Hotline 24/7
08983-08983

Tầm soát hậu COVID-19, ai nên khám và cần lưu ý gì khi thực hiện?

Tầm soát hậu COVID-19 là vấn đề sức khỏe được quan tâm nhất hiện nay. Nhiều băn khoăn được đặt ra: Có phải ai cũng cần tầm soát hậu COVID-19? Cần lưu ý gì trước khi tầm soát? TS.BS Lê Thị Thu Hương - Trưởng khoa Hô hấp - Cơ xương khớp - Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã giải đáp những thắc mắc này trong bài viết sau.

1. Hội chứng hậu COVID-19 có phổ biến?

Thăm khám và chăm sóc sức khỏe F0 mắc hội chứng “hậu COVID-19” đã được Sở Y tế TPHCM xếp vào một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế thành phố trong năm 2022. Thưa BS, hiện nay đã có thống kê hay dự đoán về số người bị hội chứng “hậu COVID-19” tại nước ta, (hay tại TPHCM) chưa ạ?

TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, dựa trên những con số thống kê, với tình hình hiện mắc tại Việt Nam cũng như trên thế giới, người ta ước đoán, tỷ lệ hậu COVID-19 khoảng 10-35%. Không phải tất cả bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19 đều bị hội chứng COVID-19. Con số này thay đổi theo nhiều nghiên cứu khác nhau, nhiều đối tượng làm nghiên cứu.

2. Khám tổng quát có đáp ứng được việc tầm soát hậu COVID-19?

Là kênh hỏi đáp sức khỏe, AloBacsi cũng ghi nhận rất nhiều F0 khỏi bệnh than phiền về các triệu chứng: khó thở, hụt hơi, mệt mỏi, đuối sức, khó tập trung suy nghĩ, rối loạn giấc ngủ… và họ muốn đi khám sức khỏe nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Một số người thì dự tính khám tổng quát. Theo BS, khám tổng quát có đáp ứng được việc tầm soát hậu COVID-19 không ạ?

TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hậu COVID-19 là tình trạng kéo dài sau khi đã khỏi bệnh, thường thời gian khoảng 3 tháng và những vấn đề này kéo dài tối thiểu 2 tháng, không giải thích được bằng những nguyên nhân khác.

Theo những tổ chức khác, như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) định nghĩa, sau khi khỏi COVID-19, bệnh nhân vẫn còn các triệu chứng, biểu hiện bất thường hoặc xuất hiện dấu hiệu mới, hoặc triệu chứng tái phát, tối thiểu là 4 tuần mới được gọi là tình trạng sau COVID-19 hoặc hậu COVID-19.

Bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19 có 2 khuynh hướng:

- Một là những người vẫn còn triệu chứng hoặc xuất hiện triệu chứng mới sau khi khỏi COVID-19. Tình huống này có thể là hậu COVID-19 và nó rất đa dạng, dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác. Khi đó người bệnh nên đi khám. Tùy tình trạng của mỗi người mà sẽ đến khám ở bệnh viện tuyến y tế cơ sở, bệnh viện quận huyện hoặc chuyên khoa cao hơn. Với mỗi triệu chứng người bệnh gặp phải, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm phù hợp. Đầu tiên bác sĩ sẽ thăm khám, hỏi bệnh sử tỉ mỉ. Sau đó sẽ định hướng tình trạng bệnh nhân có thể gặp phải và chỉ định cận lâm sàng phù hợp để tiết kiệm nhất và khả năng chẩn đoán bệnh tốt nhất cho người bệnh.

- Hai là những người sau khi khỏi COVID-19 hoàn toàn khỏe mạnh bình thường, không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, học tập, lao động và không phải người thuộc nhóm yếu tố nguy cơ như phải nhập viện điều trị trước đó thì cũng không cần quá lo lắng về vấn đề hậu COVID-19. Nếu cần thì chúng ta vẫn kiểm tra sức khỏe định kỳ như trước giờ vẫn thực hiện.

3. Khám phổi, chụp x-quang có đủ để tìm ra nguyên nhân khó thở hậu COVID-19?

Khó thở là một trong triệu chứng thường gặp nhất ở giai đoạn hậu COVID và nhiều người nghĩ ngay đến việc khám phổi, chụp X-quang. Như vậy đã đủ để tìm ra nguyên gây khó thở chưa ạ?

TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Khó thở là cảm nhận đa dạng, chủ quan của người bệnh. Vì vậy, trước tiên nếu có triệu chứng khó thở, bác sĩ sẽ thăm khám, hỏi bệnh sử tỉ mỉ và thực hiện các nghiệm pháp (khám chứ chưa dùng đến máy móc), ví dụ như đo oxy đầu ngón tay là vấn đề cơ bản nhất cần làm. Nếu bình thường, Spo2 sẽ từ 96%, khi khám bác sĩ sẽ làm các nghiệm pháp đơn giản, chẳng hạn như đứng lên, ngồi xuống nhanh trong vòng 1 phút hoặc đi bộ 40 bước mà độ bão hòa oxy giảm trên 3%, khi đó bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm một số xét nghiệm.

Khó thở liên quan đến nhiều chuyên khoa, thường gặp nhất là Hô hấp và Tim mạch, nhưng có thể gặp ở khoa Thần kinh, Tâm lý, Nội tiết chuyển hóa. Vì vậy, bước đầu tiên và cơ bản nhất là khám bác sĩ, đánh giá trên lâm sàng để hướng tới chuyên khoa, xét nghiệm phù hợp.

4. Tầm soát cục máu đông hậu COVID-19, ai cần thực hiện?

Khá nhiều người lo lắng về nguy cơ có cục máu đông sau khi khỏi bệnh COVID-19, có cách nào để tầm soát vấn đề này, thưa BS?

TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Trong bệnh học của COVID-19 có tình trạng tăng đông. Đây là vấn đề khá phức tạp, thường gặp ở bệnh nhân nặng, họ có tình trạng tăng viêm, tăng đông và đối diện với nguy cơ gặp vấn đề cục máu đông.

Vì vậy, theo tôi việc đầu tiên vẫn là đi khám bác sĩ để được đánh giá xem người bệnh có thuộc nhóm nguy cơ tăng đông hay không. Khi đó, bệnh nhân sẽ được thăm khám, hỏi bệnh sử tỉ mỉ, chẳng hạn, khi mắc COVID-19 bệnh nhân có thuộc nhóm nặng không, đặc biệt là nằm ICU hoặc có bệnh nền không (béo phì, ung thư… - đây là những nhóm bệnh đã có sẵn nguy cơ tăng đông)…

Sau khi đánh giá đầy đủ, nếu vẫn có nguy cơ, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân xét nghiệm về vấn đề vấn đề đông máu. Tùy theo mức độ, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm cao cấp hơn, ví dụ như siêu âm mạch máu, CT, hoặc thậm chí là chụp DSA.

5. Tầm soát hậu COVID-19 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định có lợi thế gì?

Xin BS cho biết tại BV Nhân dân Gia Định, khi người bệnh đến để tầm soát hậu COVID-19 thì sẽ được hướng dẫn đến những chuyên khoa nào?

TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Khi bệnh nhân vẫn còn những triệu chứng dai dẳng sau khi bị COVID-19 hoặc thuộc nhóm nguy cơ (khi mắc COVID-19 phải nhập viện điều trị, nằm ICU, có bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, bệnh thận), hoặc trong quá trình nằm viện có xét nghiệm bất thường về đông máu, viêm thì nên đi khám.

Bệnh viện Nhân dân Gia Định có lợi thế là điều trị cả bệnh nhân nội trú COVID-19 lẫn tái khám sau khi xuất viện, vì vậy có đầy đủ hồ sơ của bệnh nhân. Nhờ đó, khi tái khám, thông qua hồ sơ, bác sĩ có thể nhận định được, bệnh nhân có thuộc nhóm cần tầm soát hậu COVID-19 không và có hướng dẫn phù hợp.

6. Tầm soát hậu COVID-19 có được BHYT thanh toán?

Tầm soát hậu COVID-19 chi phí khoảng bao nhiêu và đã được BHYT thanh toán chưa ạ?

TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Đây là vấn đề rộng, có thể cần nhận được giải đáp của cơ quan BHXH. Tuy nhiên, trên góc độ của bác sĩ, theo tôi hậu COVID-19 cũng giống như những di chứng của bệnh lý khác, ví dụ bệnh nhân sau lao bị giãn phế quản thì nếu bệnh nhân hậu COVID-19 cũng gặp đúng vấn đề đó thì BHYT vẫn chi trả. Hoặc nếu bệnh nhân sau khỏi COVID-19 vẫn có những vấn đề sức khỏe như tổn thương phổi, có bệnh phổi mô kẽ thì khi chỉ định lâm sàng hoàn toàn hợp lý và BHYT sẽ chi trả. Vấn đề là bác sĩ chỉ định hợp lý, đúng tình trạng của bệnh nhân, theo tôi BHYT vẫn chi trả được.

8. Cần lưu ý gì trước khi tầm soát hậu COVID-19?

Bệnh nhân có cần lưu ý, kiêng cữ gì trước khi đi tầm soát hậu COVID, nhờ BS hướng dẫn?

TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Tương tự như những bệnh khác, khi đi khám hậu COVID-19 nên mang theo những hồ sơ sức khỏe trước đây nếu có để bác sĩ tham khảo. Đặc biệt, nếu bệnh nhân từng phải nằm viện thì quan trọng nhất là mang theo giấy xuất viện và những thông tin cần thiết (x-quang phổi, điện tim…).

Hậu COVID-19 không phải ai cũng gặp, chỉ có một tỷ lệ nhỏ còn đa số sau khi khỏi COVID-19 mọi người đều khỏe mạnh, hoàn toàn trở lại bình thường. Nếu sau khi khỏi COVID-19, người bệnh có những triệu chứng bất thường, trong đó có khó thở, hồi hộp, ngất, nhịp tim nhanh thì cần đi khám.

Hoặc nếu thuộc nhóm bệnh nhân có nguy cơ như mắc bệnh nền (béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh thận…) hoặc từng nằm viện, can thiệp bằng những biện pháp xâm lấn thì cũng nên đi khám. Đây cũng là nhóm bệnh nhân được bác sĩ chỉ định phải tái khám sau khi xuất viện.

Nếu đã khỏi COVID-19, chúng ta cũng cần lạc quan hơn, quan tâm đến sức khỏe từ thể chất đến tinh thần, vận động, tập luyện, ăn uống đầy đủ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X