Hotline 24/7
08983-08983

Test COVID-19 cho trẻ nhỏ bằng nước bọt, liệu có khả thi hơn lấy dịch mũi?

Dùng nước mũi trẻ test COVID-19, kết quả có chính xác? Test COVID-19 cho trẻ nhỏ bằng nước bọt có nên không?... Những thắc mắc này đã được BS Trương Hữu Khanh giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Trẻ dưới 3 tuổi, trường hợp nào cần test COVID-19?

Thưa BS, gần đây số lượng trẻ là F0 tăng nhiều, các phụ huynh cũng hỏi nhiều về việc test COVID-19 ở trẻ nhỏ. Theo BS, với trẻ dưới 3 tuổi, trường hợp nào cần test COVID-19?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Theo tôi, với trẻ nhỏ 3 tuổi, không có yếu tố nguy cơ hay triệu chứng thì không cần test COVID-19. Thậm chí, chúng ta đang nghi ngờ trẻ mắc COVID-19 nhưng không có triệu chứng cũng không cần thiết phải test. Bởi vì cho dù cho xét nghiệm ra nhưng trẻ không có triệu chứng thì chúng ta cũng chỉ cách ly thôi, không có thuốc nào cả.

Do đó, việc xét nghiệm ở trẻ nhỏ đừng nên lạm dụng quá mức. Bởi đây là xét nghiệm khá “thô bạo” với trẻ. Khi cần, chúng ta nên tham khảo ý kiến của bác sĩ xem tình huống của con mình có cần thiết phải test không.

2. Dùng nước mũi trẻ test COVID-19, kết quả có chính xác?

Một số trẻ khi được test thì đau và khóc, chảy cả nước mũi. Nếu dùng nước mũi đó để test thì kết quả có chính xác không ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi lấy dịch xét nghiệm thì cần lấy đúng dịch. Nếu trẻ sổ mũi thì chúng ta có thể lấy dịch đó để làm xét nghiệm, gần như tương đương với việc dùng que chọt vào mũi. Nhưng nếu trẻ khóc nhiều quá, đôi khi không phải dịch mũi mà còn kèm theo nước mắt chảy xuống, có thể ảnh hưởng đến kết quả.

3. Test COVID-19 bằng nước bọt thay cho lấy dịch mũi, có được không?

Vì các cha mẹ sợ con bị đau nên chuyển sang dùng test nước bọt. Theo BS thì phương án này có ổn không?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu test nước bọt kết quả dương tính xem như xét nghiệm có giá trị. Nếu test nước bọt âm tính thì chưa chắc đã âm tính. Chúng ta cố gắng lấy nước bọt dưới lưỡi. Đặc biệt, chủng Omicron lấy dưới lưỡi nhiều hơn trên mũi.

4. Người nhà F0, trẻ dưới 6 tháng tuổi có cần test COVID-19?

Trẻ dưới 6 tháng tuổi có người chung nhà là F0 thì trẻ có cần test không ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu trẻ không có triệu chứng thì không cần xét nghiệm, tiếp tục thực hiện 5K. Nếu có triệu chứng thì đưa bé đi khám bệnh để bác sĩ test dễ hơn. Trong trường hợp người nhà tự test được, nếu trẻ sổ mũi thì lấy dịch mũi để xét nghiệm. Với một trẻ dù dương tính hay không dương tính với SARS-CoV-2 nhưng có triệu chứng thì đều điều trị triệu chứng như nhau.

5. Có nên tách mẹ F0 ra khỏi con nhỏ dưới 6 tháng?

Trường hợp trẻ dưới 6 tháng có mẹ là F0 mà trẻ chỉ đeo theo mẹ thôi, thì có nhất thiết tách 2 mẹ con ra không? Nếu mẹ F0 tiếp tục chăm sóc trẻ thì làm sao để tránh lây?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Điều này đã được bàn luận nhiều, người ta thấy rằng, nếu tách người mẹ F0 ra khỏi con thì tinh thần của mẹ sẽ lo lắng hơn khi không được gần con, cuối cùng có thể nặng hơn. Do đó, nếu mẹ bị COVID-19 mà em bé chưa biết có bị hay không thì Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn khuyên là mang khẩu trang cho trẻ bú, chỉ cần để trẻ cách nơi mẹ ngủ khoảng 2m và vệ sinh nôi của bé. Ngoài ra, mỗi lần đến gần trẻ thì mang khẩu trang và rửa tay trước.

6. Trẻ nhỏ không test được COVID-19, theo dõi sức khỏe thế nào?

Trường hợp trẻ nhỏ không test được thì chúng ta có cần lưu ý gì khi theo dõi sức khỏe của trẻ, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thực tế, nếu chúng ta không test được thì xem như trẻ mắc COVID-19 và theo dõi, chăm sóc như bình thường. Đa phần trẻ mắc COVID-19 đều nhẹ.

7. Những điều cần lưu ý khi test COVID-19 tại nhà để kết quả chính xác?

BS có thể chỉ ra các sai sót trong quá trình test COVID-19 tại nhà, khiến kết quả không chính xác?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi test COVID-19 tại nhà, thứ nhất là phải lấy đúng chỗ, thứ 2 là phải nhiễu đủ dịch vào trong giếng, thứ 3 là để thẻ nằm ngang trên mặt phẳng, không nên cầm lên cầm xuống. Nếu cầm lên sớm quá, dịch không thấm đúng và nhòe ra, lúc đó đọc kết quả dễ bị sai.

Nên thực hiện theo hướng dẫn trên bao bì que test, ví dụ nhà sản xuất ghi chú để 20 phút, 30 phút thì nên để khoảng thời gian đó để xem, không nên cầm lên trước làm gì. Ngoài ra, sau khi có kết quả thì xem ngay lúc đó hoặc chụp lại. Không nên test sau đó để lại rồi đến tối hoặc ngày mai xem lại thì kết quả sẽ sai.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X