Hotline 24/7
08983-08983

Tai nạn sinh hoạt mùa cô Vy: Súc miệng nhầm bằng cồn, nuốt xăng, ăn sống hạt giống cây trồng

Ăn sống hạt giống dưa leo và bí, súc miệng nhầm cồn 90 độ, bà mẹ bất cẩn cắt luôn tăm xiên trong tôm chiên bột cho con ăn… là những tai nạn sinh hoạt mà bạn đọc nhờ AloBacsi tư vấn trong những ngày qua.

Bên cạnh những câu hỏi xoay quanh đề tài nóng hổi mấy ngày nay về “thẻ xanh, thẻ vàng” , không ít bạn đọc cũng gặp phải những tai nạn sinh hoạt "khó đỡ" trong những ngày qua.

Một bạn đọc hoang mang gọi hotline 08983 08983 hỏi: Tôi ở khu phong tỏa, sáng súc miệng nước muối lấy nhầm chai cồn 90 độ, từ 8h đến giờ 11h vẫn còn đau rát cổ thì làm sao ạ BS? Giờ ngậm nước đá được không ạ?

Trường hợp của bạn đọc có thể bị bỏng niêm mạc do ngậm phải cồn 90 độ, do đó cần súc miệng nhiều lần với nước sôi để nguội, nếu tình trạng không nặng thì sau vài ngày niêm mạc sẽ lành lại. Đồng thời, tránh ăn quá nóng hay quá lạnh, hạn chế gia vị có tính kích thích.

Tương tự, một bác lớn tuổi nhỏ nhầm cồn 70 độ vào mắt, và một mẹ bỉm nhỏ nhầm dầu khuynh diệp vào mắt trẻ nhỏ. Những nhai nạn này thường do mọi người bất cẩn trong việc đánh dấu thành phần dung dịch đựng trong chai, lọ nên AloBacsi dặn mọi người cần phải cẩn trọng và dán nhãn đánh dấu thật rõ ràng để tránh lặp lại sự cố lần nữa.

Liên quan đến việc vệ sinh mũi, họng, miệng trong mùa dịch, có bạn đọc nghiêng đầu thấp quá khi xịt mũi, khiến cho nước muối chảy lên tai, cả nửa ngày lượng nước muối đó mới thoát ra dần dần.

Trường hợp khác, bạn Nguyễn Bảo Tuyến: Em ăn cơm mà bị sặc, giờ có cảm giác hít vào không được bình thường, hơi tức ở ngực. Bác sĩ tư vấn giúp em với ạ.

Thường hạt cơm ít khi bị "dính" lại ở thành sau họng bởi niêm mạc vùng này rất là trơn, chỉ sợ là hạt cơm "kẹt" lại ở ngách nào đó của hầu họng mà thôi. Tuy nhiên, thường cảm giác còn vướng ở sau họng là do loạn cảm họng chứ không phải hạt cơm còn "nằm" ở đó. Do đó, trước mắt bạn đọc nên tích cực dùng chai rửa mũi dạng xịt để xịt rửa mũi thường xuyên và súc họng bằng nước muối ngày 2-3 lần, và theo dõi cảm giác khó chịu sau 2-3 ngày.

Một thiếu niên khác thì nuốt nhầm phải miếng nhựa 1cm, nhưng sau 5 ngày mới nhắn tin: “Con nuốt phải 1 mảnh nhựa 1cm, mấy ngày nay thì con không thấy có cảm giác nhựa trong họng nữa nhưng bị đau họng và có đờm. Vậy có khả năng tử vong không ạ? Hiện tại chỗ con đang dịch nên không đi nội soi được. Con có ăn chuối và uống nước thường xuyên. Con chưa uống thuốc. Con bị cách đây 5 ngày rồi ạ. Khi đi nặng thì con cũng ngại lấy ra kiểm tra nhưng cũng chưa thấy biểu hiện nào khác. Mong bác sĩ tư vấn giúp con”.

Các bác sĩ cho biết, nguy cơ tử vong khi nuốt dị vật là ở mấy phút đầu, nếu dị vật đi vào đường thở làm cho nghẹt thở. Nếu đã qua 5 ngày rồi thì không còn nguy cơ nghẹt thở, và nhiều khả năng là miếng nhựa đã ra ngoài theo phân. Vì vậy em này cũng không cần lo lắng nữa.

Trường hợp này thì không nuốt nhầm miếng nhựa, cũng không sặc phải cơm mà là nhai nuốt hẳn hạt giống trồng dưa leo và bí xanh. Đó là tình huống trớ trêu của mẹ hốt hoảng gọi về tổng đài 08983 08983 khi thấy 2 nhóc nhà mình xơi hết những hạt giống vừa mang ra định trồng. Chị sợ con mình sẽ bị tắc ruột hay tổn thương đường tiêu hóa. Tuy nhiên, bác sĩ chuyên khoa nhi trấn an rằng phụ huynh đừng quá lo lắng vì kích thước hạt cũng nhỏ và dẹt, những gì không tiêu hóa được sẽ ra theo phân thôi.

AloBacsi cũng muốn lưu ý đến các bậc phụ huynh, đặc biệt là trong những lúc chế biến thức ăn cho con trẻ. Đó là trường hợp một bạn đọc sử dụng xiên que tăm trong món tôm chiên bột nhưng quên lấy ra mà cắt cho con (2 tuổi) ăn. Mặc dù trẻ không sao do mẹ đã cắt nhỏ tôm, nhưng việc quá bất cẩn của người mẹ trẻ là điều thật sự đáng trách.

Đã có rất nhiều trường hợp nuốt phải dị vật là que xiên hoặc tăm tre gây thủng ruột, nếu phát hiện trễ có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Trên thực tế, trong cuộc thi đầu bếp, món xiên bằng tăm sẽ bị trừ điểm nặng vì gây nguy hiểm cho người ăn. Vì vậy, bạn đọc, đặc biệt là các bậc phụ huynh khi chế biến các món ăn không nên dùng que xiên để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc nhé!

Tối 11/9 thì một bạn nam than đau đầu, có thể do hồi chiều đã nuốt phải một ít xăng trong quá trình sang chiết. Các bác sĩ cho biết, triệu chứng của ngộ độc xăng nói chung là: chóng mặt, buồn ngủ, đau đầu, co giật, khó thở, đau tai, mất thị lực, đau bụng, nôn, buồn nôn, nôn ra máu, bỏng thực quản nếu nuốt xăng, tụt huyết áp…

Tùy theo số lượng uống hoặc lượng hơi xăng hít vào mà triệu chứng sẽ biểu hiện nặng nhẹ khác nhau. Trường hợp anh bạn đọc này nếu chỉ thấy mệt và đau đầu nhẹ thì nên nằm nghỉ ngơi. Nếu triệu chứng không cải thiện mà mà huyết áp tụt thì anh nên đi bệnh viện.

"Tác phẩm" của bạn Huy sau khi cục u mỡ vốn hiền lành, vô hại bị đè ra bóp, nặn

Còn tình huống của bạn Huy Nguyễn thì tư vấn viên không biết nên xếp vào tai nạn hay… nghịch dại. Bạn Huy có cục u khoảng 3cm đã chục năm rồi. Tuần trước bạn ngồi nặn khiến cục u đó bị sưng đỏ, nhiễm trùng, đi khám được bác sĩ kê toa thuốc 7 ngày. Và bạn có thêm băn khoăn mới là uống kháng sinh thì có chích ngừa COVID-19 được không? Rất may là trường hợp của bạn vẫn chích ngừa bình thường.

Mùa dịch, việc đi khám bệnh khó khăn hơn ngày thường, mọi người hết sức cẩn thận nhé.

Anh Thi - Hồng Nhung

[DAP]Quý bạn đọc có thể theo dõi nhiều buổi trò chuyện của các bác sĩ - chuyên gia, chia sẻ những thông tin thiết thực về việc bảo vệ sức khoẻ tại kênh youtube: AloBacsi - video.

Nếu có thắc mắc về sức khoẻ, kính mời bạn đọc đặt câu hỏi và gửi về chương trình thông qua:

Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Group: AloBacsi - Hỏi đáp mùa dịch

Email: tuvan@alobacsi.vn

Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của các buổi tư vấn trực tuyến qua số điện thoại: 08983 08983

Trân trọng![/DAP]

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X