cảm ơn GS!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X