Hotline 24/7
08983-08983

Suy tim: ai có nguy cơ, làm sao ngăn chặn?

ThS.BS Nguyễn Hoàng Anh - Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định TPHCM sẽ giải đáp các vấn đề liên quan đến bệnh suy tim để quý bạn đọc hiểu rõ hơn về căn bệnh nguy hiểm này.

1. Suy tim là gì? Nguyên nhân nào gây ra suy tim?

ThS.BS Nguyễn Hoàng Anh:

Trái tim có nhiệm vụ thu nhận và tống máu đi khắp cơ thể.

Theo thuật ngữ y khoa, suy tim là một tình trạng hội chứng lâm sàng phức tạp. Các triệu chứng của suy tim xảy ra là do những bất thường về cấu trúc hoặc chức năng của tim, dẫn đến khả năng tăng áp lực đổ đầy trong tim hoặc tim giảm đi khả năng co bóp để tống máu. Trong dân gian, người ta cho rằng suy tim là tình trạng bệnh nhân có tim lớn.

Có nhiều nguyên nhân gây suy tim, trong đó nguyên nhân thường gặp nhất là bệnh mạch vành (thiếu máu cơ tim cục bộ). Bên cạnh đó, nguyên nhân gây suy tim có thể do bệnh tăng huyết áp; bệnh lý về van tim; những bệnh lý gây hở van tim hoặc hẹp van tim.

Ngoài ra, một số nguyên nhân gây suy tim ít gặp hơn như: những bệnh lý cơ tim; rối loạn nhịp tim hoặc do các loại thuốc gây độc trên cơ tim.

2. Dấu hiệu nào giúp nhận biết suy tim?

ThS.BS Nguyễn Hoàng Anh:

Nếu đã được chẩn đoán suy tim thì bệnh nhân đã có triệu chứng rồi và trường hợp này được phân loại là suy tim trong giai đoạn C.

Nếu thấy cơ thể xảy ra các triệu chứng như khó thở, giảm khả năng gắng sức, khó thở kịch phát về đêm và khó thở khi gắng sức thì bệnh nhân cần nghĩ đến suy tim và đi khám ngay.

3. Suy tim có bao nhiêu mức độ?

ThS.BS Nguyễn Hoàng Anh:

Bệnh suy tim được chia thành 4 giai đoạn: A, B, C, D.

Trong đó, giai đoạn A là giai đoạn bệnh nhân có khả năng mắc suy tim. Ở giai đoạn này, bệnh nhân có những bệnh nền như: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành, béo phì.

Giai đoạn B là tiền suy tim. Theo đó, những bệnh nhân có bệnh lý tim cấu trúc như bệnh lý về van tim, bệnh lý tim bẩm sinh hoặc bệnh nhân bị rối loạn tâm thu thất trái hoặc thất phải thì có thể dẫn đến suy tim.

Giai đoạn C là giai đoạn suy tim có triệu chứng và giai đoạn D là suy tim giai đoạn cuối. Triệu chứng thường xuất hiện ở giai đoạn C và D.

Ngoài ra, có một cách phân loại bệnh suy tim khác đó là phân loại triệu chứng dựa theo mức hoạt động thể lực của bệnh nhân hằng ngày, hay còn gọi là chức năng NYHA. Theo đó, suy tim được chia thành 4 mức độ là: NYHA 1, NYHA 2, NYHA 3 và NYHA 4.

Trong đó, NYHA 1 là giai đoạn bệnh nhân không có triệu chứng. NYHA 2 là giai đoạn bệnh nhân có triệu chứng trong lúc gắng sức, ví dụ như bệnh nhân gắng sức khi tập thể dục, chạy bộ nhanh hoặc leo cầu thang.

Giai đoạn NYHA 3 sẽ làm giới hạn hoạt động thể lực của bệnh nhân. Cụ thể, bệnh nhân có triệu chứng ngay cả khi hoạt động ở mức bình thường. Ví dụ như  bình thường có thể leo được 4 - 5 lầu nhưng bây giờ họ leo được 2 - 3 lầu thì đã cảm thấy khó thở. Hoặc trước đây bệnh nhân có thể chạy bộ 10 - 15 phút nhưng bây giờ chỉ chạy 5 phút thì đã cảm thấy mệt và khó thở.

Giai đoạn NYHA 4 là giai đoạn nặng nhất. Ở giai đoạn này, bệnh nhân có triệu chứng ngay cả lúc nghỉ kể cả trong lúc tắm rửa, ăn uống, đi lại…

4. Người bệnh suy tim cần thực hiện các xét nghiệm gì?

ThS.BS Nguyễn Hoàng Anh:

Nếu người dân có triệu chứng nghi ngờ suy tim thì cần đến bệnh viện khám ngay. Lúc này, bác sĩ sẽ thăm khám cho bệnh nhân và hỏi kỹ bệnh sử, khám lâm sàng để chẩn đoán xem bệnh nhân có bị suy tim hay không.

Bác sĩ cần phân biệt suy tim với các nguyên nhân khác bởi những triệu chứng suy tim không đặc hiệu. Ví dụ như khó thở, giảm khả năng gắng sức có thể gặp trong các bệnh như tắc nghẽn phổi mãn tính hoặc ở người bị béo phì.

Do đó, sau khi bác sĩ khám lâm sàng, các bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện các phương pháp cận lâm sàng để hỗ trợ chẩn đoán tình trạng suy tim như: điện tâm đồ, xét nghiệm máu, xét nghiệm dấu ấn sinh học của tim…

5. Bệnh nhân suy tim được điều trị như thế nào?

ThS.BS Nguyễn Hoàng Anh:

Để điều trị bệnh suy tim, chúng ta sẽ điều trị về triệu chứng và nguyên nhân của suy tim, trong đó điều trị nội khoa (điều trị bằng thuốc) là chính.

Tiếp theo, bác sĩ sẽ điều trị dụng cụ ở các bệnh nhân có chỉ định. Cụ thể, bác sĩ có thể điều trị bằng máy khử rung ở bệnh nhân rối loạn nhịp thất do suy tim. Điều trị bằng máy tái đồng bộ cơ tim.

Đối với điều trị nguyên nhân, các bác sĩ có thể chụp mạch vành để xác định bệnh nhân có bị thiếu máu cục bộ hay không. Điều trị đặt stent hay phẫu thuật điều trị các bệnh lý về van tim hoặc các khiếm khuyết về tim bẩm sinh.

6. Phẫu thuật liệu có giúp chữa khỏi bệnh tim hoàn toàn?

ThS.BS Nguyễn Hoàng Anh:

Phẫu thuật chỉ chữa được suy tim hoàn toàn khi chúng ta ghép tim.

Phẫu thuật có thể chữa được các nguyên nhân gây suy tim. Ví dụ như bệnh nhân bị hở van tim nặng, chúng ta phẫu thuật để các van đó và thay van nhân tạo.

Bệnh nhân có bệnh tim bẩm sinh như tổn thương về thông liên nhĩ, thông liên thất thì chúng ta phẫu thuật để chữa trị.

7. Bệnh nhân suy tim có thể đối diện với những biến chứng gì?

ThS.BS Nguyễn Hoàng Anh:

Hầu hết bệnh nhân đến bệnh viện khi đã xảy triệu chứng, hay còn gọi là giai đoạn C. Rất ít bệnh nhân đến bệnh viện ở giai đoạn cuối.

Một phần nhỏ bệnh nhân phát hiện suy tim do có bệnh nền như nhồi máu cơ tim, rối loạn chức năng tâm thu thất trái, bệnh nhân có bệnh lý tim cấu trúc được phát hiện tình cờ (ví dụ như bệnh nhân bị hở van tim hoặc phát hiện tình cờ khi khám định kỳ).

Nếu người bệnh được phát hiện suy tim giai đoạn C thì bệnh vẫn chưa nặng.

Tuy nhiên, một số bệnh nhân đến bệnh viện do các nguyên nhân gây suy tim như bệnh van tim nặng hoặc bệnh tim bẩm sinh nặng mà họ để quá lâu. Với những trường hợp này, chúng ta không thể điều trị được nguyên nhân.

Đặc biệt, trên những người bệnh này, tình trạng suy tim nhanh có thể dẫn đến suy tim giai đoạn cuối.

Với những bệnh nhân phát hiện trễ sẽ để lại hậu quả khá lớn vì người bệnh suy tim giai đoạn cuối phải ghép tim mới có thể điều trị triệt để hoàn toàn.

8. Đối tượng nào có nguy cơ suy tim cấp?

ThS.BS Nguyễn Hoàng Anh:

Người ta định nghĩa suy tim cấp là tình trạng người bệnh có triệu chứng tăng dần hay tăng cấp tính. Các triệu chứng này nặng đến mức người bệnh phải nhập viện để điều trị hoặc liên lạc bác sĩ để điều chỉnh thuốc.

Suy tim cấp có thể là biểu hiện lần đầu tiên của người bệnh được chẩn đoán là suy tim. Suy tim cấp cũng có thể xảy ra ở bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp hoặc suy tim cấp mất bù trên nền suy tim mạn (người bệnh đã được chẩn đoán suy tim trước đó).

Theo đó, những đối tượng gặp trường hợp này thường là:

  • Người bệnh bỏ điều trị hoặc điều trị chưa thích hợp;
  • Bệnh nhân ăn mặn quá mức;
  • Sử dụng thuốc kháng viêm dẫn đến tim mất bù;
  • Người bệnh sử dụng thuốc không phù hợp dẫn đến suy tim cấp ở người bệnh bị nhiễm trùng, rối loạn nhịp tim.

9. Người bệnh cần lưu ý gì khi tự mua thuốc để chữa bệnh?

ThS.BS Nguyễn Hoàng Anh:

Bệnh nhân suy tim cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc không kê toa, đặc biệt là bệnh nhân có tình trạng cấp tính như viêm họng, sốt, nhiễm trùng, đau nhức.

Bệnh nhân thường mua thuốc ở quầy thuốc tây, trong đó thuốc kháng viêm có thể thúc đẩy bệnh nhân đi vào giai đoạn suy tim cấp hoặc khiến người bệnh thường đau nhức.

Một số trường hợp bệnh nhân mua thuốc thuốc Nam hoặc thuốc Bắc không rõ nguồn gốc. Khi sử dụng những loại thuốc này trong thời gian ngắn, nó có thể khiến bệnh nhân bị suy tim cấp.

10. Suy tim có phòng ngừa được không?

ThS.BS Nguyễn Hoàng Anh:

Bệnh suy tim có thể phòng ngừa được. Suy tim có 4 giai đoạn, trong giai đoạn A và B là những giai đoạn của suy tim.

Giai đoạn A là giai đoạn bệnh nhân có bệnh lý nền có thể thúc đẩy dẫn đến suy tim nên chúng ta cần điều trị tốt các bệnh nền như: cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành, giảm cân cho bệnh nhân béo phì.

Người bệnh suy tim giai đoạn B thường có bệnh lý tim cấu trúc hoặc nhồi máu cơ tim. Theo đó, người bệnh có thể sử dụng những loại thuốc đã được chứng minh cải thiện tình trạng của người bệnh, giúp ngăn ngừa tình trạng suy tim hoặc những bệnh lý tim cấu trúc, phòng ngừa người bệnh diễn tiến đến giai đoạn C.

Trọng Dy (ghi)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X