Hotline 24/7
08983-08983

Stress, lo âu, mất ngủ do hậu COVID-19, nên dùng thuốc gì?

Trong chương trình truyền thông và giáo dục sức khỏe tháng 10/2021 do Phòng Khám Đa khoa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thực hiện, ThS.BS Lê Thành Tân đã giải đáp nhiều thắc mắc của khán thính giả về các vấn đề gặp phải sau COVID-19 như stress, trầm cảm, tổn thương khi chứng kiến người thân mất vì dịch bệnh... Câu trả lời đã được AloBacsi trích dẫn trong bài viết sau đây.

1. Trầm cảm hậu COVID-19, cách nào để cải thiện?

Bệnh nhân sau khi điều trị COVID-19 vài ngày thì trở nên trầm cảm, buồn chán, có những liệu pháp gì giúp cải thiện tình trạng này không ạ?

ThS.BS Lê Thành Tân - Giảng viên Bộ môn Tâm thần tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch trả lời: Nếu bạn là bệnh nhân phải điều trị ở bệnh viện thì gần như tình trạng bệnh của bạn là khá nặng. Trong phân nhóm bệnh nhân nằm viện, tỷ lệ bệnh nhân trầm cảm, lo âu, mất ngủ hậu COVID-19 rất cao. Nếu đã có những triệu chứng này, chắc chắn bạn nên tìm đến những cơ sở điều trị phù hợp để các BS tâm thần có thể kê thuốc hỗ trợ, hoặc có những liệu pháp tâm lý can thiệp lâu dài.

Riêng bản thân người bệnh, ngoài sự tư vấn, giúp đỡ từ bác sĩ tâm lý, bệnh nhân cũng cần luyện tập thể dục thể thao đều đặn, xây dựng thói quen sinh hoạt tốt, giữ trạng thái tinh thần tốt, kết nối với người thân, bạn bè…

ThS.BS Lê Thành Tân tham gia báo cáo và giải đáp nhiều thắc mắc cho khán thính giả xoay quanh vấn đề tâm lý, tâm thần, di chứng sau COVID-19

2. Ám ảnh sau chứng kiến người thân mất vì COVID-19, làm sao để khắc phục?

Cho em hỏi, em 35 tuổi, bị hậu COVID-19 do chứng kiến nhiều người trong nhà từ lúc bắt đầu ốm đến khi đột ngột qua đời và còn nghe nhiều thông tin tiêu cực xung quanh và bị ám ảnh về nó, em luôn lo âu. Liệu có cách khắc phục nào để phục hồi không ạ?

ThS.BS Lê Thành Tân - Giảng viên Bộ môn Tâm thần tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch trả lời: Việc bị ám ảnh về những tổn thương trong COVID-19 là giai đoạn sớm của PTSD (Hội chứng stress sau sang chấn). PTSD khi hình thành bệnh sẽ rất khó chữa nên người ta thường tập trung vào việc phòng ngừa.

Nếu trong đầu bạn cứ lặp đi lặp lại những ký ức đau buồn, sự mất mát của người thân đến nổi ám ảnh trong đầu thì bạn nên điều trị sớm nhanh nhất có thể. Theo đó, bạn nên tìm gặp BS tâm lý hoặc điều trị bằng thuốc để không hình thành bệnh bởi việc chữa trị sẽ vô cùng khó khăn.

3. Có nên sử dụng thuốc an thần khi bị stress, lo âu, mất ngủ do hậu COVID-19?

Em gặp tình trạng stress, lo âu, mất ngủ nhiều, vậy việc sử dụng các thuốc an thần có hiệu quả như thế nào trong việc giải quyết các tình trạng này không ạ?

ThS.BS Lê Thành Tân - Giảng viên Bộ môn Tâm thần tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch trả lời: Chúng ta thường lầm tưởng thuốc an thần là thuốc ngủ. Trên thực tế, thuốc an thần có 4 nhóm chính và nhóm thuốc nào cũng có tác dụng lên giấc ngủ. Giấc ngủ là sự cân bằng giữa các chất dẫn truyền trong não. Chính vì vậy, các thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc loạn thần, thuốc chống lo âu, thuốc ổn định khí sắc đều gây buồn ngủ.

Có nhiều tin đồn cho rằng uống thuốc an thần nhiều sẽ gây lú lẫn và bị nghiện. Thực chất, đây là tác dụng nhóm thuốc chống lo âu. Chính vì vậy, dường như các BS đều không kê đơn thuốc này cho bệnh nhân vì Bộ Y tế quy định rất chặt chẽ lên thuốc chống lo âu. Theo đó, chủ yếu BS sẽ kê đơn thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần để giải quyết các vấn đề mất ngủ, trầm cảm, lo âu. Bởi những thuốc này tương đối an toàn và ít gây nghiện hơn nên chúng ta có thể yên tâm sử dụng.

Chúng ta chỉ sử dụng thuốc an thần ở giai đoạn đầu để giảm triệu chứng. Nếu muốn điều trị bền vững, tinh thần được ổn định, ít bị lệ thuộc thì tuỳ theo bệnh nhân mà BS sẽ sử dụng thuốc chống trầm cảm để giải quyết tình trạng lo âu, vừa cải thiện tinh thần.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X