Hotline 24/7
08983-08983

Tác dụng phụ nguy hiểm trẻ có thể gặp sau khi tiêm vắc xin COVID-19?

Tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em là vấn đề được rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Trong đó, cha mẹ thường thắc mắc về các tác dụng phụ và chăm sóc trẻ sau tiêm như thế nào cho đúng? BS Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM sẽ giúp quý khán giả hiểu rõ hơn về vấn đề này.

1. Vị trí có thể tiêm ngừa trên cơ thể?

BS Trương Hữu Khanh trả lời:

Thông thường sẽ có 3 vị trí để chích ngừa, bao gồm: tiêm bắp, tiêm dưới da và tiêm trong da. Trong đó, tiêm bắp được sử dụng nhiều nhất.

Khi tiêm bắp sẽ lựa chọn khối cơ đủ cơ bắp để dễ dàng chích ngừa và ít gây đau đó là cơ đùi và cơ delta. Nhưng cơ delta được sử dụng nhiều hơn, đặc biệt người lớn, vì khối cơ delta của người lớn khá to, nên có thể chích vắc xin 0,5ml hoặc 1ml tùy loại.

2. Nguyên tắc khi lựa chọn vị trí tiêm?

BS Trương Hữu Khanh trả lời:

Thật ra, cơ đủ lớn và thuận lợi cho việc chích ngừa sẽ được lựa chọn để tiêm. Ví dụ, người lớn thường mặc quần nên sẽ khó để tiêm đùi, nhưng ngược lại trẻ nhỏ thì có thể vì cơ delta khá nhỏ.

3. Tiêm vắc xin tay phải sẽ ít nguy hiểm hơn?

BS Trương Hữu Khanh trả lời:

Nếu nói chích ngừa bên tay phải ít tác dụng trên tim hơn tay trái, do tim nằm bên tay trái thì điều này hoàn toàn sai lầm. Vì liều thuốc khi tiêm vào cơ thể có gần tim hay xa tim đều không quan trọng.

Việc chích tay trái hay tay phải sẽ tùy thuộc vào người tiêm ngừa thuận tay nào, vì nếu tiêm tay thuận sẽ gây khó khăn trong sinh hoạt do sau tiêm sẽ thường đau chỗ tiêm.

4. Trẻ béo phì tiêm vắc xin COVID-19 cần lưu ý gì?

BS Trương Hữu Khanh trả lời:

Trẻ béo phì tiêm vắc xin COVID-19 sẽ không ảnh hưởng gì và vẫn có thể tiêm vào cơ bắp bình thường.

5. Vắc xin mRNA tiêm tĩnh mạch gây viêm cơ tim hơn so với tiêm cơ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời:

Điều này hoàn toàn không chích xác và không thể tiêm vào tĩnh mạch. Chúng ta để ý một số trường hợp sau tiêm bị chảy máu, đó không phải là tiêm vào tĩnh mạch mà là mao mạch.

Tiêm tĩnh mạch cũng không hề đơn giản và mọi người cũng không cần lo lắng, vì khi tiêm một loại vắc xin nào đó ở bắp sẽ không thể chạy vào tĩnh mạch được.

6. Việc rút vắc xin vào một loạt xi lanh để sẵn, liệu có ảnh hưởng chất lượng vắc xin?

BS Trương Hữu Khanh trả lời:

Theo hướng dẫn không cho phép việc rút một loại vắc xin ra để sẵn, tuy nhiên trong thực tế việc hút từng người có thể không đủ thuốc. Ví dụ, 1 ống vắc xin Pfizer mỗi lần chích là 0,3ml, nhưng ống sau khi pha xong là 1,8ml sẽ chích được 6 người. Nếu không có ống đúng 0,3ml thì việc hút sẽ dẫn đến tình trạng lúc thiếu lúc dư.

Và động tác hút sẵn hết cho đều vắc xin và chích ngay sẽ không ảnh hưởng gì, nhưng khi để như vậy cần đảm bảo vô trùng.

7. Nguyên nhân vết tiêm ở trẻ bị chai cứng, viêm, u hạt hay đổi màu da?

BS Trương Hữu Khanh trả lời:

Sau khi tiêm chủng có thể thấy chỗ tiêm cứng hơn thì không nguy hiểm, vì tùy cơ địa của trẻ. Đặc biệt, trong chủng ngừa tá dược của một số vắc xin có thể gây ra các triệu chứng trên nhưng không làm ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ.

Vì vậy, sau tiêm vết cứng sẽ từ từ hết hoặc nếu thấy vẫn còn cứng có thể xoa nhẹ để tan dần.

8. Tác dụng phụ sau khi trẻ tiêm vắc xin COVID-19? Lưu ý khi chăm sóc?

BS Trương Hữu Khanh trả lời:

Sau khi tiêm ngừa cho trẻ, đặc biệt tiêm loại mRNA chỉ có 1 tác dụng phụ đáng lo lắng đó là viêm cơ tim. Nó có thể xảy ra trong 28 ngày và nhất là 72 giờ đầu sau tiêm.

Cha mẹ nên hạn chế để trẻ chạy nhảy, đặc biệt trong 72 giờ đầu không vận động nặng.

Còn lại các tác dụng phụ khác ở trẻ giống như người lớn: sốt, ho, tức ngực, mệt mỏi, sẽ tự ổn định nên không cần lo lắng.

Tỷ lệ viêm cơ tim ở trẻ cũng khá thấp, nhưng nếu cha mẹ thấy trẻ bị khó thở, tức ngực nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Bác sĩ sẽ xử trí theo dõi và sử dụng một số loại thuốc kháng viêm thì tác dụng phụ đó sẽ từ từ ổn định.

9. Trẻ ngủ sau tiêm vắc xin COVID-19 có cần thiết phải giám sát kỹ không?

BS Trương Hữu Khanh trả lời:

Điều này không cần thiết, vì trẻ lớn chích ngừa COVID-19 nếu có triệu chứng khác thường trẻ sẽ nói cho ba mẹ biết. Nhưng với tiêm chủng mở rộng có một số vắc xin chích cho trẻ quá nhỏ thì mới cần theo dõi giấc ngủ, còn lại thì không.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X