Hotline 24/7
08983-08983

Suy hô hấp ở bệnh nhân ung thư: Dấu hiệu nhận biết và cách sơ cứu ra sao?

Suy hô hấp ở bệnh nhân ung thư là tình trạng đòi hỏi phải được điều trị, xử trí tại bệnh viện. Vậy làm sao nhận diện được triệu chứng và trong lúc chờ đợi xe cấp cứu người nhà bệnh nhân có thể làm gì? ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa Ung Bướu - Bệnh viện Thành phố Thủ Đức đã giải đáp thắc mắc này trong bài viết dưới đây.

1. Nguyên nhân nào gây suy hô hấp?

Thưa BS, tình trạng suy hô hấp thường gặp ở bệnh nhân ung thư là gì? Có phải chỉ bệnh nhân ung thư phổi mới gặp tình trạng này?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Suy hô hấp có thể hiểu ngắn gọn là tình trạng phổi vì một lý do nào đó không trao đổi đủ lượng oxy cần thiết hoặc bị tích lũy quá nhiều khí CO2 trong cơ thể. Khi cơ thể bị thiếu oxy hoặc dư thừa CO2 sẽ dẫn đến các cơ quan không hoạt động ổn định. Tình trạng này được gọi là suy hô hấp.

Về nguyên nhân gây suy hô hấp gồm có:

- Nguyên nhân thường gặp nhất là tại phổi, như viêm phổi, xơ phổi, nguyên nhân làm bệnh nhân bị chấn thương thành ngực, hạn chế cử động, hạn chế quá trình hít thở thì cũng dẫn đến suy hô hấp.

- Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư ảnh hưởng trực tiếp đến phổi. Vì vậy có thể nói, ung thư phổi là căn bệnh ung thư thường gây suy hô hấp nhất. Tuy nhiên, một số loại ung thư khác như ung thư vú, ung thư xương… nếu có di căn qua phổi gây tràn dịch màng phổi thì cũng làm cho bệnh nhân bị suy hô hấp.

- Tổn thương trung tâm điều hòa hô hấp tại não (do khối u hoặc chấn thương).

- Tắc nghẽn đường dẫn khí. Khi chúng ta hít thở thì không khí phải qua mũi, sau đó qua thanh quản, khí quản rồi mới đến phổi. Nhưng vì một nguyên nhân nào đó làm tắc nghẽn đường dẫn khí (như u thanh quản, u khí quản) cũng làm bệnh nhân bị suy hô hấp.

2. Những triệu chứng nào cảnh báo suy hô hấp ở bệnh nhân ung thư?

Thưa BS, đâu là những triệu chứng điển hình của suy hô hấp mà người bệnh có thể nhận biết ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Bệnh nhân thường có cảm giác thở không đủ, bứt rứt, thở nhanh hơn, thở mạnh hơn, co kéo cơ hô hấp. Nếu kéo dài bệnh nhân sẽ có tình trạng vật vã, lừ đừ.

3. Đo SpO2 có phát hiện tình trạng suy hô hấp ở bệnh nhân ung thư?

Máy đo SpO2 kẹp tay được sử dụng nhiều trong đợt dịch vừa qua. Vậy với người bệnh ung thư, dụng cụ này có giúp phát hiện tình trạng suy hô hấp?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Có thể. Nếu biết sử dụng máy SpO2 đúng cách thì đây sẽ là dụng cụ hỗ trợ đắc lực trong việc phát hiện tình trạng suy hô hấp ở bệnh nhân ung thư.

Bệnh ung thư là mạn tính, kéo dài. Người nhà chăm sóc khi thấy bệnh nhân thay đổi khác với tình trạng bình thường, chẳng hạn như đang tỉnh táo, đột ngột thở nhanh, thở mạnh hơn, vật vã thì nên đo spo2.

Lưu ý, ở những người lớn tuổi, bệnh nhân giai đoạn cuối sẽ có tình trạng lừ đừ, tiếp xúc chậm. Vì vậy, với những bệnh nhân này, nếu thấy lừ đừ, hỏi không trả lời hoặc trả lời không chính xác thì cũng nên kiểm tra tình trạng hô hấp.

4. Sơ cứu bệnh nhân ung thư bị suy hô hấp như thế nào?

Trong trường hợp bệnh nhân gặp tình trạng suy hô hấp nguy kịch, đã gọi cấp cứu nhưng chưa đến kịp. Trong khoảng thời gian này, người nhà nên làm gì?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Suy hô hấp ở bệnh nhân ung thư là tình huống khó xử lý tại nhà. Phần lớn các trường hợp đều phải đưa vào bệnh viện. Trong thời gian chờ đợi xe cấp cứu, người nhà nên:

- Đưa bệnh nhân đến nơi thông thoáng, không tập trung quanh bệnh nhân

- Cho bệnh nhân nằm nghiêng đầu một bên để tránh bị tụt lưỡi

- Dùng khăn hoặc gạc sạch quấn quanh ngón tay để móc nhẹ đàm nhớt cho bệnh nhân.

Trong trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có tím tái hoặc biểu hiện ngưng tim, ngưng phổi thì có thể thực hiện cấp cứu hồi sức tim phổi, chẳng hạn như hà hơi, thổi ngạt, kèm theo xoa bóp tim, lồng ngực.

Nếu bệnh nhân đã biết bệnh từ trước thì nên chuẩn bị sẵn máy tạo oxy cá nhân tại nhà, nếu xảy ra tình huống suy hô hấp và xe cấp cứu chưa đến thì có thể sử dụng.

5. Các phương pháp điều trị suy hô hấp nào đang được áp dụng?

Hiện nay trong y học có những phương pháp nào điều trị suy hô hấp, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Suy hô hấp không phải bệnh mà là biểu hiện (triệu chứng của một bệnh). Tùy theo bệnh gây ra suy hô hấp là gì thì sẽ có hướng xử trí phù hợp.

Chẳng hạn trong ung thư phổi, hiện có nhiều loại thuốc tốt, nếu bệnh nhân phù hợp với các loại thuốc này thì có thể được chỉ định sử dụng. Thuốc đáp ứng rất ngoạn mục, bệnh nhân có thể đỡ khó thở, đỡ dịch màng phổi, tỉnh táo, ăn uống được, hiệu quả kéo dài.

Hoặc nếu suy hô hấp do tràn dịch màng phổi trong ung thư phổi thì bác sĩ có thể chỉ định rút nước dịch màng phổi, giải áp cho phổi nở ra, đỡ chèn ép thì bệnh nhân sẽ đỡ khó thở, suy hô hấp trong một khoảng thời gian.

Khi bệnh nhân ung thư có dấu hiệu suy hô hấp nên gọi cấp cứu và đưa đến bệnh viện (Ảnh minh họa)

6. Phòng ngừa suy hô hấp ở bệnh nhân ung thư, cách nào hiệu quả?

Cuối chương trình, nhờ BS đưa ra lời khuyên dành cho bệnh nhân ung thư trong sinh hoạt, dinh dưỡng để phòng ngừa suy hô hấp ạ!

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Trong sinh hoạt, bệnh nhân nên có chế độ vận động, tập thể dục phù hợp với tình trạng bệnh. Mặc dù mình thấy mệt nhưng sức khỏe vẫn cho phép thì nên tập vận động nhẹ nhàng để tăng thể lực của cơ thể.

Song song đó, thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ các chất. Nếu cơ thể đang yếu, mệt, ăn một lần thấy ngán thì chia nhỏ các cữ ăn, có thể 6 - 7 - 8 bữa một ngày đều được. Uống nước đầy đủ. Điều này góp phần nâng cao thể trạng, đủ sức khỏe để chịu đựng các phương pháp điều trị, giảm tình trạng suy kiệt, suy hô hấp cho bệnh nhân.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X