Hotline 24/7
08983-08983

Sử dụng thuốc kháng sinh thế nào là đúng cách? Dùng sai gây hậu quả gì?

Thuốc kháng sinh có tác dụng tốt trong việc điều trị bệnh nhiễm trùng nhưng nếu sử dụng sai có thể dẫn đến tình trạng đề kháng kháng sinh, gây hại cho gan và thận, các phản ứng ngoài ý muốn… TS.BS Đinh Thạc, Bệnh viện Nhi đồng 1 sẽ đưa ra hướng dẫn dùng thuốc kháng sinh đúng cách.

1. Có mấy loại thuốc kháng sinh?

Đối với chúng ta khi nói về thuốc kháng sinh, đa số mọi người thường hiểu là thuốc tiêu diệt vi khuẩn (vi trùng), đây là quan niệm rất đơn giản.

Về mặt khoa học, kháng sinh là chất được chiết xuất từ nấm hay vi sinh vật tổng hợp hay bán tổng hợp để tạo ra thuốc điều trị. Khi vi khuẩn có cơ hội xâm nhập vào cơ thể chúng ta để nhân lên và gây bệnh. Thuốc kháng sinh sẽ tác động vào một trong các bộ phận trọng yếu nhất của vi khuẩn, nó sẽ kìm hãm hay tiêu diệt con vi khuẩn đó.

Có đến 3 loại thuốc kháng sinh:

  1. Kháng sinh kháng khuẩn: chống hay tiêu diệt vi khuẩn.
  2. Kháng sinh kháng nấm: chuyên dùng để trị nấm.
  3. Kháng sinh chuyên chống ung thư.

Thuốc kháng sinh kháng khuẩn được sử dụng rất phổ biến, hầu như các cơ sở y tế đều sử dụng nên chúng ta quen với loại thuốc đó, 2 loại sau ít được sử dụng hơn.

2. Những tác dụng phụ của thuốc kháng sinh đối với cơ thể?

Hiện nay, thuốc kháng sinh là loại thuốc cần được cân nhắc và theo dõi kỹ. Bên cạnh việc tiêu diệt vi khuẩn để chữa các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, viêm tai giữa… ngoài tác dụng điều trị, nó cũng gây ra các tác dụng phụ không mong muốn đôi khi gây hại đến sức khỏe chúng ta.

Phản ứng ngoài ý muốn hay gặp là dị ứng thuốc kháng sinh: nổi mẩn, ngứa, nổi mề đay, nặng hơn nữa, là sốc thuốc kháng sinh (tuy hiện tượng này không nhiều nhưng nó vẫn có thể xảy ra).

Tác dụng phụ ngoài ý muốn tiếp theo là gây độc cho tế bào.Tế bào là đơn vị cấu trúc cơ bản cho cơ thể. Nếu chúng ta sử dụng thuốc quá nhiều, không có sự theo dõi và điều tiết, nó sẽ tác động lên các cơ quan và gây ra các bất lợi, gây hại cho cơ quan đó.

Ví dụ như chúng ta sử dụng Vancomycin liên tục nhưng không chú ý, nó sẽ gây độc cho thận và tai. Các em bé sử dụng loại thuốc này lâu dần có thể bị giảm thính lực.

Hai cơ quan thường xuyên bị tác động bởi thuốc kháng sinh là gan và thận. Trong quá trình chuyển hóa, khi chúng ta sử dụng kháng sinh thì hai cơ quan đó sẽ tiếp nhận thuốc kháng sinh. Những người bị yếu gan, yếu thận cần phải chú ý: người cao tuổi sử dụng thuốc kháng sinh cần phải cân nhắc, phải có sự tư vấn và theo dõi rất kỹ từ bác sĩ để đưa ra liều lượng phụ hợp, vừa có tác dụng điều trị vừa bảo vệ gan và thận.

3. Khi dùng thuốc kháng sinh có cần kiêng cữ gì không?

Hiện nay, nguyên tắc đầu tiên khi sử dụng thuốc kháng sinh là tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Cũng có loại thuốc chúng ta sử dụng không được uống với nước gì thì bác sĩ sẽ căn dặn chúng ta kiêng loại nước đó, ví dụ như uống kháng sinh thì không uống sữa. Vì trong sữa có canxi, canxi sẽ cạnh tranh với kháng sinh khi được hấp thu nên kháng sinh sẽ bị loại, hiệu quả điều trị không cao…

Chúng ta cũng cần tuân thủ đúng liều lượng do bác sĩ kê toa, đúng thời hạn trong ngày và khoảng thời gian điều trị là bao lâu: 5 ngày, 7 ngày, 2 tuần…

Trong những ngày đầu uống thuốc kháng sinh, chúng ta cần theo dõi nếu có phản ứng phụ xảy ra, nếu có thì trở lại gặp bác sĩ để có sự lựa chọn kháng sinh phù hợp, mang lại an toàn cho người bệnh.

4. Các tác hại khi uống thuốc kháng sinh tùy tiện là gì?

Nhiều bậc phụ huynh thấy con mình bị bệnh, họ mong con của mình mau hết bệnh, nhất là các em bé bị ho, sốt. Một em bé dưới 5 tuổi bị sốt 2 ngày, thay vì đưa con đi khám bác sĩ người nhà lại ra nhà thuốc mua thuốc kháng sinh về cho bé uống để em bé hết bệnh.

“Kháng sinh sẽ tiêu diệt được bệnh hoàn toàn” nhưng suy nghĩ như vậy là hoàn toàn chưa đúng.

Thứ nhất, mình không biết bệnh gì để cho trẻ uống thuốc kháng sinh. Thứ hai, mình không biết liều lượng: em bé uống thuốc không đúng liều lượng và đủ thời gian thì nguy cơ gây ra tình trạng đề kháng kháng sinh ngày càng tăng. Nếu em bé uống quá liều: nhẹ có thể gây ngộ độc buồn nôn, khó chịu, nặng hơn có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng.

5. Phụ huynh có nên chia thuốc kháng sinh theo cân nặng cho bé uống hay không?

Khi uống thuốc kháng sinh, mỗi loại thuốc kháng sinh sẽ điều trị được một vài loại bệnh cụ thể. Như vậy, khi chúng ta sử dụng toa thuốc có một loại thuốc kháng sinh trị bệnh trong nhiều ngày, nhiều lần như vậy chưa phù hợp.

Trẻ em không phải người lớn, ví dụ như em bé 30kg, người lớn 60kg mình chia liều ra làm đôi nhưng mình không hiểu được nguyên tắc. Sử dụng thuốc kháng sinh cần được căn cứ vào cân nặng thật của bé. Tùy theo thuốc kháng sinh sẽ có milligram phù hợp cho đợt điều trị đó, mỗi thuốc kháng sinh sẽ có milligram khác nhau nên phụ huynh không biết như thế nào.

Có thể lần này em bé uống thuốc đáp ứng điều trị tốt, nhưng những lần sau sẽ xảy ra các bất lợi nhưng những lần sau nó sẽ xảy ra bất lợi: thứ nhất, thuốc sẽ không còn giá trị. Mỗi toa thuốc chỉ có giá trị trong vòng 5-7 ngày, mỗi lần đợt bệnh tái phát có thể do nguyên nhân khác, chúng ta phải chọn lựa kháng sinh khác. Khi em bé bị bệnh, ta không nên lấy toa thuốc cũ của người lớn cho em bé uống. Chưa kể, có thể em bé sẽ bị các phản ứng bất thường, phản ứng bất lợi khi dùng thuốc.

Thay vì tự mua thuốc cho trẻ uống, phụ huynh cần đưa con đến cơ sở y tế. Đến đó, bác sĩ sẽ khám, chẩn đoán, trẻ có bệnh rõ ràng bác sĩ sẽ cho chỉ định và bác sĩ sẽ hướng dẫn cách uống thuốc điều trị theo dõi tại nhà. Quan trọng là đạt hiệu quả nhất cho cháu.

6. Cần lưu ý điều gì để sử dụng thuốc kháng sinh hợp lý?

Hiện nay có các nguyên tắc quan trọng trong vấn đề sử dụng thuốc kháng sinh.

Nguyên tắc đầu tiên là đi khám để bác sĩ tìm ra nguyên nhân em bé bị nhiễm trùng do vi khuẩn hay do tác nhân khác. Nếu em bé bị nhiễm vi khuẩn, em bé sẽ sử dụng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Chúng ta sẽ chọn lựa thuốc kháng sinh phù hợp theo tác nhân gây bệnh và liều lượng sẽ đúng với lứa tuổi của bé dựa trên cân nặng. Ví dụ như em bé nặng 10 kg sử dụng bao nhiêu kháng sinh mỗi ngày.

Điều quan trọng thứ hai là uống kháng sinh phải uống đúng cách: nhiều em bé không uống kháng sinh được, pha nước này nước kia vào sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả của thuốc.

Đa số thuốc kháng sinh hiện nay sử dụng theo đường uống cho các bệnh nhiễm trùng ở mức độ nhẹ hoặc là trung bình, ví dụ như viêm họng, viêm phổi, viêm mũi… được điều trị tại nhà. Tuy nhiên, cũng có trường hợp em bé bị bệnh nặng, phải nhập viện sẽ dùng kháng sinh đường tiêm chích. Đây là một trong các lựa chọn để đạt hiệu quả cao, nhất là các bệnh nguy hiểm như viêm màng não, viêm phế quản, viêm tai giữa phải có nồng độ kháng sinh cao thì mới tiêu diệt được con vi khuẩn đó.

Một số loại kháng sinh sử dụng khi có nhiễm trùng trên da, chúng ta phải hỏi ý kiến của bác sĩ nên sử dụng với liều lượng nào, thời gian bao lâu? Bôi kháng sinh trên da rất dễ xảy ra phản ứng, có những trường hợp thuốc đã gây ảnh hưởng đến da rất nhiều. Trường hợp chưa cần dùng kháng sinh, các bác sĩ chuyên khoa khuyên nên sử dụng thuốc sát khuẩn ngoài da sẽ tốt hơn.

Kháng sinh phải sử dụng đúng thời gian (không bỏ ngang kháng sinh). Như vậy, nó sẽ bảo đảm được liệu trình điều trị hiệu quả. Khi sử dụng thuốc kháng sinh có thể xảy ra bất cứ phản ứng phụ, bất cứ cơ địa nào thì phụ huynh cần phát hiện sớm và theo dõi nếu em bé có các biểu hiện nôn mửa, buồn nôn, chóng mặt, khó thở, nổi mẩn khắp người… thì chúng ta cần cho bé đến ngay cơ sở y tế để bác sĩ khám lại và cho các loại kháng sinh phù hợp hoặc các biện pháp điều trị tích cực hơn để cải thiện các vấn đề đó nhằm đảm bảo sức khỏe cho các cháu.

Trọng Dy (ghi)

Nguồn: video “Sử dụng thuốc kháng sinh đúng cách” - TS.BS Đinh Thạc, giảng viên khoa Y - Đại học quốc gia và trưởng khoa Tâm lý - Bệnh viện Nhi đồng 1

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X