Hotline 24/7
08983-08983

Tại sao khi chán nản người ta lại chọn nghe nhạc buồn?

Âm nhạc tự bao giờ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Gần như mỗi ngày, chúng ta đều có thể nghe thấy âm nhạc trên các phương tiện truyền thông khác nhau. Âm nhạc còn được ứng dụng trong nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Một số người cho rằng, họ sử dụng âm nhạc như liều thuốc an thần cho cơ thể. Bên cạnh các bài hát vui tươi, một số khác lại chọn cách nghe nhạc buồn để cân bằng các cảm xúc.

Tất cả chúng ta đều biết các ca khúc buồn có tác động to lớn đến tâm trạng. Chúng có thể khiến bạn từ một người vô cùng phấn chấn chuyển sang buồn bã cực độ chỉ bằng một bài hát được phát trên đài radio. Đối với phần lớn chúng ta, việc này không đáng để bận tâm. Nhưng sẽ ra sao nếu như bạn là người mắc chứng trầm cảm? Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng thay vì tìm kiếm các bản nhạc vực dậy tinh thần, những người được chuẩn đoán mắc bệnh trầm cảm thường có xu hướng chọn nghe nhạc buồn (hoặc đoc các tác phẩm văn học và xem các tranh ảnh buồn).

nghe nhạc buồn-nữ nghe nhạc hai tay ôm mặt đen trắng
Ảnh: BBC

Nghiên cứu đã dấy lên một vài tranh cãi: tại sao người trầm cảm lại tiếp tục có những hành động duy trì tâm trạng tiêu cực như vậy? Một nghiên cứu khác được xuất bản trên tạp chí Emotion cũng đã đi vào tìm hiểu vấn đề này. Theo nghiên cứu, người mắc bệnh trầm cảm không phải đang cố gắng khiến bản thân bị tiêu cực; thay vào đó họ cảm thấy các bài hát buồn khiến họ cảm thấy bình yên và xoa dịu tâm hồn.

“Nghiên cứu hiện tại được xem là chính xác và đầy đủ nhất trong các vấn đề liên quan đến việc nghe nhạc buồn; sử dụng các cách tiếp cận và lý do khác nhau,” Sunkyung Yoon, thành viên của nhóm nghiên cứu tại trường Đại học South Florida chia sẻ.

Nhóm đã tiến hành khảo sát với tổng số lên đến 76 người. Trong đó bao gồm 38 nữ giới được chuẩn đoán mắc bệnh trầm cảm và 38 nữ giới hoàn toàn khỏe mạnh. Ở phần đầu, nhóm sử dụng lại các mô hình trong bản nghiên cứu được xuất bản năm 2015 để kiểm tra liệu người trầm cảm có thực sự yêu thích nghe nhạc buồn hơn. Sau khi nghe qua 30 giây của các loại nhạc khác nhau (bao gồm “Adagio for Strings” của Samuel Barber” và “Rakavot” của Avi Balili); các đáp viên sẽ chọn ra loại nhạc mà họ mong muốn sẽ được nghe lại lần nữa. Tái hiện nghiên cứu này, Yoon và nhóm của anh đã thành công trong việc thu về kết quả tương tự: những người trầm cảm có xu hướng chọn nghe nhạc buồn nhiều hơn.

Tuy nhiên, khác với các báo cáo trước, nhóm nghiên cứu của Yoon tiếp tục đi sâu vào tìm hiểu nguyên nhân đằng sau của sự việc này. Đa số đáp viên trầm cảm trả lời rằng họ cảm thấy thư giãn, tịnh tâm và nhẹ nhàng hơn khi được nghe các bản nhạc buồn.

Phần tiếp theo của nghiên cứu này sử dụng các phương pháp mới. 84 clip 10 giây bao gồm các đoạn nhạc khác nhau như buồn, vui, kinh dị, bình thường và cả những các bản nhạc gây phân khích hoặc chùng tâm trạng. Với từng trường hợp, những người nghe nhạc đều chọn ra đâu là bản nhạc yêu thích của họ. Vào cuối buổi khảo sát, họ sẽ được nghe lại các bản nhạc này một lần nữa để xem chúng ảnh hưởng như thế nào đến tâm trạng.

nghe nhạc buồn-băng cassette đen trắng
Ảnh: Pinterest

Một lần nữa, nhóm người mắc bệnh trầm cảm đều có xu hướng chọn nghe nhạc buồn hoặc nhạc gây ức chế năng lượng (nhưng không chọn nhạc kinh dị). Điều quan trọng là, khi họ nghe các bài nhạc này lần thứ 2, họ cho rằng chúng làm họ cảm thấy vui hơn. Điều này đi ngược lại với kết luận những người trầm cảm nghe nhạc buồn để tâm trạng của họ luôn “trầm cảm” của nghiên cứu trước đó.

Mặc dù vậy, nghiên cứu này cũng không tìm hiểu được tại sao những người trầm cảm lại cảm thấy các ca khúc buồn làm họ cảm thấy thoải mái hơn. Trên thực tế, khi chúng ta đang cảm thấy chán nản, chúng ta cũng thường tìm đến các bản nhạc chậm và nhẹ nhàng hơn là các bài hát với nhịp điệu nhanh, vui vẻ. Một số kết luận khác đến từ nghiên cứu gần đây dựa trên những người bình thường (không mắc bệnh trầm cảm) cũng chỉ ra rằng họ thường nghe nhạc buồn nhiều hơn. Họ cho rằng các ca khúc buồn trong trường hợp này như một người bạn nhẹ nhàng động viên tinh thần.

Nghiên cứu mới nhất này cũng có những giới hạn nhất định. Yoon và nhóm nghiên cứu chỉ mới tìm hiểu qua tổng lượng mẫu khảo sát nhỏ bao gồm các đáp viên nữ; và các bản nhạc buồn chỉ có ảnh hưởng trong khoảng thời gian ngắn. Yoon và đồng nghiệp của anh khẳng định sẽ cần nghiên cứu sâu hơn vào vấn đề này trước khi kết luận về nguyên nhân những người trầm cảm lại thích nghe nhạc buồn. Về phần hiện tại, nghiên cứu này đã đưa ra luận điểm mới: “…người mắc bệnh trầm cảm nghe nhạc buồn như một cách để làm xoa dịu tinh thần chứ không dùng chúng để làm tăng các cảm giác chán nản.”

 Theo ELLE Man

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X