Hotline 24/7
08983-08983

Sốt xuất huyết ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách nhận biết

Sốt xuất huyết ở trẻ em có biểu hiện sốt cao, đột ngột và liên tục 2 – 7 ngày, khó hạ sốt, đau cơ, đau khớp, đau đầu. Khi có triệu chứng sốt xuất huyết, bố mẹ cần phải đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

1. Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em

Sốt xuất huyết ở trẻ em là bệnh truyền nhiễm do vi trùng Dengue gây ra, trẻ em bị bệnh sẽ có các triệu chứng sốt cao dẫn đến xuất huyết da, niêm mạc và trụy tim mạch dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Sốt Dengue và bệnh sốt xuất huyết Dengue là bệnh ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới lây truyền do muỗi vằn mang vi trùng Dengue lây cho con người.

Vật truyền bệnh từ người sang người là muỗi, đặc biệt là muỗi vằn. Loại muỗi này thường cư trú ở trong góc tối, đầm lây, nơi ẩm thấp và hoạt động bất kể ngày đêm.

2. Các triệu chứng sốt xuất huyết thường gặp ở trẻ sơ sinh

Sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ hay người lớn đều được thể hiện bằng các 5 triệu chứng phổ biến như sau:

- Trẻ bồn chồn, kích thích, vật vã li bì

- Các cơn nôn tăng lên

- Trẻ tự nhiên kêu đau bụng

- Số lần đi tiểu ít đi

- Có dấu hiệu chảy máu: Chảy máu cam, chảy máu chân răng…

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Khi có 1 trong 5 dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm trên, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Tại bệnh viện bác sĩ sẽ đánh giá thêm 3 dấu hiệu nữa gồm: phù nề, tràn dịch; gan to; tiểu cầu giảm để chẩn đoán tình trạng bệnh của trẻ.

Ngay khi có 5 dấu hiệu trên và được đưa đến viện, trẻ sẽ được điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Theo đó dưới 6 tiếng phải truyền dịch hoặc khuyến khích bệnh uống và các dấu hiệu này phải được cải thiện trong thời gian cấp cứu đó.

Với một số trẻ còn kèm theo các biểu hiện sốt cao, đột ngột và liên tục 2 – 7 ngày, khó hạ sốt, đau cơ, đau khớp, đau đầu cần phải đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

3. Cách điều trị bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em

Khi nghi ngờ con bị sốt xuất huyết, bố mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, không tự điều trị tại nhà.

Bé cần được nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Thức ăn nên ở dạng lỏng để bé dễ nuốt và không bị nôn ói. Nếu bé còn đang bú mẹ, cần tăng số lần cho bú. Sốt xuất huyết làm máu cô đặc, khó lưu thông nên bé cần được uống nhiều nước để tránh bị sốc, bởi tình trạng sốc chính là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người mắc bệnh.

Bệnh thường diễn tiến trong 7 ngày, phần lớn tự khỏi, tỉ lệ biến chứng nặng chỉ từ 3% - 5%. Người mắc bệnh nhất thiết phải đi khám, nếu xuất hiện các triệu chứng nặng như đau bụng, bứt rứt, chảy máu cam, chảy máu chân răng, tay chân lạnh… cần đưa ngay đến bệnh viện.

Cần theo dõi sát sao để kịp xử lý khi trẻ có biểu hiện bị sốc. Nếu thấy bé đau bụng, ói và tay chân lạnh toát thì cần đưa bé đến bệnh viện cấp cứu ngay. Một biểu hiện khác của tình trạng sốc là bé bỗng trở nên lừ đừ, có khi vật vã và không tỉnh táo. Bé cũng có thể giảm hẳn số lần đi tiểu nhưng lại thấy rất khát. Da bầm, môi xám cũng là một biểu hiện của sốc.

Những nốt đỏ ở da là do một số hồng cầu thoát khỏi thành mạch máu ra bên ngoài tụ dưới da gây nên hiện tượng xuất huyết dưới da. Các dấu hiệu này sẽ biến mất trong 5-7 ngày. Vì vậy không nên chữa trị theo cách dân gian như chà lá trầu lên da hoặc cạo gió, có thể làm tổn thương da của trẻ.

Khi trẻ mắc bệnh nên cho uống hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, không nên để trẻ sốt quá cao dễ dẫn đến co giật.

4. Sốt xuất huyết ở trẻ dưới 1 tuổi

Sốt xuất huyết ở trẻ dưới 1 tuổi thường có nhiều dấu hiệu khác nhau như: Trẻ quấy khóc và bỏ bú, có hiện tượng sốt thành đợt và xảy ra đột ngột thường kéo dài trong khoảng 2 tới 7 ngày và sốt trên 38 độ C, có dấu hiệu đau nhức, mệt mỏi, trẻ kém hoạt động và không thích đi lại chỉ thích nằm.

Trẻ dưới 1 tuổi bị sốt nhưng lại không kèm theo các triệu chứng khác như sổ mũi, tiêu chảy ho, đầu đau dữ dội và hạ sốt xong thì trẻ bị sốt lại, các nốt ban đỏ giống như bị muỗi cắn xuất hiện dưới cánh tay hoặc chân, lưng bụng thì đây chính là dấu hiệu sốt xuất huyết.

5. Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em

Đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ cũng như người lớn đều có chung 2 nguyên nhân gây bệnh:

- Do siêu vi trùng Dengue gây ra.

- Muỗi vằn hút máu người mắc bệnh mang đến cho người lành.

Dĩ nhiên sốt xuất huyết sẽ không lây từ người sang người như các mẹ thường lo lắng. Thông thường trẻ bị sốt xuất huyết cần phải được xác định trong 3 ngày đầu tiên kể từ ngày đầu tiên bé sốt.

Ngoài ra, các mẹ cũng nên lưu ý thời điểm đó có phải đang trong giai đoạn bùng phát dịch sốt xuất huyết ở trẻ em, hoặc người xung quanh có ai đang mắc bệnh hay không.

6. Khi nào cần xét nghiệm máu xác định sốt xuất huyết?

Trẻ có thể bị sốt bởi rất nhiều tác nhân, xét nghiệm máu sẽ giúp xác định chính xác nguyên nhân có phải là sốt xuất huyết hay không. Tuy nhiên, xét nghiệm máu chỉ có thể cho kết quả chính xác từ ngày thứ 3 bị sốt.

Nhiều bệnh nhi phải trải qua xét nghiệm máu đến 2-3 lần, nguyên nhân có thể đến từ việc bố mẹ nhớ sai số ngày bị sốt của con, hoặc bác sĩ chỉ định để xác định các bệnh khác như nhiễm trùng và sốt rét.

Nếu kết quả cho thấy dung tích hồng cầu tăng và lượng tiểu cầu giảm thì có thể kết luận là bé bị sốt xuất huyết.

7. Cách phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ?

Muỗi vằn là tác nhân truyền bệnh. Do đó, để phòng bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, bố mẹ cần cho con ngủ mùng, tránh để các vật dụng đọng nước xung quanh nhà, thả cá trong lu đựng nước để diệt lăng quăng. Nên chủ động liên hệ với các cơ quan y tế ở địa phương để phun thuốc diệt muỗi nếu thấy cần thiết.

Mẹ cần lưu ý sốt xuất huyết ở trẻ là một trong những bệnh thường gặp, nhất là khi có dịch hoặc ổ dịch xuất hiện ở nơi mình sinh sống thì các mẹ càng phái chú ý hơn để tránh cho con các nguy cơ nhiễm bệnh. Thường xuyên cập nhật các tin tức về tình hình lây nhiễm cũng như quan sát tình trạng của bé mỗi ngày để có thể phát hiện sớm nhất các triệu chứng mẹ nhé.

8. Sốt xuất huyết có lây không?

Theo ThS. BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: “Sốt xuất huyết ở trẻ không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh. Sốt xuất huyết chỉ lây qua muỗi Aedes (muỗi vằn) đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt”.

Như vậy, việc tiếp xúc trực tiếp giữa người khỏe mạnh và người bệnh sốt xuất huyết không làm lây bệnh. Thủ phạm lây truyền và có thể tạo thành dịch bệnh là muỗi Aedes.

Box:

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết như thế nào?

Tiến sĩ Vũ Đức Chính, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho hay ở miền Nam, dịch sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, còn ở miền Bắc, cao điểm vào thời gian từ tháng 3-4 và từ tháng 7 đến tháng 11.

“Muỗi vằn gây sốt xuất huyết phân bố trên toàn quốc, tập trung tại các thành phố, khu đô thị, đặc biệt ở khu vực miền Nam. Miền núi phía Bắc ít xuất hiện hơn”, TS Chính cho hay.


Đặc điểm nhận dạng loại muỗi Aedes là màu đen, thân và chân có những đốm trắng nên thường được gọi là muỗi vằn

Muỗi đốt người bị nhiễm virus mang mầm bệnh theo cơ chế hút máu. Virus phát triển trong con muỗi khoảng một tuần rồi truyền lên tuyến nước bọt. Sau thời gian này, muỗi đốt có khả năng truyền bệnh cho người lành.

Theo TS Chính, khi muỗi đã nhiễm virus, nó có thể truyền bệnh suốt đời. Vì vậy, chỉ một con mang mầm bệnh có thể truyền cho nhiều người. Đặc biệt, trứng của chúng có thể chịu được khô hạn hơn một năm và vẫn nở ra loăng quăng khi gặp nước.

Loại muỗi truyền bệnh này thông thường chỉ bay trong vòng 80-100 m hoặc có thể bay xa hơn tùy theo độ nhẹ, thậm chí chúng có thể đi theo các phương tiện giao thông, máy bay tới các khu vực khác kèm theo nguy cơ truyền bệnh tại nơi đó.

TS Chính lưu ý, muỗi vằn chỉ đốt đốt người vào ban ngày chứ không phải ban đêm. Thời kỳ cao điểm đốt người của nó là vào buổi sáng sớm và trước hoàng hôn. Tuy nhiên, người dân Việt Nam thường chỉ có thói quen dùng màn vào ban đêm. Điều đó làm tăng nguy cơ bị muỗi vằn đốt và mắc bệnh. Có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời

Nhiều người cho rằng chỉ bị sốt xuất huyết một lần trong đời, tuy nhiên, theo bác sĩ Hoàng Trung Cấp, đây là quan điểm sai lầm. Bác sĩ Cấp giải thích: “Hiện nay, thế giới lưu hành 4 týp virus sốt xuất huyết nên bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể tái nhiễm, thậm chí lần sau còn nặng hơn lần trước”.

Cụ thể, virus gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng virus đó.

Do vậy, mỗi người có thể sẽ mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời. Nếu mới mắc sốt xuất huyết lần đầu, người đó có thể nhiễm bệnh thêm 3 lần nữa bởi các tuýp virus Dengue còn lại.

“Nếu người mắc sốt xuất huyết lần hai, thủ phạm gây bệnh thường là týp vi trùng khác. Khi đó, hai kháng thể của hai týp vi trùng khác nhau cùng tồn tại trong cơ thể người sẽ làm bệnh trầm trọng hơn, gây phản ứng, làm tăng xuất huyết thành mạch, tăng cô đặc máu, choáng, trụy mạch…”, bác sĩ Cấp khuyến cáo.

Hạ Hân tổng hợp

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X