Hotline 24/7
08983-08983

Tầm soát đột quỵ: Sức khỏe não nằm trong tầm tay

Tầm soát đột quỵ thực tế là tầm soát các yếu tố dễ dẫn đến đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, bệnh tim mạch… để từ đó có giải pháp tốt nhất ngăn ngừa cơn đột quỵ xảy ra trong tương lai.

1. Ai cần tầm soát đột quỵ?

Tầm soát đột quỵ không phân biệt ngành nghề, giới tính đặc biệt quan trọng với người lớn trên 50 tuổi; người có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, rượu bia, thuốc lá nhiều năm; người có tiền sử bị đột quỵ, người thân bị đột quỵ; người có cơn thiếu máu não thoáng qua; người có bệnh lý tim mạch.

Đặc biệt, ngay cả người trẻ cũng nên tầm soát đột quỵ, nhất là những người dù nhỏ tuổi nhưng có những cơn mất ý thức thoáng qua, cơn động kinh, đau đầu kéo dài (không liên quan đến áp lực, stress) mọi lúc mọi nơi, kèm theo dấu hiệu tê yếu tay chân… cũng cần được tầm soát đột quỵ.

Tầm soát đột quỵ giúp phát hiện các yếu tố nguy cơ, từ đó đưa ra giải pháp ngăn ngừa căn bệnh này tốt hơn (Ảnh minh họa)

2. Các xét nghiệm cần làm khi tầm soát đột quỵ

Với từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định các khảo sát phù hợp. Việc đầu tiên khi tầm soát đột quỵ người bệnh sẽ được gặp bác sĩ Nội thần kinh, khám lâm sàng, trao đổi về tiền sử sức khỏe và bệnh lý liên quan đến mạch máu, thần kinh… Đồng thời, người bệnh cũng sẽ được đo điều cao, cân nặng (tính chỉ số BMI) để kiểm tra xem vấn đề thừa cân, béo phì…

Để tầm soát đột quỵ, chụp MRI hiện nay được coi là “công cụ vàng” - một trong những kỹ thuật chẩn đoán cần thiết để quan sát hệ thống mạch máu não. MRI có thể cho kết quả chuẩn xác hơn so các kỹ thuật dùng tia X (ngoại trừ kỹ thuật chụp DSA đánh giá mạch máu) trong chẩn đoán các bệnh lý não, tim mạch, đột quỵ...

Ngoài chụp MRI, bạn sẽ được thực hiện siêu âm doppler động mạch cảnh để kiểm tra tình trạng của động mạch cảnh có hẹp hay không, vì đây là một trong các nguyên nhân quan trọng gây đột quỵ nhồi máu não và cơn thiếu máu não thoáng qua. Thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác như siêu âm tổng quát, siêu âm doppler tim, đo huyết áp, đo điện tim để kiểm tra chức năng tim.

Siêu âm doppler động mạch cảnh là một trong những cận lâm sàng quan trọng trong tầm soát đột quỵ không nên bỏ qua (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ được làm thêm xét nghiệm máu (Cholesterol toàn phần, Triglyceride, Cholesterol HDL, Cholesterol LDL) kiểm tra tình trạng mỡ máu; Glucose, HbA1c phát hiện đái tháo đường; Axit Uric kiểm tra bệnh gout; xét nghiệm chức năng thận (phân tích nước tiểu, Creatinin, Ure); xét nghiệm chức năng gan (men gan GGT, tỉ lệ AST/ALT) để tầm soát các yếu tố nguy cơ đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, lipid máu…

Qua các kết quả xét nghiệm, hình ảnh này, bác sĩ sẽ định hướng điều trị bằng thuốc hoặc thay đổi lối sống nhằm dự phòng, giảm thiểu tối đa biến cố đột quỵ gây tàn phế nặng nề cho người bệnh và gia đình.

3. Hậu tầm soát và những điều bạn cần làm để bảo vệ não và hệ thống mạch máu

Bạn nghĩ tầm soát đột quỵ là “chắc ăn” không bị căn bệnh này? Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Việc tầm soát để bạn phát hiện những nguy cơ để định hướng phòng ngừa tốt nhất.

Do đó, ngoài việc khám sức khỏe định kỳ, bạn cần xây dựng lối sống lành mạnh, tránh xa rượu bia, thuốc lá, chế độ ăn phải ít muối; ăn nhiều rau tươi, quả tươi, hạt; hạn chế ăn thịt đỏ. Tập thể dục đều đặn ít nhất mỗi ngày 30 phút.

Nếu bạn đã mắc bệnh tăng huyết áp hay đái tháo đường cần uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ để đạt mục tiêu đường huyết trở về trạng thái bình thường và phải duy trì mục tiêu này lâu dài.

Nếu bị rung nhĩ, cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và cho thuốc phòng tránh có cục máu đông trong tim.

Nếu bị rối loạn mỡ máu, cần năng vận động, tránh ăn mỡ dầu và các thức ăn chiên xào, ăn nhiều rau. Đối với chất đạm, có thể ăn cá, ít ăn thịt. Nếu các thay đổi trên không cải thiện tình trạng rối loạn mỡ máu, thì bác sĩ có thể cân nhắc dùng thuốc.

Nếu bị cơn thiếu máu não thoáng qua, thân nhân của người bệnh cần biết các triệu chứng của bệnh (giống như bị đột quỵ) để có thể phát hiện bệnh kịp thời. Khi có triệu chứng gợi ý đột quỵ thì phải nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có đơn vị can thiệp đột quỵ để được điều trị càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, dù còn trẻ bạn cũng nên kiểm tra huyết áp của mình định kỳ, nhất là người trên 18 tuổi. Đối với người trẻ, nếu huyết áp rơi vào chỉ số tối ưu dưới 120/80 mmHg thì 5 năm sau mới cần đo lại. Còn nếu 130/80 mmHg trở xuống thì 3 năm sau mới đo lại.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X